“The 8 Show” - Được tán dương nhưng vẫn chưa đủ sức soán ngôi "Squid Game" - Tạp chí Đẹp

“The 8 Show” – Được tán dương nhưng vẫn chưa đủ sức soán ngôi “Squid Game”

Review

Chỉ sau một tuần công chiếu, “The 8 Show” chễm chệ đứng top 1 Netflix tại Việt Nam. Thành công này không chỉ đến từ nội dung gây cấn, mà còn kể đến dàn diễn viên và hiệu ứng âm thanh, hình ảnh sống động. 

Mô phỏng hiện thực qua trò chơi kiếm tiền

“The 8 Show” được thực hiện dựa trên webtoon “Money Game” và “Pie Game” của tác giả Bae Jin Soo, xoay quanh cuộc chơi kiếm tiền của 8 thành viên. Điểm chung giữa họ đều là những người lâm vào bước đường cùng, thậm chí tìm đủ mọi cách tự kết liễu mạng sống vì túng thiếu. Như một món quà từ trên trời rơi xuống, họ được mời tham gia trò chơi với số tiền thưởng khổng lồ. Thứ mà chương trình muốn mua chính là thứ duy nhất mà họ có – thời gian. Liệu rằng thời gian của 8 người chơi này thật sự đáng giá cả một gia tài với hơn 1 triệu Won?

Quả nhiên, kiếm tiền không bao giờ dễ cả. “The 8 Show” vén màn sự thật phũ phàng đằng sau. Ban đầu, 8 người chơi chọn số ngẫu nhiên để tìm căn phòng của mình. Họ cứ ngỡ rằng ai cũng sẽ nhận được một khoản tiền như nhau, nhưng hóa ra, ở tầng càng cao thì số tiền được nhận càng nhiều qua mỗi phút. Số tiền được tính theo quy tắc Fibonacci, tức số tiền thưởng của tầng dưới cộng lại sẽ được số tiền thưởng của tầng trên. Như vậy, ai ở tầng cao nhất sẽ được nhận nhiều tiền nhất. Khi ngộ ra quy tắc này, mọi người đều cho rằng “do mình chưa may như số 8”.

Tuy nhiên, chính sự may mắn ngay từ đầu đã giúp người nắm giữ con số 8 chiếm ưu thế trong trò chơi. Số tiền tầng 8 kiếm được bằng tổng tiền 7 tầng cộng lại. Vị trí từ tầng 8 cũng là nơi “nhìn xuống” những tầng còn lại. Số 8 không chỉ tiêu tiền như nước, mà tầng này còn là nơi đứng ra nhận thức ăn và nước uống. Điều này đồng nghĩa với việc nếu số 8 không có ý định san sẻ, thì những tầng dưới sẽ chịu cảnh đói khát. Nếu muốn mua vật phẩm nào, họ phải trả giá gấp 100 lần so với giá bên ngoài. Chương trình còn miễn phí lương thực, nên những người chơi còn lại càng phải phụ thuộc vào số 8.

Số 8 hiên ngang trở thành “trùm” vì nắm giữ bộ ba sức mạnh quyền lực: may mắn, tiền bạc và lương thực. Vì trò chơi không tìm ra người đứng nhất, nên số 8 kết thân với các số 7, 6, 4 để tiếp tục nhân thêm vận may cho mình. Khi những kẻ giàu hợp sức với nhau, còn những kẻ sẵn sàng “bán lương tâm” để phục vụ cho người có tiền, trò chơi chính thức bắt đầu.

8 người chơi còn nhận ra, chương trình sẽ trả thêm thời gian nếu xuất hiện sự kiện thú vị từ phía họ. Thời gian được tính chung, tiền lại được tính riêng, vậy chẳng phải thời gian chỉ là yếu tố giúp hội “đi làm vì đam mê” kiếm thêm chút tiền? Còn người nghèo phải nỗ lực làm mọi cách để kéo dài thời gian để kiếm đủ tiền? Tình tiết này dần mở ra viễn cảnh cho những tập tiếp theo. Số 8, 7, 6, 4 dùng thời gian để ràng buộc số 1, 2, 3, 5 trở thành công cụ thay họ kiếm thêm thời gian và tiền bạc.

Mỗi ngày, hội người nghèo bị xem như thú vui phục vụ cho bọn nhà giàu. Họ bị yêu cầu thực hiện các hành vi đồi bại, đỉnh điểm bị “đánh ra bã” nếu làm sai hoặc chống đối. Thế nhưng, không ai được chết. Vì nếu có người chết, toàn bộ người chơi sẽ phải trắng tay ra về. Từng ngày đều như “dở sống dở chết”, hội nhà nghèo buộc phải hợp tác chống lại đám người giàu và thoát khỏi trò chơi. Khi vừa bước ra, họ nhận được tràn pháo tay giòn giã từ đám nhà giàu “thật sự” đứng sau chương trình, những kẻ sẵn sàng quăng tiền để xem show do 8 người chơi bất đắc dĩ trở thành những con cờ tiêu khiển.

Trò chơi này mô phỏng một xã hội thu nhỏ, phản ánh hiện thực tàn khốc khi tiền bạc, quyền lực và địa vị vẫn được xem là thước đo vị trí của một người. “The 8 Show” gợi lên cho người xem nhiều câu hỏi. Nếu là số 8, bạn sẽ “hóa điên” với đặc quyền mà chương trình trao cho, hay lựa chọn hợp tác và giúp đỡ các tầng khác? Nếu chẳng may nhập hội người nghèo, bạn sẽ “bán rẻ” bản thân như số 4 để cung phụng đám nhà giàu? Hoặc ngay từ đầu, quyết định tham gia trò chơi đổi đời này có đúng đắn chưa? Sau cùng, sự phân chia giai cấp và bất bình đẳng này đến bao giờ mới kết thúc?

Sự trở lại của “quái nữ điện ảnh” Chun Woo Hee

“The 8 Show” đánh dấu lần tái xuất màn ảnh nhỏ của Chun Woo Hee (tầng 8). Cô sớm được vinh danh là “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” tại Blue Dragon (Rồng Xanh) năm 2014, với nhân vật Han Gong Ju trong tác phẩm điện ảnh cùng tên. Giải thưởng này không chỉ là cột mốc đáng nhớ với tân binh chỉ vừa đóng vai chính được 2 năm, mà còn được xếp vào số ít diễn viên trẻ trở thành “Ảnh hậu” ở tuổi 27.

Ngoài ra, cô còn được đề cử tại các lễ trao giải danh giá nhất tại Hàn Quốc. Sự nghiệp của cô tập trung chính vào mảng điện ảnh, với các vai diễn đa dạng như Sang Mi trong “Sunny” (2011), Mu Myeong trong “The Wailing” (2016),… Do đó, cái gật đầu của nữ diễn viên 37 tuổi dành cho “The 8 Show” càng khiến khán giả tò mò và tạo thêm độ phủ sóng cho web series này.

Dự án còn được trông ngóng vì sự xuất hiện của Ryu Jun Yeol (tầng 3). Trước khi dính vào “mối tình tay ba” với Hyeri và Han So Hee, nam diễn viên đã trở thành Ảnh đế Baeksang (2023) với vai diễn thái y mù trong “The Night Owl”. Anh còn được yêu thích với nhân vật Jung Hwan trong tác phẩm truyền hình quốc dân “Reply 1988” (2015).

Bên cạnh bộ đôi Ảnh đế – Ảnh hậu, “The 8 Show” còn quy tụ các diễn viên thực lực như Bae Seong Woo (tầng 1), Lee Joo Young (tầng 2), Lee Yul Eum (tầng 4), Moon Jeong Hee (tầng 5), Park Hae Joon (tầng 6) và Park Jeong Min (tầng 7).

Là “chị em” với bộ phim ăn khách “Squid Game”, dự án “The 8 Show” được khen ngợi về mặt âm thanh, hình ảnh. Ông lớn Netflix đã thực hiện tốt mảng này để giúp người xem cảm nhận sự châm biếm trong thể loại “hài đen” của bộ phim. Dù “The 8 Show” vẫn còn nhiều lỗ hổng về mặt kịch bản và chưa đào sâu nội tâm nhân vật, nhưng dự án vẫn được đánh giá tích cực hơn so với “Squid Game” vì ẩn chứa nhiều tầng nghĩa.

Khép lại, rất khó để cơn sốt “The 8 Show” vượt qua web series “Squid Game”. Tác phẩm được Netflix ấp ủ thực hiện dựa trên thành công vang dội của mô-típ phim sống còn từ “Squid Game”. Thế nhưng, để tạo ra dự án sâu sắc hơn, Netflix lại khiến “The 8 Show” trở nên “nửa vời”. Các trò chơi trong “The 8 Show” không quá sáng tạo vì nội dung chính xoay quanh cuộc chơi kiếm tiền. Tình tiết chưa đủ hấp dẫn để tạo hiệu ứng truyền thông, đồng thời quy định “không ai được chết” phần nào làm giảm sự cao trào, táo bạo như cách “chị em cùng nhà” đã thực hiện.

Tác giả: Minh Anh

23/05/2024, 17:35