Thấy tiền mà không dám ham - Tạp chí Đẹp

Thấy tiền mà không dám ham

Tin Tức

Thừa tiền không làm BĐS, ngân hàng

Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa (VCF) vừa thông báo luỹ kế cả năm 2012, lợi nhuận đạt 303,8 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu đề ra.

Cũng như năm 2011, kết quả 2012 hết sức ấn tượng, vượt dự đoán của giới đầu tư trong hoàn cảnh kinh tế trong nước và thế giới ở trong tình trạng rất khó khăn, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm tiêu thụ khó khăn.

Thực tế, không chỉ hai năm qua, mà kể từ ngày cổ phần hóa năm 2004, VCF liên tục chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng với mức tăng trên hai con số. Tuy nhiên, mức tăng 40-50% gần đây cho thấy, khó khăn khủng hoảng không nhấn chìm được VCF mà DN này còn bứt phát mạnh mẽ hơn.

Ở quy mô lớn hơn nhiều, Vinamilk đã nhẹ nhàng vượt qua sóng gió bão tố trong năm 2012 với tổng doanh thu đạt hơn 27.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế gần 5.800 tỷ đồng (tăng gần 40% so với 2011).

Với mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm 2012 đạt 6.940 đồng, VNM là một trong những cổ phiếu có hiệu quả kinh doanh cao nhất trên thị trường. Tính từ ngày lên sàn chứng khoán vào năm 2006 tới nay, lợi nhuận chung của DN đã tăng 8,7 lần, từ 660 tỉ đồng lên 5.786 tỉ đồng 

Lận đận hơn khá nhiều trong năm vừa qua nhưng trường hợp DaiABank lại được coi là một điểm sáng rất vững chắc trong hệ thống ngân hàng. Gần đây, DaiABank và HDBank đang có tin đồn sáp nhập cho dù đây đều là những NH hoạt động tốt, không nằm trong diện 9 ngân hàng phải thực hiện tái cơ cấu bắt buộc.

Diễn tiến này diễn ra trong bối cảnh hệ thống NH Việt Nam đang khởi động chương trình tái cơ cấu, nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đặt vấn đề hợp tác với DaiABank theo các phương thức hợp nhất hoặc sáp nhập để tìm kiếm một mô hình phát triển quy mô và hiệu quả hơn.

Là một ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, với vốn điều lệ 3.100 tỷ đồng và 64 điểm giao dịch, nhưng DaiABank có các hoạt động khá bền vững. Tính trong 9 tháng 2012, dư nợ tín dụng của DaiABank tăng 11,6%, huy động tăng 15,8%. Lợi nhuận sau thuế của DaiABank giảm 21% so cùng kỳ, từ 286,8 tỷ xuống 225,4 tỷ đồng, nhưng mức giảm thấp hơn rất nhiều so với trung bình giảm khoảng 50-80% của đa số các ngân hàng từ lớn tới nhỏ.

Gần đây, DaiABank cũng đã thanh toán cổ tức đợt 1 năm 2012 sớm hơn dự kiến 4 tháng trong bối cảnh nhiều đơn vị khác đưa ra những thông báo khá buồn về cổ tức, lương thưởng cho năm vừa qua.

Khá nhiều doanh nghiệp khác cũng làm ăn ổn định và vượt khủng hoảng nhẹ nhàng trong năm qua như: TCT, NNC, CAP, HLD, HLC, KTS, NSC, DSN, DVP, DPR, TNR, BMP, TRA, DHG…

Bất ngờ trúng quả

Trở lại trường hợp DaiABank, có quy mô nhỏ, ngân hàng này không có nhiều tiếng tăm và DaiABank tăng vốn khá chậm, gặp nhiều khó khăn, không tham gia TTCK, BĐS và sự chậm chạm này vốn bị cho là “kém tắm” thì nay, qua khủng hoảng lại được nhận thấy là hướng đi đúng.

Với VCF, nhìn vào tốc độ tăng trưởng cả 100% trong hai năm qua khiến nhiều người hình dung DN này “trúng quả” gì đó, giống như hiện tượng một số doanh nghiệp BĐS trúng đậm các năm trước đó. Suy luận trên là có cơ sở bởi VCF là một trong những doanh nghiệp không những không có dư nợ vay NH mà còn khá rủng rỉnh về tiền mặt. Với vốn điều lệ chỉ hơn 265 tỷ đồng nhưng VCF có dư tiền và tương đương tiền cuối năm 2012 của ty là 275,25 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp suy cạn tiền mặt, những người nắm giữ tiền mặt là vua, có thể cho vay lấy lãi cao (như hồi đầu năm trước) và có cơ hội để sinh lời nhanh chóng. Tuy nhiên, trên thực tế, VCF ngay từ đầu đã xác định đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi thay vì mở rộng theo hướng đa ngành.

Quyết định không đầu tư vào BĐS, chứng khoán có lẽ đã giúp không ít các doanh nghiệp thoát khỏi thua lỗ và có lãi tưng bừng trong năm vừa qua. Và chính cái hướng đi “dại dột” này lại đang đem lại thành quả cho các doanh nghiệp “không năng động”.

Theo tầm nhìn của VCF, đến 2016 doanh nghiệp này thống lĩnh thị trường cà phê Việt Nam với 80% thị phần cà phê hòa tan và 51% thị phần cà phê rang xay, các ngành hàng khác ngoài cà phê chiếm ít nhất 51% thị phần và trở thành 1 trong 3 công ty niêm yết lớn nhất trong ngành thực phẩm – đồ uống.

Trường hợp Vinamilk, sự kiên định chiến lược tập trung vào “bò sữa” xem ra còn vững chắc hơn. Trong năm 2012, trong khi thị trường khan hiếm tiền mặt tột độ, đại gia này lại ngồi ôm hàng ngàn tỷ đồng nhưng hoàn toàn không có động thái đầu tư trái ngành, bất chấp TTCK đôi khi cũng có những con sóng và BĐS nhiều nơi buộc phải bán ra có thể cũng rất rẻ.

Thực tế cũng như lý thuyết cho thấy, đầu tư đa ngành thường làm cho doanh nghiệp gặp khó về dài hạn bởi doanh nghiệp và những người quản lý bị giới hạn về vốn về trình độ quản lý. Thông thường, mỗi doanh nghiệp chỉ có thể phát triển và quản lý tốt về một lĩnh vực.

Nếu tập trung vào một ngành kinh doanh cốt lõi sẽ giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh, nâng cao thị phần và dễ dàng vượt qua được các cuộc khủng hoảng nhờ vào nội lực, thương hiệu cũng như thị trường. Phát triển các sản phẩm mới dựa trên lợi thế và thương hiệu sẵn có có thể sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho các doanh nghiệp.

Gần đây, thừa nhận thất bại về đầu tư đa ngành, đại gia Đặng Thành Tâm từng cho biết, ông đã tự rút bài học khi lấn sân đầu tư tài chính. Ông khẳng định, nếu không dính vào đầu tư tài chính, chúng tôi đã không khổ thế này và ước mơ được quay trở về thời xưa, làm ít, nợ ít, không phải sống trong lâu đài xa hoa mà canh cánh nỗi lo nợ nần.

Và không ít các doanh nghiệp đã chuyển hướng, thoát khỏi tình trạng đầu tư dàn trải và tập trung cho thế mạnh của mình và đang thu về những thành công ban đầu như: Nguyễn Kim, Gemadept…

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

16/02/2013, 08:44