Thế giới cảm xúc và cách đối diện với những bất hạnh cố hữu trong các tác phẩm của Banana Yoshimoto - Tạp chí Đẹp

Thế giới cảm xúc và cách đối diện với những bất hạnh cố hữu trong các tác phẩm của Banana Yoshimoto

Sống
Ở mỗi hoàn cảnh mà các nhân vật của Banana Yoshimoto đang sống, chúng ta đều nhìn thấy những vấn đề mà bản thân phải chịu đựng. Đôi khi, sự lựa chọn của các nhân vật giống nhau như ánh sáng để người đọc tìm ra con đường của riêng mình, hay việc đặt bản thân vào một góc nhìn khách quan hơn giúp chúng ta tìm ra lời giải trong khi nhân vật còn loay hoay với những nỗi đau chung.
Amrita: Chấp nhận nỗi đau để thích ứng

Người mẹ trong “Amrita” có một đời nhiều sự kiện hơn những người khác. Bà kết hôn lúc 19 tuổi, với người đàn ông lúc đó đã 40, sinh hai đứa con gái đầu lòng, không lâu sau thì mất chồng vì đột quỵ. Rồi bà tái giá, sinh được một đứa con trai. Nhưng cuối cùng lại ly hôn, rồi tai nạn giao thông cướp đi của bà đứa con gái thứ hai.

Cách người mẹ trong “Amrita” chọn đối diện với cuộc đời chính là cho phép mình được buồn bã. Vẫn sợ hãi sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, nên với những mối quan hệ sau này, bà chỉ dừng lại ở mức người yêu. Vẫn nghĩ về cái chết của đứa con gái, bà luôn tự hỏi đấy là một tai nạn hay con bé đã cố tình… Suốt mạch truyện, bà chưa hề tỏ ra mạnh mẽ, chỉ khóc và buồn rầu. Nhưng chắc chắn, ở bà có sự chuyển động dù rất chậm.

Cuộc đời của bà toát lên một chân lý: buồn bã cũng là một cách để đối diện với nỗi đau. Mà suy cho cùng, đó cũng là một lộ trình để vượt qua bất hạnh, giống như Kubler-Ross từng đề cập trong lộ trình 5 bước vượt qua nỗi khổ. Ở giai đoạn này bạn đã ngừng chối bỏ vấn đề, đặt tiền đề cho bước tiếp theo: chấp nhận và hòa hợp. Thay vì chối bỏ thứ ta không bao giờ thay đổi được, điều tốt nhất nên làm là xây dựng lại cuộc đời trên cái nền tảng méo mó đấy. Đó chính xác là điều mà người mẹ trong Amrita đã làm. Và với những ai cảm thấy đau khổ, bạn hãy nhớ rằng cho phép mình buồn bã cũng chẳng chết ai. Miễn là bạn biết tự hỏi, rằng tiếp theo mình sẽ làm gì?

Vĩnh biệt Tugumi: Đau khổ có được phép tồn tại?

Mẹ của Maria trong “Vĩnh biệt Tugumi” là một nhân tình. Bà làm việc ở nhà nghỉ của gia đình em gái. Cũng từ đây, bà gặp và yêu một gã khách đến từ Tokyo, đang gặp trục trặc với vợ nhưng mãi chưa ly hôn được. Hai người yêu nhau, sinh con, đặt tên theo Đức mẹ. Mãi đến khi Maria học hết trung học, ba người họ vẫn chưa thể về chung một nhà.Vì là một nhân tình, bà có một nỗi sợ bị bỏ rơi, sợ người chồng kia sẽ không bao giờ đến gặp hai mẹ con bà nữa. Chính vì vậy mà luôn phải sống trong tâm trạng bất an và mệt mỏi.

Dẫu vậy, bà không chối bỏ thực tại, mà đơn giản là không để thực tại bất hạnh ấy hủy hoại mình. Không một ý nghĩ tiêu cực nào xen lẫn vào từng khoảnh khắc đáng quý trong cuộc đời bà dù đổi lại là người khác, bất hạnh thường là cái cớ khả dĩ cho những hành động, suy nghĩ xấu mà họ làm nên. Bất chấp những ánh mắt săm soi, bà vẫn cùng chồng và con gái đi bộ ra biển vào mỗi cuối tuần, vẫn hạnh phúc như bao cặp gia đình khác. Cách bà đối diện với những nỗi lo lắng chính là tiết chế những lo lắng, để những cảm xúc đau khổ được tồn tại một cách có kiểm soát nhưng không cho phép chúng làm tổn hại đến những hạnh phúc, niềm vui trong cuộc đời mình.

Hồ: Sự tự do trong tâm hồn

Trong “Hồ”, mẹ của Chihiro là một mama quán bar, yêu gã đàn ông nổi tiếng nhất cái thị trấn quê mùa, chưa cưới nhưng có con ngoài giá thú. Chính vì cái hoàn cảnh đặc biệt ấy, mọi người bắt đầu bàn tán về bà. Thay vì mặc kệ lời nói của người khác, bà quyết định thay đổi bản thân. Từ một người phụ nữ nhẹ nhàng, tinh tế và đầy rung cảm bà khoác lên mình vẻ ngoài ăn to nói lớn, cười xòa cho qua trước bất kể chuyện gì, cao ngạo, vững vàng và sảng khoái.

Cách bà lựa chọn đối diện với những lời đồn giống như cách nhiều người chọn: sở hữu một cuộc đời bên ngoài và một cuộc đời khác hoàn toàn sau cánh cửa nhà. “Con người nên linh hoạt tùy vào hoàn cảnh”, có người nói thế. Tuy nhiên, linh hoạt không có nghĩa là bạn phải thay đổi cả bản thân mình. Về lâu dài, thái độ sống ấy chỉ dẫn đến một đời bất an, giống trạng thái mà người mẹ trong Hồ đã đặt cho một cái tên: “Cả đời sống lệ thuộc vào người khác”. Có lẽ, với ai cũng vậy, rằng chỉ cần sống trong ngoài như một là ta đã có được sự tự do trong tâm hồn.

Ảnh: Internet

Tác giả: Hằng Trần

23/05/2021, 07:00