Là người phụ nữ châu Á đầu tiên chinh phục giải chạy “The 4 Desert Grand Slam” với hành trình 1.000 kilomet qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất trên thế giới, Thanh Vũ lại vô cùng khiêm tốn về thành tích của mình, thậm chí cô không tự xưng là vận động viên. Trong mắt người khác, nghị lực của Thanh thật phi thường. Tuy nhiên đối với Thanh, đó đơn giản là kết quả của quá trình rèn luyện để chinh phục từng chặng đường có ý nghĩa với bản thân.
Những gì mình có là do tự nhiên cho phép
Với người đam mê chinh phục những cung đường, cảm giác kết nối với thiên nhiên là điều hiển nhiên. Nhưng cảm giác kết nối đó diễn ra như thế nào mới là điều tôi thực lòng quan tâm. Chắc chắn, việc Thanh Vũ chạy qua sa mạc dưới cái nóng bỏng rát sẽ rất khác với việc chúng ta chạy xe đạp địa hình, cưỡi lạc đà hay dạo bộ.
“Có những lúc tôi mệt mỏi đến mức đi lên đồi cát nóng mà cảm giác như đang bước trên đinh, đi hai bước thì lại hụt một bước. Nhưng mình phải bám víu vào vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh và nhắc bản thân rằng không phải ai cũng có cơ hội chứng kiến những khung cảnh hùng vĩ như vậy”, Thanh bộc bạch. Rõ ràng đối với cô, thiên nhiên không chỉ là nơi để tận hưởng sự khoan khoái, dễ chịu mà còn là nơi để nương tựa, học cách thưởng thức và biết ơn.
Thanh nói rằng cô thích sa mạc Atacama Chile vì nơi này có những điểm trông như bề mặt của mặt trăng, và Bắc Cực rất đẹp. Ở Bắc Cực, vào ban ngày, khung cảnh tráng lệ và diệu kỳ với những hàng cây tuyết phủ trắng xóa, tuyết long lanh dưới ánh mặt trời. Ban đêm lại hoàn toàn đối lập. Trời tối đen như một bộ phim kinh dị khiến lòng cô dâng lên cảm giác sợ hãi. Nhưng cũng có khi cô có cơ hội nhìn thấy cực quang, tưởng như thiên nhiên đang dành cho cô một buổi hòa nhạc riêng trên đồng băng. “Dù nó lạnh đến tê tái, tôi vẫn bám víu vào khoảnh khắc hiếm có này”. Một lần nữa, cô lặp lại từ “bám víu”.
Thanh Vũ nói thêm: “Việc kết nối với thiên nhiên và môi trường xung quanh luôn cần thiết. Không chỉ sau khi mình hoàn thành một chặng đường, mà cả trong lúc vật lộn với chặng đường đó. Khi ở trong thiên nhiên, tôi thấy con người thật nhỏ bé, nhận ra rằng những gì mình có được là do tự nhiên cho phép”.
Về mặt cấu tạo, cát trên đồi cát Phan Thiết hay cát ở sa mạc Atacama là như nhau, nhưng tại sao chúng ta lại cảm nhận về nơi đó theo những cách khác biệt? Câu trả lời chỉ có thể do mỗi người tự đưa ra. Với Thanh Vũ, hành trình sẽ vô nghĩa nếu chỉ nói: đây là cát sa mạc. Tôi không thể không đồng tình với cô. Ai cũng từng nghe câu “không gì là không thể”, “cứ đi thì sẽ đến”, nhưng hiểu và cảm nhận nó thế nào mới là sự khác biệt.
Tôi tò mò có khoảnh khắc nào khiến Thanh nhận ra sự đối lập giữa lối sống thành thị với những ý nghĩa cô tìm thấy ở ngoài thiên nhiên không? Cô cho rằng sự tự nhận thức của con người cần được đúc kết qua nhiều trải nghiệm, suy nghĩ và sự nhìn lại. Nhưng cô nhớ về khoảnh khắc đang chạy trên cát, tự nhiên vấp phải rễ cây, ngã xuống và mắt hoa cả lên. Cô liên tưởng đến lúc đứng trên một tòa nhà cao tầng nhìn xuống dòng xe đông đúc và ánh điện lấp lánh. Hai khung cảnh đối lập nhau khiến cô nhìn rõ những cảm xúc diễn ra bên trong mình. Ngày xưa, cô thấy chúng thật đẹp, thấy mình được đứng trên điều kỳ diệu. Lúc nằm trên cát, cô mỉm cười nhận ra mình đang nằm trong sự ân sủng của thiên nhiên.
Khoảnh khắc đáng chờ đợi nhất
Đối với Thanh Vũ, những khoảnh khắc đáng chờ đợi nhất không phải là về đích mà là “những khoảnh khắc tạo nên cá nhân mình, giống như con rắn lột xác, bỏ đi lớp da cũ để làm mới bản thân và tiến lên mạnh mẽ hơn”.
Những khoảnh khắc này thường xảy ra vào ngày thứ tư của các giải đua kéo dài hàng tuần. Đó là thời điểm mọi người cảm thấy mệt mỏi, dễ bỏ cuộc khi nhìn thấy quãng đường dài phía trước. Thanh Vũ nhớ lại, trong giải đua năm 2012 ở Thụy Sĩ, những người xung quanh đều chứng kiến khoảnh khắc cô hoảng loạn và rối bời vì trời lạnh và mưa suốt, tốc độ chạy càng ngày càng chậm. Qua thời gian, những khoảnh khắc đó đến muộn hơn vì cô đã kiên nhẫn hơn, sức chịu đựng tốt hơn và quyết tâm hơn.
Cô cũng từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng có những giải chạy nhỏ không được nhiều người biết nhưng bản thân cô vô cùng trân trọng vì có những giai đoạn, bởi nhiều lý do khác nhau, việc chinh phục 5 hay 10 kilomet đối với cô cũng đã là cực hình. Mỗi lúc vượt qua được những khó khăn chỉ một mình mình biết, cảm giác rất tuyệt vời.
“Liệu Thanh có phải là một người thích chinh phục không?”, tôi hỏi.
Cô dừng vài giây suy nghĩ và cho rằng bản thân là người thích chinh phục nhưng không hẳn muốn chinh phục điều gì lớn lao, mà chỉ muốn thử sức xem mình có làm được việc khó hay không. Vì sao việc thử sức của cô lại gắn với những địa hình khó nhằn chứ không phải là hành trình leo lên một vị trí cao trong xã hội? Theo Thanh Vũ, điều đó tùy thuộc vào đam mê của mỗi người. Cô lý giải thêm về đam mê: “Người ta hỏi tôi làm thế nào để tìm được đam mê. Đôi khi, đam mê không phải một câu trả lời rõ ràng cứ tìm là sẽ gặp. Mình cần phải lắng nghe và quan sát, quan tâm đến những hành động, ý nghĩ của bản thân ngay cả khi chúng có vẻ vô lý hay điên điên một chút. Nếu nó đánh đúng vào điểm kích thích của mình thì sẽ làm cho mình muốn dồn hết năng lượng và nỗ lực vào đó. Khi có đam mê và sự tò mò, cuộc sống sẽ thú vị hơn. Sống theo chuẩn mực của xã hội không bao giờ đem lại niềm vui thực sự”.
Về nhà
Câu chuyện về Thanh Vũ năm 20 tuổi có lẽ nên được kể theo mạch từ phòng tập đến đường đua, nhưng khi cô ngoài 30, câu chuyện ấy cần được đảo chiều.
Thiên nhiên chính là người thầy đã dạy cô rằng việc chạy 250 kilomet, 500 kilomet hay cả ngàn kilomet cô có thể làm ở bất kỳ đâu, quan trọng là hành trình đó thay đổi cách nghĩ và nhân sinh quan của cô như thế nào. Từ đường đua trở về nhà, Thanh biết trân trọng hơn những điều trước đây mình chưa dành đủ sự quan tâm.
Cô từng thấy phòng tập rất khô khan, toàn máy móc và ở đó vẻ mặt ai trông cũng căng thẳng. Nhưng dần dần, cô đã vượt qua được cảm giác không thích để vào phòng tập thường xuyên hơn, luyện tập hiệu quả hơn trong thời gian ngắn hơn, và quan trọng là duy trì sự cân bằng về tâm lý và sức khỏe để có cuộc sống chất lượng hơn.
Nói về đời sống cá nhân, cô phì cười khi nghĩ về thời sinh viên lúc nào cũng thích ra khỏi nhà, thích check-in ở những địa điểm đẹp. Kể cả khi ở ký túc xá, cô thích ôm hết quần áo, sách vở sang phòng bạn dù chỉ ở cách đó vài bước chân. Còn giờ đây, cô tận hưởng những lúc được ngồi yên trong chiếc tổ của mình. Một trong những điều hữu dụng mà Thanh Vũ học được là phân biệt giữa “thời gian rảnh” (free time) và “thời gian sẵn sàng” (available time). Thời gian rảnh là dành cho mình để phục hồi và sạc lại năng lượng. Cô cười, nói rằng mình bảo vệ khoảng thời gian này rất kỹ càng.
Thi thoảng, cô dành “thời gian sẵn sàng” cho những người thân, uống trà, xem phim, nghe nhạc hay nói chuyện cùng họ. Trong những cuộc hẹn thân mật, cô chia sẻ với họ những mục tiêu có vẻ xa vời và điên rồ của mình. “Việc chia sẻ mục tiêu với người khác là một kỹ năng cực kỳ quan trọng. Tôi từng cố gánh gồng mọi thứ một mình và cảm thấy căng thẳng, dần xa rời mục tiêu. Học cách chia sẻ giúp tôi hình dung rõ hơn về mục tiêu và tăng sự cam kết. Nỗi sợ hãi nhỏ đi, tôi thấy tự tin hơn. Khi có người chất vấn hay thách thức, tôi hiểu rõ hơn điều mình cần làm và cần điều chỉnh”.
Thanh Vũ sinh năm 1990, từng du học tại Canada và Anh, sau đó trở thành chuyên viên phân tích tài chính tại Hãng tin Tài chính Bloomberg, Singapore. Sở hữu công việc lý tưởng, nhưng năm 25 tuổi, Thanh chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn khác là thể thao.
Năm 2016, cô chinh phục giải chạy bền “The Deserts Grand Slam” qua 4 sa mạc Atacama (Chile), Gobi (Trung Quốc), Namib (duyên hải Namibia) và Antarctica (châu Nam Cực).
Năm 2022, Thanh Vũ về nhất tại giải “World Champion Deca Ultra Triathlon” gồm 3 môn phối hợp: bơi 38 kilomet, đạp xe 1.800 kilomet và chạy bộ 422 kilomet.
Tháng 10 năm 2024, Thanh tham gia giải chạy khắc nghiệt nhất hành tinh “Triple Deca Continuous” gồm 3 nội dung: bơi 114 kilomet, đạp xe 5.400 kilomet và chạy 1.266 kilomet, xếp hạng 7 toàn giải và về nhất ở nội dung chạy bộ.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra trong vỏn vẹn một giờ đồng hồ. Tôi cảm nhận được Thanh đã dành toàn bộ “thời gian sẵn sàng” của cô ấy cho tôi giống như cách cô tập trung toàn bộ tâm sức cho những chặng đua. Trước khi chào tạm biệt nhau để Thanh trở về chốn an trú của riêng cô, chúng tôi bàn luận một chút về từ “place” trong chủ đề của số báo này. “Place” không chỉ là nơi chốn mà còn có thể hiểu là vị trí. Vì Thanh kể một ý rất hay nên tôi mạn phép đưa vào đây.
Thanh có một người bạn, chị ấy bắt đầu chạy bộ cách đây khoảng 10 năm, với cự ly dài nhất là 10 kilomet. Từ khi tập chạy, chị đã có cách nghĩ khác hẳn về bản thân. Trước đây, chị cho rằng chạy bộ trong thời tiết nóng nực là không thể. Nhưng khi chinh phục được mục tiêu chạy, chị bắt đầu tập gym, ăn uống nghiêm túc hơn và duy trì việc luyện tập thể thao dù đã có hai con. Chất lượng cuộc sống của chị thay đổi rõ rệt – khỏe mạnh, cân bằng và tích cực. Nhờ đó mà chị trở nên tự tin hơn.
Theo Thanh Vũ, khi vượt qua được những thách thức về thể chất trong thể thao, bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn khi quay trở lại các hoạt động đời thường. Họ bộc lộ quan điểm một cách vững vàng hơn, bớt rụt rè hay e ngại. Do đó, rèn luyện thể thao chính là một cuộc rèn luyện về con người.
CHUYÊN ĐỀ: IN HER PLACE
Nơi chốn riêng của người phụ nữ có thể là bất cứ đâu: trong trang sách, trên đỉnh núi hay ngoài vũ trụ… Miễn là ở đó, cô ấy tìm thấy đầu sợi dây kết nối với bản thân.
Thanh Vũ: Từ đường đua về nhà
Amanda Nguyễn: Ngoài vũ trụ và trong tâm hồn
NTK Marielle Genet: Sống giữa bảo tàng ký ức