“Thành phố xương” và công thức copy & paste

Ra mắt từ cuối tuần qua, “The Mortal Instruments: City of Bones” (Thành phố xương) tiếp tục chứng minh sự nở rộ của dòng phim khoa học viễn tưởng/fantasy dành cho khán giả trẻ sau biết bao bộ phim có mô típ tương tự ra mắt gần đây như “Beautiful Creatures”, “Beastly”, “I Am Number Four”, “The Golden Compass”, “Eragon”, “The Seeker: The Dark Is Rising”. Tuy thế, điểm chung tiếp theo của chúng là đều gây thất vọng ở phòng vé, kể cả những loạt phim đầy hứa hẹn như “Chronicles of Narnia” hay “Percy Jackson”. 

Sự thành công của loạt phim “Harry Potter”, “Twilight” và “The Hunger Games” dường như chứng minh rằng khoa học viễn tưởng/fantasy dành cho teen có thể thu về số lợi nhuận khổng lồ, nhất là khi chúng đều được dựa theo các cuốn sách bán chạy nhất. Nhưng trong vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều các bộ phim dạng đó thất bại khi ra mắt. Điều đó dẫn tới một câu hỏi: Phải chăng có một lỗ hổng chết người nào đó trong công thức tưởng chừng chắc chắn như bọc thép này?

 

Nữ anh hùng trong “The Mortal Instruments: City of Bones” là Clary (do cô gái có cặp lông mày ấn tượng Lily Collins đóng), một cô nàng tuổi teen sống cuộc sống bình thường, không biết mình có một sức mạnh siêu nhiên bên trong. Tiếp đến, cô khám phá ra thân phận bí mật và năng lực đặc biệt của mình, và thậm chí, cô còn chính là người sẽ cứu thế giới từ thế lực ác quỷ, với sự trợ giúp của một nhóm bạn có năng lực tương tự cô, trong đó có 2 người yêu cô. Bạn nghe có thấy quen quen không? Với một vài biến thể (ví dụ như trong “Twilight”, anh bạn trai hoá ra là một người có năng lực siêu nhiên đặc biệt), công thức đơn giản này đã trở thành tiền đề cho hết phim này tới phim khác nhắm tới số lượng teen đông đảo.

Có lẽ đó chính là vấn đề! Từ trước tới nay, Hollywood vốn khét tiếng trong việc sao chép lại những tác phẩm thành công để tiếp tục bán, nhưng dần dà sự sao chép ấy trở nên bất ổn do có quá nhiều phim na ná nhau sau đó. Sự thật là, hành trình của nhân vật không phải là điều gì mới ở Hollywood (ngược lại, đó là nội dung chủ lực của ngành công nghiệp phim từ thuở khai sinh). Thế nhưng, hiếm khi nào mà khán giả bị “ép ăn” nhiều phim có chủ đề biến thể siêu nhiên trong một khoảng thời gian ngắn như hiện nay.

Việc các nhân vật cảm thấy ngạc nhiên khi phát hiện thân phận của mình trong các bộ phim công thức này, cũng chẳng khiến khán giả cảm thấy thích thú vì nó đã quá nhàm rồi. Trong mỗi một câu truyện, bộ phim, các nhân vật đôi lúc không biết những điều mà khán giả đã biết thừa. Ví dụ, tại sao một nhân vật lại bước vào một lâu đài tăm tối đáng sợ của một ông tên là Dracula? Lý do đơn giản bởi vì các con người hư cấu kia không biết ma cà rồng Dracula là gì, khác hẳn với chúng ta. Chính vì thế, khán giả đôi khi cảm thấy sốt ruột tới mức mất kiên nhẫn nổi khi nhân vật phim thản nhiên nói chuyện với bá tước Dracula khát máu.

Tương tự, các anh chị anh hùng trẻ tuổi không biết những thứ mà ta đã biết về họ (thông qua trailer, tóm tắt nội dung), do đó ta phải vừa ngáp vừa xem họ khám phá thân phận, đối mặt với những nhiệm vụ na ná nhau, hết lần này tới lần khác. Các phim siêu anh hùng bom tấn hướng tới mọi khán giả vẫn có thể làm theo mô típ này, bởi vì khán giả thông thường rất đa dạng về độ tuổi, trình độ. Nhưng nếu đó là một phim gần như chỉ có teen muốn xem, và đưa cho chúng xem quá nhiều, thì sẽ chẳng có gì ngạc nhiên là một số lượng lớn teen sẽ bắt đầu thấy ngán. Đó là điều không quá khó để ra, bởi teen luôn là đối tượng vừa dễ vừa khó chiều, khi chúng thay đổi sở thích luôn xoành xoạch.

Trailer phim “The Mortal Instruments: City of Bones”

“The Mortal Instruments: City of Bones” đặc biệt bất lợi khi nó cố gắng vay mượn những cái hay của mỗi bộ phim giả tưởng dành cho teen. Nó hao hao “Harry Potter” (một người được chọn để tiêu diệt cái ác nhưng bị ẩn mình khỏi thế giới siêu nhiên), cũng từa tựa “Twilight” (tình yêu tay ba với người ở bên cạnh mình, và một kẻ lạ mặt), và cộng thêm cả “The Hunger Games” (nữ anh hùng phiêu lưu chiến đấu vì sự sống). Cassandra Clare, tác giả của loạt truyện “Mortal Instruments”, dường như cố gắng để biến bộ phim trở thành một cuộc… trưng cầu dân ý về nữ quyền. Nhưng khi xem phim, khán giả sẽ nhận ra rằng người được chọn sẽ có chẳng có gì đặc biệt (có thể là nam, nữ, hay chỉ là một… gia tinh trong nhà!)

Thậm chí, nhiều bối cảnh cũng gợi nhớ các bộ phim teen khác. Khi Clary khám phá ra bí mật về thế giới siêu phức tạp của các Thợ săn bóng tối, hàng loạt các định nghĩa và giải thích mới được tung ra, khiến chẳng ai còn thời gian chú ý tới hội thoại hay các suy nghĩ nhằm phát triển tính cách nhân vật. Trong phim, khi không bận rộn đánh đấm, anh chàng Jace (Jamie Campbell Bower) chủ yếu đứng vuốt tóc, nhìn xung quanh như thể chuẩn bị cho một buổi chụp ảnh tạp chí vậy.

 

Những chủ đề trong những câu chuyện siêu nhiên này, như giá trị của lòng can đảm, tầm quan trọng của việc tìm ra sức mạnh bản thân, và dĩ nhiên là trận chiến giữa cái xấu và cái ác, đều bất hủ từ lâu rồi. Nhưng có lẽ, có nhiều cách mới lạ hơn nhiều trong cách xử lý chúng. Trên thực tế, các phim chuyển thể sắp ra mắt như “Divergent”, “Vampire Academy”, và “Maze Runner”, có thể là những bước đi mới để mô típ phim teen này tạm lắng xuống. Có lẽ là, thay vì muốn xem những đứa trẻ khác cứu thế giới hết lần này tới lần khác, bọn trẻ muốn xem những bộ phim nói về chính bản thân chúng.

Bài: Trung Rwo

Ảnh: IDBM


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!


From the same category