Thành Phong: “Tuổi 20 – Làm gì cũng được, miễn là thích”

Best of our times

Thời gian đẹp nhất của một người đàn ông phải chăng là tuổi 20 như chàng họa sĩ trẻ Thành Phong: Làm những điều mình thích nhưng phải có nguyên tắc rõ ràng; hay như đạo diễn Việt kiều U30 Cường Ngô: “Tuổi 20 chơi và học chán rồi, giờ là giai đoạn cống hiến”; cũng có thể là nhạc sĩ mát tay Đức Trí, sắp bước vào tuổi 40 với triết lý “Nắng vàng em đi đâu mà vội”?! Ba người đàn ông ở ba mốc độ tuổi khác nhau, đều có những lựa chọn tốt nhất cho cuộc sống của họ.

Thành Phong – họa sĩ

Ở cái tuổi 20+, Thành Phong đang có những gì mà những chàng trai trẻ đồng lứa mơ ước: Thành quả đầu tay (tác phẩm “Sát thủ đầu mưng mủ” gây xôn xao dư luận), vị trí “Art Director” tại công ty sách Nhã Nam, một căn hộ nhỏ xinh và đầy đủ tiện nghi ngay giữa lòng Hà Nội, mà thân chủ của nó ví như một xưởng vẽ phục vụ việc sáng tác. Liệu đây có phải là thời gian đáng nhớ nhất của một người đàn ông?  

Từ một sinh viên học trường Mỹ thuật, trong chớp mắt, tôi chuyển sang vẽ truyện tranh. Nếu nói về mặt lý tưởng của tuổi đôi mươi, tốt nghiệp hội họa xong ra làm họa sĩ vẽ tranh là đúng. Nhưng thực tế của xã hội lại khác, đa phần đều phải chuyển nghề. Không phải tôi dễ dàng chấp nhận sự thật mà theo tôi ở cái tuổi bước cả hai chân vào đời, không nên bảo thủ mà phải nới rộng tinh thần, khi đó mới có được trải nghiệm, thua hay thắng thì đây cũng là điểm đầu tiên đáng nhớ của người đàn ông. Nhưng ngay từ đầu tôi đã đặt ra nguyên tắc, làm gì cũng được miễn là mình thích. 20 mà không nguyên tắc sống – làm việc rõ ràng thì 30-40 sẽ ra sao?

Với tôi, thời điểm thăng hoa của sáng tác là những lúc khó khăn. Trong quá trình tôi làm, cũng có bạn bè, hỗ trợ về mặt hình ảnh, nội dung, thu thập những câu nói phù hợp. Tôi cũng đang theo đuổi dự án truyện tranh dành cho người lớn, sẽ có nhiều thú vị. Có lẽ đó lại là thời điểm hào hứng nhất chăng? Bởi vì truyện tranh cho đối tượng này rất khó, gần như không có, họ không có thói quen, nhưng có thể thời thế làm thực tế đó thay đổi. Lứa tuổi của tôi và bạn chẳng hạn, cùng lớn lên từ những quyển manga học sinh. Và thế hệ chúng ta bây giờ hoặc thêm vài tuổi nữa, họ cũng vẫn có “cảm giác thèm” khi cầm một cuốn truyện tranh trên tay, quan trọng vẫn là đề tài.

Người ta gọi những truyện tranh dành cho người lớn ở ngước ngoài là Graphic Novel. Phần đông bạn đọc vẫn hiểu nhầm về truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi, nhưng có nhiều người vẽ truyện muốn thay đổi quan niệm này, và muốn tác phẩm của mình được nhìn nhận dưới góc độ nghiêm túc hơn. Mình làm vấn đề người lớn quan tâm, nó “nghiêm trọng” hơn với các vấn đề trẻ con.

Phụ nữ đối với tôi hiện giờ chỉ để làm bạn, ở tuổi này chưa cần nghĩ đến kết hôn. Mà tôi cũng chả thích phụ nữ đẹp về hình thức cho lắm, tôi thấy những cô nàng ăn mặc urban (vì tôi vốn là người ưa bụi bặm) lại hay hơn. Nhiều anh chàng ở tuổi tôi yêu chiều phụ nữ kinh khủng, còn tôi thì không. Cả hai phải bình đẳng.

Đọc sách, hay chạy xe đi đâu đó xa xa rất tuyệt. Tôi thích đi rừng núi, hoặc tụ tập bạn bè tới một trang trại nào đó, đốt lửa, dã ngoại. Nhiều lúc có những chỗ xa quá, vẫn phải thuê ôtô lên tới đó rồi thuê đi xe máy vào, dù di chuyển như nào thì đi như vậy rất thích. Thời điểm quan trọng nhất của tuổi 20 với tôi, chính là quan sát và tưởng tượng, đó là lúc tôi thăng hoa nhất, có thể tôi đang trên máy bay, có thể đang ở một trang trại đốt lửa, có thể tuổi 30-40 mình đang ở đâu đó cao hơn… và tôi luôn hài lòng với cảm giác đó.

Hồng Quang Minh
Tư liệu

 

Voice of Men: Best of our times

>> Đức Trí: “Tuổi 40 không còn gì phải vội!”

>> Cường Ngô: “Tuổi 30 – Sự nghiệp đi trước, tình yêu theo sau”

>> Thành Phong: “Tuổi 20 – Làm gì cũng được, miễn là thích”

Chu Đức (thực hiện)


From the same category