Thành tựu y học 2OO7 dành cho phụ nữ

Năm Đinh Hợi không có những thành công quá xuất sắc về y học, nhưng “góp gió thành bão”, những thành tựu dưới đây đã đóng góp không nhỏ vào việc đưa ra những phương pháp chẩn đoán chính xác và đơn giản hơn, những cách chữa trị tốt hơn, những loại thuốc hiệu quả hơn… để cứu mạng sống và giảm nỗi đau của con người do bệnh tật. Tạp chí Health có vẻ “nịnh đầm” khi bình chọn những thành tựu y học hàng đầu trong năm dành cho phụ nữ.

1. Béo, đừng lo!

Vẻ đẹp của phụ nữ giảm nhiều nhất khi bị thống trị bởi… con ma Béo, nhất là khi lượng mỡ thừa biến thành “chiếc lốp dự phòng” đeo ngang bụng.

Biện pháp “bớt mồm bớt miệng” làm giảm một cái thú “ẩm thực” ở đời. Xuất phát từ đó, các nhà nghiên cứu ĐH Georgetown, đứng đầu  là nữ GS.TS. Zofia Zukowska, Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý và Lý sinh đã nuôi thừa dinh dưỡng tạo ra con chuột béo phì một cách dễ sợ, để làm đối chứng.

Sau đó, bà vẫn cho chúng ăn với chế độ dinh dưỡng trên nhưng đồng thời tiêm cho chúng chất “khóa” peptid thần kinh Y (NPY) gọi là NPY blocker. Chất này liền ra tay, ức chế sự tạo thành mô mỡ. Nhóm chuột này lại thon thả như xưa và không bị những mô mỡ bám vào thành mạch máu.

Mặt khác, các bác sĩ cũng khuyên những ai sợ béo nên “chọn bạn mà chơi” (ĐẸP đã đưa tin), vì ảnh hưởng của bạn bè là rất lớn. 57% người béo có bạn cũng béo y chang, trong khi chỉ 40% có anh chị em ruột béo (tức béo do gen).

2. Máy chân không “hút” mụn trứng cá
Theo tổng kết, phương pháp dùng các axit Rx để lột da hoặc dùng máy bào mịn da không có tác dụng gì với 25% phụ nữ có làn da sần sùi.

Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép sử dụng một thiết bị mới để “đánh bật những mụn trứng cá cứng đầu nhất” gọi là PPx (viết tắt chữ Photo-Pneumatic, mô tả hai giai đoạn trong hoạt động của máy).

Trước hết, máy hút chân không hút sạch dầu và cặn bã ra khỏi lỗ chân lông trên da mặt, sau đó một luồng sáng băng thông rộng (laser) làm tan đi tất cả những tạp chất bám trên da.

Phương pháp này tỏ ra rất có hiệu quả. Làn da gồ ghề sẽ trở nên mượt mà sau 5 lần điều trị. Tuy nhiên, nếu nước da sẫm màu thì hiệu quả kém hơn.

3. Sẽ chẳng còn đèn đỏ nữa

Mùa xuân tới, một loại thuốc ngừa thai mới mang tên Lybrel sẽ được tung ra thị trường với hiệu quả lên đến 98%. So với các thuốc “không muốn có baby” trước đây, nó khác ở chỗ, thay vì phải dùng hàng ngày, nhưng trong đó có 7 ngày phải dùng thuốc vờ (tức giống hệt thuốc thật nhưng không chứa hoạt chất) thì nay những viên thuốc vờ được thay bằng thuốc chứa hocmon.

Vì vậy, người sử dụng sẽ không có thời kỳ kinh nguyệt – những ngày khó chịu, mệt mỏi chẳng thiết làm việc gì.

Lybrel rất thích hợp với những nhà thể thao, phải tập luyện và thi đấu gặp trúng lúc “đèn đỏ”. Như vậy liệu Luybrel có nguy hiểm gì không? Những thử nghiệm rất kỹ càng trả lời: chị em đừng lo bất cứ điều gì, các nhà khoa học đã lo liệu đến nơi đến chốn.

4. Giữ trứng cho tương lai

Nhiều bé gái được chẩn đoán là ung thư và có khả năng chữa khỏi, nhưng liệu sau này có thể có khả năng làm mẹ nữa không? Câu trả lời đã được đưa ra mùa hè vừa qua tại Israel.

Một cô bé 5 tuổi được chẩn đoán là ung thư thận. Nhưng quá trình điều trị, bao gồm xạ trị và hóa trị chắc chắn sẽ tước bỏ khả năng sinh sản của cháu sau này.

Các bác sĩ đã lấy những tế bào trứng chưa trưởng thành của em nuôi cấy và làm đông lạnh để sau quá trình điều trị sẽ trả lại cho em khi em lớn lên và khỏi hẳn ung thư.

Rất lạ là, trứng lấy ra rất giống với trứng của một cô thiếu nữ 20 tuổi và tuy đã qua một thời gian bảo quản ở nhiệt độ thấp, chúng vẫn rất khỏe mạnh.

Thành công này được coi là một tin rất vui, vì trên thế giới không ít nữ bệnh nhi bị ung thư. Chắc chắn họ vẫn có hạnh phúc trở thành những người mẹ sau này.

5. Máy quay phim trong viên thuốc

Kỹ thuật nội soi đã làm rất nhiều bệnh nhân sợ hãi. Bây giờ, họ đã có một cứu tinh: chiếc camera nhỏ tí xíu được bọc gọn gàng trong một viên thuốc, có tên là PillCam (nôm na là Viên thuốc camera). T

hực ra, người ta đã thử nghiệm “thiết bị tí hon” này để quay phim trực tràng, ruột non, ruột già… từ năm 2003 nhưng kỹ thuật này cho tới nay mới được coi là hoàn thiện.

Bạn chỉ cần nhịn ăn tối hôm trước, uống một liều thuốc xả rồi sáng hôm sau đến bác sĩ để nuốt một viên PillCam. Nó sẽ “tung hoành” trong dạ dày, chu du theo đường tiêu hóa, và gửi ra ngoài hàng nghìn tấm ảnh ở mọi góc độ khác nhau theo kỹ thuật không dây để lưu trong máy tính. Một viên PillCam giá 450 USD.

6.  Làm tan khối u di căn

Các bác sĩ điều trị ung thư vú đã “mượn” một kỹ thuật mà các thầy thuốc chữa ung thư tuyến tiền liệt cho nam giới đã dùng từ 15 năm trước: cấy một hạt chất phóng xạ.

Hạt chất phóng xạ này sẽ làm chết những tế bào ung thư vú, đã bắt đầu di căn đến gan. Phương pháp điều trị này gây ra ít hậu quả nhất so với các phương pháp khác.

Theo hai nhà nghiên cứu tiên phong về cách điều trị này, giáo sư Affaan Bangash và Riad Salem, ĐH Northwestern, qua kiểm tra bằng chụp ảnh bức xạ positron, 65% bệnh nhân có cơ hội lành bệnh.

Mặc dù công trình nghiên cứu chưa hoàn thành, nhưng nhiều người hy vọng sẽ tránh được hóa trị liệu vài lần khiến bệnh nhân rất đau đớn.

7. Xây dựng lại xương

Những cảnh báo về bệnh loãng xương ngày càng gia tăng với thế hệ “baby boom” (“bùng nổ trẻ em”, chỉ thế hệ ra đời sau Thế chiến 2, tức khoảng trên 60 tuổi).

Hiện nay có rất nhiều cách chữa gồm: bổ sung canxi hàng ngày, uống thuốc viên mỗi tuần một lần như Fosamax và Evista, từ băng dán Andora đến thuốc dùng một tháng một lần như Boniva. Vừa qua, FDA (Cục dược phẩm Mỹ) cho phép lưu hành một loại thuốc chống loãng xương mới là Reclast, một năm mới phải dùng một lần.

Tuy nhiên, GS William Fuller, chuyên gia lão khoa cho biết: “Thuốc chống loãng xương nói chung, kể cả các thuốc thông dụng hiện nay đều có một chút ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa”.

8. Mặt mũi không bị đỏ nữa

Khoảng 14 triệu phụ nữ Mỹ tuổi từ 30 đến 60 (đặc biệt sau khi mãn kinh) bị những vết đỏ ở má, mũi, cằm do các mạch máu giãn nở, gọi là bệnh Rosacea (bệnh trứng cá đỏ), thường bị trầm trọng thêm khi ăn hay uống những thực phẩm có tính kích thích hoặc do khí hậu.

Một nhóm các nhà nghiên cứu do GS Richard Gallo, ĐH California, San Diago đã tìm ra nguyên nhân do sự sản xuất quá mức hai protein gây viêm nhiễm tương tác với nhau, tạo thành một protein thứ ba, gây ra bệnh trứng cá đỏ.

Đây là một kết quả đáng mừng vì từ trước đến nay, nguyên nhân của bệnh này chưa tìm được ra. Nhưng hiện tại, khi đã xác định được nguyên nhân thì phương pháp trị liệu sẽ mau chóng được công bố và áp dụng.

9. Đa xơ cứng là bệnh di truyền

Lần đầu tiên trong hơn 30 năm, các nhà nghiên cứu Tập đoàn Di truyền học quốc tế (International Genetics Consortium) đã phát hiện ra đầu mối di truyền của bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis, còn gọi là xơ cứng lan tỏa) thường gặp ở phụ nữ từ 20 đến 40 với các triệu chứng như mệt mỏi, đi không vững, run tay chân, mắt chuyển động nhanh (do rung giật nhãn cầu), viêm thần kinh…

Gen gây bệnh này là IL-2 và IL-7, liên kết với interleukin(IL), một chất giúp tế bào T chống lại những tác nhân xâm nhập. “Hiểu được gen gây bệnh, người ta đã đưa ra được những phương pháp điều trị hiệu quả hơn, những thuốc tốt hơn và chắc chắn sẽ đưa ra được phác đồ điều trị mới” – GS David Hafler, Trung tâm bệnh thần kinh ĐH Harvard nói.

10. Nguồn tế bào gốc mới

Tháng 11, Shinya Yamanaka (ĐH Kyoto) và James Thomson (ĐH Wisconsin) thông báo họ đã lập trình lại tế bào da bình thường để chúng trở thành tế bào gốc giống như tế bào gốc lấy từ cuống rốn thai nhi.

Tế bào gốc là tế bào có thể phát triển thành tế bào của 220 cơ quan nội tạng của cơ thể, có thể dùng để chữa những bệnh di truyền hoặc ung thư ở một cơ quan nào đó.

Đây là một phát minh lớn, cho phép người ta tránh được phải khai thác tế bào gốc từ bào thai hoặc nhân bản vô tính con người, một vấn đề bị coi là vi phạm đạo đức và luật pháp. Tuy chỉ là bước đầu nhưng nó đã mang lại niềm hy vọng cho hàng triệu người bệnh trên thế giới và được coi là một phát minh rất lớán, thúc đẩy khoa học phát triển.

 Bảo Châu (St)

 

 


From the same category