Thanh Lam viết thư gửi nhạc sĩ Thuận Yến sau khi bài hát “Màu hoa đỏ” bị tạm dừng lưu hành

Vào ngày 7/2/2017, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã ban hành Công văn đề nghị Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý, yêu cầu trong thời gian 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát được cấp phép phê duyệt nội dụng kèm theo danh mục 354 bài hát, trong đó có bài hát “Màu hoa đỏ” của nhạc sỹ Thuận Yến.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, việc cấm lưu hành và phổ biến “Màu hoa đỏ” là vì ca khúc này khi được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke ở địa phương có phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung…

Trước sự việc trên, các nghệ sĩ và dư luận đã hết sức bất bình bởi “Màu hoa đỏ” là ca khúc nổi tiếng viết về thời chiến tranh bom đạn ác liệt và từng được trao giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng vào năm 1994.

Ngày 24/3, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chính thức có công văn gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang yêu cầu báo cáo rõ việc này trước ngày 26/3.

Trên một số báo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã khẳng định, việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cấm lưu hành ca khúc “Màu hoa đỏ” là việc làm tùy tiện và không đúng. Nếu lỗi do băng đĩa đưa hình ảnh không phù hợp với ca khúc cần phải xử lý phần kỹ thuật hình ảnh chứ không phải là cấm ca khúc. Sai ở đâu sẽ xử lý ở đó, chứ không phải vì hình ảnh sai mà cấm lưu hành và phổ biến ca khúc…

Liên quan đến việc ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến bị tạm dừng lưu hành, cách đây ít phút, ca sĩ Thanh Lam con gái của cố nhạc sĩ Thuận Yến đã viết những lời tâm sự đầy khắc khoải và buồn bã gửi đến người cha quá cố của mình.

140528starthanhlam-3-b4cf7
Ca sĩ Thanh Lam và người cha quá cố – nhạc sĩ Thuận Yến

Trong những dòng tâm sự của mình gửi đến cha, ca sĩ Thanh Lam nhắc đến cả việc nhạc sĩ Thuận Yến không có tên trong Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016. Trước đó, trong danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 về Văn học Nghệ thuật, nhạc sỹ Thuận Yến qua hết ba vòng hội đồng và trình lên Thủ tướng để xét trình Chủ tịch nước xem xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên trong Quyết định xét tặng của Chủ tịch nước ban hành, nhạc sỹ Thuận Yến cùng một số người khác không có tên.

Ca sĩ Thanh Lam viết:

“Ba ơi!

Con không nghĩ đến một ngày mọi người lại phải mất thời gian tranh cãi về việc ba có được giải thưởng của Bác Hồ hay không. Ba đã yên nghỉ rồi tên tuổi ba lại bị nâng lên, đặt xuống, con đau lòng lắm nhưng cũng chỉ dám lặng lẽ chờ mong phản ứng của những người biết nghĩ…

Mẹ, con và em cũng không muốn vì chuyện gia đình mình mà làm nặng lòng xã hội, cộng đồng nên tin vào lẽ phải trước sau gì cũng được công nhận và tôn vinh!

Con thì bao dự án âm nhạc và cuộc sống bộn bề nhưng vẫn tranh thủ đi thu một album tặng ba và các bậc tiền bối; đang háo hức hoàn thiện lắm thì gặp lại “Màu hoa đỏ” của ba… Nhưng lần này thì không phải là câu chuyện về chiến sỹ hiến mình cho tổ quốc, chẳng phải tri ân sự ngã xuống lung linh của các anh hùng liệt sỹ, cũng chẳng phải là những buổi hoà nhạc tưởng niệm với giai điệu rung rinh trái tim triệu con người; giống như những lần khi cất lên khúc ca này mọi sân khấu con đều rưng rưng tự hào…

Lần này là lại liên quan đến dừng, cấm, liên quan đến sai sót… đến lỗi vận hành hệ thống, liên quan đến văn hoá ba ạ. Con biết là như lúc còn sống, ba sẽ cười điềm nhiên rồi nói là “sai mà nhiều, đúng được bao nhiêu” để bỏ qua cho mọi sự vô minh… Con cũng đồng ý với ba!

Chỉ muốn tâm sự với ba là mỗi bài ca cách mạng ở hoàn cảnh này như một nén nhang; thắp lên rồi sao lại giựt xuống? Những giá trị đã trở thành đi sản sao nỡ tàn bạo đập đi?

Nhân danh điều gì để mang vàng thau cho lẫn lộn?

Cả cộng đồng lên tiếng ba ạ,mỗi người một góc nhìn,một người một cách phẫn nộ, một cách chỉ trích, một cách hoang mang…

Con biết thời gian rồi sẽ xoá nhoà tất cả, mọi lỗi lầm rồi sẽ qua đi, chuyện hôm nay sẽ là truyện kể của ngày mai nhưng là phụ nữ con thấy đau ba ạ. Đau trước sự tàn khốc của dòng đời làm đục dòng máu đỏ, đau trước sự vô tình làm tổn hại những mầm xanh; đau trước làn khói bụi làm cản những trong lành.

Phải chăng mọi giá trị đều thật mong manh?



Những dòng tâm sự của Thanh Lam gửi người cha quá cố – nhạc sĩ Thuận Yến được chị đăng tải trên trang Facebook cá nhân

Ca khúc “Màu hoa đỏ” của cố Đại tá, nhạc sỹ Thuận Yến sáng tác năm 1991 (phổ thơ Nguyễn Đức Mậu) là ca khúc nổi tiếng nói về thời chiến tranh bom đạn ác liệt và từng được trao giải “Ca khúc xuất sắc” của Bộ Quốc phòng vào năm 1994.

Đây là một ca khúc cách mạng và đã được tặng giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ca khúc này đã được trình diễn trong chương trình “Giai điệu tự hào” (2015) tôn vinh các bài ca đi cùng năm tháng…

Nhạc sỹ Thuận Yến, tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1932 tại xã Duy Trinh, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một nhạc sỹ nổi tiếng với những ca khúc cách mạng và sau này là những tình khúc trữ tình.

Có thể kể đến một số sáng tác nổi tiếng của ông như “Bác Hồ, một tình yêu bao la,” “Lê-nin, Người đến đất nước tôi,” “Vầng trăng Ba Đình,” “Chia tay hoàng hôn,” “Màu hoa đỏ,” “Em tôi,” “Khát vọng”…


From the same category