Thảo dược cho hàm răng chắc khỏe

Những thảo dược phổ biến như nghệ, trà xanh, đinh hương, quế chi… sẽ giúp bạn xua tan cảm giác đau, khó chịu khi bị các bệnh về răng miệng. Ngoài ra, chúng còn giúp điều trị hôi miệng.

Bách lý hương

 

Tinh dầu của bách lý hương có chứa thymol, có tính chất khử trùng rất tốt, là thành phần chính có trong nước súc miệng listerine. Bạn chỉ cần cho vài giọt tinh dầu bách lý hương vào chung với nước muối, dùng súc miệng ngày 2-3 lần đến khi hết viêm nướu.

Tinh chất eucalyptus có trong khuynh diệp giúp kháng khuẩn, chống viêm, nhiễm trùng rất hiệu quả. Tinh dầu khuynh diệp có tác dụng đánh tan những mảng bám khó ưa lưu trú trên răng, tránh tình trạng viêm nướu. Bạn dùng 2-3 giọt tinh dầu khuynh diệp hòa trong 150ml nước ấm để súc miệng 2 lần/ ngày. Sau đó, bạn súc miệng lại bằng nước sạch, tránh tác dụng phụ dễ gây buồn nôn.

Nghệ vàng

 

Ngoài có vai trò là loại gia vị dược dùng để chế biến món ăn thì nghệ còn được dùng để chữa đau răng. Vì chúng có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và giảm đau nhờ vào hoạt chất curcumin. Để hết đau răng, bạn lấy một thìa cà phê bột nghệ hòa chung với ½ muỗng cà phê nước, sau đó đắp hỗn hợp đặc này trực tiếp vào răng đang bị nhức. Bạn nên làm 2 lần/ ngày đến khi răng hết đau hẳn.

Đinh hương

 

Theo đông y, đinh hương có vị cay, ngọt, the, tính nóng. Trong nha khoa, tinh dầu đinh hương có tác dụng rất tốt để gây tê nhẹ, giảm đau cấp ở răng, kháng vi khuẩn, khử mùi hôi của hơi thở. Để giảm sự khó chịu khi bị đau răng, bạn ngâm một thìa bột cà phê đinh hương trong 0,5 lít nước nóng. Cất dung dịch vào một cái chai sạch để súc miệng 2 lần/ ngày.

Không nên dùng quá nhiều đinh hương vì chúng có tác dụng phụ là gây đông hoặc loãng máu tùy theo thể trạng của từng người. Nếu bạn muốn nhổ răng thì không nên dùng đinh hương để giảm đau mà nên đi đến nha khoa.

Quế


Trong quế có chứa một lượng lớn các chất chống oxy hóa: vitamin A, niacin, axit pantothenic… có tác dụng diệt vi khuẩn trong miệng, ngăn chặn viêm nướu và giữ răng miệng khỏe mạnh.

Bạn lấy một thìa cà phê bột quế đun sôi với khoảng 150ml nước trong khoảng thời gian từ 20 đến 30 phút và cất trong một chai nhỏ để sử dụng dần dần.

Lưu ý, nước súc miệng này có thể gây kích ứng nếu bạn có vết thương hở hoặc mụn ở trong miệng.

Dầu mè


Được sử dụng để ngăn chặn tụt nướu và loại trừ các vi khuẩn gây bệnh cho nướu răng nhờ vào chất chống oxy hóa mạnh là sesamolin.

Ngậm khoảng 1-2 muỗng canh dầu mè trong vài phút. Sau đó, nhả ra và dùng ngón tay sạch để massage nhẹ nhàng nướu răng. Bạn sẽ thấy kết quả sau 3-4 tuần.

Tuy vậy, dầu mè không thay thế các sản phẩm làm sạch răng miệng mà chỉ giúp tăng sức đề kháng cho nướu nên bạn vẫn phải đánh răng như bình thường.

Trà xanh

 

Chứa chất chống oxy hóa polyphenol nên trà xanh có tác dụng chống viêm, sát trùng, giảm đau răng, ngăn ngừa viêm nướu. trà xanh cũng có chứa fluoride, giúp răng chắc và khỏe. Ngoài ra, tính kháng khuẩn của trà xanh còn có thể giúp ngăn chặn và làm chậm sự phát triển của sâu răng.

Nếu dùng trà xanh làm nước súc miệng, có thể giúp bạn nhanh chóng giảm đau, nhiễm trùng, viêm nướu, áp-xe.

Bạn chỉ cần dùng 10 lá trà xanh, nấu với khoảng 1 chén nước để lấy nước súc miệng hằng ngày giúp ngăn ngừa hiệu quả các bệnh về răng miệng.

Theo Sức khỏe

From the same category