Thầy của kình ngư Ánh Viên: “Thầy trò chúng tôi đều không phải là tài năng” - Tạp chí Đẹp

Thầy của kình ngư Ánh Viên: “Thầy trò chúng tôi đều không phải là tài năng”

Sống

– Người ta bảo, “thầy nào trò nấy”. Anh có cho rằng điều đó đúng với bản thân, khi anh đang có một học trò tài năng như Ánh Viên?

– Ông bà xưa có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Trong cuộc sống hàng ngày thì điều này vô cùng chính xác và nó có ý nghĩa tương tự với câu hỏi của chị. Tuy nhiên, cả hai thầy trò chúng tôi hiện nay đều không phải là tài năng. Thành quả đạt được đều do ý chí quyết tâm, đam mê và trách nhiệm với công việc mình làm tạo ra.

– Trong quá trình huấn luyện cho Ánh Viên, điều gì làm cho anh nhớ nhất và… ân hận nhất?

– Tôi nhớ tất cả những thử thách đầu tiên khi để Ánh Viên rèn luyện trong điều kiện khắc nghiệt với mong muốn em đạt được kết quả tốt nhất. Chúng tôi đã làm hết sức với suy nghĩ, không được phép làm lãng phí tiền của nhà nước. Trong cuộc sống hàng ngày, điều tôi sợ nhất đó chính là hai chữ “hối hận”, nên tôi luôn luôn nhắc nhở bản thân hàng giờ, hàng ngày là không bao giờ để mình phải nói hai chữ ấy. Do vậy, tôi luôn cẩn trọng tối đa trước mọi quyết định. Đó cũng chính là bài học đầu tiên tôi dạy Ánh Viên.

– Làm một người thầy, đặc biệt làm thầy trên “đường đua xanh”, điều gì theo anh là luôn phải khắc ghi, và điều gì bắt buộc phải quên đi?

– Điều luôn khắc ghi là “sự xấu hổ khi thất bại”. Điều luôn phải quên đi là “thành công của ngày hôm nay” vì thành công hôm nay có thể là “sự thất bại của ngày mai”.

Thầy giáo khó tính và nghiêm khắc “nhất vịnh Bắc Bộ” Đặng Anh Tuấn và học trò Ánh Viên tại bể bơi.

– Là người phát hiện ra Ánh Viên và có niềm tin từ ban đầu vào thành công của cô gái trẻ, anh nghĩ “con mắt xanh” nào đã giúp anh chọn đúng người như vậy?

– Trái tim và lý trí đã mách bảo tôi. Những khía cạnh về chuyên môn sâu thì chỉ người hiểu chuyên môn mới nhìn ra.

– Anh có cảm giác thế nào, khi nghe nói rằng HLV Đặng Anh Tuấn là “thầy giáo khó tính và nghiêm khắc nhất vịnh Bắc Bộ”?

– Bản thân tôi luôn tự nghiêm khắc với chính mình trong tất cả mọi vấn đề, nên tôi không có cảm giác gì khi bị gắn cho danh hiệu này. Tôi hiểu rất sâu sắc rằng, không tự nghiêm khắc với chính mình thì con đường phía trước là thất bại.

– “Làm thầy” – khái niệm đó đang dần bị mai một bởi rất nhiều sự chi phối. Điều gì làm anh vững tin với công việc và sự lựa chọn của mình?

– “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống của tất cả các dân tộc trên thế giới. Suy nghĩ và làm mọi việc để học trò thực sự tôn trọng đó chính là điều giúp tôi luôn vững tin vào chính mình. Tôi nghĩ người thầy phải luôn mang lại niềm tin cho những học trò mà mình dạy bảo.

– Cuộc sống của anh từ khi nào đã được tận hiến vào những đường đua của học trò?

– Xuất thân từ vận động viên với khát khao chiến thắng chưa bao giờ dừng lại, mỗi khi lao mình xuống hồ nước, chiến thắng đường đua chính là hoài bão lớn nhất của bản thân và nó chiếm trọn trái tim tôi. Được sống và làm việc trong hoài bão của mình là điều hạnh phúc nhất.

– Anh có thể chia sẻ điều anh nghĩ đến đầu tiên khi một ngày mới bắt đầu?

– Mỗi sáng thức dậy, suy nghĩ đầu tiên của tôi là: “Mình đang là con số 0, do đó mình phải làm tốt, để không còn là số 0 nữa.”

Tôi đã hiểu vì sao chúng ta có Ánh Viên. Cảm ơn anh!

– HLV Đặng Anh Tuấn, sinh năm 1970, từng là vận động viên bơi lội, thi đấu cho đội bơi An Giang từ năm 1982-1997.

– 2003: HLV Đội tuyển Bơi trẻ Quốc gia.

– 2003: HLV Đội tuyển Bơi Việt Nam

– 2007: HLV trưởng Đội tuyển Bơi Việt Nam

– 2010, Đặng Anh Tuấn là người nhận ra tài năng của Ánh Viên ngay khi cô được tuyển lên Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Tp.HCM. Từ đó ông gắn bó với cô học trò nhỏ và trở thành người cha tinh thần thứ hai, người tạo nên thành công vang dội của Ánh Viên thời gian qua. Hiện tại hai thầy trò vừa tham gia huấn luyện tại Mỹ, vừa tham gia các giải thi đấu trên thế giới.

 

NHỮNG NGƯỜI ĐƯA ĐÒ ĐẶC BIỆT

Có những ngôi trường mà mỗi ngày bố mẹ đón con về không cần hỏi câu quen thuộc: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Có những học trò mà mỗi ngày đến trường, ngoài con chữ còn nhận được điều lớn hơn là “sự sẻ chia, để thấy mình không lạc lõng giữa thế giới này”. Có những lớp học mà học trò và thầy giáo chỉ ngang bằng tuổi, vừa học vừa đập tay cười nói rộn ràng như ở trong một thế giới thần tiên nào đấy.

Đó là những lớp học đặc biệt được tạo ra bởi những người thầy đặc biệt. Đẹp đã tìm đến những nơi ấy để hiểu thêm về hai chữ “Làm thầy” và nhận ra thầy giáo nhí của hàng ngàn học trò – Đỗ Nhật Nam – đã đúng khi cho rằng: “Nội hàm của chữ ‘Thầy’ ngày càng được hiểu rộng ra”, để thấm thía lời bà giáo già 86 tuổi hơn 20 năm cặm cụi với một lớp học tình thương dành cho trẻ em khuyết tật: “Tôi thấy mình đang sống!”, khi được hỏi: “Bà nhận được gì?”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin được vinh danh họ – những người đưa đò đặc biệt!

Bài cùng chuyên đề:
– Thầy của kình ngư Ánh Viên: “Thầy trò chúng tôi đều không phải là tài năng”

 Đỗ Nhật Nam: “Tôi nghĩ mình chưa  đạt được đến chữ  ‘Thầy’ cao quý”
– Bà giáo già 86 tuổi Hồ Hương Nam: “Tôi biết mình đang…sống”
 Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thảo Vi: Làm thầy của những học viên áo sọc
– Vũ công Đào Phi Hải: Người thầy  đặc biệt của 3 đứa trẻ  mồ côi mẹ
– Thầy giáo 15 năm cắm bản, dạy trò bằng 5 thứ tiếng
 Góc nhìn hài hước của đạo diễn Lê Hoàng: Thầy phải già và phải nghèo!

Thực hiện: depweb

19/11/2018, 17:00