Tháng 09/2013, phần cuối của loạt phim “Harry Potter” khép lại, nhưng dư âm của cậu bé phù thủy vẫn còn in đậm trong tâm trí khán giả toàn thế giới. Bởi vậy, khi hãng sản xuất Warner Bros. tuyên bố sẽ sản xuất một series tiếp theo cùng thuộc thế giới pháp thuật của “Harry Potter”, không ít người đã vô cùng háo hức. Sau 3 năm thai nghén, phần đầu tiên của loạt phim mới mang tên “Fantastic Beasts and Where to Find Them” (“Sinh Vật Huyền Bí“), do đích thân J. K. Rowling – tác giả của “Harry Potter” viết kịch bản. Với dàn diễn viên đầy hứa hẹn (Eddie Redmayne, Johnny Depp, Ezra Miller), phần đầu tiên của “Fantastic Beasts” đã thành công rực rỡ, từ đó làm tiền đề cho loạt phim mới gồm 5 phần không hề kém cạnh “Harry Potter” trước kia.
Cánh cửa mở ra “vũ trụ điện ảnh” ngày càng hẹp
Tuy nhiên, bất chấp khởi đầu tốt đẹp, phần 2 của loạt phim mang tên “The Crimes of Grindelwald” (“Tội Ác của Grindelwald“) vừa ra mắt lại nhận về nhiều phản hồi trái chiều. Dù có doanh thu mở màn khá cao, nhưng chỉ sau một tuần, doanh thu của “The Crimes of Grindelwald” đã giảm tới 52%, ngay trong dịp lễ Tạ Ơn. Mức giảm này cao hơn rất nhiều so với 38% của phần đầu tiên. Ngoài ra, “The Crimes of Grindelwald” cũng không thể giữ vững phong độ trước đối thủ “Ralph Breaks the Internet” của nhà Disney, trong khi trước đó “Fantastic Beasts and Where to Find Them” đã chống chọi rất tốt với đối thủ nặng ký “Moana”. Hiện tại. “The Crimes of Grindelwald” đang có số phận khá hẩm hiu tại thị trường Mỹ, và dự kiến sẽ phải dựa vào doanh thu quốc tế để gỡ gạc lại.
Không chỉ gây thất vọng trên mặt trận phòng vé, “The Crimes of Grindelwald” cũng chẳng được lòng giới phê bình điện ảnh. Trên chuyên trang Rotten Tomatoes, bộ phim đạt chứng nhận “Cà Chua Thối” với mức điểm 40/100, điểm số thấp nhất trong loạt phim thuộc vũ trụ phù thủy Harry Potter. Nguyên nhân bởi vì sự xuất hiện của phần 2 đã đặt ra quá nhiều vấn đề mà không thể giải quyết trọn vẹn, nghiêm trọng nhất là còn làm xáo trộn nhiều chi tiết và dòng thời gian của “Harry Potter“. Được chứng minh thông qua kết quả phòng vé, có thể thấy “The Crimes of Grindelwald” đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi phản hồi tiêu cực trên mạng cũng hiệu ứng truyền miệng.
Người phải chịu trách nhiệm cho thất bại này không ai khác chính là tác giả (giờ đã là biên kịch phim) J. K. Rowling. Nếu như hơn 20 năm trước, cô khiến cả thế giới bị mê hoặc bởi bộ sách “Harry Potter” bí ẩn, thần kỳ thì nay, nữ văn sĩ lại bị đánh giá là yếu kém khi thử tài viết kịch bản. Điều này khá dễ hiểu, bởi loạt phim “Harry Potter” vốn được xây dựng từ những chất liệu dồi dào, chỉn chu trong sách. Còn “Fantastic Beasts” thì chỉ là 1 sản phẩm ăn theo (căn cứ trên chất lượng và ý tưởng của phim) với mục đích duy nhất là khởi động cỗ máy in tiền thương hiệu cậu bé có vết sẹo hình tia chớp.
Đi theo vết xe đổ của “Vũ trụ mở rộng DC”?
Sau thành công của phần 1, thương hiệu “Fantastic Beasts” phải gồng gánh trên lưng tổng cộng 5 phần phim, dù dự định ban đầu của Warner Bros. chỉ là 3. Mỗi phần sẽ đặt bối cảnh ở một quốc gia khác nhau. Từ đó, khán giả sẽ được chứng kiến sự phong phú của cả thế giới phù thủy chứ không chỉ gói gọn trong nước Anh như “Harry Potter”. Đây là một quyết định đầy tham vọng và nhận được sự ủng hộ từ rất nhiều người hâm mộ. Song đáng tiếc, loạt phim này bắt đầu có dấu hiệu đi xuống ngay từ phần 2. Hơn nữa, ở Hollywood còn tồn tại xu hướng các phim bom tấn làm phần sau luôn dở hơn phần trước. Nếu như các phần tiếp theo của “Fantastic Beasts” tiếp tục có phong độ thiếu ổn định, thì quả là một sự đe doạ cho tượng đài “Harry Potter”.
Những năm gần đây, dòng phim siêu anh hùng đang vươn lên thành thể loại hành động ăn khách nhất, điển hình là chuỗi bom tấn của hãng Marvel Studios. Vì thế, nhiều hãng phim khác cũng cất công xây dựng “vũ trụ điện ảnh” cho riêng mình, với nhiều tác phẩm liên kết để học theo trào lưu này. Và kết quả, Hollywood liên tiếp nhận được những bài học cay đắng vì sự vội vàng, hấp tấp của những ông lớn như Universal (“Vũ trụ đen tối”) hay Warner Bros. (“Vũ trụ mở rộng DC”).
Và giờ đây, “Fantastic Beasts” cũng đang đi vào vết xe đổ đó khi cho ra một bộ phim đầy kẽ hở, giới thiệu cả dàn diễn viên mới nhưng chẳng cho họ vai trò gì đáng kể. Có thể viễn cảnh ấy còn quá xa, và nhà sản xuất vẫn có đến 3 phần phim để đảo ngược tình thế, nhưng niềm tin của khán giả lúc này đã vơi dần và phần nhiều trong số họ thậm chí còn quay lưng với thương hiệu “Harry Potter“.
Thất bại của “Vũ trụ mở rộng DC” hãy còn đó, liệu thế giới phép thuật có đủ mạnh mẽ để mê hoặc người xem đến 3 phần tiếp theo?