Ngạc nhiên khi nhận ra con đường mình đã dò dẫm đi tìm cuối cùng lại là để trở về chính góc khuất trong mình. Thảo Trang Idol, cô ca sĩ có tuổi thơ không êm đềm, dù chưa từng oán trách cuộc đời, nhưng cũng không hề biết đại lộ thênh thang lại bình yên đến thế, cho tới khi chạm đến. Có lẽ quý giá nhất là phút giây bản thân một người nhận ra mình đã đi qua những khúc quanh của cuộc sống, và có thể tự tin với con đường trước mặt.
Ca sĩ Thảo Trang.
Lòng vị tha của mẹ giúp chúng tôi sống tốt hơn
– Facebook của chị khoe ảnh đi du lịch khắp nơi trên thế giới, khiến người khác phát thèm. Thế mà khi ra album mới, chị lại nói thiếu một ít tiền. Tin được không?
– Đây, cái này mới quan trọng này. Tôi quan niệm, công việc là riêng của mình, chừng nào khó khăn quá mới đi nhờ. Mà khi nhờ, tôi không nhờ người nhà, mà nhờ người ngoài, thực chất là đi tìm sự hợp tác cả hai bên cùng có lợi. Tôi chưa từng có nhu cầu cứ hở ra là chạy tới nhờ bạn trai. Cũng có người hỏi, ờ sao bạn trai là người có tiền mà cứ phải khó khăn như vậy. Nhưng tôi thích cái sự khó khăn này.
Bản thân tôi không giàu, làm đủ sống, nhưng may mắn gặp được bạn trai thành công nên chúng tôi có thể cùng nhau đi du lịch khi muốn. Mà tiền tốn nhất cũng chỉ cho việc đó. Còn cuộc sống của gia đình, của mẹ và những người thân của tôi hiện tương đối ổn. Tôi chỉ còn thiếu một căn nhà, chứ tiền để tiêu thì cũng dư thừa rồi (cười lớn).
– “Tiền cũng đủ tiêu rồi”, nghe thích nhỉ. Nhưng nghĩ về ngày xưa của chị, tôi vẫn thắc mắc tại sao chị từng nghèo thế lại dám thi vào một trường, mà nếu thành, sẽ trở nên cao sang ra trò đấy!
– À, cũng có người cười tôi đấy, họ bảo, từ căn tin đi ra bày đặt gì trở thành ca sĩ, nghệ sĩ.
Kể ra chuyện này bây giờ nghĩa là đi khoe cái xấu của mình đấy. Khi học cấp ba, tôi chẳng giỏi môn nào (Trốn học thường xuyên mà! – cười), biết rõ chọn trường gì thi cũng rớt, nhưng vẫn muốn lên Sài Gòn học. Lúc các bạn bàn thi trường này trường kia, tôi mới chu cha, mình thi gì nhỉ. Được cái, biết mình học dở nhưng cũng biết mình hát giỏi nên nghĩ, à ngoài hát mình có thể học thuộc hai môn văn, sử, thế là chọn hai trường: Cao đẳng Nghệ thuật Tp.HCM và Trung cấp Nhạc viện Tp.HCM với suy nghĩ, nếu rớt cao đẳng thì xuống trung cấp học. Nhưng ai ngờ đỗ cả hai. Đỗ rồi, nghe mọi người khuyên nếu giỏi hát thì nên dành thời gian cho thanh nhạc, đó là lý do đỗ cao đẳng nhưng vẫn học trung cấp nhạc.
– Nên người ta mới nói, ai từng trải qua khó khăn, vất vả, thường ngửi thấy mùi sự sống rất nhanh!
– Có thể. Cũng như khi chuyển từ Quảng Trị vào Bình Dương với mẹ, tôi mới học xong lớp 9, cứ nghĩ sẽ nghỉ học luôn rồi, nhưng chẳng hiểu sao, sau một năm đi làm, tôi thấy mình phải tiếp tục học. Nghĩ vậy, đang làm ở Sài Gòn, tôi quay về Bình Dương, xách xe nói với mẹ, thôi con đi tìm trường học tiếp. Cuối cùng tìm thấy Trung tâm Giáo dục Thường xuyên trên thị xã Thủ Dầu Một. Ban ngày phụ mẹ bán hàng, đêm đi học bổ túc, hai năm ba lớp, vui ơi là vui.
– Bây giờ nhìn thấy con gái thành công, mẹ chị thế nào?
– Mẹ rất tự hào vì tôi trưởng thành, không hư và có tự trọng. Mẹ tôi từ khi có đủ bốn đứa con là bắt đầu cơ cực. Nhưng giai đoạn cơ cực nhất của bà là khi phải bỏ nhà, bỏ lại người chồng nghiện rượu ở Quảng Trị, dắt bốn anh em tôi tay trắng ra đi. Tôi nghĩ mẹ là người mở đầu con đường mới cho tất cả anh em tôi nên mẹ mới là người can đảm. Bản thân tôi may mắn thừa hưởng được một phần sự dũng cảm đó của mẹ.
– Bắt đầu làm lại cuộc sống với bốn đứa con trẻ dại, chắc hẳn chẳng có gì dễ chịu. Những người đàn bà trải qua nhiều cơ cực thì sẽ hoặc trở nên cay nghiệt, hoặc trở nên thiếu tự tin. Mẹ chị thì sao?
Lúc mang các con dời nhà đi, tôi nghĩ mẹ đường cùng lắm rồi, vì tất cả chúng tôi còn bé, thêm đứa em trai út của tôi bị bệnh liệt nữa. Nhưng sự dằn vặt của ba tôi với chứng say xỉn của ông đã vượt ngưỡng chịu đựng của mẹ. Nghĩ đến bây giờ tôi vẫn còn thấy sợ. Nếu mẹ trở thành người đàn bà cay nghiệt, có khi tôi hoặc tự kỷ, hoặc hư hỏng mất rồi. Lòng vị tha của mẹ đã giúp chúng tôi sống tốt hơn.
– Không muốn lặp lại cuộc đời của mẹ bởi mẹ tôi hiền quá. Còn bản thân, chắc do được tôi luyện, lại học được nhiều kinh nghiệm từ mẹ nên tôi không thể nhu nhược được. Nếu gặp chuyện, chắc sẽ phải đưa ra quyết định sớm hơn, ví dụ trong một cuộc yêu, nếu thấy không ổn thì chia tay sớm chứ không đứng đó mà chịu trận.
– Và đó có phải lý do đến bây giờ hỏi rằng Thảo Trang đã đi qua bao nhiêu cuộc tình, cô ấy… lắc đầu không dám đếm?
– (Cười) Tôi cũng đi qua nhiều cuộc tình nhưng không nói là thất bại nhé. Tôi chỉ là người dứt gót ra đi.
Nói thì vậy, nhưng quả thực những bài học từ mẹ, những điều mình từng chứng kiến qua cuộc đời bà khiến tôi có một ý niệm rằng, đầu tiên mình không thể chấp nhận được người đàn ông nào đó không tôn trọng mình giống như ba không tôn trọng mẹ.
Sự tự lập có thể khiến vài người đàn ông sợ
– Chị hiểu rõ, yêu một người đàn ông ngoại quốc, điều hay là họ chỉ quan tâm đến bản thân đối phương, chuyện nguồn gốc và hoàn cảnh của cô ấy không quá quan trọng. Nhưng về phía mình, có khi nào chị nghĩ, bằng cách yêu đó, những thứ thuộc về lịch sử gia đình chẳng vui của mình không có cách “trồi lên” trong hiện tại?
– Tôi cũng chẳng nghĩ sâu xa quá khi chọn yêu một người đàn ông. Đơn giản ở Sài Gòn bạn bè ngoại quốc của tôi nhiều, hay gặp gỡ nên nảy sinh tình cảm cũng là lẽ thường. Khi quen bạn trai người nước ngoài đầu tiên, tôi cũng phải học ngoại ngữ muốn chết để có thể giao tiếp.
Yêu người nước ngoài có những điều hay nhưng cũng rất nhiều thứ phức tạp. Sự khác biệt về văn hóa, ứng xử đôi lúc mang đến những hiểu lầm, nên hoặc mình phải nuốt cái tôi xuống, tiếp tục tìm hiểu để yêu họ, hoặc dừng lại. Và mối quan hệ thuở ban đầu cũng gây tổn thương ít nhiều cho cả hai phía. Nếu thương nhau đủ thì sẽ vượt qua, đồng nghĩa tự hạ cái tôi của mình xuống, đến khi tìm thấy cân bằng giữa hai bên.
Bạn trai tôi đi lên từ hai bàn tay trắng, gia đình anh bên Mỹ không phải giàu có gì lắm. Khi quen nhau thân thiết rồi, tôi bắt đầu kể về gia đình, câu chuyện tìm mọi cách vươn lên để sống của tôi ít nhiều khiến anh ấy nể trọng tôi hơn. Tôi nghĩ đó cũng là cách nhìn của các bạn trai khi quen mình chứ không phải riêng người đàn ông hiện tại. Sự tự lập của mình sẽ làm một vài người sợ, đặc biệt là những người đàn ông Việt thích tuýp phụ nữ chịu đựng, dịu dàng. Nhưng con đường tôi đi có nhiều sỏi đá cho nên nó làm tôi cứng rắn và mạnh mẽ hơn.
– Lẽ thường, con gái hay chọn người yêu theo mô típ giống cha của mình. Nói vậy thì chị chẳng có một hình mẫu nào để tìm người yêu nhỉ? Chị lựa bạn trai theo cách nào?
– Chắc rồi, một hình mẫu là ba như một bài học lớn trong đời, nếu đổ theo như mẹ nghĩa là mình thua mình đấy (cười). Nên bước vào những cuộc yêu tôi cũng có nhiều so sánh và cảnh giác. Tôi đơn giản không muốn khổ thêm lần nữa. Mệt lắm!
Nhưng tôi nghĩ mình có quyền lựa chọn mà, mắc mớ gì không xài quyền đó. Chưa kể, có rất nhiều người, thế giới có bao nhiêu triệu dân, nếu nước này không thấy, ta qua nước khác tìm (cười lớn), nên tôi chẳng hiểu sao có người cứ hay đau khổ như thể chỉ có người đàn ông từng yêu là duy nhất. Tôi vẫn tin thể nào cuối cùng mình cũng tìm được người phù hợp. Tiêu chí của tôi chỉ là tìm được một người có thể hiểu cách sống của mình, chấp nhận nghề nghiệp của mình, như vậy là đủ. Thật chứ, mình cũng rõ bản thân mình là người có hoàn cảnh phức tạp, một nghề nghiệp phức tạp mà.
– Bởi thế, chị có từng thương người đàn ông của mình?
– Có, anh ấy la hoài, trời sao yêu nghệ sĩ chi cho khổ vậy. Tôi cũng hỏi hoài sao anh ấy có thể chịu đựng được mình. Anh ấy bảo, cả hai đều hiểu được vấn đề của bản thân như thế nào, điểm yếu của nhau cũng đã rõ, nên nếu tìm được người hiểu và thương mình rồi thì phải biết giữ. Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều đã tìm được lời giải giống nhau.
– Yêu anh ấy, chị thấy mình biến đổi nhiều không?
– Có chứ, tôi thấy đầu óc của mình phải hoạt động mạnh hơn, phải luôn đu theo cho kịp với suy nghĩ của anh ấy, tại anh ấy lớn và từng trải hơn tôi. Vì vậy, tôi phải “già” hơn, không thể sống tưng tưng như con nít trước đây. Ngược lại, anh ấy phải trẻ trung hơn, như thế hai người mới có thể hòa hợp.
– Tôi tự tin hơn rất nhiều từ khi yêu anh ấy, cùng đó là sự trưởng thành và đặc biệt nữ tính hơn. Tư tưởng của anh ấy ảnh hưởng tới tôi rất nhiều. Chẳng hạn về xã giao, anh ấy rất giỏi, còn tôi rất tệ và tôi học được từ anh ấy rất nhiều. Bản thân tôi thấy mình là người tốt, nhưng anh ấy là người rất nhân hậu nên tôi vẫn phải học hỏi nhiều hơn. Chưa kể, kiểu tôi ngày xưa khổ cực nên giờ khi làm được chút tiền cũng đôi lúc nảy sinh tâm lý phải chiều chuộng bản thân, nhưng mình xài tiền không có nghĩ sâu xa, có đôi khi là chi uổng. Anh ấy thì không vậy, nên tôi học ở anh ấy cách tiêu tiền đúng cách, không phung phí.