"Thất tình": Gây bệnh và trị bệnh - Tạp chí Đẹp

“Thất tình”: Gây bệnh và trị bệnh

Sống

1. Thất tình tương thắng

“Thất tình” là: Hỷ – Nộ – Ưu – Tư – Bi – Khủng – Kinh. “Hỷ” là vui vẻ, sung sướng; “nộ” là tức giận; “ưu” là u sầu, buồn bã; “tư” là tư lự, lo nghĩ, “bi” là đau buồn, đau thương; “khủng” là sợ hãi; “kinh” là kinh hãi, sửng sốt quá mức. Trong Đông y, “thất tình” được sử dụng để chỉ 7 loại “tình chí” (tình cảm, tinh thần) – có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật.

Theo quan điểm “Hình thần hợp nhất” của Đông y, hệ thống Tạng phủ trong nhân thể không chỉ đảm nhiệm các chức năng sinh lý, mà còn chi phối các hoạt động tình chí. Mỗi loại tình chí thông ứng với một Tạng nhất định: “Kinh” và “Hỷ” thông ứng với tạng Tâm; “nộ” ứng với tạng Can, “tư” ứng với tạng Bỳ; “bi” và “ưu” ứng với tạng Phế; “khủng” ứng với tạng Thận. Nói cách khác, tình chí là biểu hiện bên ngoài của hoạt động Tạng phủ; tựa như là chiếc “phong vũ biểu”, phản ánh tình trạng hoạt động của Tạng phủ bên trong cơ thể. Tạng phủ kiện toàn thì tinh thần sáng suốt, tâm trạng thoải mái. Và ngược lại, tình chí điều hòa, tâm trạng ổn định thì nội tạng cũng sẽ kiện toàn.

“Thất tình” là phản ứng tâm lý có tính bản năng, nói chung không có hại đối với sức khỏe. Nhưng khi thất tình biến động quá kịch liệt hoặc kéo dài quá lâu, thì có thể gây nên bệnh tật. Thất tình gây bệnh, ngoài cường độ và thời gian tác động, còn phụ thuộc vào tính chất của từng loại tình chí. “Hỷ” là loại tình chí ít gây bệnh nhất, “nộ” gây bệnh tương đối nặng, “kinh” và “khủng” gây bệnh nhanh nhất, “ưu” và “tư” gây bệnh tương đối chậm nhưng khó chữa.

Ngoài ra, thất tình còn có xu hướng gây tổn thương đối với Tạng thông ứng với nó, như sách “Nội kinh” đã nhận định: “Kinh, Hỷ thương Tâm; Nộ thương Can; Tư thương Tỳ; Bi, Ưu thương Phế; Khủng thương Thận”. Có nghĩa là kinh hãi và quá vui dễ gây tổn thương đối với tạng Tâm; tức giận dễ gây tổn thương đối với tạng Can; tư lự suy nghĩ quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Tỳ; bi thương, âu sầu quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Phế; sợ hãi quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Thận.

Thất tình có thể gây bệnh, nhưng cũng có thể sử dụng để chữa trị bệnh. Tình chí thông ứng với Ngũ tạng, Ngũ tạng thông ứng với Ngũ hành – cho nên giữa các loại tình chí cũng có quan hệ tương sinh – tương khắc giống như Ngũ tạng và Ngũ hành. Cụ thể: Can Mộc khắc Tỳ thổ, cho nên “nộ” có thể “thắng” (khắc chế” “tư”; “Tỳ Thổ khắc Thận Thủy, nên “tư” có thể thắng “khủng”; Thận Thủy khắc Tâm Hỏa, nên “khủng” có thể thắng “hỷ”; Tâm can khắc Phế Kim, nên “hỷ” có thể thắng “bi”; Phế Kim khắc Can Mộc, nên “bi” có thể thắng “nộ”.

Giữa các loại tình chí có mối quan hệ tương khắc theo Ngũ hành như vậy, cho nên khi một loại tình chí quá khích, gây tổn thương đối với một Tạng nào đó, có thể dùng một loại tình chí khác khống chế . “Bi thắng nộ, hỷ thắng ưu, khủng thắng hỷ; nộ thắng ưu, tư thắng khủng”. Nghĩa là “bi” – đau thương có thể lấn át, tiết chế “nộ” – sự tức giận; Tương tự: “hỷ” tiết chế được “khủng”. Người xưa gọi phương pháp sử dụng tình chí để chữa bệnh như vậy là “Tình chí tương thắng”; còn gọi là “Dĩ tình thắng tình”. Đó là một phương pháp trị liệu tâm lý hữu hiệu, rất độc đáo của Đông y học. Hãy tìm hiểu một số ví dụ:

 

2. Dĩ nộ thắng tư

Hoa Đà là thần y, y thư còn ghi lại nhiều sự việc về tài chữa bệnh của ông, song chuyện Hoa Đà dùng thuật “kích nộ” để chữa bệnh thì ít thấy nói đến. Nhưng trong bộ chính sử “Tam Quốc Chí” lại có bệnh án rất đặc biệt, kể về chuyện Hoa Đà trị bệnh cho một quận thú.

Quận thú mắc nhiều bệnh, lâu ngày tư lự, nghĩ ngợi liên miên, chẳng còn thiết gì đến ăn uống, nên cơ thể ngày càng suy kiệt… Sau khi xem mạch, Hoa Đà thấy rằng, chỉ dùng “tâm thuật” mới có thể chữa khỏi được bệnh … Thế là, hàng ngày đòi chủ nhà phải cung phụng đủ thứ rượu ngon, sơn hào hải vị và đòi tiền thù lao rất cao. Ngày này qua ngày khác, Hoa Đà chỉ ăn uống vui chơi, chẳng kê đơn thuốc hay châm cứu. Quận thú rất tức giận. Mấy ngày sau, bỗng Hoa Đà bỏ đi, không thèm cáo từ, còn để lại một bức thư nhục mạ thậm tệ. Quận thú nổi trận lôi đình, liền sau gia nhân đuổi theo bắt giết. Gia nhân trở về báo không đuổi kịp. Quận thứ tức giận, thổ ra một đống máu đen… Thế nhưng lạ thay, sau đó bệnh giảm dần sức khỏe ngày càng tăng tiến …

Sau này, Hoa Đà mới giải thích: Quận thú bị bệnh lâu ngày, tư lự quá độ, “tư tắc khí kết” (tư lự quá độ khiến khí cơ uất kết), khí kết thì huyết sẽ bị ứ đọng (huyết ứ). Chỉ có cách “kích nộ”, “nộ tắc khí nghịch”, tức giận kích thích khí vận hành ngược lên. Khí hành, thì huyết cũng hành. Huyết ứ sẽ theo khí nghịch lên, thổ ra ngoài và bệnh sẽ khỏi.

Thực ra, Hoa Đà chưa hề nhận tiền bạc, gia nhân cũng không đuổi theo để bắt giết. Màn kịch trên được dàn dựng chỉ nhằm đạt tới mục đích: Lấy sự tức giận để hóa giải trạng thái tư lự, theo nguyên tắc mà Đông y gọi là “dĩ nộ thắng ưu”. Nộ thuộc hành Mộc, tư thuộc hành Thổ; Mộc thắng (khắc chế) Thổ, nên “nộ” có thể thắng “tư”, nhờ vậy mà Quận thú khỏi bệnh.

3. Dĩ hỷ thắng ưu

Sách “Cổ kim y án” có chép câu chuyện: … Một chàng trai vừa thi đỗ tú tài, đột nhiện vợ chết, ưu sầu than khóc suốt ngày, lâu ngày sinh bệnh. Thầy mời đến đã nhiều, thuốc uống đã đủ loại, mà bệnh không đỡ. Sau được danh y Chu Đan Khê xem mạch và bảo: “Mạch của anh là “hỉ mạch” (mạch phụ nữ mang thai), xem chừng đã được vài ba tháng …”. Chàng trai liền ôm bụng cười và nói: “Ông là danh y mà không hiểu, nam và nữ có chỗ khác nhau sao? Thật chẳng khác gì bọn lang y tầm thường!” Sau đó, mỗi lần nghĩ đến chuyện này, chàng trai lại khoái chí cười vang, thường lấy đó làm trò tiêu khiển cùng bạn hữu. Ngày tháng trôi qua và bệnh khỏi lúc nào không biết.

Khi ấy, Chu Đan Khê mới giảng giải cho chàng tú tài kia cái nguyên lí “dĩ hỷ thắng ưu” – lấy vui thắng buồn, cũng là lấy hành Hỏa để khắc chế hành Kim vậy.

Ưu sầu – trầm uất là trạng thái sa sút nghiêm trọng về tinh thần. Theo Đông y: “ưu thương Phế”, ưu khiến cho Phế khi kết tụ – Phế khí thu tán, thăng giáng thất thường, mất điều hòa. Tạng Phế bị bệnh (“ưu thương phế”), dần dần dẫn đến các chứng trạng toàn thân: chức năng miễn dịch bị suy giảm. Những phụ nữ hay u sầu, thường dễ mắc chứng kinh nguyệt không điều hòa, hành kinh đau bụng và nhiều loại bệnh phụ khoa khác. Để chữa trị những chứng bệnh nói trên, sử dụng “hỷ lạc liệu pháp”, theo nguyên tắc “dĩ hỷ thắng ưu”, trong nhiều trường hợp, còn có tác dụng mạnh hơn là dùng thuốc đơn thuần.

4. Dĩ khủng thắng hỷ

Sách “Hồi kê y thư” có câu chuyện: Một thư sinh nghèo, sau nhiều năm đèn sách, đã đỗ trạng nguyên và được vưa phong cho một chức quan cao. Do quá cao hứng, sinh ra mất ngủ và trên đường về nhà, tưởng tượng cảnh “áo gấm vinh uy” sung sướng quá, bỗng nhiên bị phát bệnh; Tình chí thất thường, suốt ngày cứ lẩm bẩm một mình, đá chân múa tay lung tung, khóc cười vô cớ … Tùy tùng liền vội mời một vị danh y đến chẩn trị. Sau khi xem mạch, vị danh y thất sắc, giọng đau buồn nói với bệnh nhân: “Bệnh của trạng nguyên không thể chữa được nữa rồi, e rằng khó có thể qua nổi 7 ngày. Ngài nên cố đi cho thật nhanh về nhà, để gặp mặt người thân lần cuối”. Nghe xong, trạng nguyên rất sợ hãi, toàn thân toát mồ hôi lạnh, ngã lăn xuống đất. Tùy tùng đưa lên kiệu, ngày đêm chăm sóc, cho xe đi thật nhanh để kịp về quê. Hôm sau tỉnh dậy, trạng nguyên cảm thấy niềm vui bấy lâu nay đã tan biến, suốt ngày chỉ lo sợ không về kịp gặp mặt người thân lần cuối.

Thế nhưng, 7 ngày sau về đến nhà, không những không chết, mà bệnh khỏi, cử chỉ và hành vi hoàn toàn bình thường. Chính lúc vị tân khoa đang hoài nghi, nghĩ rằng thầy thuốc chẩn đoán sai, thì tùy tùng mang đến một bức thư. Mở ra xem thấy viết: “Đại nhân trúng trạng nguyên, được phong chức cao, quá cao hứng, không thể tự khống chế, tâm thần thác loạn. Loại bệnh này sử dụng thuốc không thể chữa được. Cho nên tôi đã cả gan lấy cái chết ra để đe dọa, khiến ngài khiếp sợ. Làm thế chỉ để chữa khỏi bệnh cho ngài, mong được lượng thứ. Nay bệnh đã khỏi, không còn gì phải lo ngại nữa”.

Trong “thất tình”, hỷ (vui) là một kích thích có lợi. Thông thường, tinh thần vui vẻ lạc quan rất có ích đối với sức khỏe. Vui vẻ, rất ít khi làm cho con người sinh bệnh. Tuy nhiên, vui đột ngột, vui quá mức, như điên như dại, thì “lạc cực sinh bi”, có thể làm cho tạng Tâm bị tổn thương, thần chí mất cân bằng, khí huyết bị rối loạn, thậm chí có thể làm chết người.

Để chữa trị, Đông y thường áp dụng “kinh khủng liệu pháp” theo nguyên lý “dĩ khủng thắng hỷ”; lấy sự sợ hãi để tiết chế trạng thái quá vui. Đối với con người, không gì đáng sợ bằng cái chết; nhất là đối với những người đang giầu sang, quyền cao chức trọng. Để “dĩ khủng thắng hỷ”, y gia thời xưa thường hay dùng cái chết để đe dọa, nói chung thường kiến hiệu như thần.

Lương Y Thái Hư (Theo Dược & Mỹ phẩm)

Thực hiện: depweb

13/08/2012, 11:50