Thành Lộc: “Muốn làm vedette? Hãy có tài đi!!!”

Nhưng giờ anh đang là “hot facebooker”, ngày nào anh chẳng bình chuyện thiên hạ trên đó, cần gì phải chờ nhà báo đến hỏi, fan của anh cũng đâu cần chờ báo in ra mới biết. Cũng may anh rất ít nói chuyện nghề trên đó, có nói cũng rất kín đáo, phải là người trong cuộc, trong nghề mới hiểu…

Gần đây tôi “hèn”, không dám nói những điều khiến người ta tổn thương…

Tình cờ khi cuộc trò chuyện mới bắt đầu, Thành Lộc nhận điện thoại của nghệ sĩ Lê Khanh hỏi đang ở đâu để tới tụ tập, thế là cuộc phỏng vấn “vào mạch chuyện” từ cú điện thoại ấy.

– Anh thấy điều này có gì bất thường không: Nhiều người Bắc vào Sài Gòn chơi, một trong những lựa chọn háo hức của họ là đi xem kịch – điều họ đã không làm khi ở Hà Nội – tức là họ vẫn có nhu cầu giải trí bằng kịch. Cũng không khó gì để đọc được những lời ưu ái mà nghệ sĩ hai miền dành cho nhau, thán phục nhau, ngưỡng mộ nhau. Thế mà lại không thể học lẫn nhau, ít nhất là việc thử áp dụng chính những điều mà các anh chị cứ khen nhau ấy?

– Chắc là không bất thường đâu, mà có lẽ là khó mà biến thành chuyện bình thường được, bởi còn quá nhiều điều ngáng giữa chúng tôi. Khi chúng tôi dựng kịch lịch sử, cách diễn không khác kịch Bắc mấy đâu, nếu có khác chỉ là chuyện giọng điệu vùng miền. Chúng tôi cũng học từ trường sân khấu ra, ở đó các thầy người Bắc vào rất nhiều, nên không có chuyện bài bác sân khấu phía Bắc. Các đoàn kịch Bắc vào diễn, khán giả trong Nam vẫn đi xem bình thường, nên nói người Nam không “tải” nổi kịch Bắc thì không đúng.

Nhưng điểm khác biệt dẫn tới việc sân khấu trong này phát triển hơn có lẽ vì chúng tôi biết cách “nấu nướng” tốt hơn chăng, từ chính những nguyên liệu có sẵn và học hỏi được từ kịch Bắc, để có được “món ăn” hợp với nhiều khẩu vị hơn. Chúng tôi biết dung hòa các dòng kịch để khán giả vùng miền nào cũng có thể xem được.

Các nghệ sĩ kịch phía Bắc có quyền tự hào về dòng kịch của mình, vì thực sự nó rất đáng tự hào, nhưng có lẽ vấn đề ở đây là thiếu tính cập nhật. Quan điểm của tôi là sân khấu dù có chính thống, có kinh điển thế nào thì vẫn có tính thời trang, phải hợp với thời đại, với suy nghĩ của thế hệ khán giả mới.

Ở phía Nam, một nghệ sĩ nghỉ diễn chừng một năm thì khi trở lại đã bị tụt hậu với các diễn viên trẻ, bởi không nắm bắt được tiết tấu sân khấu và cả thị hiếu khán giả – nên nhớ là thị hiếu này thay đổi cùng với sự tiến bộ hay đi xuống của một sân khấu kịch. Vì tụt hậu nên họ diễn buồn cười lắm. Chuyện tương tự cũng xảy ra với sân khấu ngoài Bắc, mà còn nặng hơn nhiều. Người ta có thể thấy điều này ở các kỳ hội diễn. Tôi không muốn bình luận về hội diễn, chỉ biết là nó quá khác, khác rất xa với những gì chúng tôi quan niệm về một sân khấu hiện đại và có khán giả.

– Dạo này, giới sân khấu phía Bắc xôn xao nhiều về sự thay đổi thế hệ, nhiều nghệ sĩ cùng lứa với anh nay đang có cơ lên làm lãnh đạo các nhà hát hoặc chuyển sang làm đạo diễn. Bằng kinh nghiệm bản thân (nay cũng trong ban lãnh đạo một đơn vị sân khấu ăn khách nhất nước), anh thấy điều này có giúp thay đổi cục diện sân khấu – trong việc đem lại điều gì đó mới mẻ và đột phá sau thời gian quá dài trì trệ và chìm đắm trong nỗi tự hào có phần hoang tưởng về cái gọi là “hàn lâm” của sân khấu kịch Bắc?

– Tôi không muốn đi sâu vào bình luận, dễ dẫn đến việc chỉ trích hoặc làm tổn thương người này người nọ, toàn là chỗ anh em cả. Tôi rất ngại, người hiểu chuyện đã đành, người không hiểu thì bảo tôi gây chuyện, mình là hậu bối thôi. Nhưng tôi đưa dẫn chứng này chắc mọi người hiểu vấn đề ngay. Tôi đi xem vở “Nhà Ô-sin” của Nhà hát Tuổi Trẻ, do bạn Lê Khanh của tôi làm đạo diễn. Tới nơi, thấy nói là đêm nay có Hội Nhà văn đi xem tập thể, tôi ngạc nhiên và thích thú lắm. Điều ấy không xảy ra ở Sài Gòn đâu. Được các nhà văn đi xem thật quá vinh dự chứ. Nhưng sau đó qua vài cuộc nói chuyện hậu trường, tôi mới biết lý do họ đi xem bởi đây là kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp. Và có người đi xem chỉ để về có thể phán “A, Nguyễn Huy Thiệp viết kịch như thế, như thế…”.

Như vậy rõ ràng đã mất đi sự vô tư giữa người làm nghề với nhau. Lê Khanh rất nổi tiếng và xuất sắc trong diễn xuất, nhưng khi chuyển qua làm đạo diễn thì lại có người trong nghề đi xem theo kiểu “Ái chà, để xem ‘con này’ đạo diễn thế nào. Có định lấn sân các cụ không…”.  Tôi thích vở này vô cùng nhưng tôi biết nhiều người chê nặng lời, chỉ vì đạo diễn là Lê Khanh. Sự “đụng độ” thế hệ không diễn ra công khai sòng phẳng tại nơi nó phải diễn ra, là sân khấu, mà lại bằng những định kiến như vậy. Chuyện ấy không xảy ra ở môi trường chúng tôi đang làm việc. Ở đây không có khái niệm chuyển giao, mà là sự kế tục, kế thừa liên tục, cơ hội chia đều cho mọi người, không quan trọng tuổi đời tuổi nghề, miễn là có tài năng, có sáng tạo độc đáo mới mẻ. Không ai phải chờ ai tới ngày về hưu để được “chuyển giao”.

Chuyện này làm tôi nhớ lại ngày trước, chị Ea Sola Thủy mang vở “Hạn hán và Cơn mưa” diễn ở Sài Gòn và bị chính các đồng nghiệp của chị ở đây “đập” vì không cho rằng đó là múa. Không biết nếu người dàn dựng không phải chị Ea Sola mà là người nước ngoài “xịn” thì chuyện đó có xảy ra không, hay lại nhất khẩu đồng lòng khen tới tấp? Tôi nhớ là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nói trên báo rằng, “Khi đến với nghệ thuật ta phải có trái tim hồn nhiên của trẻ thơ”. Tôi phục ông quá. Từ đó về sau tôi hạn chế lời chê, nếu cái gì đó mình không thích thì thôi coi như quên nó đi. Tôi cũng không tiếc lời khen nữa.

Thời gian gần đây tôi bị “hèn”, không dám nói những điều khiến người ta bị tổn thương. Sân khấu phía Bắc chưa tìm lại được khán giả, nếu mình nói không khéo thì mình giống một kẻ kiêu ngạo. Mình ở một nơi kịch đang “sống khỏe” mà lại lên tiếng chê bai này nọ thì không hợp lẽ chút nào. Tôi là người có tôn giáo, tôi nghĩ mình cứ nói người ta rồi đến lúc nào đó lỡ mình bị như người ta thì ê mặt. Biết đâu một ngày nào đó sân khấu phía Bắc hồi phục và có khán giả, còn phía Nam bị thất sủng thì sao.

– Nếu câu chuyện “thất sủng”  xảy ra, theo anh có thể vì  lý do gì?

– Vì nó chưa xảy ra cho nên mọi lý do đều có thể cùng đúng hoặc cùng sai. Nếu lúc đó có ai hỏi, chắc tôi sẽ nói sân khấu phía Nam ngủ quên trên chiến thắng của mình, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu những người quản lý như tôi hay ở các sân khấu kịch khác không có sự tỉnh táo.

Ở Idecaf, chúng tôi nhận thấy một điều gần như thành quy luật, đó là hầu như các vở kịch giúp chúng tôi giành được giải thưởng, từ giới chuyên môn tới khán giả bầu chọn, đều là các vở chính kịch, nhưng những vở đó đời sống lại rất ngắn. Ngắn thấy thương luôn, làm mình tiếc cho công sức, tiền của đầu tư vào đó. Mình biết thế nhưng vẫn phải làm, song song với những vở hài kịch có sức hút và trụ tới cả chục năm vẫn diễn. Đó chính là sự tỉnh táo. Mình biết cách làm những thứ để thỏa mãn cái bản năng nghệ sĩ đích thực của mình, cái khao khát sáng tạo của tất cả các anh em cùng ê kíp, dù biết lỗ mình vẫn làm đàng hoàng để không xấu hổ với chính mình và với nghề của mình. Nhưng bên cạnh đó mình vẫn biết rằng phải làm ra tiền thì mới tồn tại được để mà thỏa mãn khao khát. Cứ biết như thế là được.

Sân khấu là nơi “gừng càng già càng cay”

Câu chuyện không thể không quay về với chuyện “bếp núc” của Idecaf, nơi Thành Lộc vừa là một “báu vật” (như lời “sếp” của anh là ông Huỳnh Anh Tuấn luôn tự hào “khoe”) – lại vừa chính là người bảo vệ báu vật.

– Có điểm nào chung giữa quan điểm của một giám khảo Vietnam’s Got Talent với việc giám đốc nghệ thuật Thành Lộc mở cửa cho ai được vào Idecaf, vốn là niềm mơ ước của bao diễn viên?

– Có tài – Có đạo đức. Riêng để vào Idecaf, thì bổ sung thêm: Cùng chí hướng.

– Thỉnh thoảng lại có một cuộc chia tay diễn ra nơi đây để có người đi gây dựng cơ đồ mới, báo chí dư luận tha hồ đoán già đoán non về những “bằng mặt mà không bằng lòng” nào đó…

– Dù họ có tình cảm với mình đến đâu thì khi họ muốn đi cũng không thể giữ được. Đã từ lâu chúng tôi luôn ở trong tình cảnh sẵn sàng chia tay. Không có chuyện người này gây sức ép khiến người kia phải đi, chỉ đơn giản là họ muốn đi thôi.

– Lý do phần lớn là gì?

– Tôi sợ là mình chủ quan. Có lẽ họ muốn tỏa sáng hơn.

– Tức là ở Idecaf họ bị lu mờ trước cái bóng của Thành Lộc?

– Biết giải thích thế nào bây giờ? Trong kịch mục, không phải vở nào tôi cũng đóng vai chính, có vở chỉ là vai rất phụ, nhưng khán giả vẫn hỏi có Thành Lộc hay không họ mới mua vé. Còn ai nghĩ bị tôi lấn át thì họ phải tự xấu hổ vì chính tôi là người đẩy họ lên. Nhiều người về với chúng tôi mới nổi tiếng.

– Họ thích làm chủ để không còn phải nép bóng ai nữa chăng?

– Có thể họ nghĩ làm sân khấu ở đâu cũng dễ, thành công không khó. Họ muốn làm chủ – tôi ủng hộ. Nhưng cần phải tỉnh táo mà xem có được bao nhiêu sân khấu sáng đèn hàng đêm trong thành phố Sài Gòn 11 triệu dân, với vài điểm diễn vẫn chỉ tập trung ở khu vực trung tâm.

– Chuyện rằng anh là “thế lực đen” ở sân khấu Idecaf đã lan truyền từ lâu, không thiếu những bài báo có tên anh viết tắt hoặc vô vàn ám chỉ khác trên các mạng xã hội…

– Nếu tin hết vào những thứ thất thiệt ấy thì đúng tôi là kẻ ác thật, ác như con mụ phù thủy tôi hay đóng trong kịch “Ngày xửa ngày xưa” cho con nít xem. Nhưng ác kiểu đó đâu có hại được ai. Tôi ác thật là ác chỗ này nè: Tôi thích mấy người đó làm chủ lắm. Họ làm chủ đi, làm để rồi mới thấy được nỗi đau của người làm chủ; thấy nỗi khổ của người hàng ngày chờ người ta đến mua từng cái vé, và luôn luôn canh cánh bên lòng mối lo cộng sự sẽ bỏ mình đi lúc nào không hay.

– Phía trên anh có nói về tính thời trang của sân khấu, nó có thể là cơ sở, thậm trí là triết lý để các anh dựa vào đó phát triển “cơ nghiệp” của mình (thực tế là hiện đang rất thành công). Nhưng anh có nghĩ đến tính hai mặt, thói “có mới nới cũ” của thời trang? Biết đâu chính nghệ sĩ các anh có thể trở thành nạn nhân của lối suy nghĩ thời trang, vốn chỉ có tính tức thời và còn là những giành giật phù phiếm để trở thành… vedette nữa. Nhìn sang ví dụ sờ sờ về cái sớm nở tối tàn của dòng âm nhạc thời trang, có khiến anh phải… dè chừng?

– Chuyển qua nói về âm nhạc chút nhé. Khi bạn nói thế thì tôi cảm thấy chạnh lòng, âm nhạc mang tính thời trang vô cùng, hơn hẳn các loại giải trí khác. Đó là một sự thực mà ai cũng phải chấp nhận. Nếu tủi thân thì tức là người đó chưa đủ tỉnh táo trong lĩnh vực mình đang đứng và kiếm sống. Có nhiều ca sĩ đến giờ hát vẫn quá hay, có khi còn hay hơn chính người đó 20 năm trước, thế mà bị khán giả quên lãng. Khán giả nhiều khi thích những cái mới mẻ, kể cả khi rất dở, nhưng vì nó là thời trang, nên họ theo. Tôi cũng sợ những kiểu khán giả ấy lắm chứ. Còn ở phía nghệ sĩ, nhất là giới ca sĩ, sự cạnh tranh rất kinh khủng, và đa số theo kiểu “có tao thì không có nó”. Như vậy thời trang ở đây hầu như mang nghĩa tiêu cực.

Nhưng tôi có niềm tin vì ở sân khấu thì tình hình khác. Ở đây, tôi thấy câu “gừng càng già càng cay” rất đúng. Sân khấu dù có tính thời trang, theo quan điểm của tôi, vẫn luôn đòi hỏi tài năng thực sự, và khán giả của sân khấu cũng là những người có sự am hiểu nhất định về những gì họ xem. Ở trong lĩnh vực cải lương, ta thấy rõ điều này, đã là đào kép chính phải đẹp, phải ca hay. Những nghệ sĩ lớn tuổi có khi chỉ đóng vai rất phụ nhưng giọng ca và tài diễn xuất của họ nhiều khi không thể thay thế.

Sân khấu là loại hình nghệ thuật có tính tập thể, người ta không thể tồn tại một mình được. Tuy nhiên, tập thể cũng có cái tế nhị là khi một cá nhân nổi bật lên dễ khiến người ta để ý, một vở diễn có khi hàng chục người diễn nhưng chỉ một cái tên giúp bán vé được, không có không xong. Cũng như một trận đánh phải có nguyên soái, một trận bóng đá phải có các vị trí theo đúng chiến thuật, hậu vệ mà nhảy lên tranh chỗ tiền đạo thì chết! Sân khấu luôn có sự so kè, nhưng khả năng “giác ngộ” của người trong cuộc nhanh lắm, chỉ sau 1-2 mùa là ai nấy tự giác biết vị trí của mình. Muốn làm vedette thì hãy có tài đi, chứ không thể nhờ vào thời trang nào cứu cho cả.

Xem giải trí mà cũng phải hằn học làm gì cho đời thêm mệt!

– Nhân nãy giờ anh nhắc nhiều đến tài năng như là cốt lõi của sân khấu kịch giúp nó không bị trở nên phù phiếm hoặc sa vào “ngủ đông”, xin chuyển qua chủ đề thứ hai liên quan tới vị trí rất “hot” của anh khi ngồi ghế giám khảo một chương trình truyền hình cũng về tài năng. Tôi sẽ không hỏi thêm anh về những gì diễn ra trong mùa Vietnam’s Got Talent này nữa, ai cũng biết rồi. Anh có thể chia sẻ quan điểm của mình về các tài năng mà show truyền hình này phát hiện ra, có thực là họ có tài không hay chỉ là kiểu “tài năng mô phỏng” nhờ truyền hình mà thành hiện tượng? Tài năng “kiểu ti vi” liệu có thể có chỗ đứng bền chắc khi ra khỏi cuộc thi không?

– Tài năng rất phong phú, bạn có khả năng làm cái này mà tôi thì không tức là bạn có tài rồi. Đây là cuộc thi tìm kiếm những người có khả năng như vậy, cả bẩm sinh lẫn do tập luyện, đào tạo mà thành. Chúng tôi hay đùa nhau đây là chương trình cho những người “tự kỷ”, ai cũng nghĩ mình có tài, thì chúng tôi tạo sân chơi cho họ. Có những ca sĩ hát rất hay nhưng hát ở quán bar phòng trà thì mỗi đêm chỉ có chừng vài chục người, hôm vắng chắc có 5-6 người nghe họ hát, buồn lắm.

Vậy mà họ lên ti vi hát là có ngay cả triệu người nghe. Ngay cả họ không vào được chung kết thì thế nào chẳng có 2-3 phòng trà khác kêu họ đi hát. Vậy là họ có nhiều cơ hội hơn. Đó là điều tốt chứ. Theo suy nghĩ của tôi, việc cho người ta cơ hội mới có ý nghĩa hơn nhiều cái việc thi cử. Rõ ràng nhiều thí sinh giờ đã thành người biểu diễn, rất đắt show. Còn việc họ phát triển tới đâu là chuyện riêng của họ, phụ thuộc vào sự phấn đấu của họ. Không thể nào đòi hỏi hơn ở một chương trình giải trí.

– Anh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng tài năng như ở Vietnam’s Got Talent chẳng có gì đặc biệt, không xứng đáng – vì đó đều là kiểu tài năng “nhân tạo”, do học do tập mà có, không phải do bẩm sinh…

– Ối trời, họ nói thì để họ tự tập tự học rồi đi thi xem có cần tới tài năng không? Muốn học muốn tập cũng phải có tài. Không có tài thì cứ ngồi đó nói gì chẳng được. Nhân đây tôi muốn nói thêm rằng những “thầy phán” kiểu này giờ nhiều lắm. Theo tôi, suy nghĩ ấy bắt nguồn từ những cảm xúc giả dạng, bởi bây giờ có nhiều người thích sống giùm cảm xúc người khác. Người ta sống quá lâu trong tình trạng thiếu thông tin, có khi bị bưng bít, có khi do họ chẳng chịu cập nhật gì cả, nên trước một cái mới thì sinh ra tâm trạng phản kháng, chống đối, dù trong thâm tâm có khi rất thích.

Tôi muốn nhắc lại ý tôi vừa nói, là câu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về thái độ thưởng thức. Mọi người hãy làm thế đi, đừng tự làm khổ mình. Xem giải trí mà cũng phải hằn học tức tối khổ sở làm gì cho đời thêm mệt!

Bài: Nguyễn Minh


From the same category