Trao đổi với VietNamNet – GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch Hội đồng bộ môn Ngữ văn của Bộ GD-ĐT cho rằng: “Chờ nữa đội ngũ cũng chỉ có vậy, thậm chí sẽ bớt đi một số chuyên gia giỏi….”
Chờ nữa đội ngũ cũng chỉ có vậy
– GS đánh giá như thế nào về tính khả thi của Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015 của Bộ GD-ĐT?
– Đổi mới chương trình (CT), SGK phổ thông là việc thường xuyên phải làm vì “vòng đời” của mỗi chương trình và bộ sách chỉ 10-15 năm. Ở một số nước, chu kỳ ấy có thể ngắn hơn để cập nhật tri thức và đáp ứng những yêu cầu từ cuộc sống.
Ở ta, từ ngày thống nhất đất nước đến nay mới có 2 lần thay đổi CT, SGK: lần đầu vào năm 1979, lần mới nhất là năm 2002, cách nhau 23 năm. CT năm 2002 đến nay đã áp dụng 11 năm rồi. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đặt yêu cầu đổi mới từ sau 2015, dù nhanh cũng phải 2017 – 2018 mới có CT, SGK mới hoàn chỉnh. Tính đến lúc ấy, CT hiện hành cũng đã thực hiện được 15, 16 năm.
GS Nguyễn Minh Thuyết. (Ảnh: Lê Anh Dũng).
Muốn đổi mới, trước hết phải có tư tưởng mới. Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo đổi mới CT, SGK của Bộ GD-ĐT đã đi nghiên cứu nước ngoài, làm việc với các chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức các hội thảo và đã đưa ra ý tưởng xây dựng CT theo định hướng phát triển năng lực như xu hướng của các nước phát triển hiện nay.
Thực ra, CT năm 2002 cũng đã xác định mục tiêu phát triển năng lực của học trò nhưng nhiều người xây dựng chương trình, SGK và nhiều thầy cô vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng tư duy cũ, lối dạy cũ nên CT, SGK và cách dạy vẫn nặng theo hướng cung cấp nội dung.
Điều kiện thứ hai để đổi mới là nhân lực. Lần đổi mới CT, SGK năm 2002, Bộ GD-ĐT đã huy động tới hơn 500 người biên soạn, thẩm định; nếu tính cả số giáo viên đọc góp ý và dạy thử nghiệm, con số có thể lên đến mấy nghìn người.
Chỉ tiếc là suốt từ năm đó đến nay Bộ GD-ĐT không cử người đi học về lĩnh vực phát triển CT, SGK. Nếu cử đi học dài hạn chắc chắn bây giờ đã có chuyên gia giỏi. Nhiều vấn đề tồn tại lần trước đã thấy, đã bàn, đã tạm gác lại. Ví dụ, đào tạo giáo viên để thực hiện dạy học tích hợp… Đến nay vẫn “đâu đóng đấy”, chưa có một bước tiến nào.
Nhưng nếu chờ nữa thì đội ngũ cũng chỉ có như vậy, thậm chí sẽ bớt đi một số chuyên gia giỏi thuộc thế hệ “tri thức bách khoa” vì các vị ngày càng lớn tuổi, khó có thể tham gia được. Dù đổi mới hay cách mạng gì chăng nữa, đội ngũ nhân lực cũng phải có nhiều thế hệ đan xen, có tính kế thừa. |
Với chủ trương “một CT, nhiều bộ SGK”, chắc chắn chúng ta còn huy động được nhiều chuyên gia có tâm huyết, trí tuệ cho công việc này.
Về tài lực, đổi mới CT, SGK vào lúc kinh tế khó khăn là một thách thức lớn. Nhuận bút cho tác giả chỉ vài trăm nghìn một tiết, không đáng kể. Khó nhất là cơ sở vật chất của các trường. Số lớp hiện nay không tương thích với số HS. Bởi vậy, ở đồng bằng thì mỗi lớp đến 50-60 HS; còn ở vùng sâu vùng xa tuy ít HS nhưng trường lớp phân tán, lại thường phải tổ chức lớp ghép – đây là thách thức lớn với thầy cô.
Về điều kiện kinh tế xã hội, đổi mới CT, SGK lần này chưa thuận lợi. Nền kinh tế thiên về gia công, lắp ráp, bán nguyên liệu thô không tạo động lực cho giáo dục phát triển. Việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở khu vực nhà nước có nhiều tiêu cực cũng hạn chế động lực của người học….
Nhưng thời gian không chờ đợi chúng ta. Muốn đuổi kịp các nước phát triển, thậm chí “đi tắt đón đầu”, để không lạc hậu trong hội nhập thì phải đổi mới giáo dục.
– Như GS phân tích thì việc đổi mới lần này cũng vấp phải khó khăn khi công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên không tương thích?
– Tất cả những lần đổi mới trước, các trường sư phạm gần như đứng ngoài cuộc, dù phần đông đội ngũ làm CT và viết SGK là các thầy cô trong trường. Lần này, các trường sư phạm phải bắt nhịp ngay mới kịp. Tôi hy vọng là Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Đây là một vấn đề cấp bách phải giải quyết. Muộn còn hơn không.
Tiền phải chi đúng?
– Nhiều ý kiến cho rằng, đã qua vài lần đổi mới nhưng vẫn chưa thay đổi về chất. Lần đổi mới này, vẫn những con người ấy tham gia, liệu đổi mới có thành công?
– Xã hội luôn có những lớp người kế tục nhau. Không thể nào thay toàn bộ “người cũ” bằng “người mới” được. Lứa nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu hiện nay đã lớn tuổi nhưng có nhiều kinh nghiệm, cả kinh nghiệm thành công lẫn không thành công, sẽ giúp ích rất nhiều cho đổi mới. Lớp trẻ và trung niên có kiến thức cập nhật và nhiều ý tưởng mới sẽ gánh vác những phần việc quan trọng.
Những người “cầm lái” con tàu đổi mới lần này, từ Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đến Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và anh chị em lãnh đạo ở các vụ, viện, trường đều có thời gian tham gia chỉ đạo triển khai CT, SGK hiện hành nhưng về góc độ xây dựng CT, SGK thì họ đều là người mới.
Sau năm 2015, Việt Nam sẽ có bộ sách giáo khoa tốt? (Ảnh minh họa, nguồn: TPO).
Điều đáng quan tâm nhất là cách làm có mới không, có huy động được sự đóng góp và tranh thủ được sự đồng tình của xã hội không. Giải quyết được vấn đề này thì không lo chuyện “người cũ làm cái mới”.
– Có ý kiến cho rằng ta làm đổi mới nhưng vẫn theo lối áp đặt “thấy bạn có cách làm hay, ta cũng làm theo”. Ý kiến của GS về nhận định này?
– Tôi được biết Bộ GD-ĐT chủ trương học tập kinh nghiệm từ các nước tiến bộ nhưng vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh nước nhà.
Về phần mình, tôi chỉ lo học kinh nghiệm nước ngoài không đến nơi đến chốn, rồi làm méo nó đi theo kiểu tiện lợi cho mình. Không ít lĩnh vực đã học tập nước ngoài theo kiểu như vậy và làm ngô chẳng ra ngô, khoai chẳng ra khoai. Tôi cho rằng nên học tập kinh nghiệm nước ngoài một cách cao nhất có thể. Họ đi trước mình cả trăm năm hoặc vài chục năm và đã thành công. Tại sao mình không không học?
– GS có đặt vấn đề đổi mới CT, SGK vào lúc kinh tế khó khăn là một thách thức lớn nhưng không thể không làm. Vậy kinh phí ước tính cho lần đổi mới cần bao nhiêu?
– Tôi chỉ là chủ tịch một Hội đồng bộ môn của Bộ. Quyết định thành lập Hội đồng đã ký cả năm nay nhưng chưa công bố, chưa thực hiện. Cá nhân tôi cũng như Hội đồng chưa hề được phân công trách nhiệm gì trong công việc này nên không thể nói được gì nhiều. Vả lại, nếu có tham gia thì cũng chỉ dự phần chuyên môn, chứ tài chính là việc của bộ phận khác.
Tôi đã từng tham gia các đợt thẩm định và tập huấn giáo viên cốt cán ở Hà Nội và TP HCM để triển khai CT, SGK hiện hành, tôi thấy mức chi kém lắm. Thẩm định mà làm kĩ thì đến vòng 2, vòng 3 là cạn tiền, thành viên Hội đồng, kể cả các nhà khoa học cao tuổi, phải nghỉ trưa trên ghế băng ngoài hành lang. Giáo viên cốt cán đi tập huấn, ngoài công tác phí, có những đợt chỉ được 10.000 đồng cho mỗi ngày dự tập huấn.
Tiền như vậy mà nói đến đổi mới thì cũng khó….
– Xin cảm ơn ông!