Trường nhiều… không
Lớn lên ở thị Quế Phong nhưng ngay từ khi tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học, thầy Nguyễn Hồng Hiệp đã gắn bó với những điểm trường nằm sâu nơi những bản làng miền núi xa xôi, hẻo lánh.
Để đến Trường Tiểu học Tri Lễ, nơi công tác hiện tại, từ thị trấn Quế Phong, thầy Hồng Hiệp phải vượt qua gần 50km. Trước đây, cung đường này chỉ có thể đi xe máy 30km, còn lại 20km, thầy phải cuốc bộ một ngày đường.
“Bây giờ đã có đường do dân tự đào nên đi lại thuận lợi hơn một chút. Ngày nắng, đi xe máy mất hai tiếng. Nhưng ngày mưa thì mọi người phải hẹn nhau cùng đi để hỗ trợ nhau vượt qua cung đường lầy lội, khó có thể tính được mất bao lâu và ngã là chuyện thường. Nếu mưa nhiều ngày liền thì không có cách nào khác là đi bộ,” thầy Hiệp chia sẻ.
Thầy Hiệp gọi trường mình là trường nhiều không: không đường ôtô, không nước, không điện, không sóng điện thoại, không internet, không có phòng học kiên cố, không thiết bị phục vụ học tập… Không có đường ôtô nên việc xây dựng cơ sở vật chất rất khó khăn. Trường chỉ đơn sơ là những ván nứa, gỗ được người dân ghép lại thành những phòng học nhỏ. Nơi ở của thầy cô cũng đơn sơ với những ván nứa và mái lợp bằng lá cây rừng, chỗ nấu ăn cứ mưa là dột.
Những bản làng Tri Lễ như những khu biệt lập và đến trường nghĩa là cách ly với thế giới bên ngoài. Để hứng được sóng điện thoại, các thầy phải đi bộ 3km, leo lên một ngọn đồi cao, nhưng nhiều khi mất công đi mà chẳng hứng được sóng để nói chuyện với người thân, đành phải ngậm ngùi cuốc bộ quay về. Sự khó khăn, khắc nghiệt của Tri Lễ đến mức Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong không dám bố trí bất cứ một giáo viên nữ nào. “Tất cả 41 giáo viên của 6 điểm trường đều là nam, và đều còn khá trẻ”, thầy Hiệp nói.
Nhưng chuyện về, chưa tính
Khó khăn là thế nhưng thầy Hiệp bảo: “15 năm gắn bó với các điểm trường vùng khó, mình cũng đã quen. Trong thâm tâm lúc đi cũng thấy vất vả, nhưng sau khi dạy lại cảm thấy yêu mến học sinh, các em rất hồn nhiên, ngây thơ, đáng yêu.”
Kể về những học trò của mình, thầy Hiệp chợt chùng giọng: “Điều kiện tự nhiên quá khắc nghiệt, 100% đồng bào ở Tri Lễ là người dân tộc H’mông, sự khó khăn khó mà tả hết. Học sinh dù đã được Nhà nước quan tâm nhiều nhưng đi học vẫn thiếu thốn đủ thứ, từ quần áo, đồ dùng học tập, sách vở, chân trần đến lớp là chuyện thường …”
Thương những học trò nghèo, thầy cùng bạn bè đồng nghiệp vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các em từ đôi dép, sách bút, đồ chơi… “Những con gấu bông không lạ với trẻ vùng xuôi nhưng là thứ quá xa xỉ với các em học sinh miền núi, không thể tả được các em phấn khích đến thế nào,” thầy Hiệp nói.
Mùa đông, nhiệt độ hầu như dưới 10 độ, trời suốt ngày sương mù, điện không có. Các thầy phải linh động bắt đầu buổi học sáng muộn hơn và kéo dài ở buổi trưa, chiều lại cho học sinh nghỉ.
Cơ sở vật chất thiếu thốn, thiết bị dạy học không có, khó khăn lớn hơn nữa là khu vực này gần như tách biệt với môi trường bên ngoài nên giao lưu tiếng Việt của các em rất hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng nói tiếng Việt. Trong quá trình dạy học, thầy và trò phải nói song ngữ, vừa tiếng Việt, vừa tiếng của dân tộc các em. “Sau 15 năm và qua nhiều điểm trường, giờ tôi có thể nói được tiếng của bốn dân tộc Thanh, Thái, H’mông, Khơ mú,” thầy Hiệp chia sẻ.
Bí quyết học tiếng của thầy Hiệp là học từ chính các học sinh của mình: “Mình nói học sinh không hiểu thì phải đưa hình ảnh minh họa, sau đó nhờ học sinh nói tiếng của các em, sau đó mình học lại. Giờ tôi có thể đứng trước một cuộc họp dân và phát biểu bằng tiếng của họ.”
Theo thầy Hiệp, giáo viên vùng khó không chỉ dạy học mà còn có nhiệm vụ thường xuyên khác là vận động học sinh đến lớp. Vì thế, không chỉ học tiếng, những giáo viên cắm bản như thầy còn phải am hiểu cả văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào, hiểu tâm tư nguyện vọng của họ mới vận động được.
Say sưa kể về trường, lớp, học trò, nhưng khi hỏi về gia đình, thầy Hiệp chỉ cười buồn. Trường cách nhà 50 cây số, đường đi quá khó khăn nên thường cả tuần, cả tháng thầy mới về nhà một lần.
“Người thân nào cũng muốn chồng, vợ mình công tác ở vùng thuận lợi để hàng ngày có thể cùng ăn cơm, cùng nói chuyện, giúp nhau công việc gia đình. Tôi dạy trò vùng khó đã 15 năm, nhưng con mình lại chẳng dạy được ngày nào, hầu như khoán trắng cho vợ và ông bà. Trong điều kiện công tác của tôi, chỉ cần viết đơn là sẽ được chuyển ngay, nhưng ở quen rồi nên chuyện về cũng chưa tính,” thầy Hiệp nói.
Dù công tác tại các điểm trường có quá nhiều khó khăn nhưng thầy Nguyễn Hồng Hiệp luôn là một giáo viên tiêu biểu của huyện Quế Phong, hàng năm đều có sáng kiến kinh nghiệm đạt loại ba. Những năm gần đây, thầy luôn là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2014, thầy đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, một thành tích không hề nhỏ và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của những người thầy nơi điểm lẻ xa xôi, thiếu thốn.
Nhưng trên tất cả những danh hiệu, thành tích đó, là những hy sinh không mệt mỏi của thầy Hiệp trong suốt 15 năm qua vì những học trò thân yêu của mình. Trân trọng nhiệt huyết ấy, nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mới đây, thầy Hiệp đã vinh dự là một trong 64 giáo viên cắm bản tiêu biểu ở 62 huyện nghèo trên cả nước được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạ tổ chức tri ân và vinh danh tại Hà Nội.
Có những ngôi trường mà mỗi ngày bố mẹ đón con về không cần hỏi câu quen thuộc: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Có những học trò mà mỗi ngày đến trường, ngoài con chữ còn nhận được điều lớn hơn là “sự sẻ chia, để thấy mình không lạc lõng giữa thế giới này”. Có những lớp học mà học trò và thầy giáo chỉ ngang bằng tuổi, vừa học vừa đập tay cười nói rộn ràng như ở trong một thế giới thần tiên nào đấy.
Đó là những lớp học đặc biệt được tạo ra bởi những người thầy đặc biệt. Đẹp đã tìm đến những nơi ấy để hiểu thêm về hai chữ “Làm thầy” và nhận ra thầy giáo nhí của hàng ngàn học trò – Đỗ Nhật Nam – đã đúng khi cho rằng: “Nội hàm của chữ ‘Thầy’ ngày càng được hiểu rộng ra”, để thấm thía lời bà giáo già 86tuổi đã hơn 20 năm cặm cụi với một lớp học tình thương dành cho trẻ em khuyết tật: “Tôi thấy mình đang sống!”, khi được hỏi: “Bà nhận được gì?”.
Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin được vinh danh họ – những người đưa đò đặc biệt!
Bài cùng chuyên đề:
– Thầy của kình ngư Ánh Viên: “Thầy trò chúng tôi đều không phải là tài năng”
– Đỗ Nhật Nam: “Tôi nghĩ mình chưa đạt được đến chữ ‘Thầy’ cao quý”
– Bà giáo già 86 tuổi Hồ Hương Nam: “Tôi biết mình đang…sống”
– Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thảo Vi: Làm thầy của những học viên áo sọc
– Vũ công Đào Phi Hải: Người thầy đặc biệt của 3 đứa trẻ mồ côi mẹ
– Mr. Luc Gheysens: “Không gì tuyệt vời hơn là giúp đỡ trẻ em học”
– Góc nhìn hài hước của đạo diễn Lê Hoàng: Thầy phải già và phải nghèo!