Ngoài hai khách mời Tùng Dương và Hà Trần, đêm nhạc này còn có sự tham gia của các học trò của Thanh Lam trong cuộc thi Nhân tố bí ẩn.
Mang tên “Thanh Tùng – Trái tim không ngủ yên” – đêm nhạc này mang khá nhiều ý nghĩa tại thời điểm này. Một mặt, khiến công chúng mộ điệu yêu nhạc Thanh Tùng được toại nguyện, mặt khác cũng hiện thực lời hứa của Thanh Lam và Quốc Trung.
Buổi họp báo thông tin chương trình ngày 4/10 tại Hà Nội cũng vì thế xúc động hơn lệ thường. Quốc Trung và Tùng Dương nhiều khắc thâm trầm, riêng Thanh Lam và con gái nhạc sỹ Thanh Tùng nước mắt lã chã, đầy thổn thức mỗi lần lục lại những kỷ niệm về ông. Những người có mặt cũng vì thế mà chăm chú với sự nghiêm cẩn trước những trải lòng về người nhạc sỹ được xem là đã cách tân cho nhạc nhẹ Việt Nam.
Còn nhớ, tại thời điểm nhạc sỹ Thanh Tùng lâm bệnh nặng và ngay cả khi ông về bên kia núi, đã hơn một lần Thanh Lam và Quốc Trung chia sẻ trên trang cá nhân về ấp ủ sẽ làm một đêm nhạc kỷ niệm về người Thầy rất mực tài hoa và đáng kính. Đó sẽ là đêm khác tất cả và duy nhất.
Cũng vì thế mà thời gian qua, để tri ân nét nhạc tài hoa này, đã có khá nhiều đêm nhạc Thanh Tùng được diễn ra. Nếu nhớ không lầm, sau sự ra đi của nhạc sỹ, thì đêm nhạc đầu tiên ở Hà Nội là để kỷ niệm ngày mất của phu nhân nhạc sỹ, và hai đêm nhạc sau là kỷ niệm 100 ngày mất của ông. Những đêm nhạc này, tuyệt nhiên không có sự góp mặt của Thanh Lam, Quốc Trung hay Hà Trần, Tùng Dương.
Nói về âm nhạc Thanh Tùng, ngoài di sản ca khúc mà ông để lại, nếu Quốc Trung được là người học trò ưu tú, được gần gũi với nhạc sỹ thuở sinh thời thì Thanh Lam chính là người hát tiêu biểu nhất. Mặc dù có nhiều ca sỹ hát nhạc Thanh Tùng và thành danh, nhưng Thanh Lam chính là tiếng hát đưa những“Giọt nắng bên thềm,” “Lối cũ ta về,” “Hoa tím ngoài sân,” “Em và tôi” lên hàng tuyệt phẩm.
Sau gần hai thập kỷ, liveshow xuyên Việt “Em và tôi” (1999) của Thanh Lam và ban nhạc Phương Đông vẫn là đêm hát nhạc Thanh Tùng đáng nhớ nhất của nhạc Việt.
Bên cạnh đó, có cảm tưởng, dự định thực hiện đêm nhạc Thanh Tùng của cặp đôi nghệ sỹ này sở dĩ phải trễ hẹn lâu đến thế cũng bởi họ không chỉ đợi thiên thời, địa lợi. “Thanh Tùng – Trái tim không ngủ yên” sẽ là đêm nhạc khác tất cả và duy nhất, bởi hội tụ “nhân hòa.”
Ba nhạc sỹ phụ trách hòa âm phối khí Quốc Trung, Thanh Phương, Lưu Hà An và ba giọng ca Thanh Lam, Tùng Dương, Hà Trần chưa bàn đến đẳng cấp thì tất cả họ ở thời điểm này đều là những người nghệ sỹ luôn đi cùng nhau, đồng cảm với nhau trước nét nhạc tài hoa này.
Vì vậy, ngoài những điều thân thuộc, sự mới mẻ của đêm nhạc này có lẽ nằm ở khâu biên tập âm nhạc. Theo bật mí của các nghệ sỹ, ngoài những màn hát đôi gây bất ngờ, khán giả sẽ nghe những tuyệt phẩm Thanh Tùng bởi Tùng Dương, Hà Trần thay vì Thanh Lam. Cũng như vậy, một Lam nồng nàn như “Giọt nắng bên thềm” và trẻ thơ “Hát với chú ve con” sẽ ma mị hơn khi gắn kết với tiếng hát Tùng Dương.
Đặc biệt, sự góp mặt của các học trò Thanh Lam trong cuộc thi Nhân tố bí ẩn cũng được nữ nghệ sỹ kỳ vọng như làn gió mới đưa âm nhạc Thanh Tùng ngân lên đầy khát vọng, tươi trẻ.
Thanh Lam cho rằng, âm nhạc Thanh Tùng đã đến được với mọi giới, mọi thế hệ, có thể vang lên mọi lúc mọi nơi, mọi không gian. Thứ âm nhạc đó như suối nguồn thuần khiết, tươi mới tưới tắm một thời tuổi trẻ.
Nét tự sự, ưu tư, giản dị mà sâu sắc khiến cảm thức về dòng chảy nhạc Thanh Tùng trong trái tim mọi thế hệ thực sự là tình yêu không dễ quên.
Âm nhạc của ông lấp lánh sự sang trọng, mực thước của những khán phòng lớn, thánh đường mỹ lệ. Nhưng những nét nhạc vui tươi, ca từ dung dị như hơi thở đời sống lại khiến nhạc Thanh Tùng có thể vang lên đầy trữ tình, nhỏ nhẹ ở không gian xinh xắn và giản dị nhất.
Hỏi về tựa “Thanh Tùng – Trái tim không ngủ yên” của đêm nhạc, Quốc Trung bộc bạch: “Âm nhạc Thanh Tùng thì cũng như chính tâm hồn của ông, luôn cựa quậy, đầy đam mê và tràn đầy nhựa sống. Thầy dành tình yêu vô bờ bến cho vợ và các con, nhưng cũng là trái tim nhạy cảm và hào hoa, lãng mạn. Thầy vẫn luôn nhắc nhở chúng tôi là người nghệ sỹ thì hãy để trái tim yêu thật nhiều. Phải luôn ham sống, ham yêu thì giai điệu mới chạm đến trái tim và đến với mọi người. Nhưng người nghệ sỹ, càng yêu thì lại càng cô đơn. Đó chính là điều ám ảnh tôi.”
Riêng Thanh Lam, bài học đáng quý nhất chị học được từ nhạc sỹ Thanh Tùng chính là cốt cách nghệ sỹ. Đến bây giờ, âm nhạc và cuộc đời của nhạc sỹ Thanh Tùng chính là khuông nhạc chắt chiu cho giọng hát này những thanh âm tinh khiết và đam mê nhất.