“The Bling Ring” và “Spring Breakers” là hai bộ phim liên tục được đem ra so sánh trong năm nay khi đều kể về nhóm bốn nữ một nam với những hành động quá khích. Nếu xét về mặt hình ảnh, thì “Spring Breakers” (tạm dịch: Những kẻ phá bĩnh mùa xuân) với nam diễn viên điển trai James Franco cùng các kiều nữ Vanessa Hudgens, Selena Gomez ăn mặc khiêu trên poster hẳn sẽ kéo được phần đông khán giả ra rạp. Tuy nhiên, “The Bling Ring” (tạm dịch: Băng đảng hào nhoáng/Băng nhóm Bling Ring) với sự trở lại của nữ đạo diễn Sofia Coppola cùng ngôi sao tuổi teen Emma Watson, lại hoàn toàn đánh bại đối thủ về độ nóng sốt.
Thoạt tiên, câu chuyện của “The Bling Ring” nghe có vẻ hoang đường và có phần hơi buồn cười. Một nhóm bạn tuổi teen lên kế hoạch đột nhập vào nhà của các ngôi sao nổi tiếng như Paris Hilton, Lindsay Lohan, Orlando Bloom để trộm đồ. Thông tin và địa chỉ của họ đơn giản được lấy từ google maps và các trang báo lá cải như TNZ, Dlisted, còn chìa khóa thì lại được đặt sẵn dưới thảm cửa.
Kịch bản do chính tay Sofia Coppola chắp bút vốn dựa vào một sự kiện có thật đã từng được đăng trên Tạp chí Vanity Fair trong năm 2010 với tên gọi “The Suspects Wore Louboutins” (tạm dịch: Những nghi phạm mang giày Louboutins). Băng đảng ngoài đời chủ yếu hoạt động quanh vùng Calabasas, California. Trong vòng một năm từ 10/2008 đến 08/2009, họ đã ăn trộm và tẩu tán được khoảng 3 triệu USD tiền mặt và đồ đạc các loại.
Có thể thấy rằng ngoài Emma Watson thì bốn thành viên còn lại đều là những gương mặt mới toanh, hoặc vừa bước chân vào làng điện ảnh trong vòng 2-3 năm nay. Trong đó, hẳn Israel Broussard và Katie Chang là hai nhân vật được chú ý hơn cả.
Nam diễn viên sinh năm 1994 Israel Broussard vào vai Marc, chàng trai duy nhất bên cạnh bộ tứ xinh đẹp. Ngay từ khi vừa xuất hiện, Marc cho thấy mình là một người có chút vấn đề. Cậu bé tỏ vẻ lo lắng về ngoại hình của mình trước khi bước chân vào ngôi trường mới. “Cháu nghĩ là cháu xấu xí”, cậu thổ lộ. Nỗi sợ hãi về chính bản thân mình khiến cho cậu trở nên rụt rè trước những lời xì xầm bàn tán của người khác và im lặng khi bị chửi vào mặt là “đồ thảm hại”. Chỉ khi gặp được Rebecca và tham gia vào nhóm bạn thì Marc mới bắt đầu thể hiện được bản thân. Cậu thích đeo giày cao gót và mân mê những món đồ thời trang hệt như con gái. Tính cách đó hẳn sẽ khiến nhiều người đoán được Marc là dân đồng tính, đồng thời cũng giải thích tại sao cậu luôn ngại ngùng khi tiếp xúc với mọi người.
Trong khi đó, Rebecca của Katie Chang là một cô nàng cá tính và luôn sẵn sàng ở thế chủ động, trái ngược với tính cách của Marc. Ở ngoài đời, Katie Chang là cô bé nhỏ tuổi nhất trong nhóm. Cô bé mang trong mình dòng máu Hàn Quốc của bố, vốn tham gia đoàn làm phim khi chỉ mới 16 tuổi. Tuy nhiên, khi thể hiện cô nàng trưởng nhóm của Bling Ring thì Katie Chang lại hoàn toàn là một người khác. Trông cô có vẻ chững chạc hơn so với độ tuổi của mình và thể hiện đúng chất của một “chị cả”. Cô bé không ngần ngại tâm sự với cậu bạn mới quen về niềm đam mê thời trang của mình.
Cũng chính Rebecca là người dạy cho Marc những ngón nghề trộm cắp, từ việc mở cửa xe để lấy ví tiền cho đến đột nhập vào những căn hộ sang trọng. Đó cũng là lý do mà Marc thú nhận rằng mình yêu quý Rebecca như một người chị: “Cô ấy là người đầu tiên cháu cảm thấy như là bạn thân thiết”.
Trở lại với Emma Watson, cô vẫn xuất hiện với kiểu diễn “I’m not a girl, not yet a woman”, không còn là cô bé gái nhí nhảnh nhưng chưa đủ độ già dặn, trưởng thành để trở thành một người phụ nữ. Vai diễn Nicki của Emma trong phim thực sự đúng nghĩa là một drama queen (nữ hoàng lắm chiêu) chính hiệu.
Có thể thấy được rằng cả Emma Watson lẫn Nicki đều là những người biết cách diễn trước ống kính. Chẳng hạn ở đầu phim cô thú tội một cách vừa thành khẩn vừa tự tin như thể việc mình làm chẳng có gì là sai trái: “Tôi là người tin chắc vào luật nhân quả, và tôi nghĩ tình huống mình mắc phải trong đời này là một bài học lớn cho tôi để trưởng thành…”. Hay khi trả lời cho Vanity Fair, Nicki vừa quát vào mặt mẹ mình xong liền quay sang phóng viên với đôi mắt long lanh nước. Nhiều ý kiến cho rằng Emma Watson trong phim không khác một Mary Louise Parker khi trẻ là bao. Dù đúng dù sai thì không thể phủ nhận rằng vai diễn trong “The Bling Ring” càng chứng tỏ Emma Watson là một ngôi sao tài năng.
Phần âm nhạc cũng là một điểm sáng của bộ phim. Đảm nhận phần score của “The Bling Ring” là Brian Reitzell, người đã từng cộng tác với Sofia Coppola trong những “The Virgin Suicides”, “Lost In Translation” và “Marie Antoinette” trước đó. Lần này, có vẻ anh đã cố gắng bắt kịp hơi thở âm nhạc đương đại để hòa vào không khí chung của bộ phim, với sự hỗ trợ từ rapper Kanye West và Phoenix – nhóm nhạc rock mà chồng của Sofia tham gia.
Mười bảy ca khúc pha trộn từ nhiều thể loại nhưng chủ yếu là những bản hip-hop/rap có giai điệu rộn ràng, sôi động được đông đảo giới trẻ yêu thích như “212” của Azalia Banks, “Bad Girls” của M.I.A hay “Super Rich Kids” của Frank Ocean, khiến cho bộ phim trở thành một bữa tiệc âm nhạc hoành tráng. Ngay cả khi chưa xem phim thì đĩa sountrack của “The Bling Ring” cũng xứng đáng có mặt trong bộ sưu tập của bạn.
Vẫn lựa chọn về đề tài học đường nhưng “The Bling Ring” không hề có những tiết học thú vị hay thầy cô vui tính như các bộ phim khác. Ngược lại, trong bộ phim, các các cô cậu tuy mới chỉ ở tuổi thanh thiếu niên nhưng không tập trung vào sách vở mà lao đầu vào ma túy, rượu chè, tiệc tùng, ăn chơi sa đọa.
Nhìn lại cả năm thành viên trong nhóm, thì cả Rebecca, Chloe và chị em nhà Nicki đều là con cái của những gia đình khá giả, thậm chí là giàu có nhưng lại có sở thích trộm vặt, dùng tiền của người khác thay vì sức lao động của bản thân. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình Rebecca và Nicki đều có những rạn nứt, người sống với mẹ, người phải ở với bố. Chính điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý của những đứa trẻ. Nicki rõ ràng mắc bệnh ngôi sao di truyền từ người mẹ, trong khi Rebecca thì có mơ ước nhưng lại dửng dưng như thể không quan tâm đến cuộc sống của chính mình. Do đó, “The Bling Ring” không chỉ hướng đến đối tượng khán giả trẻ tuổi mà còn là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh đang nuôi nấng con em của mình.
Ở khía cạnh này thì Sofia Coppola không chỉ thành công trong âm nhạc mà còn khai thác được góc khuất của giới trẻ thời đại. Tiêu biểu là những màn ưỡn ngực khoe mông trong quán bar để chụp ảnh, hay là liên tục tự sướng để đăng lên các mạng xã hội Facebook, Twitter. Có thể nói rằng “The Bling Ring” là phiên bản cập nhật mới mẻ và gần gũi hơn của tác phẩm đầu tay, “The Virgin Suicides”.
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Lindsay Lohan được nhắc đến không ít lần trong bộ phim này. Nữ diễn viên lừng lẫy một thời này chính là ví dụ điển hình của lối sống hào nhoáng, cộng hưởng từ những đổ vỡ của gia đình. Thực tế thì Lindsay Lohan cũng từng gây ồn ào khi dính vào trộm cắp vặt nơi công cộng. Cuối phim, Nicki được xếp chung phòng giam với Lindsay như thể báo hiệu rằng tương lai của cô cũng mù mịt hệt như vậy. Điều đáng buồn (lẫn buồn cười) là Nicki không hề quan tâm mà lại lấy đó làm niềm vui, làm bệ phóng cho sự nổi tiếng “trong mơ”.
Đó cũng là điểm đặc biệt của dòng phim black comedy nói chung, khi mà đằng sau tiếng cười là những điều trăn trở cần phải suy nghĩ. Riêng với lần này thì Sofia Coppola đã không để khán giả của mình cười quá to tiếng mà vẫn cảnh tỉnh kịp thời. Bởi sự hào nhoáng cũng chớp sáng chớp tối cũng giống ánh đèn xe hơi lóe lên rồi chợt tắt, như khi nhóm bạn đang vui vẻ hát theo giai điệu bài “212“ của Azalia Banks thì bỗng nhiên bị xe tông cái rầm.
Bài: Sơn Phước
Ảnh: IMDB