Thành Phong – Khánh Dương: Xin làm… gạch lót đường

Đồng tác giả của “Long Thần Tướng”Nguyễn Thành Phong – họa sĩ, tác giả của cuốn sách gây xôn xao dư luận “Sát thủ đầu mưng mủ” và “Phê như con tê tê”, Nguyễn Khánh Dương – phụ trách biên kịch “Nhật kí Vàng Anh” và “Bộ tứ 10A8”. Ngoài ra, tham gia dự án còn có họa sĩ Nguyễn Mỹ Anh (Butaemon), cô gái 18 tuổi từng đoạt giải của tạp chí truyện tranh hàng đầu Nhật Bản Shonen Jump khi mới 16 tuổi.

“Long Thần Tướng” kể về cuộc phiêu lưu của một thiếu niên tên Long trong giai đoạn 1282-1285, một thời kỳ lịch sử có cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng giữa triều đình nhà Trần với nhà Nguyên chống họa xâm lăng đã cận kề bờ cõi.

“Giá trị riêng của “Long Thần Tướng” khiến chúng tôi hứng thú đủ để bỏ qua lợi nhuận”

– Tôi có thể biết lý do vì sao 10 năm trước “Long Thần Tướng” lại bị dang dở?

– Thành Phong: “Long Thần Tướng” đăng dài kỳ trên tạp chí Truyện tranh trẻ của NXB Trẻ. Đây là một tạp chí tập hợp những truyện tranh của các tác giả nghiệp dư, chủ yếu là các bạn trẻ thích vẽ truyện tranh, ngoài ra còn trích đăng các chương của những truyện tranh nước ngoài khác. Tạp chí này ra được 18 số trong 9 tháng, sau đó gặp khó khăn về kinh tế và không duy trì được. Hồi đó, “Long Thần Tướng” đăng được 15 chương và cũng phải dừng ở đó.


 

Thành Phong, Khánh Dương và phóng viên Đẹp Online (từ trái qua)

– Tức là vấn đề ngừng xuất bản hoàn toàn không phải do phía những người sáng tác “Long Thần Tướng”?

– Khánh Dương: Chính xác. Thậm chí chúng tôi còn chuẩn bị gửi chương tiếp theo cho họ thì nhận được email nói tạp chí ngừng xuất bản. Chúng tôi hoàn toàn bị động. Đồng thời, ngay sau đó, Phan Thị mời chúng tôi làm cho họ một bộ truyện về tuổi teen, chứ không tiếp tục “Long Thần Tướng” nữa. Vậy là chúng tôi làm “Orange”.


Crowdfunding là hình thức huy động vốn từ cộng đồng. Những người thực hiện crowdfunding trên thế giới thường là các nghệ sĩ với những dự án mới, các công ty khởi nghiệp, các nhà nghiên cứu khoa học… thông qua Internet để cộng đồng góp tiền hỗ trợ sản phẩm của mình.

Crowdfunding thường thông qua một tổ chức trung gian để làm cầu nối giữa những người có dự án và công chúng góp vốn. Tuy nhiên, các tác giả của “Long Thần Tướng” đã lựa chọn tự xây dựng hệ thống của riêng mình, bỏ qua các khâu trung gian để độc lập tương tác với độc giả. Đây là dự án crowdfunding thành công nhất Việt Nam tính đến thời điểm này.

Bạn đọc muốn tìm hiểu và đóng góp cho dự án “Long Thần Tướng” có thể xem chi tiết tại: http://longthantuong.com/

– Tại sao các anh lại quyết định quay trở lại đúng thời điểm này?

– Khánh Dương: “Long Thần Tướng” thực chất là dự án chúng tôi rất tâm đắc, nhưng còn dang dở vì chưa có đủ điều kiện khách quan để thực hiện hồi 10 năm trước. Thời điểm này chúng tôi đã ổn định hơn về cuộc sống, về khả năng và điều kiện thực hiện,  nên chúng tôi quyết định đã đến lúc trở lại hoàn thiện nó.

Gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) là phương thức rất tốt và hiệu quả cho các tác giả độc lập, và chúng tôi chọn nó để phát triển dự án lần này.

– Thành Phong: Nếu vẫn phải lo về kinh tế thì rất khó tập trung sáng tác. Nhưng tôi xác định làm “Long Thần Tướng” là vì đam mê, chứ không phải vì lý do thu nhập.

– Như vậy là truyện tranh cho tới giờ vẫn làm một vùng đất mà ai đến đó cũng phải chấp nhận hy sinh?

– Thành Phong: Tôi nghĩ rằng công việc mới nào cũng đều cần sự hy sinh. Với những dự án đang làm, tôi hoàn toàn có thể thu nhập được nhiều hơn trong khi công việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thu nhập từ minh họa có thể cao gấp rất nhiều lần so với truyện tranh, trong khi truyện tranh cần đầu tư rất nhiều từ nội dung, tạo hình, ý tưởng… Tính hệ thống và quy mô của việc làm truyện tranh cũng lớn hơn minh họa rất nhiều. Có thể đó cũng là lý do nhiều người từng đam mê truyện tranh đã phải chuyển qua vẽ minh họa hoặc làm game. Bởi vậy, tôi đánh giá những người vẫn theo đuổi truyện tranh hiện nay là những người thực sự yêu nghề.

Bản thân con số 300 triệu như mục tiêu của chúng tôi để thực hiện tập 1 của “Long Thần Tướng” không phải chỉ dành riêng cho việc sáng tác, mà còn đầu tư cho nhiều phần khác nhau, như thiết kế, vận chuyển, phát hành, giấy phép, truyền thông….  Vì dự án hoàn toàn công khai nên bất kỳ ai có thắc mắc về vấn đề tài chính đều có thể tìm hiểu thêm trên website chính thức của dự án.



– Tôi không hiểu lắm về quy trình sản xuất truyện tranh, nhưng tôi thấy những bộ như “Thần đồng đất Việt” có vẻ khá thành công và thu được lợi nhuận.

Thành Phong: “Thần đồng đất Việt” xuất hiện từ hơn 10 năm nay rồi, và khi mới bắt đầu, những người thực hiện cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Lý giải cho sự thành công của nó, một phần là do đối tượng độc giả đông đảo – các em thiếu nhi, thứ hai, nội dung truyện mang tính giáo dục và các kiến thức về lịch sử nên phụ huynh rất yên tâm mua cho các em, và thứ ba, đây là một bộ truyện tranh dài. Một bộ truyện tranh muốn thu lời thì phải đủ dài để thu hút được nhiều độc giả nhất.

– Các anh có áp dụng những kinh nghiệm đó vào làm tác phẩm của mình?

– Thành Phong: Có chứ, nhưng đây không chỉ đơn thuần là bài toán kinh tế, vì “Long Thần Tướng” chỉ có 5 tập, về mặt lợi nhuận, nó không thể tối đa hóa như tư duy kinh tế kia được.

– Hoặc có thể giải thích theo cách khác, là độ dày dặn về nội dung chưa đủ, hoặc các anh không đủ sức để theo đuổi một dự án dài hơi đến thế?

– Thành Phong: Thực ra làm truyện tranh ngắn khó hơn truyện dài ở chỗ mọi tình tiết trong nội dung cũng như hình ảnh cần chắt lọc kĩ lưỡng hơn. Các bộ truyện dài mang tính chất công nghiệp và hướng tới độc giả đại chúng khó có thể tinh tế hơn những bộ truyện ngắn được đầu tư từng chi tiết, đảm bảo giá trị về mặt nghệ thuật cũng như nội dung. Tôi nghĩ tùy vào cách tiếp cận của mỗi tác giả mà chọn nó như một bài toán kinh tế, hay phát triển nó như một tác phẩm nghệ thuật. Cá nhân tôi luôn coi truyện tranh là một nghệ thuật.

Chúng tôi có những định hướng sẵn từ ban đầu, chúng tôi biết những giá trị nào mình đang theo đuổi để không bị độc giả kéo ra khỏi đó. Với độc giả, họ cũng cần những sự sáng tạo độc lập, chứ họ không cần một tác giả luôn làm theo ý họ.

– Anh có nhắc đến việc theo đuổi những giá trị của mình. Đó là những giá trị nào?

– Thành Phong: Tôi nghĩ mình là một độc giả khó tính của chính bản thân, và tôi sẽ tự chán mình nếu không được làm gì đó mới mẻ hứng thú – tôi nghĩ mình thường nhận ra điều đó trước khi các độc giả nhận ra. Những giá trị tôi theo đuổi là làm sao đảm bảo được chất lượng tốt nhất và làm chính mình thỏa mãn, chứ không bị dao động theo nhận định của độc giả.


 

– Vậy những nhận định của độc giả, kiểu như:  những cảnh hành động của “Long Thần Tướng” chán quá, chẳng thấy đã gì cả… thì bọn anh tính sao?

–  Thành Phong: Với những góp ý xây dựng của độc giả, chúng tôi sẵn sàng tiếp thu. Còn những nhận xét đơn thuần cảm tính như vẽ truyện sao mà xấu thế… thì tôi không quan tâm lắm. Tôi tin những gì có giá trị thực sự thì sớm muộn gì cũng sẽ thuyết phục được mọi người, dù sẽ tốt hơn khi thuyết phục được mọi người khi tác giả vẫn chưa thành… người thiên cổ.

– Tôi cho rằng các anh rất có niềm tin vào công chúng Việt Nam trước khi bắt đầu. Vì từ trước đến nay vẫn có một định kiến tồn tại, là người Việt Nam ít chịu bỏ tiền ra mua sản phẩm văn hóa, mời họ đi xem miễn phí, đọc miễn phí thì dễ, chứ bảo họ trả tiền thì khó khăn hơn nhiều.

– Thành Phong: Tất nhiên là chúng tôi có niềm tin, tin rằng chúng tôi có độc giả, và những độc giả ấy sẽ ủng hộ chúng tôi sáng tạo ra tác phẩm.

– Khánh Dương: Đừng nghĩ rằng người Việt Nam không chịu trả tiền. Họ thực ra chi tiêu rất mạnh. Tôi từng làm game online, có một bạn gọi điện thoại tới hỏi: “Chú ơi, cháu mới 15 tuổi, cháu chưa có tài khoản ngân hàng, nhưng cháu muốn nạp 20 triệu để mua một con gà trong game, cháu phải làm gì?” Người Việt Nam có tiền, thậm chí họ còn gặp khó khăn không biết tiêu vào đâu. Tôi nghĩ nếu họ thấy sản phẩm xứng đáng, họ sẽ không tiếc tiền.

– Có rất nhiều người Việt Nam nhiều tiền. Tôi từng thấy có người bỏ 18-20 triệu ra mua một cái váy, nhưng 50 ngàn mua một quyển sách thì khó.

– Khánh Dương: Tôi không thuyết phục những người ấy. Vì tôi biết có hàng trăm người muốn mua “Long Thần Tướng”, chúng tôi chỉ đưa thông tin tới họ, còn việc mua hay không là lựa chọn của họ chứ. Có những tập hợp khách hàng khác nhau, chúng tôi không bao giờ muốn thuyết phục để thay đổi tập khách hàng này sang tập khách hàng khác.

“Bây giờ tôi không làm gì thì 20 năm nữa cũng chẳng có gì thay đổi”

– Có vẻ như không chỉ trong dự án này – tự xây dựng hệ thống crowdfunding, mà các anh luôn là người đi khai phá, đi tiên phong?

– Thành Phong: Tôi cũng thấy mình cứ tự chọn đường khó mà đi. Vất vả đúng không? Biết làm sao được, thấy hứng thú thì mình làm thôi. Và cũng không phải vô ích, cái gì cũng có những trải nghiệm riêng của nó. Mình từng thất bại bao nhiêu thì mình cũng tích lũy được bấy nhiêu kinh nghiệm.

– Những kinh nghiệm ấy liệu có ích với một tác giả không?

– Thành Phong: Những kinh nghiệm ấy tưởng là không có ích cho tác giả – những người chỉ làm chuyên môn, nhưng ở một thị trường mới và sơ khai như Việt Nam thì tác giả phải làm thêm nhiều thứ để tăng hiệu quả của tác phẩm. Giống như tôi đã nói về chuyện phát hành ấy, mình đã đầu tư tác phẩm rất chăm chút nhưng nếu phát hành dở, người cần thì không mua được, vậy là thất bại.

– Tức là muốn thành công ở Việt Nam, người nghệ sĩ phải “đa-zi-năng”?

– Thành Phong: Vì quy trình, hệ thống chưa có sẵn như ở nước ngoài. Ví dụ bản thân quy trình của Nhật đã rất chuyên nghiệp, họa sĩ muốn phát triển bộ truyện tranh dài thì sẽ đăng trên các tạp chí truyện tranh. Khi được độc giả đón nhận, nhà xuất bản sẽ phát hành từng kỳ, được 6-7 kỳ thì họ sẽ xuất bản thành sách…Các việc quản lý và xác lập quy trình thì đã có sẵn, họa sĩ không phải lo, vì không thể nào họa sĩ vừa lo chuyên môn vừa lo các việc ấy mà vẫn làm tốt nhất được. Việt Nam thì họa sĩ phải làm nhiều, nên hiệu quả khó có thể tốt như ở các nước kia được.

Thành Phong

– Một họa sĩ truyện tranh ở Việt Nam có chia sẻ với tôi kế hoạch xuất bản tác phẩm của anh ở Mỹ, ví dụ “Những câu chuyện Việt Nam” chẳng hạn. Anh có bao giờ nghĩ tới chuyện bán tác phẩm của mình cho nước ngoài không? Quy trình ở nước ngoài thì có lẽ tốt hơn Việt Nam, và mọi thứ ngoài chuyên môn đều đã có người lo cả.

– Thành Phong: Tôi đã từng nghĩ, nghĩ rất nhiều về chuyện này. Trước đây tôi từng nhắm tới công chúng đích là người nước ngoài, nhưng trong quá trình làm, tôi hiểu được rằng phần nhiều công chúng của mình là ở Việt Nam. Vấn đề mình muốn nói, mình cảm thấy hứng thú thì sự chia sẻ của công chúng nước ngoài chỉ dừng lại ở: Ok, tác phẩm này rất thú vị, rất lạ; nhưng công chúng Việt Nam thì sẽ có những đồng cảm riêng, và về mặt lâu dài thì tôi nghĩ mình sẽ tạo ra những giá trị tốt, không chỉ cho tác giả mà cho cả xã hội nữa.

Tất nhiên tôi vẫn cởi mở với những lời mời của nước ngoài, vẫn tham dự những workshop quốc tế, vẫn gửi tranh tới tham dự các triển lãm, và vẫn xuất bản… Nhưng để phát triển sự nghiệp, trong giai đoạn này tôi vẫn muốn tập trung trong nước.

– Tôi thì thấy rằng để đi đường dài ở Việt Nam thì thực sự vất vả.

– Thành Phong: Nếu mình muốn làm cái gì thực sự đột phá, bùng nổ sẽ gặp nhiều rào cản, từ truyền thông, xã hội, những người bảo thủ, rồi những nhà đạo đức trên Internet… Đó là những trở ngại, dù Việt Nam đã cởi mở hơn xưa rồi. Nhưng tôi nghĩ đây là vấn đề mà bất kỳ người muốn sáng tạo nào cũng phải đối mặt; các tác giả Nhật, Pháp, Mỹ cũng đã trải qua những chuyện như thế để có được ngày hôm nay. Tôi phải chịu làm gạch lót đường thôi.

– Nếu anh sinh sau 20 năm thì mọi chuyện sẽ khác đúng không?

– Thành Phong: Có thể, nhưng nếu 20 năm trước có người từng làm gạch lót đường rồi thì mọi chuyện bây giờ có thể cũng sẽ khác. Tôi hiểu rằng nếu bây giờ tôi không làm gì thì 20 năm nữa có thể chẳng có gì sẽ thay đổi cả.

– Xin cảm ơn các anh đã chia sẻ!

Linh Hanyi (thực hiện)

Ảnh: Lê Hoàng Tuấn Anh


logo

>> Có thể bạn quan tâm: Họa sĩ Bút Chì: “Tôi mong sao mọi trẻ em đều được cứu sống bởi những người bạn bước ra từ trong sách – những thiên sứ của trí tưởng tượng bất tử”: 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category