Lam vừa kết thúc show “Lam xưa” ở Hà Nội và Tp.HCM – show diễn được Lam cho là sự diễn tập cho live show “Thanh Lam – 20 năm ca hát”, dự định tổ chức vào năm sau. Lam nói rằng tuổi này đang là tuổi tuyệt vời nhất của người đàn bà, của ca sĩ thì càng chín muồi hơn. Nhưng hãy đặt “tuyệt vời”, “chín muồi” sang một bên, để bước vào cuộc trò chuyện, mà đương nhiên, ở đó không chỉ có hào quang của sân khấu, của những thành công…
“Tõm” một cái cũng phải chịu
Thời gian gần đây chị tổ chức rất nhiều mini show. Chị không sợ nó sẽ làm mình mờ nhạt trước khi tổ chức show “Thanh Lam – 20 năm ca hát” vào năm sau?
Tôi chẳng sợ. Quan trọng là tại sao mình không dám làm nhiều. Mình chưa có tiền làm lớn thì cứ làm nhỏ. Làm nhỏ với toàn bộ tâm huyết thì không thể nào dở được. Nhất là dòng nhạc của tôi không cần khuếch trương quá nhiều, mà chủ yếu chinh phục khán giả bằng nội lực của mình.
Rất nhiều live show bị “rơi tõm” sau khi tổ chức. Là người tự tin vào nội lực, chị có sợ show của mình cũng rơi vào tình trạng đó?
Sống trong xã hội, mình không nên ngồi đó chê người ta không nghe, không quan tâm, mà hãy làm hết sức của mình. Tôi thích hát, muốn hát cho mọi người nghe, hát xong, “tõm” một cái cũng phải chịu, vì đó là số phận, mình không thể làm được gì.
Có thể âm nhạc bão hòa, có thể mình chưa đi đến đỉnh điểm để chinh phục người nghe, và tôi chấp nhận mặt bằng chung như vậy để làm việc.
Trong show “Lam xưa” vừa qua, đến phần “nay” – khi chị hát nhạc của Lê Minh Sơn – có những khán giả bỏ về. Chị có nhìn thấy những khán giả đó không? Chị nghĩ gì về họ?
Nếu hát trên sân khấu mà còn chăm chăm nhìn xuống dưới xem có ai bỏ về không thì làm sao hát được. Ca hát cũng giống như món ăn, tôi thích ăn cay, nhưng làm sao bắt chị ăn cay được.
Khán giả thích phần “xưa”, phần “nay” có thể người ta chưa thích, nhưng 10 năm nữa nó lại thành phần “xưa” của tôi.
Cái khó nhất đối với tôi là khán giả Việt Nam thường hoài cổ, cứ thích nghe những cái xưa cũ. Nhưng bây giờ, cả một đời, cứ xưa cũ mãi, năm nay “Lam xưa”, năm sau lại xưa tiếp, làm sao tôi phát triển được, nên phải có nay, thì cái nay tôi phải trả giá.
Bởi tôi không thể hát cả chương trình mà không dám luồn vào những cái ở thực tại của mình, nên phải chấp nhận sự tồn tại của món ăn cay.
Người ta công nhận tôi cũng bởi người ta nói tôi luôn dám đi tiên phong. Như khi tôi tổ chức show “Cho em một ngày”, người ta nói lần đầu tiên ở Việt Nam có ca sĩ lố bịch như vậy.
Tại sao lại dám hát một mình một chương trình? Nhưng bây giờ nó lại là một phong trào, ai cũng hát live show. Tôi muốn trong những cái cũ mình phải dám làm những cái mới. Những cái mới là sự khích lệ cho đàn em, chứ ai cũng hát những bài tiền chiến, những bài đã ăn khách thì âm nhạc sao phát triển được.
Chị “kêu” khán giả hoài cổ và muốn là người tiên phong. Vậy tại sao tựa đề live show vừa qua lại là “Lam xưa”, mà không phải “Lam nay”, “Lam đương đại”. Phải chăng chị cũng muốn lôi kéo khán giả bằng sự hoài cổ?
Đúng là trong chương trình này tôi toàn hát những bài đã nổi tiếng, như “Chia tay hoàng hôn”, “Giọt nắng bên thềm”, “Em tôi”…
Những bài hát này tôi đã thăm dò trong fanclub của mình, họ rất thích. Còn cái mới là đĩa “Nắng lên” cũng đã 3 – 4 năm rồi. Chỉ có bài “Đá không chồng”, “Người ở người về" là mới.
Show diễn của tôi thực sự là nhu cầu của người nghe. Còn lôi kéo khán giả ư? Suốt quãng đời làm nghề tôi luôn muốn đưa ra sự sáng tạo. Nhưng sau những năm tháng tìm tòi, tôi thử hát một show diễn hướng đến nhu cầu người nghe.
Đây cũng là sự tư vấn từ những người bạn của tôi. Họ nói muốn nghe những bài hát đã giúp tôi thành danh. Điều đó quá dễ đối với tôi. Hãy cứ cho đây là cuộc thi và mình ôn lại những bài học cũ.
Tôi không phải người vô trách nhiệm
Là người cẩn thận trong âm nhạc, nhưng trong cuộc sống, chị không cẩn thận, chị cẩu thả, có đúng không?
Từ bé đến lớn, chưa bao giờ tôi cẩu thả, mà luôn kỹ lưỡng. Khi gặp nhau, người ta thường mang lên cân ngay và chia ra các định mức. Tôi không vậy, mà dùng cảm nhận của mình.
Nên tôi rất kén bạn chơi và không quan hệ rộng. Âm nhạc chính là biểu cảm trực diện nhất đời sống tâm hồn của mình. Khi anh kỹ năng, kỹ lưỡng thì không thể nào lại cẩu thả trong đời sống được.
Thất hẹn có nên coi là cẩu thả?
Người làm nghệ thuật không như cỗ máy.
Chị có biết mình đã trở thành “thương hiệu thất hẹn”?
Thương hiệu thất hẹn rồi à? Hay chứ. Nhiều khi sai hẹn cũng hay! Nói đùa vậy thôi, nhưng theo tôi, mình không phải cỗ máy. Người nghệ sĩ kém là vậy, không thể dùng lý trí để bắt phải làm cái này cái kia. Đôi khi mình làm việc theo hứng. Khi cảm thấy muốn nghỉ là thôi, kệ.
Dù thất hẹn hay đi cùng sự vô trách nhiệm?
Tôi không phải người vô trách nhiệm đâu. Tôi là người rất nghiêm khắc với mình. Nhưng có thể đó là những cái tôi thấy không cần thiết. Mọi người rất quan tâm đến việc đánh bóng tên tuổi, rất sợ người ta đánh giá mình ở cái vẻ bề ngoài.
Từ cái thất hẹn đó, chị đánh giá tôi là người vô trách nhiệm, chị có thể nói như vậy. Nhưng tôi có niềm tin trong nhân cách của mình, tôi không quan tâm quá nhiều đến việc đánh bóng mạ kền.
Tôi sống cho mình rất nhiều. Chính cái đó cũng là một sự ích kỷ, có thể khiến những người xung quanh nghĩ mình là người thất hẹn. Nhưng tôi thấy việc gì chẳng cần thiết, tôi sẽ không làm.
Có những lúc tôi sai
Chị luôn tự hào mình là người bản năng. Tôi có thể nói thế này: giá trị lớn nhất của bản năng là sống thật, nhưng người bản năng thường làm những gì mình muốn, nói những gì mình nghĩ, nên đôi khi trở thành người… ích kỷ?
Mọi người nhìn tôi hát, nhìn tôi sống, nói tôi bản năng. Nhưng theo tôi, tôi là người thông minh, sống văn minh. Không phải không có, đôi khi, nhất là lúc trẻ, mình để bản năng dẫn dắt mình đi rất nhiều.
Sau những thăng trầm cũng phải tự mình nghiêm khắc để rút kinh nghiệm. Nên sau này, dần dần tôi đã tiết chế, dùng lý trí để cân bằng được bản năng của mình.
Tất nhiên không bỏ hết được, vì bản năng là cá tính rồi. Nhưng dần dần kinh nghiệm sống, với những mất mát, trả giá, mình có sự cân bằng dần giữa lý trí với bản năng.
Cái giá lớn nhất chị phải trả cho bản năng là gì?
Trong cuộc sống, tôi thấy có rất nhiều điều tuyệt vời: có những cái mất lớn kinh khủng, mình lại nhận được cái được vô hình và trong những cái được, cảm thấy lớn kinh khủng, nhưng mình lại mất những điều rất khủng khiếp.
Nên tôi rất thản nhiên trước cái được và cái mất. Vì tôi hiểu, cái gì cũng có hai mặt, nên tôi không thấy có một cái giá nào quá lớn mà mình phải trả.
Sự trả giá lớn nhất của tôi là tôi vẫn đang còn độc thân, trong khi đáng lẽ bây giờ, như những phụ nữ khác, tôi đã có gia đình, có chồng, mọi thứ nguyên vẹn.
Nhưng, cái được của tôi là trong những năm tháng sống độc thân đó, tôi học được rất nhiều điều, mà nếu như sống trong cái vòng vây của gia đình, mình sẽ không được như vậy.
Nếu độc thân là cái giá và cũng là bài học, thì một lần đổ vỡ là đủ. Sao chị lại để xảy ra nhiều lần đổ vỡ như vậy?
Chị thấy trong cuộc sống, có lần ngã nào giống hệt lần ngã nào không? Lần này mình ngã thế này, lần khác mình sẽ ngã thế khác.
Tôi muốn mình toàn diện, tôi hướng thiện, nhưng tôi cũng là người đàn bà trong cuộc sống, có những lúc tôi đúng, nhưng cũng có những lúc tôi sai.
Những lần vấp ngã rõ ràng không giống nhau, nhưng sau những lần vấp ngã, tôi vẫn quay lại nhìn, để trong những bài học đó, mình phải phát triển, phải vươn lên.
Có vẻ như giá trị lớn nhất là chị đã biết nhận ra mình sai?
Không riêng tôi, mà trong cuộc sống, ai cũng sai.
Sai lầm lớn nhất của chị là gì?
Chúng ta là những người bình thường và chúng ta luôn lớn lên bởi những lỗi lầm. Làm gì có ai sinh ra và lớn lên toàn bằng thành công. Nhưng nếu là người có ý thức, thì lỗi lầm sẽ làm cho mình hoàn thiện. Nên trong những bài học, tôi trưởng thành rất nhiều.
Tôi là người sống xả thân cho tình yêu
Trong tình yêu, chị là người cả thèm chóng chán?
Có nhiều người bị hoang tưởng về bản thân. Còn tôi là người nhìn rất rõ bản thân mình. Quan trọng nhất trong tình yêu là phải chọn đúng người. Có thể bây giờ tôi chưa chọn đúng người.
Có phải, khi bản năng điều khiển lý trí, chị hay bỏ rơi những người đàn ông của mình?
Không phải. Tôi là người sống xả thân cho tình yêu đấy.
Chị xả thân cho tình yêu, mà đến giờ vẫn không giữ được tình yêu lớn – những người bố của con chị – nghĩa là chị không phải người phụ nữ giỏi?
Nó là duyên số đấy. Cuộc sống có sự vô hình, nên người ta mới lập bảng tử vi.
Vậy là, chị lại đổ tại số phận?
Đến bây giờ, sau những thăng trầm và những bước đi trong tình cảm, tôi thấy, một đôi vợ chồng sống chung với nhau trọn đời là cả một chặng đường khốc liệt để mà gìn giữ. Hai con người đều phải gìn giữ nhau chứ không thể từ một phía.
Tôi sống bằng chính khả năng của mình
Chị có một “người tình Nga” phải không?
Có.
Đó là một trong những người rất yêu chị?
Người ta hay nói tôi sống quá thật trong tình yêu. Đó là ưu điểm. Người ta không tự dưng yêu ai cả đâu, mà mình phải đáng yêu.
Nhưng tình yêu đó đã kết thúc?
Có một điều tôi rất tự hào là, trong tình yêu, có thể tôi được và mất, nhưng điều quan trọng nhất là tôi luôn để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng người đàn ông của mình.
Tại sao tình yêu đó lại kết thúc?
Trong cuộc sống, vợ chồng phải bù đắp cho nhau. Chúng tôi chia tay vì một điều rất đơn giản. Người đàn ông đó còn độc thân, người ta cần phải có con, có một cuộc sống bình thường.
Nhưng tôi có mang lại điều đó không? Có những điều bình thường tôi không làm được. Ví như lấy chồng, sinh con và nuôi nấng. Tôi không biết mình còn đủ sức để làm được như thế nữa không? Trong cái được có cái mất, trong cái mất có những cái được tốt hơn rất nhiều. Chắc chắn là như vậy.
Có phải thời gian tọa lạc trong căn nhà lộng lẫy bên bờ Hồ Tây, “người tình Nga” là người lo lắng cho chị, kể cả tiền thuê nhà?
Tại sao người ta cứ phải bàn tán tôi giàu hay nghèo, mua sắm cái này cái kia. Tôi đâu có vay mượn của ai cái gì. Tôi là người sống bằng chính khả năng của mình và sống vừa vặn với mình. Trên đời này, từ nhỏ đến lớn, tất cả những gì mình có trong tay đều do chính mình làm ra, và tôi tự hào vì điều đó.
Còn tôi nghĩ, trong cuộc sống, tình yêu là sự dâng hiến. Nó không phải vật chất cụ thể, mà còn hơn thế rất nhiều. Tôi cũng là người phụ nữ đáng được yêu thương, đáng được người đàn ông quý trọng.
Cần một người đàn ông thực sự đàn ông
Sau những đổ vỡ chị có nghĩ đến đàn ông nữa không?
Tôi thấy chẳng có gì hạnh phúc trong cuộc sống của người phụ nữ bằng việc có một bờ vai vững chãi và đáng tin tưởng. Tôi cần một người đàn ông thực sự đàn ông, vững chãi để mình nương tựa.
Chắc chắn tôi là người sống tự lập, không làm phiền người bạn sống chung với mình, nhưng trong thâm tâm, tôi thấy người đàn ông có vị trí rất to lớn trong đời sống tâm hồn của mình, và người đàn ông là một hình tượng vô hình cho người đàn bà.
Có những cô gái nói không cần đàn ông, nhưng tôi không làm được điều đó. Người đàn ông trong đời sống tinh thần của tôi rất có giá trị.
Còn hôn nhân thì sao?
Hôn nhân chưa ổn định là sai lầm của tôi. Nhưng sự khắc phục này còn phải phụ thuộc vào thiên thời địa lợi nữa. Tôi không mê tín dị đoan, nhưng tôi tin vào tử vi. Tử vi của tôi là thân lập thân, không được nhờ chồng, đến năm 45 tuổi sẽ được bình yên.
Theo tôi, bình yên đối với nghệ sĩ là một giá trị lớn, mà theo tử vi của tôi là 45 tuổi, nghĩa tôi còn 8 năm nữa để ổn định.
Một phụ nữ độc lập như chị, sao bây giờ, hơi một chút là “dựa” vào tử vi và số phận?
Sau những vấp ngã, tôi dần tin vào tử vi và tôi nghiệm thấy đúng. Mỗi con người là một bài toán đã được viết sẵn. Khi sinh ra, ông trời khoác cho mỗi người một chiếc áo với mỗi màu khác nhau.
Tử vi của tôi là năm 45 tuổi mới tìm được sự bình yên trong đời sống, nên điều quan trọng nhất đối với tôi bây giờ là phải bình tĩnh trước những thử thách của cuộc sống. Cuộc sống còn rất nhiều thử thách, chứ chưa dừng lại đâu.
Tuy nhiên, chị đang yêu và làm được rất nhiều việc nhờ tình yêu?
Tôi đang ở giai đoạn bị lơ đễnh. Vì tình yêu nó vô hình. Có những người tưởng lấy đến nơi lại không lấy được, có người muốn lấy mình nhưng mình lại không muốn lấy họ.
Nên tình yêu cứ vô hình và lơ đễnh, nhờ thế nó rất lãng mạn. Nên tôi để mặc như vậy, không có chủ định. Bởi tình yêu rất tự nhiên, cái gì thuộc về mình sẽ là của mình, cái gì của mình, sẽ nằm trong tay mình.
Dương Thúy |