Thất nghiệp thì nên chi tiêu thế nào cho hợp lý? - Tạp chí Đẹp

Thất nghiệp thì nên chi tiêu thế nào cho hợp lý?

Sống

Việc tiết kiệm chi tiêu hiệu quả trong khoảng thời gian căng thẳng này vừa giúp cân bằng được tài chính vừa phần nào giải tỏa được áp lực tâm lý cho bạn. Từ đó, bạn có thể đảm bảo được chất lượng cuộc sống và yên tâm tìm một công việc mới phù hợp.

1. Nấu ăn tại nhà

Nếu khi đi làm, bạn thường không có thời gian nấu nướng tại nhà và phải ăn tiệm thì khoảng thời gian này bạn nên thay đổi thói quen. Khi ăn ở cửa hàng, bạn phải trả tiền cho phần ăn cùng với các chi phí phục vụ, mặt bằng, lợi nhuận của cửa hàng. Vì thế, bữa ăn của bạn đang bị “đội giá” lên rất nhiều và gây áp lực lên túi tiền đang khá “mong manh” của bạn.

Trái lại, bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm được những chi phí lặt vặt đó khi nấu ăn tại nhà. Những khoản tiết kiệm này sẽ giúp bạn giảm được nỗi lo tài chính để yên tâm tập trung tìm việc mới.

2. Bỏ thói quen “nấu cháo điện thoại”

Tất nhiên, nói chuyện trực tiếp qua điện thoại giúp việc liên lạc của bạn nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, trong những ngày đang rỗi việc ở nhà, bạn rất dễ nảy sinh nhu cầu được tâm sự với bạn bè, người thân. Cho nên, trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”, bạn hãy cố gắng thay đổi thói quen này. Thay vào đó, bạn có thể nhắn tin hoặc liên lạc với người thân, bạn bè qua thư điện tử và mạng xã hội. Hãy thử áp dụng và bạn thấy tiền cước điện thoại sẽ giảm đáng kể.

3. Hạn chế đi xe máy

Hãy chọn cách đi bộ hoặc đi xe đạp khi bạn cần đến những địa điểm như chợ hay nơi nào gần nhà. Mọi chi phí phát sinh trong thời điểm không có việc làm này đều trở thành gánh nặng tài chính và tâm lý cho bạn. Hãy kiên nhẫn, chịu khó đi bộ, xe buýt hay xe đạp để hạn chế tối đa việc đi xe máy đến những địa điểm gần. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản lớn tiền xăng mỗi tháng.

4. Giảm tụ họp bạn bè

Ngoại trừ những buổi tiệc sinh nhật hay cưới hỏi không thể từ chối, bạn hãy hạn chế tối đa những buổi gặp mặt chỉ để “tám” chuyện không cần thiết. Bạn sẽ rất khó kiểm soát số tiền mà mình phải bỏ ra cho những buổi gặp gỡ này. Đôi khi vì buổi hẹn, bạn sẽ làm tiêu tùng hết kế hoạch tiết kiệm cả tháng nếu lỡ cùng đi ăn một bữa quá thịnh soạn với nhóm bạn đấy.

5. Tích tiểu thành đại

Bạn hãy rút phích cắm các thiết bị điện tử khi không sử dụng để tiết kiệm điện; sử dụng thật ít nước hoa để không phải mua mới; không la cà những trang web thời trang, công nghệ để tránh việc “mua sắm giải sầu” trong giai đoạn này…

Những điều này có vẻ khá nhỏ nhặt đối với bạn. Tuy nhiên, nếu áp dụng nghiêm túc bạn sẽ tiết kiệm được kha khá các khoản chi tiêu không cần thiết, giúp bạn không phung phí ví tiền vốn đã “xẹp” cho đến khi bạn có một công việc mới.

Tác giả: Đẹp Lifestyle (tổng hợp)

12/01/2021, 17:52