Thanh Hóa: Vỡ đê, hàng trăm tỉ đồng ngập chìm trong nước

Có mặt tại huyện Thọ Xuân từ sáng sớm, sau nhiều giờ ngồi đợi thuyền, chúng tôi may mắn được thầy giáo Đỗ Văn Trung, kiêm tài xế thuyền máy cho đi khảo sát một vòng ở vùng lũ.

Tại các điểm đến, nước vẫn đang mênh mông như biển, nhiều diện tích mía ngập úng đang ngoi vài chiếc lá lên như kêu cứu, nhiều ngôi nhà chìm trong nước chỉ còn trơ nóc, tài sản, hoa màu của người dân cũng bị nước lũ nhấn chìm, tạo nên một khung cảnh hoang tàn đến ghê gớm.

 

Hàng trăm ngôi nhà bị ngập chìm trong nước.

Vừa điều khiển con thuyền đi với tốc độ chậm, thầy giáo Đỗ Văn Trung kể: Đêm mùng 6, rạng sáng ngày 7/9 nước bỗng dưng ập về nhanh quá, dân chúng tôi không kịp trở tay, nhà nào nhanh thì di chuyển được vài bì lúa, dắt được con trâu, còn lại tài sản bị nước lũ nhấn chìm hết. Hỏi ra mới biết là do vỡ đê sông Cầu Chày nên nước mới ập về.

“Cả 4 ngày nay, tôi chưa được ngủ tí nàò, chỉ lái xuồng đi cứu giúp người dân di dời, vận chuyển lúa gạo, đồ dùng và chở các đoàn khách về thăm, cứu trợ cho địa phương”, thầy Trung cho biết.

 

Người dân phải đi lại bằng thuyền.

Ông Đỗ Văn Trung, xóm 6, xã Quảng Phú hoang mang kể lại: Tối hôm đó, cả nhà tôi đang ngủ, bỗng dưng thấy tiếng róc rách dưới chân giường, tôi giật mình tỉnh dậy thì thấy nước ngập đầy nhà. Hoảng quá, tôi quát mọi người trong gia đình dậy bê vội được bì lúa, ti vi, bếp ga, còn lại các vật dụng khác cùng nhà cửa bị nhấn chìm trong nước. Rất may các thành viên trong gia đình tôi đều thoát chết.

Ông Lê Bá Lộc, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho hay: Mặc dù địa phương đã huy động tối đa lực lượng túc trực, ứng cứu các tuyến đê, thế nhưng do nước ở thượng nguồn đổ về, dâng quá nhanh, đê lại yếu nên rạng sáng ngày 7/9, tuyến đê Đá Lát đã bị vỡ ở 2 đoạn khoảng 100m và tuyến đê bao Quảng Phú bị tràn 5km, vỡ 3 đoạn khoảng 100m (cả 2 tuyến đê này đều thuộc đê sông Cầu Chày).

Hậu quả, toàn xã có 667 hộ, 3.565 khẩu ở 11/17 thôn phải di dời vì nhà cửa bị ngập trong nước, 302 ha lúa, 306 ha mía, 99,5ha ngô, 162 ha rau màu, 120 ha ao hồ bị ngập và mất trắng. Tổng giá trị thiệt hại do vỡ đê gây ra khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Hiện nay, UBND huyện Thọ Xuân đang triển khai các phương án kĩ thuật hộ đê, huy động lực lượng xử lí các tình huống khi có sự cố xảy ra, chỉ đạo lực lượng Công an huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương di tản dân ở các vùng bị cô lập như: Quảng Phú, Xuân Châu, Thọ Lập.

Theo Bee


From the same category