Mới đây, đại diện Burberry đã tuyên bố rằng họ sẽ không tiêu hủy những món đồ dư thừa, hàng lỗi hoặc qua mùa nữa. Động thái này diễn ra chỉ sau vài tuần kể từ khi Burberry khiến các nhà đầu tư cũng như các nhóm bảo vệ môi trường nổi giận, phần lớn là vì công ty công bố số liệu tiêu hủy 37 triệu USD giá trị hàng tồn trong năm trước. Các hãng thời trang xa xỉ thường tiêu hủy hàng tồn hoặc vật liệu dư thừa của mình để bảo vệ tính độc quyền của thương hiệu, ngăn chặn các sản phẩm bị tuồn ra ngoài và bán với giá chiết khấu.
Sự cam kết này của Burberry nằm trong kế hoạch thay đổi lớn của thương hiệu trong tương lai, trong đó có việc không sử dụng lông thú thật cho sản phẩm và dần loại bỏ các bộ sưu tập có sử dụng chất liệu này. “Xa xỉ hiện đại nghĩa là có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Đây là giá trị cốt lõi mới của Burberry và là chìa khóa dẫn đến sự thành công dài hạn”, Marco Gobbetti – CEO Burberry – cho biết. Không tiêu hủy hàng tồn nữa, Burberry sẽ gửi chúng cho hãng thời trang Elvis and Kresse để thực hiện quá trình tái chế.
Theo đó, hãng Elvis and Kresse được Burberry cam kết cung cấp 120 tấn da thừa (trong vòng 5 năm) để tạo ra túi xách, phụ kiện và đồ gia dụng. Một nửa lợi nhuận từ việc bán những sản phẩm này sẽ được quyên góp cho các tổ chức chuyên về năng lượng sạch. Cô Kresse Wesling, đồng sáng lập hãng Elvis and Kresse, tự tin cho biết tái chế là tương lai của ngành thời trang bền vững vì công ty đã theo loại hình này trong 15 năm qua và được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt.
Nếu xét về mặt thiết kế, các sản phẩm túi xách của hãng Elvis and Kresse trông như các mẫu túi cổ điển và lịch lãm khác. Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau nó lại khác với những gì mọi người nghĩ. Từng chiếc túi này được làm từ những vật liệu tái chế có chất lượng cao, ví dụ như đường ống nước cứu hỏa, vải dù, túi vải cà phê hay thậm chí là hộp đựng giày.
Để sử dụng được các mẩu da thừa, công ty đã phải cắt chúng thành những phần nhỏ có thể đan vào nhau để tạo thành tấm da lớn. Không những vậy họ còn mở thêm các workshop để dạy khách hàng cách tái chế các món đồ thời trang một cách hợp lý, điều mà Kresse cho là sẽ thúc đẩy sự lớn mạnh của ngành thời trang bền vững. Cô nói rằng nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề bảo vệ môi trường đã khác xưa rất nhiều: “Khách hàng đang thay đổi rồi, trong quá khứ chúng tôi luôn phải giải thích vì sao Elvis and Kresse khác với những hãng thời trang khác, trong khi bây giờ thì không cần thiết vì mọi người đã dần hiểu vì sao chúng tôi tái chế như vậy”.
Rõ ràng, cách làm này của Burberry giúp thương hiệu hàng xa xỉ của Vương quốc Anh ghi điểm với người tiêu dùng đồng thời góp phần ủng hộ phong trào bảo vệ môi trường. Kresse nói rằng: “Chúng tôi không tạo ra sản phẩm cho từng mùa, chúng tôi muốn sản phẩm của mình sẽ có một cuộc đời mới dài lâu cùng khách hàng.”