Xem chuyện xưa, hiểu chuyện nay
Với tựa tiếng Việt là “Cuộc phiêu lưu của nhà Croods”, bộ phim thể hiện rõ tính giải trí và hướng tới gia đình. Tuy vậy, vượt trên những yếu tố bề mặt, qua mỗi biến cố xảy đến trong cuộc hành trình, “The Croods” đặt ra khá nhiều vấn đề lý thú về sự tồn tại và hướng đến cuộc sống mỗi ngày một ý nghĩa hơn.Điều lý thú đầu tiên là tác phẩm đậm chất hài hước này kể về thời tiền sử, xoay quanh một gia đình 3 thế hệ, nhưng mỗi thành viên của gia đình hiện đại hôm nay có thể soi thấy bóng dáng của mình. Đó là nhân vật người cha Grug không ngại hiểm nguy gian khó để bảo vệ mẹ, vợ và 3 đứa con. Ông lo sợ mọi cám dỗ, rình rập từ nơi có ánh sáng bên ngoài chiếc hang của mình.
Người vợ Ugga luôn thuận ý chồng hết mức, không phàn nàn gì về tư tưởng “sợ hãi là tốt; thay đổi là xấu” của chồng, cũng như cậu con trai Thunk luôn hài lòng với hiện tại, dù đôi khi cũng có những mối bất hoà nho nhỏ trong gia đình.
Điều phiền phức nhất với gia đình hiếm hoi tồn tại được giữa muôn trùng vây của sự khắc nghiệt trong thời tiền sử chính là cô con gái mới lớn Eep. Những quy tắc được nhắc đến hàng ngày của Grug có nguy cơ bị xâm phạm trước sự tò mò, không chịu đựng sự nhàm chán, bó buộc của “gia đình trong hang”.
Cuộc sống quẩn quanh trong tổ ấy của nhà Croods đến một ngày cũng được “tiến hoá” dần khi có sự “khai sáng” của Guy, chàng trai mang đến những “phát minh” đáng kinh ngạc như lửa và… giầy.
Đến đây thì các bạn trẻ có thể cười vang trước những tình huống trớ trêu mà nhà Croods phải đương đầu khi “cố thủ” trong hang, khi bất đắc dĩ phải rời khỏi hang, ngơ ngác đối diện với một thế giới mới đầy khác lạ. Nhưng các bậc phụ huynh thì có thể vừa bật cười, vừa ngẫm nghĩ: Hoá ra thế giới hiện đại ngoài phim vẫn còn đầy những bóng dáng của Grug, Gran… của hàng triệu năm trước.
Vẫn còn đó sự bảo thủ, tránh né cái mới, tự nhốt bản thân mình và người khác trong lồng, đóng khung trí tưởng tượng, thiếu đồng cảm giữa các thế hệ, có tình thương nhưng thiếu văn minh… Còn đó cả những hờn giận vu vơ, băn khoăn trước biến đổi dậy thì hay khủng hoảng tuổi trung niên mà hết thế hệ này đến thế hệ kia, dẫu đã biết rõ, nghe nhiều, nhưng vẫn… lặp lại. Nhưng hơn cả vậy, đó còn là sự thích thú dám thử thách và biết kiến tạo ra những thứ hữu ích với đời sống, mở rộng nhãn quan và tư duy để gắn kết với nhau hơn và cùng sáng tạo.
Như trong phim, hiện tại của nhà Croods là thôi thúc khám phá và vươn lên không ngừng để con đường đến với “Ngày Mai” hứa hẹn những điều kỳ thú. Và cũng bởi, “nếu không tiến hoá thì sẽ tiêu đời”.
Là bộ phim hoạt hình, phiêu lưu, hài hước, “The Coods” lại động chạm đến rất nhiều sự kiện, bước ngoặt và điển tích lịch sử. Khán giả có thể liên tưởng ngay đến Thuyết tiến hoá của Darwin, tinh thần sáng tạo có mồ hôi và sự may mắn của Edison, phát minh máy bay của anh em nhà Wright, những cải tiến về máy ảnh của qua hàng trăm năm; thậm chí, những hoạt động của nhà Croods gợi đến phát minh về tàu vũ trụ, khám phá không gian bao la…
Ngay cả những thứ đơn sơ, giản dị nhất của con người ngày hôm nay đã được soi chiếu lại qua góc nhìn hóm hỉnh khi con người tiền sử đến với lửa, biết làm chín thức ăn, không còn để chân trần, hiểu tại sao mình lao động.
Với một bộ phim giải trí có sự lồng tiếng của những ngôi sao hàng đầu như Nicolas Cage, Emma Stone, Ryan Reynolds…, được đánh giá tốt từ các nhà phê bình thì ý nghĩa của nó hẳn không chỉ ở những đổi thay bắt đầu từ thời tiền sử.
Xem phim, ta sẽ tự hỏi rằng: Khi thế giới tự nhiên vận động không ngừng và con người cũng đang nằm trong dòng chảy của sự tiến hoá không hạn định thì liệu rằng tâm hồn, cách tư duy, lòng khoan dung sâu bên trong mỗi người có được “tiến hoá” với thời gian?
Soi sự “tiến hoá” của hạng mục Phim hoạt hình
Trừ “Despicable Me 2” (Kẻ trộm mặt trăng 2) và “Ernest & Célestine” (Gấu Ernest và chuột Ceslestine) thì 3 phim còn lại được đề cử ở hạng mục Phim hoạt hình của giải Oscar lần thứ 86 có một điểm chung, đó là mang màu sắc cổ tích, huyền thoại hoặc có yếu tố lịch sử.
Ngoài “The Croods” với bối cảnh thời tiền sử như kể trên thì bộ phim vừa mang về giải Quả cầu vàng “Frozen” (Nữ hoàng băng giá) dựa trên câu chuyện gốc “The Snow Queen” (Bà chúa tuyết) xuất bản năm 1845 của nhà văn Đan Mạch Andersen. “The Wind Rises” (Dù gió có thổi) kể câu chuyện về cuộc đời của Jiro Horikoshi, người thiết kế máy bay chiến đấu của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Trong số 5 phim này,
“Despicable Me 2” khó có cửa được xướng tên. Dẫu đây là bộ phim từng làm mưa làm gió trong mùa hè năm qua, nhưng phải nói công bằng: phần tiếp theo này không thực sự xuất sắc và nổi bật. Vị trí này nên dành cho sáng tạo của Pixar trong năm qua là
“Monsters Inc.” (Lò đào tạo quái vật) thì hợp lý hơn.
“Ernest & Célestine” của Pháp thực sự là bộ phim hoạt hình thú vị. Không cần cầu kỳ về tạo hình và công nghệ, tác phẩm gây ngạc nhiên cho người xem qua sự sáng tạo của nhà làm phim xoay quanh mối quan hệ “bất thường” của gấu Ernest và chú chuột nhỏ Célestine.
Tuy vậy, tượng vàng Oscar khó mà thuộc về tác phẩm này, cũng giống như rất ít khả năng được trao cho “The Wind Rises”. Trong khi đó, nói một cách công bằng, bộ phim tuyệt hay và đầy cảm xúc của Nhật Bản với phần thuyết minh của dàn ngôi sao trẻ tài năng và cá tính, bao gồm Joseph Gordon Levitt, Emily Blunt, Elijah Wood… mới là tác phẩm xứng đáng nhất.
Từ logic đó, sự cạnh tranh đi đến tượng vàng Oscar chỉ còn là hai bộ phim của Hollywood
“The Croods” và
“Frozen”. Với những thành tích đã đạt được thì
“Frozen” mang nhiều ưu thế hơn. Tuy nhiên,
“The Croods” là bộ phim hài hoà nhất, để nếu chọn ra một một phim hoạt hình đáng xem dành cho cả gia đình, có đủ những điều thú vị của các đề cử còn lại, từ hài hước, mới mẻ đến sâu sắc, ý nghĩa, thì chắc chắn đó phải là
“The Croods”.
Bài: Bùi Dũng
Ảnh: Dreamworks
>> Có thể bạn quan tâm: Không ít tiếng hồ hởi, mừng vui khi “Những người viết huyền thoại” ra rạp. Ấy vậy mà cuối cùng, tác phẩm đã thắng nhiều giải thưởng điện ảnh ấy xuất hiện chỉ để nhận lấy sự thất bại trước công chúng.
Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!