Đó là khởi đầu của 5 năm theo đuổi việc trùng tu nhan sắc đối với Ratphila Chairungkit bao gồm: hai lần làm mũi, hai lần phẫu thuật mắt, nâng cằm, chỉnh môi, làm trắng da và hàng chục lần tiêm Botox.
Mục tiêu của cô là sửa sang lại toàn bộ khuôn mặt của mình tuy nhiên mọi thứ đều trở nên thật khủng khiếp. “Tôi bắt đầu trông giống một mụ phù thủy,” cô nhớ lại. Mí mắt trên của Ratphila đã bị sụp và mí mắt dưới trông như bị ai đó giáng cho một cú đấm.
Nisakron Boonpu, 32 tuổi, đang tiêm Botox tại Bệnh viện Yanhee, Bangkok, Thái Lan.
Sau những ca phẫu thuật chỉnh sửa đau đớn và tốn kém, hiện Ratphila Chairungkit đã bằng lòng với vẻ ngoài của mình mặc dù trông không có điểm tương đồng nào với nữ ca sĩ người Mỹ.
Thái Lan đang ngập tràn những bệnh viện thẩm mỹ giá rẻ nhưng đầy rủi ro, nhờ vào hai yếu tố có tác động mạnh mẽ: mức giá được đưa ra để thu hút người nghèo và quan niệm coi trọng nhan sắc của xã hội Thái Lan.
“Trông tôi từng giống như một công nhân,” Ratphila, 30 tuổi, nói về ngoại hình trước kia của mình. “Bây giờ, nhìn mình trong gương, tôi cảm thấy hạnh phúc. Với một khuôn mặt đẹp hơn, bạn sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn trong cuộc sống.”
Việc tìm kiếm cái đẹp với giá rẻ là một sai lầm đau đớn của cô. Ratphila từng tiêm silicone vào má, cằm và dưới mắt hai lần. Cô đã bỏ ra 500.000 baht (16.000 usd) trong 5 năm, một số tiền khá lớn so với thu nhập khiêm tốn mà cô có được.
“Tôi may mắn vì tôi đã không chết,” cô nói và cố gắng nở nụ cười trên khuôn mặt đã được gọt dũa của mình.
Chẳng những không hối hận, cô còn cho rằng những thử thách trên đã biến thành một cơ hội làm ăn và cô đang có kế hoạch mở thẩm mỹ viện của riêng mình vào cuối tháng này.
“Hiện tôi đã trở thành một người có uy tín về việc làm đẹp. Mọi người đều tìm tới tôi để xin lời khuyên,” cô nói.
Không phải tất cả những nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ tại Thái Lan đều sống sót để chia sẻ về kinh nghiệm của mình như Ratphila. Cái chết của một người mẫu 33 tuổi hồi tháng này do tiêm collagen hỏng đã gây được sự chú ý của người dân cả nước đối với ngành công nghiệp làm đẹp trái phép và thúc đẩy sự can thiệp của chính phủ.
Gần 40 nhân viên giải phẫu thẩm mỹ trái phép đã bị bắt tại Bangkok trong hai tháng qua nhưng các nhà chức trách tin rằng vẫn còn khoảng 200 người đang hành nghề.
Tuần trước, Bộ Y tế và cảnh sát đã bắt giữ Jiratha Saraban, người được mệnh danh là “nhà phẫu thuật nguy hiểm nhất”. Không hề được đào tạo về y khoa nhưng cựu phụ tá bác sỹ thẩm mỹ 37 tuổi này đã tự mở thẩm mỹ viện tại nhà.
Các nhà chức trách phát hiện bên trong nhà Jiratha có rất nhiều hộp đựng Botox giả, chất độn, hóa chất làm trắng da giá rẻ và một số sản phẩm bị cấm khác. Kho đựng các sản phẩm làm đẹp có khả năng gây độc hại được phát hiện chứng tỏ rằng có rất nhiều người sử dụng chúng để làm đẹp.
“Điều này thật khủng khiếp,” Phasit Sakdanarong, trưởng cố vấn cho Bộ trưởng Y tế công cộng, người từng tham gia vào chiến dịch và đề nghị chính phủ mở rộng hoạt động truy quét trên cả nước, cho biết.
“Người phụ nữ này không phải là một bác sĩ. Đây là thẩm mỹ viện không có giấy phép và các sản phẩm mà cô ta đã sử dụng không có chứng nhận FDA.”
“Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề rất nghiêm trọng. Khi mọi người tới những thẩm mỹ viện trái phép như thế này, rất dễ bị nhiễm trùng, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.”
Theo Jiratha Saraban, cô ta đã đặt các sản phẩm giá rẻ trên mạng và phục vụ cho những người lao động thu nhập thấp cũng như học sinh, sinh viên.
“Tôi muốn giúp mọi người, những người không có khả năng chi trả cho các sản phẩm tại những bệnh viện thẩm mỹ đắt đỏ,” Jiratha nói.
Jiratha Saraban sẽ phải đối mặt với bản án 11 năm tù nếu bị kết tội.