Thấp cao

lựa chọn giày

Mẹ tôi hiểu tôi đến mức độ chỉ cần nhìn xem tôi nhặt đôi giày có gót bao nhiêu cm tròng vào chân trước khi ra khỏi nhà là bà có thể biết được hôm đó tôi hẹn hò với anh chàng có chiều cao ra sao! Thế nhưng độ cao thấp của gót giày chỉ giúp tôi trông vừa vặn với cuộc hẹn, mà chẳng hề giúp tôi định hình độ phù hợp của anh chàng nào đó với mình.

Có một nghịch lý trong vấn đề xác định đúng vị thế của mối quan hệ (từ đó, mọi hành động, lời nói và quyết định sẽ lái chủ thể về đúng nơi đúng chỗ của nó) trong tháp nhu cầu Maslow khi tôi và các đối-tượng-chỉ-thị-độ-cao-gót-giày tiếp cận lẫn nhau. Đấy là tuổi càng cao, càng nhồi sọ lắm kiến thức lẫn kinh nghiệm, cộng thêm khả năng tài chính, khả năng tồn tại và thích nghi, thì phụ nữ càng có xu hướng săn lùng một đối tác giúp họ thỏa mãn tầng cao nhất của tháp nhu cầu: “Muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình”… hoặc chí ít cũng là “cảm giác được tôn trọng, quý mến, tin tưởng”. Nói cách khác là tìm một người “phù hợp dưới mọi giác độ”.

Trong khi đối với đàn ông, chân lý “mọi con đường đến trái tim thông qua dạ dày” luôn đúng ở mọi nơi, hay nó là cách nói đơn giản nhất để diễn đạt cho vấn đề 99% đàn ông cho rằng mối quan hệ lý tưởng nhất (số liệu dựa trên thống kê thực tế của bản thân) nằm ở tầng thấp nhất: “thở, thức ăn, nước uống, tình dục, nghỉ ngơi, nơi trú ngụ, bài tiết…”. Đối với phụ nữ, kiến thức và trí tuệ đòi hỏi những môi trường quá phức tạp để có thể phô diễn, trong khi năng lực chế biến thức ăn và giặt giũ lại luôn là bí kíp tuyệt đỉnh để thu hút kẻ khác giới ở bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là kinh nghiệm tôi rút ra được trong những chuyến lang thang khắp mọi châu lục, khi tuyết mùa đông Thụy Điển trắng xóa Stockholm vào đêm cuối năm, bên bàn ăn có súp rau củ, gà quay sốt cam và bánh waffle nóng hổi.

Nếu như ở Việt Nam, đàn ông có thể dễ dàng ngã vào bất cứ quán nhậu nào thâu đêm suốt sáng với thức ăn dưới biển trên rừng ê hề thịt cá – thì ở những quốc gia mặt trời khuất bóng ba phần tư thời gian của năm, những bữa ăn nóng hổi là một ân huệ thực sự. Hoàn toàn trái với tưởng tượng đầy màu sắc cổ tích của dân châu Á khi mơ mộng khung cảnh tuyết trắng đẹp như tranh vẽ, và biến tấu của việc du nhập lễ hội một cách chẳng liên quan khiến mọi người lũ lượt kéo nhau ra đường, nhậu nhẹt và ăn mừng “nhân dịp” Noel, năm mới; đối với những quốc gia sản sinh ra những ngày lễ này, đây lại là thời gian dành cho gia đình. Khi mặt trời khuất bóng vào lúc 3 giờ chiều, những ngón tay đông cứng lại chỉ sau 30 giây rút ra khỏi găng lông, đường phố vắng hoe và các cửa hàng treo biển đóng cửa vào lúc 5 giờ, những món ăn trong các nhà hàng trở nên đắt đỏ đủ khiến bất cứ kẻ lỡ bước xa nhà nào ngán ngẩm. Thay vì phốc lên một chiếc xe máy bất kỳ sau ba bước lững thững rồi rú ga lượn khắp nơi khoái trá, tôi phải cuốc bộ hàng km để hòa mình vào dòng phương tiện công cộng, cố giữ cho mũi và tai được quấn chặt trong khăn ấm để khỏi hít phải luồng khí lạnh như kim đâm vào phổi, trước khi tìm thấy một siêu thị ấm sực đầy oặp nguyên liệu tươi sống cực kỳ thơm ngon – những thứ mà nếu không tự nấu sẽ phải trả giá ít nhất gấp năm để có thể thưởng thức.

Đất nước càng phát triển, con người càng văn minh thì giá trị của những dịch vụ càng cao vọt, và giá trị của những bàn tay nội trợ, của thiên chức phụ nữ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thứ quyền năng của những căn bếp ấm trong khi ngoài trời nhiệt độ âm hai mươi có một mãnh lực vô song, đủ lôi kéo bất cứ người đàn ông nào chỉ sau ba ngày nhá bánh mì khô khốc và thịt xông khói nguội ngắt. Sau những quần quật 8-12 tiếng/ngày nơi công sở hay nhà máy, con người im lặng vùi mặt vào những chiếc khăn to dày sải những bước dài trên phố. Cuộc sống độc lập sau tuổi 18 khiến đa số mọi người cắt giảm tối đa nhu cầu ăn uống, buộc mình hài lòng với những khẩu phần ăn nhanh dành cho một người. Tỉ lệ độc thân, tuổi kết hôn trung bình và dân số già tăng lên, số sinh giảm xuống, những cô gái Âu châu với xương quai xanh to ngang, vóc người vững chãi, mạnh mẽ và quyết đoán trong công việc, thành thạo bếp núc và quản trị cuộc sống được coi như những mỏ vàng thực sự. Và cũng chẳng cần phải có sự nghiệp ngon lành cho lắm nếu các cô gái lựa chọn làm mẹ độc thân vì đã có một hệ thống chằng chịt các ưu đãi kinh tế, y tế, giáo dục trợ giúp và nâng đỡ họ. Không phải đấu tranh sinh tồn, người ta ít khi phải loay hoay giữa điều Cần và điều Muốn.

lựa chọn giày

Sài Gòn cuồn cuộn khói từ hàng triệu chiếc xe chen chúc cố gắng tranh giành từng khoảng trống, cố gắng tiết kiệm từng giây trên đường. Công cuộc tìm kiếm người “phù hợp dưới mọi giác độ” được tích hợp với những chuyến công tác xô đẩy tôi từ đô thị này đến đô thị khác. Lang thang trong không khí mua sắm tất bật năm mới phủ ngập các cửa hàng với ê hề biển quảng cáo mời gọi “Sale off 30-50%”, tôi hết nâng lên rồi lại đặt xuống hàng chục đôi giày đủ mọi sắc màu. Giày thể thao dùng để chơi tennis – tôi có thể thu nhặt đủ mọi thông tin kinh tế, chính trị hay thời sự từ những người đàn ông giỏi việc thế giới hơn việc nhà, và kết thúc buổi tập với đích đến là quán bia giải quyết mọi nhu cầu thỏa mãn, quên sạch những gì to tát bên ngoài lẫn những vấn đề cấp thiết của bản thân. Giày cao gót mang cùng váy dài đủ sang trọng để đi nghe hòa nhạc – giám đốc công ty xuất nhập khẩu đồ đông lạnh sở hữu siêu xe đã ngủ gật trên ghế nhà hát khi chương trình còn chưa sang hồi thứ hai. Giày đế bệt mềm mại phù hợp đi picnic – cậu thanh niên kém tôi 6 tuổi đưa ra một kế hoạch du lịch kèm theo lời đề nghị “sống thử”…

Tối muộn, tôi thường trở về nhà một cách nhẩn nha, tỉ mẩn lôi bàn chải ra chải từng chiếc giày một – dấu hiệu của việc rủng rỉnh thời gian. Tách trà hoa cúc chi đủ ấm khi mọi việc nhà đã xong và tôi ngả lưng trên giường êm cùng với một thiết bị điện tử vào được Internet. Chưa bao giờ tôi phải mất công suy nghĩ xem thanh lý những đôi giày cũ như thế nào; việc đó đã có một lũ bạn gái cuồng thời trang làm hộ. Sự luân chuyển là một chiều bởi tôi không đi giày của những đứa khác, dù chỉ để trưng diện một lần. Tầng cao nhất của tháp nhu cầu Maslow với sáng tạo và sẻ chia không làm tôi thấy bối rối khi lại đón năm mới một mình. Xét cho cùng, ở trong nhà thì không cần đi giày. Với đôi chân trần, tôi thoải mái lê la trên sàn gỗ, mở bung cửa sổ cho khí lạnh Hà Nội tràn vào, thưởng thức những gì mà hiện tại mang lại, và thôi đau đầu về chuyện phải lựa chọn đôi giày nào cho phù hợp với những người chẳng biết có phù hợp hay không… 

Bài: Khuynh Phố

logo
 


From the same category