những tính từ hoa mỹ nào khác đó là: “Một người đã và vẫn đang sống hết mình cho
nghệ thuật trình diễn tên là Thành Lộc”. Từ những năm 80, chúng ta đã có một
Thành Lộc hừng hực ngọn lửa khát vọng nghệ thuật, cho đến bây giờ cái tinh thần
ấy không hề thuyên giảm cho dù thời cuộc có thay đổi…
Tình cảm nhận được còn hơn bất cứ một danh hiệu nào
Nói về những ngày đầu khi mới bước chân vào đời, hòa nhập vào thế giới giải trí,
mong muốn cống hiến tài năng của mình cho nghệ thuật, Thành Lộc ví mình như một
“chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”. Anh cho cho biết: “Vào thời điểm đó như vậy là
điều hiển nhiên, là hợp mốt, lúc đó hoàn toàn không có mục đích muốn được nổi
tiếng mà chỉ muốn là một người thành công, thành công thật sự bằng tài năng và
lao động cật lực chứ không phải bằng những phương tiện lăng xê ảo giác nào mà dù
lúc đó có muốn cũng không thể có”.
Với chất giọng nói trầm khàn dễ len lỏi vào trong từng ngỏ ngách của cảm xúc,
Thành Lộc chia sẻ về những chông gai mà hào hùng của chặng đường đã qua “tôi
thấy hài lòng những gì mình đã làm, nhưng cũng biết giới hạn mình ở chỗ nào nên
cũng không lao vào những việc mà mình không có khả năng. Có lúc người ta dúi cờ
trong tay cho phất mà tôi vẫn không chịu phất. Cái khả năng hạn chế nhất của tôi
là không biết a dua, xu nịnh và thỏa hiệp, một khi lòng đã không thích làm là
không có ai ép được vì vậy mà bị xem là đứa cứng đầu, tại cái đầu cứng quá nên…
cái thân hổng có cao lên được”.
Thành Lộc là vậy đấy, dù trong hoàn cảnh nào anh
cũng có khả năng làm cho người đối diện phải bật cười dù câu chuyện đang rất tâm
trạng. Thú thật khi được giao nhiệm vụ phỏng vấn Thành Lộc cho trang nhân vật
đặc biệt của số này tôi khá lo lắng. Lý do là vì tôi sợ anh sẽ từ chối, nhưng
khi anh đã nhận lời thì tôi rất yên tâm, anh nói ba ngày nữa là đúng ba ngày sau
tôi nhận được cuộc hẹn trả lời phỏng vấn của anh. Trò chuyện với anh tôi thấy ở
anh không đơn thuần là tài năng mà còn là một nhân cách thật thụ để cho những
người trẻ như tôi noi theo.
Đáng lẽ so tuổi tác tôi phải gọi anh là chú, nhưng không hiểu sự thân thiện, gần
gũi bình dị từ anh làm tôi rút ngắn khoảng cách thành “anh – em”. Anh còn thủ
thỉ kể tôi nghe một câu chuyện mà theo anh nói có chút gì đó rất trào phúng về
nghệ sĩ và danh hiệu. Một đồng nghiệp của anh chỉ vì bị “trượt” một lần được
phong danh hiệu mà bỏ ăn bỏ ngủ, thậm chí bỏ cả đêm diễn làm cả đoàn kịch nháo
nhào đi tìm cuối cùng phải thay vai.
Nhân đó tôi dò hỏi anh những gì về bản thân
và công việc mà cho đến hiện tại anh chưa hài lòng thì anh chỉ nhẹ nhàng nói:
“Nhân vô thập toàn mà, quan trọng là mình biết yêu bản thân mình. Với tôi, được
đồng nghiệp quý nhân cách, trọng tài năng, được khán giả nồng nhiệt yêu mến, vậy
là đủ, là tất cả sự nghiệp của một người nghệ sĩ rồi, tôi chẳng đòi hỏi gì hơn.
Có mong muốn gì hơn thì chỉ là sức khỏe, để được diễn nhiều nhiều, lâu lâu hơn
nữa thôi. Với lại xem ra so với những người cùng thời lúc đó mà bây giờ tôi vẫn
là một trong vài người hiếm hoi còn trụ lại trên sàn diễn với vị trí chính yếu
là điều thật hiếm hoi, tôi rất trân trọng và hãnh diện về thành quả đó”.
Lòng tự trọng giúp con người làm chủ bản thân
Có thể hơi thừa khi tôi hỏi anh sự khác nhau giữa một Thành Lộc trên sân khấu và
ngoài đời vì ai cũng nói người nghệ sĩ luôn là hai con người khác nhau. Thành
Lộc cũng thừa nhận điều này nhưng anh lại không nhận sự khác biệt nhau đó cụ thể
như thế nào, có chăng thì trên sân khấu là một Thành Lộc trải hết lòng mình vì
vai diễn, còn ngoài đời thì anh lại ém lòng mình lại.
Nói đến việc hết lòng vì
vai diễn tôi bỗng nhớ lại câu chuyện khi Thành Lộc trình diễn một vở kịch thiếu
nhi, trong lúc đu quay anh bị ngã từ độ cao 3m xuống đất. Chuyện đó có nguy cơ
làm anh sẽ bị liệt vĩnh viễn, không còn khả năng bay nhảy tung hoành ngang dọc
trên sân khấu, trở thành một người vô dụng trên cuộc đời. Nhắc đến việc này
Thành Lộc cũng cho rằng đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh: “Là kỷ niệm mà tôi
sẽ mãi không bao giờ quên được trong cuộc đời mình. Nhưng có sự kiện trên mà tôi
có cơ hội hiểu được mình có bao nhiêu người bạn yêu mình, khóc vì mình, vậy nên
cú ngã ấy đáng giá lắm chứ”.
Một vài ý kiến nói Thành Lộc sướt mướt nhưng tôi lại thấy anh nhân văn thì đúng
hơn. Nói về quan hệ giữa con người và con người, Thành Lộc đề cao sự tử tế trong
cách cư xử, anh không sợ sự đố kỵ nhưng lại vô cùng đau lòng khi bị phản bội. Do
đó với anh, để hình thành một con người lương thiện thì cần lắm sự tự trọng, nó
sẽ giúp con người kiểm soát và làm chủ bản thân. Với anh: “Nghệ thuật và giải trí
là hai chức năng luôn song hành và tồn tại trong tác phẩm của tôi. Nó hướng về
con người và luôn vì con người, con người ở đây chính là công chúng, công chúng
nuôi dưỡng nghệ thuật và ngược lại nghệ thuật cũng nuôi dưỡng tâm hồn, định
hướng thẩm mỹ cho công chúng vì vậy mà nó thuộc về công chúng. Đây là mối quan
hệ hỗ tương quan thiết đến đời sống tinh thần của xã hội”.
Tôi yêu lắm những tài năng nghệ thuật trẻ
Nói về các thế hệ đàn em của mình, Thành Lộc luôn dành cho họ sự tin yêu vô bờ
bến “Tôi yêu họ lắm, vì họ thật tài năng và đa dạng, không ai giống ai, chính vì
vậy mà tuổi thọ nghề nghiệp của họ còn thật lâu, thật đáng nể! Tôi ngưỡng mộ tài
năng và đạo đức nghề nghiệp của Minh Trang, Kim Xuân, Thành Hội, Chí Trung, Ngọc
Huyền, Thái Hòa… và tôi bị “chết” với Lê Khánh, cô ấy bước ra sân khấu là tôi
chỉ còn biết mở to mắt mà xem chứ không thể làm việc gì khác.
Tuy rằng, ở họ
cũng còn một số nhược điểm, nhưng con người mà, cũng như tôi thôi, chúng tôi có
tài năng và cũng đầy nhược điểm. Tôi có hơn họ chăng thì cũng là vài kinh nghiệm
của người đi trước, mà cái đó thì sau vài năm nữa nó sẽ trở thành lạc hậu, quê
mùa”.
Thành Lộc cũng dành một chút thời gian nói về việc danh xưng “diễn viên hài”,
“danh hài” đang bị lạm dụng trong thời gian gần đây. “Hễ cứ xuất hiện trong một
vở hài kịch hay trong một nhóm hài nào đó thì người diễn viên ấy nghiễm nhiên
được xem là diễn viên hài, thậm chí còn được gọi là danh hài. Không có gì bảo
đảm cho điều đó cả, nhưng mà điều này không phải ai cũng công khai nhận mặc dù
trong thâm tâm họ đều thừa nhận như vậy.
Cho nên thật là lố bịch khi người ta
tranh nhau để được công nhận là “vua hài” hay “danh hài đệ nhất”, cái duyên là
cái Trời cho và chẳng cái duyên nào giống cái duyên nào, còn tùy thuộc vào gu
thẩm mỹ và văn hóa của người thưởng thức nó nữa, “người làm sao, chiêm bao làm
vậy” mà. Đây như tôi, đi xem một bộ phim hài đang trình chiếu, khán giả cứ ôm
bụng lăn đùng ra cười mà tôi thì cứ trơ ra như mắt ếch, không thể cười nổi một
chút nào. Đúng là cái gì cũng có hai mặt của nó, cho nên có những sự việc thấy
vậy mà hổng phải vậy. Là một người có đóng hài, tôi chỉ trộm nghĩ: làm hài khó
lắm, khó trăm bề… cho nên có tài, có duyên thôi chưa đủ, mà còn phải có học
thức nữa”.
Thành Lộc vs. Thái Hòa
Hai gương mặt của hai thế hệ (Thái Hoà gọi Thành Lộc bằng… chú) xứng đáng được gọi là hai “icon” của làng giải trí Việt Nam. Nếu Thành Lộc là gã phù thuỷ trên sân khấu thì Thái Hoà là thằng khờ trên màn bạc. Một kẻ biến hoá một kẻ ngây ngô nhưng cả hai đều khiến khán giả không nhịn được cười mỗi khi họ xuất hiện. Họ đã cùng xuất hiện trong loạt bài Thành Lộc vs. Thái Hòa đăng tải trên tạp chí TTVH & Đàn ông số 72.
Mời độc giả đón đọc:
1. Thành Lộc: “Cái đầu cứng quá nên… cái thân hổng lên cao được” 2. Thái Hòa: Cái gì tới thì cứ nắm hết và làm hết mình” |
Bài LALA
Photo: TUAN.FR
Producer: C.H
Assistant: LY BINH SON
Stylist: BI RIN
Make up: DINH NHON
Location: IDECAF