Thế giới “ciné ngầm”: những thiên đường trong bóng tối

Trong khi những tờ báo vẫn thở ngắn than dài về gu thẩm mỹ của khán giả sau một mùa phim Tết thì sâu trong ngõ phố Đặng Dung, nơi một quán cà phê nhỏ, mấy chục người chúng tôi cùng nhau thưởng thức một bộ phim Trung Quốc của đạo diễn Điền Tráng Tráng. “Tiểu thành chi xuân” (1948) – tên bộ phim – là một vở kịch ái tình cắc cớ, muộn màng diễn ra nơi một cổ trấn đã điêu tàn sau cuộc binh biến khốc liệt. Niềm u uất của con người, vẻ sáng tươi của trời xuân, qua ống kính của Lý Bình Tân, đẹp tuyệt. Một tối khác, chúng tôi lại cùng xem “Câu chuyện mùa xuân” (1990) của Éric Rohmer, đắm say trong khung cảnh miền thôn quê nước Pháp, nghe các nhân vật chính chơi nhạc Schumann và luận bàn triết học.

“Tiểu thành chi xuân” (1948)

Thành phố nào cũng có một thế giới ciné ngầm

Không ai có thể đếm được số lượng những rạp chiếu tự phát, nơi tất cả những gì người ta cần chỉ là một chiếc máy chiếu và một tấm màn chiếu – như kiểu những rạp chiếu lưu động thời điện ảnh hẵng còn là thú chơi lạ lẫm. Những rạp chiếu kiểu vậy gần như có thể mọc lên ở bất cứ đâu, trong những quán cà phê, trong những không gian làm việc chung, không gian triển lãm, trung tâm văn hóa, những lớp dạy ngoại ngữ quy mô nhỏ, những ngôi nhà. Andrei Tarkovsky từng viết: khi điện ảnh ra đời, đó là lần đầu tiên trong lịch sử con người tìm ra công cụ để ghi nhớ thời gian. Tôi sẽ thêm vào một vế, rằng điện ảnh không chỉ có quyền lực với thời gian, nó còn lây lan trong không gian – những ngóc ngách thuộc về đô thị.

Quãng 4-5 năm trước, tôi lần đầu tiên bước vào thế giới ciné ngầm, trong phòng chiếu của Doclab thuộc khuôn viên viện Goethe, và tôi đã bị một phen bất ngờ. Bất ngờ vì không ngờ có nhiều đến thế những kẻ mê say điện ảnh đang lưu lạc trong thành phố này. Bộ phim trình chiếu hôm ấy là “Chạng vạng Tokyo” (1957), kiệt tác những năm cuối đời của Ozu, bậc thầy “làm đậu phụ”. Kể từ đó, tôi đâm nghiện không gian của những phòng chiếu nho nhỏ thiếu tiện nghi, nghiện như cậu bé Toto nghiện “rạp chiếu bóng Thiên Đường”.

Không bị ám ảnh bởi yếu tố thương mại, đạo diễn Vũ Hoàng Điệp chọn cho mình một lối đi rất khác. Bức ảnh ghi lại cảnh cô vinh dự nhận tước hiệu “Hiệp sĩ nghệ thuật và văn chương” từ bà Frédérique Bredin – Chủ tịch Cơ quan Quốc gia về Điện ảnh và Hoạt hình Pháp CNC.

Nhiều khi nghe báo chí cảnh tỉnh, người ta cứ tưởng như đời sống tinh thần của lớp trẻ đã bị cơn lũ của những thảm họa giải trí cuốn phăng đi. Điều đó là một sự thật phiến diện. Mỗi lần “Đập cánh giữa không trung” được chiếu lại trong rạp chiếu nho nhỏ, xộc xệch của TPD – một trung tâm phát triển tài năng điện ảnh, không có lần nào thừa nổi một chỗ ngồi. Mùi ẩm mốc lâu ngày, những chiếc ghế ngồi không êm ái, không gian phòng chiếu chật hẹp, tất cả những bất tiện đó không ngăn được cả trăm khán giả ngồi lặng yên thưởng thức từ đầu tới cuối thước phim buồn bã của Nguyễn Hoàng Điệp và nán lại nghe Điệp giãi bày về cách thành phố đã đối xử độc ác như thế nào với những người trẻ tuổi trong phim.

Tôi cũng nhớ cả những buổi chiếu kín người xem của đạo diễn Síu Phạm. Bà đeo cái kính gọng tròn to tướng, tự nhận là bà bán phở ven đường, rồi trò chuyện về những bộ phim không tinh chỉnh, lắm lúc khôi hài, lắm lúc phá vỡ mọi phép tắc của điện ảnh chính tông, thế mà lại hàm đượm biết bao cái thở dài triết học, từ “Đó… hay đây?” (2012) tới “Căn phòng của mẹ” (2013) rồi “Con đường trên núi” (2017). Khán giả đã cười như nắc nẻ trước những tình huống khôi hài của một ông Tây hippie phóng con xe lên đường đèo Tây Bắc rồi cố xếp đặt cái chết của mình. Khán giả cũng đã lặng im khi ông bước vào quan tài, mang theo túi mì gói cùng chai rượu.

“Một nụ cười đem đến cả mùa xuân, một giọt lệ làm đen tối đất trời”, Trương Quốc Vinh với tài năng diễm tuyệt và cuộc đời bi ai là biểu tượng vĩnh viễn về cái đẹp duy mĩ trong môn nghệ thuật thứ bảy.
“Câu chuyện mùa xuân” gây ấn tượng bởi những góc quay chân thực và vô cùng lãng mạn về mùa xuân nước Pháp.

Giống như Dvorak đã say mê những đường ray xe lửa, đi đến bất cứ đâu cũng phải thử một chuyến tàu hỏa của vùng đất ấy, ở những thành phố dừng chân, tôi luôn cố gắng để được hòa mình vào đời sống ciné ngầm của nó.

Đó là một tháng trời ở Sài Gòn hơn hai năm trước, tuần nào cũng tới rạp chiếu của câu lạc bộ Art House Saigon để xem lại những thước phim kinh điển của Trương Quốc Vinh: “A Phi chính truyện” (1990), “Đông tà Tây độc” (1994), “Xuân quang xạ tiết” (1997). Một người hâm mộ cuồng nhiệt còn đem theo chiếc đèn thác Iguazu giống như chiếc đèn mà Hà Bảo Vinh đã ôm vào lòng khóc nức nở trong một xó Argentina nơi đã vắng bóng người tình. Đó là một mùa hè xem “Những chàng trai mùa hè” (2014) ở Huế, trong khu rạp cũ Đông Ba trên đường Trần Hưng Đạo. Đó là những tối ở Đà Lạt xem “Thân phận” (2017) của Bỉ, “Khu vườn mùa hạ” (1994) của Nhật hay những thước phim châu Âu về sự rạn nứt và đổ vỡ của mái ấm gia đình, để rồi khi bước khỏi rạp CineStar, cái lạnh tháng mười một của cao nguyên Lâm Viên chèn vào rét buốt.

Lưu bút của các khán giả nhí sau khi xem vở “Eugénie Grandet” tại CLB Hồng Hạc do nữ đạo diễn Việt Linh tổ chức.

Một tình yêu vô điều kiện và không thể từ bỏ

Trong cái thế giới ciné ngầm ấy, tình yêu nghệ thuật thứ bảy được trao đi mà không đòi hỏi sự hoàn trả. Gần 3 năm qua, đạo diễn Việt Linh duy trì câu lạc bộ Hồng Hạc. Trước ngày trở lại Pháp, cô giao lại nó cho những người học trò suốt thời gian qua đã giúp cô dịch phim, đưa tin, sắp xếp buổi chiếu mà chẳng cần gì trả lại. Còn người chủ quán cà phê Tổ Chim Xanh, tối thứ ba nào chị cũng chuẩn bị một tác phẩm điện ảnh để trình chiếu mà không thu phí.

Lại có cả những hội nhóm yêu phim kinh điển trên Facebook, những người đã làm phụ đề cho “Mưa rào” (1956) chỉ vì yêu nụ cười rạng rỡ như bình minh của Setsuko Hara, những người đã làm phụ đề cho “Satantango” (1994) dài 7 tiếng đồng hồ chỉ vì trót mê mệt những thước phim dài tưởng chừng vô tận, tỉ mỉ một cách nghiệt ngã và tàn nhẫn của Béla Tarr, hay đơn giản họ đã dịch lại gần trọn bộ các tác phẩm của Dương Đức Xương, từ “Câu chuyện Đài Bắc” (1985) tới “Một ngày hè tươi sáng hơn” (1991), “Nhất Nhất” (2000) chỉ vì điện ảnh Làn Sóng Mới Đài Loan hẵng còn là một khoảng trống trong đời sống ciné Việt.

Đạo diễn Trần Anh Hùng trong buổi chiếu “Câu chuyện Tokyo” thuộc chuỗi phim Flashback Now.

Và rồi giữa những đợt bay đi bay về, Trần Anh Hùng vẫn ngồi lại tuyển lựa những bộ phim mà anh tâm đắc nhất đem đến chuỗi chiếu phim Flashback Now. Nếu có một sự hoàn trả nào, thì chẳng là gì ngoài việc những bạn trẻ đến kín gian sự kiện của tòa nhà số 126 Minh Khai, thưởng thức tài hoa của Yasujiro Ozu, Kenji Mizoguchi, Robert Bresson. Đến cuối mỗi buổi, đạo diễn Trần Anh Hùng sẽ không quên hỏi mọi người: “Lần sau mình nên xem phim gì tiếp nhỉ?”.

Khán giả trẻ đã trượt khỏi đường ray của những giá trị tử tế ư? Tôi không tin thế. Chỉ độ vài tháng trước, trong một buổi chiếu của Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội ở Rạp Tháng Tám, khi “Ida” (2013) kết thúc ở đoạn người nữ tu bỏ đi khỏi căn nhà nơi cô cùng người tình chung sống cuộc đời thế tục, một khán giả lớn tuổi đứng lên phẫn nộ: “Phim chẳng ra thể thống gì!”, cùng lúc ấy, một nhóm những người chỉ độ tuổi 20 ngồi lại đến hết phần credit. Một người hỏi người nữ tu ấy đang đi đâu. Một người khác trả lời, cái đó không thể nào nói chắc, nhưng cô ấy đang đi trong tiếng nhạc của Bach, mà âm nhạc của Bach là âm nhạc của Thiên Chúa, âm nhạc của nhà thờ.

Hanoi Cinematheque bị đóng vĩnh viễn từ năm 2016.

Người ta gọi thế hệ tôi là một thế hệ xê dịch. Sự xê dịch ấy, nó không đơn thuần chỉ là những bước chân đi qua những ranh giới về địa lý, nó còn là sự tiếp nhận để thấu hiểu những gì đang diễn ra trong một thế giới không hề phẳng. Chúng tôi lao vào những buổi chiếu tưởng nhớ Abbas Kiarostami để thổn thức trước chất thơ của sự lưu đày, chúng tôi tự học cách thâm nhập, chất vấn, giải mã cuộc đời mình qua những chuỗi phim về Kafka, về Shakespeare, và quay trở lại với mảnh đất của chính mình, chúng tôi chia sẻ lại cho nhau những “Mùa ổi” (2000), “Thương nhớ đồng quê” (1995), “Thị xã trong tầm tay” (1983), “Bao giờ cho đến tháng mười” (1984) để suy xét lại quá khứ, để học những điều mà không một trường lớp nào sẽ dạy.

Mấy năm trước, khi Hanoi Cinematheque, rạp chiếu bóng bé nhỏ với chưa đầy trăm chỗ ngồi vĩnh viễn đóng cửa để nhường chỗ cho một trung tâm thương mại, chẳng ít người đã coi đó như một cú giáng quá mạnh của đô thị hóa vào những thiên đường tươi đẹp nơi những người yêu nghệ thuật trú chân. Nhưng nhớ lại buổi chiếu cuối cùng chật cứng người xem của Cinematheque một ngày đầu đông, và nhìn những rạp chiếu tự phát, những cộng đồng điện ảnh, những liên hoan phim cứ ngày một lớn lên, tôi chợt nghĩ việc Cinematheque ngưng hoạt động, đó chưa bao giờ, chưa bao giờ là một sự kết thúc.

Trang Facebook về phim kinh điển do các bạn trẻ lập ra, với tôn chỉ: “Tập trung giới thiệu những tác phẩm điện ảnh có giá trị nhân văn, xã hội, văn hóa và nghệ thuật đích thực, những tác phẩm bị lãng quên hoặc ít được phương tiện truyền thông nhắc đến”.

Bài: Hiền Trang


From the same category