Chủ xe sợ bị phạt
Sáng ngày 3/12, trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-07V (Z11 QL1A phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) tiếp tục là một trong các điểm đông người đến nộp phí bảo trì đường bộ nhất.
Một trong các nguyên nhân là trên địa bàn quận 12 tập trung nhiều công ty, doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã hoạt động lâu năm.
Do những ngày đầu triển khai thu phí nên ùn ứ xảy ra, người dân phải chờ khá lâu.
Theo ghi nhận, trạm đăng kiểm “đắt khách” nhưng phương tiện, thiết bị rất hạn chế. Nhân viên trung tâm đăng kiểm chỉ có thể thao tác trên một máy tính để làm thủ tục cho chủ xe.
Nhân viên cho biết, trung tâm sắp bổ sung thêm máy tính để đáp ứng kịp lượng phương tiện đến đăng ký được dự báo sẽ ngày càng nhiều.
Trước cổng trung tâm, anh Nguyễn Bá Hùng (31 tuổi, tài xế xe du lịch) cho biết: “Do chủ xe có việc bận nên giao cho tôi đi đóng phí. Một tháng đóng 130.000 đồng nhưng chủ xe đưa tiền cho tôi đóng cả năm luôn vì ngại đi nhiều lần sẽ phiền toái”.
Chỉ tay về phía đám đông đang chờ tới lượt nộp phí, anh Hùng nói: “Tôi chờ 30 phút rồi chưa đến lượt. Đông quá”.
Tương tự, trung tâm 50-07V, trung tâm đăng kiểm 50-02S (343/20 Lạc Long Quân phường 5 quận 11) cũng khá đông người đến nộp phí.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Trung tâm cho biết, trong mấy ngày đầu triển khai thu phí, chủ yếu là xe du lịch và xe tải nhẹ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất ít doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã nộp phí bảo trì đường bộ do áp lực hàng hóa và doanh thu quá cao.
Chị Hường, chủ doanh nghiệp vận tải H.C ở quận 11 cho biết, 4 xe tải nhà chị đều đang chạy hàng ở miền Tây. Nếu đưa xe đến tung tâm đăng kiểm thì sẽ bị chủ hàng phạt hợp đồng.
Nỗi buồn hiện lên gương mặt các chủ phương tiện khi nộp phí.
“Tôi thấy quy định phải đưa xe đến để dán tem có chút bất hợp lý vì doanh nghiệp vận tải thời buổi này chạy bở hơi tai để tồn tại, giờ lại tốn thêm thời gian, mất mấy chuyến hàng đi đóng phí”, chị Hường nói.
Anh Tuấn, giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại quận 9 kể: “Tôi nhầm mức thu phí xe tải với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi nên sáng nay đóng phí năm cho cả 2 xe tải mà đem có hơn 3 triệu. Giờ phải chờ vợ mang tiền đến nộp cho đủ. Nghe bảo không nộp phí phạt gấp 10 lần nên lo quá phải đi ngay dù nộp thế này cũng xót tiền lắm”.
Còn nhiều lúng túng
Theo ghi nhận của VietNamNet tại TP.HCM, dù quy định thu phí bảo trì đường bộ được áp dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy từ ngày 1/1/2013 nhưng hầu hết vẫn chưa triển khai.
Trước đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã có công văn đến các địa phương, từ đó mỗi tỉnh, thành phố sẽ hướng dẫn cụ thể cho các quận, huyện.
Tuy nhiên, chỉ tính riêng tại TP.HCM, mức thu phí cụ thể thế nào phải do HĐND thành phố xem xét thông qua. Nhưng hiện chưa đến kỳ họp HĐND nên các quận – huyện chưa có hướng dẫn cụ thể.
Nhiều phương tiện đến đăng kiểm kết hợp nộp phí bảo trì đường bộ.
Bà Nguyễn Kim Xuân – Trưởng ban khu phố Gò Công – Phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 cho biết, đến nay vẫn chưa nghe UBND phường triển khai việc thu phí bảo trì đường bộ.
“Chúng tôi đang đợi hướng dẫn cụ thể chứ địa bàn rộng, nhân lực ít mà triển khai chắc chắn sẽ gặp khó khăn” – bà nói.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Dũng – Chủ tịch UBND phường 8, quận 11 cũng cho biết chưa thấy chỉ thị triển khai thu phí bảo trì đường bộ từ quận.
“Mức phí như thế nào, cách thu ra sao chúng tôi vẫn chưa nắm bắt được”, ông Dũng nói.
Trao đổi với VietNamNet,một cán bộ Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho rằng áp dụng với ôtô sẽ khá thuận lợi vì có sẵn cơ sở vật chất và nhân lực tại các trung tâm đăng kiểm. Nhưng triển khai thu với xe máy thì khó khả thi nếu nhìn vào chế tài ràng buộc.
Đà Nẵng: Không bị quá tải
Theo Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới TP. Đà Nẵng Nguyễn Hương, các chủ xe ô tô đến làm thủ tục đăng kiểm và nộp phí vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày.
Lượng người đến đăng kiểm và nộp phí sử dụng đường bộ tại Trung tâm đăng kiểm Đà Nẵng không nhiều.
Anh Nguyễn Hưng, chủ một doanh nghiệp trên đường Điện Biên Phủ cho biết, khi đọc qui định mới, sáng nay (3/1) anh đến kê khai và tự nguyện nộp phí đường bộ theo khung quy định.
Anh Hưng bảo, không nộp trước thì cũng phải nộp sau. Tính khoản phí đường bộ 1 năm với xe ô tô của anh hơn 1.700.000 đồng. Với chi phí này anh lấy hóa đơn thu phí để khấu trừ vào khoản chi phí hàng năm của doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Lan, nhà ở quận Hải Châu, chủ một doanh nghiệp vận tải cho biết: Mùa tết là mùa làm ăn, với qui định mới này nếu không nộp phí đường bộ lỡ bị kiểm tra giữ xe thì mất cơ hội làm ăn.
Nhiều phương tiện cơ giới ở Đà Nẵng đến đăng kiểm và nộp phí chủ yếu là xe tải, rất ít xe cá nhân
Được biết, đến đăng kiểm và nộp phí đường bộ trong 2 ngày đầu năm chủ yếu là xe của DN vận tải và xe cơ quan.
Ông Nguyễn Hương cho hay, do có sự hướng dẫn đầy đủ và tổ chức tập huấn trước đó nên trung tâm không bị quá tải.
Tính đến 13 giờ chiều, trung tâm đã cấp tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định, tem nộp phí sử dụng đường bộ cho khoảng 147 xe các loại, tổng thu khoảng 300 triệu đồng.