Với Việt Nam thì không. Vì hai lý do. Thứ nhất, sau hơn hai năm ra mắt, sắp tới đây, “The Artist” mới chính thức đến với khán giả Việt, trong chùm phim Pháp tại Megastar. Thứ hai, “The Artist” sẽ chẳng bao giờ là cũ với một xã hội đang khủng hoảng sâu sắc về giá trị như xứ sở này, hôm nay. Điều này đúng với cả hai nghĩa: câu chuyện trong “The Artist”; lẫn câu chuyện về thành công của “The Artist”.
Ở “The Artist” có nhiều điều làm ta nghĩ và khiến ta thấy bùi ngùi. Chuyện xảy ra với George Valentin chẳng có gì là mới: đó là điều xảy ra với điện ảnh nói chung và rất nhiều diễn viên nói riêng, khi phim có tiếng dần dà xóa sổ phim câm trong thập niên 20 của thế kỷ trước. Nhưng không vì thế mà “The Artist” mất đi tính thời sự, mà ngược lại. Bộ phim là một ví dụ tiêu biểu cho sự bị đào thải của cái cũ và lấn át của cái mới, một quá trình thường là rất nghiệt ngã và chưa bao giờ thiếu vắng những mất mát và tổn thương trong lịch sử điện ảnh: từ phim câm sang phim có tiếng, từ phim đen trắng sang phim màu, từ phim chiếu rạp sang phim video, từ phim “thật” sang phim kỹ xảo, từ phim nhựa sang phim digital, và từ phim 2D sang phim 3D.
Trải bao vật đổi sao dời, rất nhiều thứ đã rơi rụng, đã bị loại bỏ và nằm lại trên con đường tiến hóa ấy. Nhìn vào số phận của George Valentin, ta thấy nỗi niềm chung của những con người vẫn luyến tiếc, trung thành, thậm chí tôn thờ những giá trị cũ. Không chỉ trong điện ảnh, mà trong mọi ngành nghệ thuật, và trong cả cuộc sống nói chung. Chung một tâm sự với chàng diễn viên phim câm là những người vẫn say mê từng khuôn hình 4:3 đen trắng của Charlie Chaplin hay Orson Welles, từng thước phim về đại mạc hoang lương đã xây xước vì năm tháng của Sergio Leone, từng nét vẽ 2D mượt mà tròn trịa của Walt Disney thời hoàng kim – khi mà sức mạnh kim tiền chưa biến các nàng công chúa thành thứ công cụ ăn dỗ trẻ con như bây giờ.
Có thể xã hội sẽ thấy họ cực đoan, thậm chí cố chấp. Nhưng chính nhờ những con người ấy mà lịch sử điện ảnh, lịch sử nghệ thuật mới là một dòng chảy liền lạc và bất tận, chứ không phải là những bậc thang rạch ròi, cách biệt nhau. Nâng niu và trân trọng quá khứ, chính là cách thông minh nhất để hướng tới tương lai, có phải vậy không? Nếu đúng, thì đây chính là điều mà xã hội này đang thiếu – chúng ta đang đối mặt với một sự phủ nhận quá khứ nhiệt tình và tuyệt đối hơn bao giờ hết. Xem “The Artist”, ta bỗng cảm thấy mình có lỗi, vì trong khi thông cảm và đồng cảm một cách dễ dàng với bi kịch của Valentin, nhiều khi ta lại khó chịu và không chấp nhận sự hoài cổ của những người lớn tuổi sống quanh mình.
Nhưng George Valentin đồng thời cũng cho ta thấy một điều ngược lại: không ai có thể sống đời với quá khứ, và phát triển là tất yếu. Sau rất nhiều vật vã, anh đã gác quá khứ sang một bên và đi tiếp. Không chỉ quá khứ, anh còn bỏ lại sau cả sự tự tôn ương ngạnh của một gã trai từng thành đạt, giờ đây phải cầu viện sự giúp đỡ của cô gái nhờ mình mà nổi tiếng. Bởi vì, ở anh, tình yêu điện ảnh đã lớn hơn tình yêu phim câm, lớn hơn cả cái tôi ích kỷ. Đó chính là điều điện ảnh Việt Nam và nghệ thuật Việt Nam đang thiếu. Không ít người vẫn mãi ôm ấp những thành tựu, cách nghĩ và cách làm của quá khứ, và phủ nhận sạch trơn những nỗ lực của những tiếng nói trẻ trung hơn, mới mẻ hơn. Cũng không ít người vẫn nhân danh Chân Thiện Mỹ (mà kỳ thực là sự bảo thủ, vị thế trưởng thượng, hoặc sự an toàn của bản thân) để bóp chết những cái mới từ trong trứng nước.
Tất nhiên, nhiều người sẽ thấy cái kết của “The Artist” quá lãng mạn và phi thực tế với một thế giới khắc nghiệt như Hollywood. Nhưng, xét cho cùng, đó là một sự khắc nghiệt rất đỗi công bằng – dù ở thời đại nào, với công nghệ nào, người diễn viên cũng chỉ tồn tại được nếu có tài, thứ giá trị bất biến với thời gian. Bởi vì mọi màu mè hoa dạng sẽ bị lột trần trước ống kính máy quay. Sở dĩ “The Artist” kết đẹp được như thế, là bởi vì sau tất cả những truân chuyên ấy, George Valentin vẫn là một diễn viên có tài. Nếu anh chỉ là một chú gà trống tốt mã, hoặc không có năng lực thích nghi với một nền điện ảnh mới, thì dù Peppy có nhiệt tình đến mấy, các ông trùm cũng sẽ nói không. Sự công bằng một cách sòng phẳng ấy, cũng là điều từ lâu vắng bóng trong nền nghệ thuật (nếu quả thực một thứ như vậy có tồn tại) ở xứ sở này.
Có ba nhân vật xoay quanh Valentin, và cả ba đều khiến chúng ta phải nghĩ ngợi. Thói đời vốn dĩ phù thịnh khinh suy. Và “The Artist” là một lời thách đố ngạo nghễ đối với quy luật ấy. Tình cảm của Peppy dành cho chàng nghệ sĩ bị đời ruồng bỏ không hẳn là tình yêu, mà là niềm cảm kích của một kẻ tri âm. “Lúc khanh đang thịnh, khanh còn biết đến tôi, lẽ nào vì khanh suy mà tôi lại quên khanh?” – năm xưa Bồ Tùng Linh từng viết một câu này. Không chỉ Peppy, mà cả người lão bộc Clifton, lẫn chú chó nhỏ Jack, đều không vì anh suy mà quên anh. Valentin, kẻ-không-chịu-lãng-quên, rốt cục đã được đáp đền xứng đáng từ những con người (và vật) không quên lãng.
Cùng chia sẻ cái kết có hậu này với Valentin là Hazanavicius, đạo diễn của “The Artist”, và cũng là một tình nhân chung thủy, không-lãng-quên khác của điện ảnh thời chưa có tiếng. Lần đầu chia sẻ ý tưởng về một phim câm, đen trắng và chính thống với bạn bè, ai cũng bảo anh điên. Không một ai nghĩ rằng khán giả lẫn nhà phân phối – nghĩa là thị trường – sẵn sàng cho điều đó.
Họ đã nhầm. Tất cả đã sẵn sàng. Sẵn sàng và ngỡ ngàng, khi đón nhận một bộ phim trở về với vẻ đẹp nguyên thủy của điện ảnh, tước bỏ đi mọi phù hoa lộng lẫy bên ngoài. Ở Valentin, ta thấy chính Hazanavicius, chính tình yêu với những bộ phim câm mà những năm tháng tuổi thơ đắm mình trong rạp Max Linder của Đại lộ Poissonière mỗi ngày thứ Tư hay thứ Bảy cùng ông ngoại đã gieo vào trái tim anh. Tình yêu phản phác hoàn chân ấy đã thôi thúc anh mạo hiểm dấn thân vào một lối mòn nhị sắc, vô thanh, và vắng bóng người đi. Để rồi chiến thắng.
Bài: Nham Hoa