Đôi mắt sáng lấp lánh, đôi mắt của chàng trai thông minh, bền bỉ với con đường mình lựa chọn và dù ở vị trí nào, Thanh Duy cũng tạo cho người đối diện một thiện cảm về sự sắc sảo, vừa khiêm nhường và cảm hứng vui nhộn, lạc quan.
Chẳng phải là những câu chuyện đầy tự sự và ám ảnh như dạo Duy đang nổi đình đám với vai chuyển giới ấn tượng trong “Đập cánh giữa không trung.” Chẳng phải là những tung hô hồ hởi sau sức hút khi trở thành Quán quân Gương mặt thân quen 2015. Chẳng phải là những chuyện tình yêu đương ủy mị, ướt át. Lần này, tôi hỏi Duy vài điều tưởng chừng như khá… “xa xôi” với một nghệ sỹ trẻ.
Thực lòng, tôi không muốn “đánh đố” Duy hay những người trẻ như cậu làm gì. Nhưng tôi tò mò muốn biết, thế hệ 8x như Duy và thậm chí trẻ hơn, có ấn tượng hoặc giả là tưởng tượng gì về ngày 2/9/1945 thiêng liêng của dân tộc?
Và thật ấn tượng, Thanh Duy đọc liền cho tôi bài thơ “Sáng mùng hai tháng Chín” của nhà thơ Tố Hữu với chất giọng truyền cảm thay cho câu trả lời: “Hôm nay, sáng mồng hai tháng Chín/ Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/ Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín/ Bỗng vang lên câu hát ân tình/ Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!/ Người đứng trên đài lặng phút giây/ Trông đàn con đó vẫy hai tay/ Cao cao vầng trán ngời đôi mắt/ Độc lập bây giờ mới thấy đây…”
Việt Nam, đất nước “bị thua thiệt”…
– Cảm ơn vì Duy đã nhắc lại một bài thơ rất ý nghĩa về một thời khắc trọng đại trong cả trang sử hào hùng của dân tộc. Nhưng Duy ơi! người trẻ như Duy có cảm nhận được hết sự thay đổi sau 70 năm của đất nước (2/9/1945-2/9/2015) không?
– 70 năm là một hành trình rất dài và con số này còn nhiều gần gấp 3 lần số tuổi của Thanh Duy nữa. Với tốc độ phát triển bây giờ, Thanh Duy cảm thấy sự thay đổi đầu tiên là ngay trong nhận thức, trong sự khác nhau giữa những quan điểm sống của thế hệ đi trước và thế hệ trẻ ngày nay.
Đặc biệt, Duy thấy các bạn trẻ bây giờ hội nhập, hòa nhập rất nhanh. Thế hệ như Thanh Duy được đi rất nhiều nơi trên thế giới nên sự lĩnh hội và hòa nhập với quốc tế ngày càng lớn.
Duy nghĩ rằng thời ông bà, cha mẹ rồi đến thời của mình, đến thời các đàn em mình và sau đó còn đến thời con cháu mình nữa, sẽ là những thế hệ ngày càng phát triển thêm và hòa nhập nhiều hơn với thế giới.
Tuy nhiên, khi đã được đi nhiều nơi, Thanh Duy cũng thấy tủi thân một tí xíu. Bởi khi Duy đến những quốc gia phát triển mà họ cũng từng có khởi đầu khó khăn giống như đất nước mình, nhưng họ đã phát triển vượt bậc. Một ví dụ đơn giản thôi, như tàu điện ngầm là phương tiện di chuyển rất phổ biến ở Singapore, Thái Lan, Hong Kong hay các nước phát triển khác thì ở Việt Nam phải 10 năm nữa người dân mới có được trải nghiệm này.
Thanh Duy nghĩ đó là điều mình bị thua thiệt so với các nước bạn và Duy tin trong tương lai, với một thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết cùng lòng yêu nước, chúng ta sẽ bắt kịp được với sự phát triển của thế giới nói chung. Sẽ không hề muộn nếu chúng ta bắt đầu thay đổi ngay từ bây giờ.
– Vậy còn với các nghệ sỹ thì sao, những năm qua chứng kiến một giai đoạn phát triển của các nghệ sỹ trẻ, bản thân Thanh Duy cũng là một nghệ sỹ đa năng, Duy có suy nghĩ hay đánh giá thế nào về thế hệ nghệ sỹ bây giờ?
– 70 năm là một giai đoạn rất dài. Từ những tiếng hát ngày xưa của thế hệ các cô chú dân quân tự về rồi đoàn văn công ở trong rừng, họ hát cho nhau nghe những bài hát làm vực lên tinh thần, ý chí chiến đấu.
Và 70 năm âm nhạc Việt Nam, nghệ thuật Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, Thanh Duy thấy nghệ sỹ của mình cũng rất tài năng và có nhiều nhân tố hấp dẫn, thú vị, càng ngày càng trẻ đẹp hơn, tài năng hơn.
Thanh Duy nghĩ những tài năng đó của Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai với các tài năng âm nhạc quốc tế. Vì bản thân những người trẻ rất giỏi trong việc hòa nhập, biết học hỏi cái hay và hạn chế cái dở. Và chính việc rất giỏi học hỏi đó sẽ giúp chúng ta dễ dàng bắt kịp với sự phát triển của nghệ thuật nói chung cũng như âm nhạc nói riêng trên thế giới.
Thử thách trong thế giới phẳng
– Vẫn biết chặng đường của một nghệ sỹ chân chính luôn thật gian nan. Nhưng tôi thấy ở mình, nhiều nghệ sỹ trẻ các cậu vẫn cứ thiếu thiếu một cái gì đó để có thể bứt lên, để có thể tự tin đua ganh với bạn bè quốc tế…
– Thực ra, với giới ca sỹ như Thanh Duy, thời gian Duy hoạt động nghề chưa dài nhưng cũng không phải là ngắn, điều mà Thanh Duy thấy nghệ sỹ Việt Nam thiếu là mình đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ làm việc độc lập và bây giờ cần phải có một êkíp, những công ty hoạt động chuyên nghiệp để giúp nghệ sỹ toàn tâm toàn ý với chuyên môn.
Ngày xưa, các anh chị nghệ sỹ thì khác, họ chỉ có một mình thôi. Nhưng bây giờ một nghệ sỹ không thể làm hết tất cả các khâu được, mà cần sự giúp sức rất nhiều từ các cộng sự.
Chính vì thế Thanh Duy cảm thấy mình thật may mắn khi bên cạnh luôn có những cộng sự giúp sức, và cả những người ở phía sau lo rất nhiều việc hậu trường. Thanh Duy hoàn toàn yên tâm nên chỉ phải chuyên tâm vào chuyên môn thôi…
– Duy có nghĩ mình đã “đủ chín” để tự tin bước ra với thị trường nghệ thuật, giải trí thế giới?
– Thế giới giải trí bây giờ là thế giới phẳng, nên chuyện chinh phục thế giới cũng không như trước kia nữa. Ca sỹ Hàn Quốc hát tiếng Hàn, thực hiện tại Hàn vẫn được yêu thích ở châu Á và chinh phục khán giả Âu Mỹ, hay làm nên hiện tượng như Gangnam Style thông qua internet.
Vậy nên Duy không đặt mục tiêu hay cũng không nghĩ đến sẵn sàng hay không. Với một sản phẩm tốt, văn minh và một chút cơ duyên, Duy tin là khán giả quốc tế nếu có tình cờ xem sản phẩm âm nhạc của mình trên internet, họ cũng sẽ có thiện cảm về nền giải trí Việt Nam.
Hiện giờ tại Việt Nam, vẫn có những khán giả nghe nhạc Mỹ, nhạc Hàn, yêu nhạc Mỹ nhạc Hàn hơn cả nhạc Việt, nên làm sao để chinh phục trọn vẹn các khán giả đó, cạnh tranh một cách thuyết phục với nền giải trí quốc tế phát triển ngay ở Việt Nam đã là một thử thách và là một mục tiêu mình cần phải dốc hết sức rồi.
Cảm ơn Thanh Duy về cuộc trò chuyện và chúc Duy luôn vững vàng trên con đường nghệ thuật trong tương lai.