Thanh tra kết luận hàng loạt sai phạm ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh, đây không phải là một cuộc thanh tra toàn diện. Theo kế hoạch thì năm 2012, ĐH Kinh tế Quốc dân (KTQD) không nằm trong kế hoạch thanh tra. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh của báo chí thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định thanh tra một số hoạt động của Trường ĐH KTQD giai đoạn từ tháng 7/2008 đến tháng 5/2012. Đoàn thanh tra cũng cho biết thêm, do năm 2008 và 2010 đã có đoàn Kiểm toán Nhà nước làm việc với ĐH KTQD nên thanh tra Bộ chỉ tập trung làm rõ một số hoạt động của năm 2009 và 2011.
 
Nhiều sai phạm của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa được thanh tra Bộ GD-ĐT làm sáng tỏ.
Nhiều sai phạm của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa được thanh tra Bộ GD-ĐT làm sáng tỏ.

Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT nêu rõ, Trường ĐH KTQD có nhiều sai phạm liên quan đến việc ban hành văn bản quản lý nội bộ chưa bám sát và cập nhật đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến một số quy định không phù hợp với pháp luật hiện hành. Đặc biệt là những thiếu sót, sai phạm xảy ra ở 4 nhóm vấn đề, đó là: Công tác tổ chức, cán bộ; Công tác đào tạo sau đại học và liên kết đào tạo; Công tác xây dựng cơ bản và các khoản thu chi, tài chính của trường này. Đây cũng là các vấn đề mà trước đó nhiều báo chí đã phản ánh.

Phá hợp đồng liên kết để đào tạo sai quy định

Theo kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT, lợi dụng việc liên kết với Trường ĐH Tây Bắc Trường ĐH KTQD đã tiếp nhận 54 sinh viên theo học hệ này ở Tây Bắc về tại trường học tập, điều này không phù hợp với quy chế đào tạo ĐH, CĐ và các Hợp đồng liên kết.

Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định: “Theo quy định hiện hành, việc gửi học 54 SV không có cơ sở pháp lý và nhiệm vụ được giao bởi Quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo không có quy định về hình thức gửi học. Bên cạnh đó hợp đồng liên kết đào tạo và các văn bản ghi nhớ của hai Trường nêu địa điểm đào tạo tại trường ĐH Tây Bắc và không có nội dung quy định việc gửi học”.

Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, số lượng SV gửi từ Tây Bắc về Hà Nội hàng năm tăng dần (từ 5 trường hợp khóa 49 lên 21 trường hợp khóa 52) ảnh hưởng đến mục tiêu liên kết đào tạo. Việc gửi học không có chủ trương chung và không tiến hành công khai mà do Hiệu trưởng hai trường thỏa thuận, quyết định vì vậy đã phát sinh dư luận không tốt.

Không chỉ dừng lại ở sai phạm này, việc liên kết đào tạo còn chuyển ngành cho 2 SV trái quy định.
 
Trước luồng thông tin cho rằng, để được chuyển về học ở Hà Nội, 2 SV này đã phải mất những khoản chi phí không nhỏ, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng chia sẻ: “Rất khó để Thanh tra xác định được thông tin này đúng hay sai. Vấn đề này muốn làm sáng tỏ thì phải để cho cơ quan công an điều tra”.

Thu sai quy định lên đến hơn 51 tỷ đồng

Thanh tra Bộ GD-DT cũng cho biết, trong hai năm 2009 và 2011, Trường ĐH KTQD đã thu 14 khoản thu sai và vượt quy định tổng cộng hơn 51 tỉ đồng. Các khoản thu sai này được quy về 4 nội dung: học phí nâng điểm hệ chính quy; Lệ phí tuyển sinh các hệ; Kinh phí hỗ trợ đào tạo và các khoản thu một lần vào đầu năm học.

Kết quả kiểm tra cho thấy, số tiền thu trong 2 năm 2009 và 2011 để hỗ trợ đào tạo sau ĐH là hơn 22 tỷ đồng. Đây là khoản thu không có trong quy định và Trường ĐH KTQD thực hiện thực hiện thu theo kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính tại kết luận thanh tra năm 2008.
 
Danh sách 14 khoản  thu sai và vượt quy định tổng cộng hơn 51 tỉ đồng.
Danh sách 14 khoản  thu sai và vượt quy định tổng cộng hơn 51 tỉ đồng.

Để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy cho SV đối với học phần bị điểm D, trường đã tiến hành tổ chức thu học phí theo tín chỉ ở mức thu vượt khung quy định tại Nghị định số 49/2010-NĐ-CP với tổng số tiền vượt năm 2011 là hơn 3 tỷ đồng. Đây là khoản thu học phí chính quy vượt quy định hiện hành.

Đối với lệ phí tuyển sinh các hệ bao gồm các khoản thu lệ phí tuyển sinh đào tạo từ xa, văn bằng 2, thi tốt nghiệp, liên thông, thu học khối kiến thức A1 và hoàn chỉnh kiến thức. Tổng số thu vượt quy định hiện hành trong 2 năm 2009 và 2011 là hơn 7 tỷ đồng. Đây là khoản thu lệ phí tuyển sin vượt mức quy định, phục vụ cho việc tổ chức các kì thi tuyển sinh, có tính chất bù đắp chi phí và thực tế các khoản thu nói trên đã chi dùng hết cho công tác tuyển sinh của trường.

Đối với khoản thu một lần vào đầu năm học và thu khác thì số tiền thu trong 2 năm 2009 và 2011 là hơn 18 tỷ đồng. Đây là các khoản thu không có trong quy định của nhà nước, chủ yếu là khoản thu mang tính chất thỏa thuận, thu hộ, chi hộ…để bù đắp các chi phí liên quan. Theo báo cáo thì hầu hết các khoản thu này nhà trường đã chi hết cho các nội dung thực hiện. Một số hoạt động có chênh lệch thu, chi nhà trường đã chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và tạo lập các quỹ theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Theo báo cáo kết luận kiểm toán năm 2010 đối với các khoản thu mang tính thỏa thuận này, Kiểm toán nhà nước yêu cầu nhà trường rà soát lại các nguồn thu cũng như mức thu và chấn chỉnh công tác quản lý các nguồn thu, không thực hiện thu hồi đối với các khoản thu nói trên.

Để giải quyết sai phạm này, Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị thu hồi số tiền hơn 3 tỷ đồng thu vượt học học phí nâng điểm của SV hệ ĐH chính quy năm 2011 về Ngân sách Nhà nước.

Theo Dân trí

From the same category