Trung tuần tháng 12 vừa qua, cặp tiên đồng ngọc nữ Isha Ambani và Anand Piramal, con của hai gia đình tài phiệt bậc nhất Ấn Độ đã nên duyên vợ chồng. Hôn lễ của họ được ước tính tiêu tốn tới 100 triệu USD, khiến người ngoài không khỏi lắc đầu liên tưởng đến bộ phim “Crazy Rich Asians” (tựa Việt “Con nhà siêu giàu Châu Á”) mới ra rạp vài tháng trước. Trong ngày trọng đại này, cả cô dâu và chú rể thi nhau vận những trang phục xa hoa đính đầy kim cương, trong khi lễ đường trải thảm đỏ kín đặc các ngôi sao Bollywood nổi tiếng, chẳng khác nào một lễ trao giải đình đám.
Khi đám cưới trở thành hình thức quảng bá văn hóa cưới hỏi
Vào cuối tháng 11, hai ngôi sao Bollywood hàng đầu là Deepika Padukone và Ranveer Singh chính thức tổ chức lễ cưới, sau 5 năm hẹn hò trong kín đáo. Đối với các nước khác, hai cái tên này có thể hoàn toàn xa lạ, nhưng tại Ấn Độ, Deepika và Ranveer có vị thế giống như Brad Pitt và Angelina Jolie tại Hollywood. Ngoài lễ cưới kiểu phương Tây bên hồ Como (Italia), Deepika và Ranveer còn tổ chức thêm 4 tiệc cưới khác theo phong cách truyền thống, lần nào cũng vô cùng xa hoa.
Tiếp đó, tới đầu tháng này, một lễ thành hôn còn đình đám hơn đã diễn ra giữa Priyanka Chopra – cựu Hoa hậu Thế giới kiêm diễn viên nổi tiếng với chàng ca sĩ trẻ Nick Jonas người Mỹ. Nếu như hôn lễ của Deepika và Ranveer trước đó chỉ nổi tiếng trong phạm vi Ấn Độ, thì đám cưới của Nick và Priyanka đã khiến cả thế giới phải theo dõi. Bên cạnh hôn lễ Công Giáo truyền thống với nhà thờ, váy cưới trắng thì Nick và Priyanka cũng cất công tổ chức đám cưới thứ hai theo phong cách Ấn Độ của nhà cô dâu.
Những hình ảnh ở bữa tiệc cưới kiểu Ấn của Nick và Priyanka đã được báo chí phương Tây phát tán, vô hình chung đưa văn hóa cưới hỏi nơi đây tới với đại chúng nước Mỹ. Trên các trang mạng xã hội, người phương Tây nhanh chóng bị hớp hồn bởi trang phục lộng lẫy, nhìn như bước ra từ trang truyện “Nghìn lẻ một đêm” của Priyanka và Nick Jonas. Nhiều người còn hứng thú tìm hiểu các phong tục cưới hỏi kiểu Ấn như mehndi (lễ mừng cô dâu) hay baraat (chú rể cưỡi ngựa tới nhà cô dâu) vì muốn học theo hai ngôi sao này.
Đám cưới tài phiệt bị chỉ trích
Dư âm hai đám cưới trên còn chưa tan hết, thì vào tuần trước, hôn lễ giữa Isha Ambani và Anand Piramal lại tiếp nối. Nếu như Nick – Priyanka và Deepika – Ranveer chỉ là kết hôn giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, thì đám cưới của Isha – Anand còn xa hoa hơn nữa khi kết hợp hai gia đình giàu có hàng đầu Ấn Độ. Đám cưới chính gồm tới 600 khách mời, trong số đó có ứng viên tổng thống nổi tiếng Hilary Clinton. Đặc biệt hơn nữa, hai gia đình Ambani và Piramal còn vung tiền mời nữ ca sĩ số một tại Mỹ – Beyoncé tới dự và trình diễn tiết mục đặc biệt tại lễ thành hôn của cặp uyên ương.
Tuy nhiên, trái với phản ứng khá tích cực của hai hôn lễ trước, thì đám cưới Isha – Anand đang nhận về không ít chỉ trích từ chính người dân Ấn Độ do tiêu xài quá độ. Nhiều người cho rằng, lễ thành hôn chỉ là cái cớ để hai gia đình giàu có ra sức khoe tiền, khoe của, nhân lúc thế giới còn chưa hết quan tâm tới chủ đề đám cưới Ấn Độ. Quan trọng hơn, trong thời kỳ phân biệt giàu nghèo lên đến đỉnh điểm ở Ấn Độ và nhiều người dân còn đang chật vật với đồng lương chỉ 20.000 đồng mỗi ngày; thì mọi hành động xa xỉ, phung phí khi tổ chức tiệc cưới đều khiến người dân nơi đây “nóng mắt”.
“Thay vì đổ tiền vào đàn hát, quần áo, cung điện làm lễ; thì sao họ không giảm chi phí xuống và lấy số tiền đó đóng góp cho đất nước nhỉ?” – một người Ấn Độ bức xúc chia sẻ trên Twitter – “Người dân ổ chuột đang cần nơi ở, người bệnh thì thiếu cơ sở y tế, trẻ em không được đến trường. Sao cứ phải phô diễn sự giàu có một cách quá đà như vậy?”. Một người dùng khác cũng lên án: “Thật đáng xấu hổ. Ở khắp đất nước này nông dân đang tự sát vì mất mùa, thất bát, người thành thị thì đói kém, thất nghiệp. Còn những người này thì thản nhiên vung tiền phí phạm chỉ nhằm đổi lại vài tiếng à ồ của người ngoài”.
Đối với nhiều người Ấn Độ, các ngôi sao ca nhạc hay phim ảnh có thể được thông cảm khi tổ chức hôn lễ đình đám. Bởi lẽ, bản thân là nghệ sĩ giải trí, nên đám cưới của họ cũng được xem như một sự kiện thú vị cho khán giả chiêm ngưỡng. Ngoài ra, với tư cách người của công chúng, họ sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Ấn Độ ra thế giới, đem lại nhiều lợi ích cho nước nhà.
Trong khi đó, đám cưới tài phiệt của Isha và Anand thì đi ngược lại tôn chỉ đó. Cả cô dâu và chú rể, dù là những cậu ấm cô chiêu thừa hưởng gia tài khổng lồ, nhưng họ đều không phải người của công chúng. Bởi vậy, họ chắc chắn không thể đại diện cho hình ảnh Ấn Độ trước con mắt quốc tế. Chưa hết, đồng tiền mà họ sở hữu có liên quan mật thiết tới hàng nghìn người dân Ấn Độ. Việc tiêu xài chúng hoang phí trở thành điều khó chấp nhận trong mắt người dân quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn này.
Nhiều người Ấn Độ nhận định, đám cưới từ trước tới nay đều là ngày vui, vừa đánh dấu sự cam kết trọn đời của lứa đôi, vừa là sự hợp nhất giữa hai gia đình. Bởi vậy, có tổ chức đám cưới lớn, linh đình cũng là điều không thể trách. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nước nhà còn nhiều nghèo đói, những người đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển quốc gia lại phô bày sự ăn chơi xa xỉ, tiêu sài hoang phí thì là thái độ không nên dung túng chút nào.