Thanh Phương-Câu chuyện một chiếc bình pha lê - Tạp chí Đẹp

Thanh Phương-Câu chuyện một chiếc bình pha lê

Bộ Sưu Tập

Trên sân khấu, ca sĩ sáng bừng và thu hút mọi sự chú ý. Giống như thưởng thức một bình hoa đẹp, sự chú ý dồn về những bông hoa, mấy người để ý đến chiếc bình… Thanh Phương là một chiếc bình pha lê như vậy, rất nhiều những bông hoa – các loại, mong được phô vẻ đẹp của mình nhờ anh.

Không thể không gọi anh là một nghệ sĩ. Nhưng xin lỗi, nhiều người biết đến anh hơn với tư cách là một nhạc công chơi guitar?

Một nhạc công phải phấn đấu trở thành một nghệ sĩ. Tôi đã từng là một nhạc công. Ban nhạc Phương Đông của tôi là như vậy, biến mỗi nhạc công thành một nghệ sĩ, tự phô diễn hết khả năng và cá tính của mình trong một tổng thể.

Anh nghĩ sao về đời sống của những chiếc bình hoa?

Cuộc sống là vậy và đương nhiên phải chấp nhận cái… đương nhiên ấy. Việc của ca sĩ – những bông hoa – là phô sắc toả hương. Còn việc của cái bình – những người sản xuất, nhạc sĩ, nhạc công – là làm đẹp cho những bông hoa ấy.

Rõ ràng, một chiếc bình phù hợp có thể làm đoá hoa đẹp hơn bất ngờ. Nhưng với một tác phẩm xấu của bông hoa đẹp, người ta bèn đổ lỗi chiếc bình?

Đó cũng vẫn là một điều đương nhiên, chính vì thế mới thấy rằng chiếc bình có thể làm những đoá hoa đẹp và xấu. Tôi cảm thấy chuyện một chiếc bình ít được chú ý chẳng có gì đáng buồn cả. Bởi lẽ décor hiện đại, có rất nhiều phong cách mà người ta cắm một bông hoa thật giản dị… để khoe chiếc bình.

Anh đứng sau nhiều ngôi sao trong những vai trò quan trọng như sản xuất, mixer, hoà âm…, đã đệm đàn guitar cho họ rất nhiều. Vậy tại sao nhỉ, tại sao anh không rầm rộ như những người khác, mặc dù giới chuyên môn nhìn nhận anh là một trong những nghệ sĩ guitar hàng đầu đất Hà thành?

Có lẽ bản tính tôi không thích những chuyện ồn ào, và quả thực cũng không biết cách… làm nổi bản thân. Đơn giản là khi Thanh Lam hay Ngọc Anh, Tùng Dương nhờ tôi đệm guitar cho một đêm diễn của họ, tôi cũng không biết cách mặc trang phục hay kiểu cọ gì để … gây sự chú ý cả. Tôi chỉ cảm thấy quan tâm là tôi chơi đàn cho ca sĩ phô diễn thế nào – gây được hiệu quả hay không, để họ lại mời tôi tham gia.

Tôi cũng không hiểu, để rầm rộ hơn nữa tôi phải làm cái gì, đi khoe với mọi người rằng tôi là người số một hay sao. Tôi không phải là nghệ sĩ chơi guitar số một đâu, tôi chỉ là người có một cách chơi guitar riêng mà thôi. Bây giờ, tôi không cần để ý đến người ta khen hay chê mình thế nào nữa. Chỉ cần quan tâm đến những khách hàng thân thuộc của mình thôi.

Họ là những ai?

Hà Trần, Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Anh, Tùng Dương… và một số ca sĩ trẻ Sài Gòn như Đoan Trang, Hiền Thục…

Thời anh gắn bó với cặp Quốc Trung-Thanh Lam, người ta biết đến anh chỉ là một người chơi guitar lead độc đáo. Nhưng khi Thanh Lam và ban nhạc Phương Đông không còn nữa, anh mới đứng lên với nhiều vai trò hơn như sản xuất, hoà âm, thu âm… Tức là đứng sau Quốc Trung, anh thiếu cơ hội chăng?

Tôi vào ban Phương Đông sau một tay guitar khác và chơi với Trung. Thực tế, Quốc Trung là linh hồn của ban nhạc Phương Đông – điều đó không thể chối cãi. Thời gian đó, tôi chẳng để ý bất kỳ một điều gì vì mọi thứ của một nhà sản xuất Trung đã lo tất cả, và tôi chỉ loay hoay giúp thêm công việc ở phòng thu. Sau này, khi Trung không còn phải lo cho Thanh Lam, và rút về những dự án cá nhân, tôi mới nghĩ đến chuyện chủ động làm những công việc cá nhân của mình. Và Quốc Trung lúc này đã hoàn toàn chuyển những công việc về âm thanh cho tôi rồi.

Với khả năng và tình thân như thế, tại sao anh không đầu tư công việc với một ca sĩ giỏi như Thanh Lam để khởi sắc sự nghiệp cá nhân mà khiến cho Lam rơi một khoảng thời gian sau mối quan hệ với Quốc Trung?

Tôi là bạn của cả Trung và Lam, là người đứng ở giữa. Đã có lúc Lam thiếu bài và tôi phải làm giúp cho Lam. Nhưng tính cách của Lam thì chúng tôi biết rõ hơn ai hết, đâu phải muốn là được. Trung và nhạc sĩ Dương Thụ phải bỏ dở một dự án. Còn dự án độc lập đầu tiên của tôi, là một album Trịnh Công Sơn, đang tiến hành thì Lam nói mất hứng.

Và dự án đó của anh và Lam chuyển thành một dự án cá nhân của Lam?

Dự án của tôi và Lam mang phong cách âm nhạc khác, sao có thể so sánh được. Ít ra, Lê Minh Sơn hơn tôi là cậu ấy có thể truyền một cảm hứng làm việc cho Thanh Lam.

Anh có buồn không khi người đệm guitar thân thuộc nhất của Lam là anh chuyển qua Lê Minh Sơn?

So với thời gian trước đây, mọi người chỉ nghĩ tôi là một người chơi guitar tốt. Bây giờ, người ta biết tôi nhiều hơn thế. Theo anh tôi nên buồn hay vui?

Vâng, chắc chắn là anh đang vui vì mọi người rất chú ý đến anh ở vai trò đạo diễn âm nhạc của chương trình “Con đường âm nhạc” – hai tác giả Nguyễn Cường và Phó Đức Phương?

Đó là hai chương trình tâm đắc của tôi và rõ ràng, tôi cảm thấy hài lòng vì đã có người nhìn nhận đúng vai trò cần thiết của một người làm âm nhạc tổng quan. Trong một chương trình âm nhạc, một sản phẩm thu thanh, sự tổng thể quan trọng hơn nhiều những tiểu tiết hoặc tiểu xảo. Cái được nhất của “Con đường âm nhạc” trong con mắt của chính êkíp làm chương trình chúng tôi là sự hài hoà và ăn khớp giữa các khâu để đạt được hiệu quả thẩm mĩ tổng thể. Và sản phẩm album “Hà Trần 9803” của tôi cũng là một sản phẩm như thế, tôi rất hài lòng.

“Hà Trần 9803” và “Con đường âm nhạc”, phong cách âm nhạc của anh hiện rõ ra rằng nó không còn bó buộc vào một chiếc đàn guitar nữa?

Guitar là ngón tay của tôi, còn âm nhạc thì lại bắt đầu từ bộ não, đúng không? Như tôi nói trước kia làm việc cùng Phương Đông, tôi không lo bất cứ việc gì ngoài chơi đàn. Phong cách âm nhạc là của Quốc Trung, trưởng nhóm. Bây giờ tôi phải chủ động cho công việc của mình, không chỉ là một người ôm guitar nữa. Tôi đang xúc tiến một hệ thống phòng thu của riêng mình, chủ động làm những sản phẩm từ A-Z. Có như thế mới có thể có những sản phẩm tốt không nhặt nhạnh như cách mà nhiều ca sĩ vẫn đang làm.

Rất nhiều nhạc công kiếm tiền bằng cách sáng tác và họ cũng nổi tiếng từ đó. Tại sao anh không làm như họ và nổi tiếng nhanh hơn. Tôi nghĩ, anh thừa khả năng ấy chứ?

Nhạc công, nhất là những người chơi keyboard thực tế kiếm tiền tốt hơn nhiều. Tôi cũng sáng tác nhưng chưa đưa ra. Có nhiều cách để nổi tiếng thật, và tôi thấy nhiều người thành danh. Hồng Kiên nổi tiếng rất nhanh nhờ thị trường băng đĩa Sài Gòn. Vĩnh Tâm chơi guitar như tôi cũng rất thành danh. Nhưng Hoài Sa chẳng hạn, có khi số đông lại không thấy cậu ấy nổi tiếng, nhưng chuyên môn lại đánh giá cao. Mỗi người tự lựa chọn một cách làm việc riêng, không ai giống ai được. Bản thân tôi thì từ bé đã nhiễm một câu của bố tôi, thằng đàn ông nên lập danh từ năm 30 tuổi – nhưng đến lúc 39 tuổi nó sẽ nhìn lại để tìm cách thành danh.

Năm nay anh 36 tuổi, anh thử nhìn lại những năm 30 lập danh của mình đi?

Tôi có một vợ và một con gái đầu lòng. Thầy dạy đàn tôi là nghệ sĩ Tạ Tốn. Thời trẻ tôi đã từng chơi ban Chìa khoá vàng, đã từng lập nhóm nhạc Thời gian để chơi cover nhạc Pink Floyd. Những năm 20 tuổi, tôi từng chơi nhạc ở các tụ điểm Sài Gòn cùng Hoài Sa, Nhật Trung… chỉ để theo đuổi một cô gái mà bây giờ là vợ tôi. Và 30 tuổi, cô ấy theo tôi về Hà Nội như bây giờ. Nói chung là cũng ít ấn tượng thôi.

Trong những Đại hội nhạc Rock Việt, anh hay được mời trân trọng như một khách mời đặc biệt. Tại sao anh không theo Rock?

Rock đi đôi với tuổi trẻ và là đất của người chơi guitar lead. Tôi vẫn thích nhạc rock, nhưng một thực tế là tôi không kiếm sống được bằng rock. Mọi thứ quyết định bằng cuộc sống cả. Nói thực, nếu như guitar cổ điển có đất sống, thì có lẽ ngay từ thời học trường Nhạc tôi đã đi theo nó rồi. Nhưng cuối cùng thì không chỉ tôi mà rất nhiều bạn bè nghệ sĩ đã đi theo nhạc nhẹ, vì thời thanh niên chúng tôi, nhạc nhẹ Việt Nam bắt đầu cất cánh.

Nghe nói, Trần Thu Hà sau rất nhiều rong ruổi Bắc Nam và cả Mỹ nữa, vẫn có ý định duy trì một nhà sản xuất là anh?

Riêng với Hà là một ngoại lệ của tôi. Có thể nói là tôi đã làm nhạc và chơi nhạc cho Hà Trần từ thời còn bé tí đến thời sinh viên, hát nghêu ngao cho đến kiếm tiền. Sau này Hà tiếp xúc và có cơ hội tạo dựng tên tuổi nên phải có những kế hoạch riêng. Nhưng tôi và Hà có những dự án độc lập, riêng biệt không lẫn những dự án khác của cả hai.

Và Hà sẽ là người mà anh nhờ đến để đưa những sản phẩm âm nhạc cá tính Thanh Phương nhất chứ?

Không hẳn, vì làm cho Hà phải là sản phẩm mang cá tính của Hà. Dù thân nhau, nhưng tôi vẫn là cái bình còn Hà là một bông hoa mà. Sản phẩm của cá nhân tôi sắp tới không hẳn là một đĩa hoà tấu guitar hay chơi cover các bản nhạc nổi tiếng. Tôi đang làm và hoàn thiện những bản nhạc cả có lời và không lời, hoà âm hiện đại. Đã có quá nhiều người hỏi tôi về một sản phẩm guitar của riêng tôi, không có cũng ngượng. Nhưng có thì phải đàng hoàng. Tôi sẽ chẳng làm một đĩa nhạc hù dọa ai cả mà làm một đĩa nhạc để mọi người nghe thấy hay nhưng vẫn đúng là tôi. Chủ yếu là world music.

Đó là con đường Quốc Trung đang đi?

Quốc Trung và tôi cùng chí hướng, đương nhiên phải có cùng “gu” thẩm mĩ mới làm việc và quan hệ thân thiết được với nhau. World music là một phong cách âm nhạc rất mở, có thể tạm nói là làm cái gì trên cái nền đó cũng được. Âm nhạc rất rộng lớn, cả Trung và tôi có gồng mình đến mấy cũng chẳng đi hết được.

Và anh cũng sẽ như Nguyên Lê và Quốc Trung, lấy gốc là dân ca và âm nhạc truyền thống?

Gốc của tôi là guitar. Những gì đọng lại trong đầu sẽ tư duy qua ngón tay.

Cảm ơn và chúc anh thành công./.

Thực hiện: depweb

10/10/2005, 11:09