“Thanh Lam, Tùng Dương cũng chưa ai thoát khỏi sự thương thương”


Remix là thứ âm nhạc đã thoái trào

– Anh nói, thứ âm nhạc mà The Remix đang chơi là âm thanh mình đã nghe cách đây hơn 10 năm. Anh có thể chia sẻ nó cũ như thế nào?

– Cũ ở đây tôi không nói về âm nhạc mà là về xu hướng. Âm nhạc là các vòng quay của xu hướng. Tại sao nó cũ? Vòng xoáy âm nhạc đi hết một vòng nó sẽ phát triển lên một nấc nữa và ngày càng rộng ra, trên bề mặt ấy lại có một vòng xoáy nhỏ. 10 năm trước tôi đã nghe nhạc remix, bây giờ thể loại âm nhạc theo kiểu remix gọi là IDM style đang vào giai đoạn thoái trào trên thế giới, có nghĩa nó đã qua vòng quay phát triển thì người Việt mới thâm nhập được vào cái đuôi đó. Cũ còn bởi, ở ta, hết remix là hết chứ không ai nhìn ra sau remix là gì.

– Trên sân khấu The Remix đều là những người trẻ, nghĩa là cái mà anh cho là cũ lại được tiếp cận từ những gương mặt rất trẻ. Anh hình dung thực tế sẽ ra sao, từ sự tiếp cận đó?

– Tôi nghĩ sự phát triển của thị trường luôn đúng và đủ. Bây giờ mình đang ở level A thì chỉ ở mức đó thôi, không thể bấm nút rồi đòi vù lên đến level Z được. Văn hóa nền tịnh tiến rất từ từ, thời gian thẩm thấu tính tới con số vài chục năm, nên nếu đúng thực tế thì chúng ta phải tiếp mấy chục năm nữa để tiệm cận thứ âm nhạc thế giới đang chơi bây giờ. Sự khác biệt và tụt hậu của chúng ta so với Thái Lan đã rất khác rồi. Ở Thái, tuy vẫn có nhạc thị trường nhưng họ vẫn có những thể loại nhạc đặc biệt. Singapore hay Indonesia lại quá phát triển so với chúng ta. Vì sao họ có được ban nhạc Black Eyed Peas, vì có hàng nghìn ban nhạc mới đẻ ra được ông đấy, trong band đó có một ông người Indonesia. Ở Việt Nam bói không ra nổi một ông.

– Vậy theo anh thì thế nào? Có hay không việc cần cổ vũ những bạn trẻ đang say mê khám phá thứ âm nhạc mà anh bảo đã cũ?

– Theo tôi không nên gạt họ sang một bên, nhưng cũng không nên cổ vũ rằng họ tiên phong, vì văn hóa phải đa chiều.

Chuyện văn hóa muốn bài bản phải có một hệ thống quản lý vĩ mô về mặt nhà nước. Bây giờ Việt Nam đang được nhà nước hỗ trợ nhiều về âm nhạc dân gian, nhạc thị trường thì được tự do nhưng chưa có chính sách nào hỗ trợ cho người tiên phong. Tôi được hỗ trợ rất nhiều từ các trung tâm văn hóa các nước. Hàng năm tôi được Nhà nước Pháp, Đức, Bỉ trả tiền cho đi rất nhiều nơi để xem, để nghe thế giới đang chơi thứ nhạc gì. Nhưng tôi không được đồng nào của Nhà nước Việt Nam cả. Tôi thấy quá xấu hổ.

Chưa nghệ sĩ Việt Nam nào ra khỏi cuộc biểu diễn “giao lưu văn hóa”

– Có thể hiểu chuyện nghệ thuật nói chung hay âm nhạc nói riêng tụt hậu cũng bắt nguồn từ việc chúng ta chưa có thị trường đúng nghĩa?

– Nếu gọi là thị trường, trên đó sẽ có “bọn” ăn khách và “bọn” không ăn khách, tất cả những nhân tố đó sẽ tạo ra thị trường. Nhưng chẳng hạn bây giờ tôi ra nước ngoài mà họ hỏi rằng thị trường băng đĩa âm nhạc Việt Nam thế nào, tôi vẫn phải giới thiệu thị trường băng đĩa âm nhạc Việt Nam vẫn là do nhà sản xuất độc lập làm. Bởi sản phẩm chúng ta làm ra không hề liên kết với thị trường âm nhạc thế giới (khi mà phát hành ở Việt Nam không có nghĩa là người ta cũng mua được ở những nơi khác trên thế giới). Trong khi các hãng âm nhạc nổi tiếng như Sony, Warner Bros họ đầu tư và bán sản phẩm âm nhạc toàn cầu, chỉ cần bấm nút một cái là hàng tỉ người trên thế giới nhận được email thông báo về sản phẩm mới. Ở Việt Nam mới có khoảng mấy chục ông producer và vài chục triệu người nhận được email, sms quảng cáo. Đó là lý do khi ra thế giới phẳng, việc chúng ta đang làm chẳng là cái gì. Trong khi đó, tôi đánh giá, sản phẩm âm nhạc Việt Nam về mặt nào đó nó hơi tốt rồi, có thể tiếp cận được với thị trường châu Á.

Ca sĩ Thanh Lam

Tại Việt Nam, những nghệ sĩ đang thực sự tiếp cận được tới thị trường thế giới tôi nghĩ đang có Suboi và mới đây là Hồng Nhung (một cô gái 17 tuổi, đang chuẩn bị giới thiệu dự án âm nhạc điện tử mới ở Liên hoan Âm thanh Hà Nội). Suboi đang được đi biểu diễn theo đúng nghĩa thị trường, không phải kiểu giao lưu văn hóa,  đó là một thành công rất lớn. Cho đến thời điểm này, tôi xin khẳng định tất cả những nghệ sỹ Việt Nam được mời sang nước ngoài diễn, kể cả tôi cũng đều là giao lưu văn hóa. Có nghĩa người ta thấy ông đến từ Việt Nam, đến từ một nước chiến tranh, thấy thương thương, rồi cộng thêm chả may ông có một sản phẩm hay hay nên mời ông đến biểu diễn.

– Là anh đang nói đến, kể cả những nghệ sĩ như Thanh Lam, Tùng Dương và Hà Trần, tất cả họ chưa ai thoát ra khỏi sự “đáng thương”?

– Chưa có một ai. Kể cả những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam như Tùng Dương, Thanh Lam, Hà Trần, Hồng Nhung,… tôi nghĩ vẫn là do họ thấy thương thương thôi. Các nghệ sĩ này chỉ được mời đi giao lưu văn hóa.

– Vậy con đường âm nhạc thể nghiệm anh dày công theo đuổi có giúp chúng ta hy vọng sẽ tìm thấy một con đường thoát ra khỏi sự đáng thương?

– Hàng năm tôi đều làm một sản phẩm âm nhạc theo dạng có chất lượng cao để giới thiệu ra ngoài mặt bằng thế giới. Cho tới thời điểm này tôi đã đi diễn rất nhiều nơi, thực sự là không còn chỗ nào tôi chưa diễn nữa. Như vừa rồi tôi đi Mỹ 1 tháng, qua quá trình tuyển lựa và mình cảm nhận được, mình cũng chỉ đọ được với mấy ông Pakistan, Marroc thôi. Mà đọ là gì? Cũng chỉ là ban tổ chức thấy thương thương, ba nước ấy nên mời đi, rồi lựa những ông giỏi ở những nước thương thương ấy cho thi thố. Tôi rất tự hào về sự hiện diện của mình, nhưng tự hào theo dạng mình được thương thương thôi (cười buồn).

Còn nếu tôi được thế giới đánh giá là một người nghệ sĩ, tôi sẽ được một nhà sản xuất trên thế giới liên lạc, đặt tôi làm cho họ một tác phẩm và họ sẽ mua tác phẩm đó. Đến năm nay tôi mới được một nhà văn hóa tại Đức nó gọi là House of the Cultures of the World đặt hàng một tác phẩm vào tháng 1/2016. Đấy, tôi đi diễn hai mươi mấy năm rồi mà đến thời điểm này mới được một đơn vị đặt hàng.

– Lúc nào trong 20 năm đi diễn ấy anh cũng mang một tâm trạng ức chế như nhau?

– Thương thương đấy. Tôi xin khẳng định tất cả những người nghệ sỹ Việt Nam đi diễn trên thế giới đều với vai trò giao lưu văn hóa, không ai có một sản phẩm ăn khách thị trường.  Hàn Quốc họ có Gangnam style là một sản phẩm thị trường đúng nghĩa, còn Việt Nam chưa có một ai, kể cả Mỹ Tâm.

– Ngoài sự tiếp cận đúng thời điểm, bản sắc văn hóa có phải cũng là một vấn đề khi chúng ta muốn vươn ra bắt kịp thế giới. Với các bạn trẻ, anh có nhắn nhủ gì với họ về điều này?

– Tôi nghĩ văn hóa là một chiều sâu, nó phải trải qua rất nhiều bước phát triển lên xuống. Khi nó đủ cỡ phát triển mới phát triển được. Ngay bản thân tôi đã đi diễn nhiều năm, nhiều nơi tôi vẫn luôn đặt câu hỏi bản sắc văn hóa của tôi là gì? Âm nhạc Việt Nam hay không, bản sắc của nó là gì? Câu trả lời tôi tìm thấy là không gian sống mới làm nên bản sắc văn hóa. Vậy khai thác không gian sống như thế nào lại là chuyện rất khó. Đưa cái đường phố Việt Nam vào, ví dụ như tiếng xe máy chạy xoạch xoạch cũng đã có người khai thác rồi, nhưng đáng tiếc đó là người nước ngoài chứ không phải người Việt .

Bản sắc là một chuỗi giá trị gia tăng của cả một xã hội chứ không phải của một người. Không gian đó phải từ lãnh đạo đến người dân góp phần làm nên chứ không phải một nhóm người. Chuyện ai đó đưa âm nhạc dân gian vào trong âm nhạc điện tử rồi bảo đó là bản sắc văn hóa là sai. Hoặc là đưa vài câu vọng cổ vào nhạc điện tử rồi bảo đó là bản sắc văn hóa, sai. Cái đó chỉ là yếu tố âm nhạc dân gian nằm trong một tác phẩm. Đó chỉ là một dữ kiện âm nhạc. Vậy cái làm nên bản sắc văn hóa là gì? Là cả một đời sống văn hóa đủ lớn làm nên con người Việt Nam, mà con người Việt Nam bao gồm rất nhiều yếu tố, từ văn hóa sống, nghe, nói, mặc, trải nghiệm.

Việt Nam đang loay hoay với âm nhạc dân gian và cứ tưởng đó là bản sắc

– Nếu phân tích thế, hình như các nghệ sỹ Việt Nam đang bị hiểu lầm các khái niệm?

– Tôi nghĩ không phải hiểu lầm mà là một trong những bước phát triển. Tôi xin nói là âm nhạc dân gian đã được người Nhật Bản khai thác từ những năm 50, 60. Khi đó người Nhật từng băn khoăn, bản sắc văn hóa của tôi là gì. Vì thế rất nhiều nhà âm sản xuất âm nhạc của Nhật đã pha âm nhạc dân gian Nhật Bản vào trong âm nhạc điện tử từ thời đó. Việt Nam bây giờ mới loay hoay ở bước này, quá muộn rồi.

Nhưng Việt Nam vẫn phải trải qua chuỗi phát triển như thế mới tìm ra bản sắc văn hóa. Hiện nay, âm nhạc điện tử Nhật Bản không dùng một chút gì âm nhạc dân gian nữa, nó chỉ là âm sắc thôi, nhưng nghe cái là biết của Nhật.


Ca sĩ Tóc Tiên và vũ đoàn trong một tiết mục của “The Remix”

– Dù chúng ta đang lạc hậu, nhưng có đến mức như anh nói, là xấu hổ và đáng thương?

– Xấu hổ vì sao mà tôi là người Việt Nam mà không dùng tiền của người Việt mà phải dùng đồng tiền thuế của người Đức, người Bỉ, Đan Mạch, thuế của người Mỹ để đi học, trong khi đó Việt Nam hoàn toàn có đủ tiền để làm những việc đó. Ví dụ làm một show của Mỹ Tâm mấy chục tỉ, số tiền đó hoàn toàn có thể làm được một chương trình oách trên thế giới. Chúng ta không làm được thì hoàn toàn xấu hổ. Có tiền mình phải đầu tư để làm được cái có chiều sâu. Còn làm ra thứ để kiếm tiền, đối với tôi thì quá dễ, những bài nhạc như remix thì không cần phải suy nghĩ, nó là format rồi.

– Anh nói remix chỉ là một phần của âm nhạc điện tử. Vậy anh có thể vẽ một bức tranh tổng thể của cái gọi là nhạc điện tử chứ?

– Âm nhạc điện tử là âm nhạc của đời sống, nó có đời sống riêng của nó bao gồm những thể loại âm nhạc thử nghiệm điện tử như chị Kim Ngọc, trải dài đến những phần phát triển như của tôi, cho đến phần của Quốc Trung và remix tức là giới trẻ bây giờ. Nhưng những thứ đó phải có một sự liền mạch chứ không phải không có một môi trường phát triển đồng nhất.

– Nhạc sĩ Quốc Trung gần đây có làm cái Monsoon mà ấp ủ từ lâu. Anh thấy những festival kiểu Monsoon có ý nghĩa thế nào với thị trường âm nhạc Việt?  

 Có, chắc chắn có ý nghĩa rất lớn. Tôi nghĩ chương trình kiểu Monsoon là những cái kích cầu rất lớn, khác hẳn tôi, chương trình Ha Noi Sound Stuff muốn focus vào cái rất hẹp. So sánh thế có thể thấy Monsoon là “hạt giống đỏ”, nên chương trình đó dễ có sức lan tỏa. Tôi nghĩ Monsoon là cái bắt đầu của thị trường nhạc Việt Nam. Tất nhiên nó cũng phải định hướng đúng.

– Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Trí Minh!

Bài: Thục Khôi

Ảnh: Đẹp, Nhân vật cung cấp


logo


From the same category