Việt Nam quá nhiều ca sĩ nhưng quá ít nghệ sĩ
– Hai năm trước anh làm huấn luyện viên cho The Voice Kids và giờ thì đang ngồi ghế giám khảo cho Vietnam Idol. Anh thấy mình hợp với huấn luyện viên hơn hay giám khảo hơn?
– Thực ra vị trí nào với tôi cũng là truyền cảm hứng cho các bạn trẻ nên cũng không khác nhau nhiều lắm. Mình là đàn anh đi trước, có cơ hội được đào tạo, trải nghiệm môi trường giải trí quốc tế, được làm việc với những người giỏi nhất nên tôi nghĩ đã đến lúc mình“pay it forward”, phải có trách nhiệm chia sẻ sự may mắn đó cho các em. Làm việc với các em nhỏ trong The Voice Kids có cái hay là các em như tờ giấy trắng, chúng không sợ vì chưa bị tổn thương. Với các bạn trong Vietnam Idol thì khó truyền đạt cho họ hơn vì họ ít nhiều đã trưởng thành, đã ít nhiều bị rập khuôn, đã bị tổn thương nên thiếu cởi mở và thành thật với bản thân họ hơn. Nhưng không có gì là không thể, nhất là ở Vietnam Idol năm nay, tôi đã thấy những cá nhân có thể trở thành gương mặt mới cho một thế hệ khác.
– Các show truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ở Việt Nam luôn có thực trạng là rất nhiều gương mặt gây chú ý và thậm chí “thành sao tới nơi”, nhưng sau cuộc thi họ biến mất hoặc có xuất hiện cũng rất mờ nhạt?
– Vì tôi thấy nền nghệ thuật giải trí Việt Nam quá lộn xộn, không đi đúng hướng và tầm nhìn ngắn hạn. Trong cuộc thi Vietnam Idol, tôi ngồi xuống nói với các em rằng, để trở thành nghệ sĩ không đơn giản chỉ là vài bài hát “hit”, được chú ý, báo chí đến viết, rồi sau đó quay MV và trở thành ngôi sao. Họ quá nóng vội và muốn tận dụng cơ hội trong khi chưa được chuẩn bị sẵn sàng. Đó là mô hình của phần lớn các ca sĩ trẻ Việt Nam hiện nay nên chuyện họ biến mất hoặc mờ nhạt sau cuộc thi là điều hiển nhiên. Tôi làm nghệ thuật 22 năm mới có được hôm nay, và rất nhiều tên tuổi ngôi sao khác cũng thế, họ phải lao động quần quật để giữ vững tên tuổi. Người ta chỉ nhìn thấy 3 mặt của thành công mà không thấy được 7 phần bị chìm dưới tảng băng của lao động và cống hiến từng ngày nên nhiều người nhầm tưởng thành công rất dễ.
Nhưng với Vietnam Idol năm nay, tôi tin là đã có sự khác biệt và tôi muốn định hướng họ trở thành những nghệ sĩ độc lập, biết viết nhạc, có kiến thức âm nhạc, hướng tới những hình mẫu nghệ sĩ đích thực như Beyonce, Sam Smith, John Legend…
– Nhưng thời gian một cuộc thi quá ngắn, chỉ vài tháng trên truyền hình. Còn để trở thành một ngôi sao, như anh nói phải mất cả chục năm. Liệu điều gì đảm bảo họ sẽ trở thành những nghệ sĩ?
– Một năm có vài cuộc thi âm nhạc cộng với các ca sĩ nổi lên từ cộng đồng underground, tính ra phải có hàng chục ca sĩ mới xuất hiện. Ai trong số đó sẽ trở thành nghệ sĩ? Tôi nghĩ sẽ rất ít. Và ngay cả trong làng âm nhạc Việt Nam hiện nay cũng thế, quá nhiều ca sĩ nhưng quá ít nghệ sĩ. Như tôi nói, nghệ thuật giải trí ở Việt Nam không đi đúng hướng và quá lộn xộn nên muốn gầy dựng một thế hệ nghệ sĩ tương lai thì phải bắt tay làm lại từ đầu. Tôi mở Học viện đào tạo âm nhạc SouL Music Academy cũng vì mục đích đấy, hướng tới một thế hệ trẻ với tư duy âm nhạc hiện đại nhất song hành với tài năng. Những gì tôi đang làm là mang những tài năng nước ngoài về đào tạo cho giới trẻ Việt Nam và đem âm nhạc Việt Nam ra nước ngoài trong vài năm tới.
– Vậy còn con người nghệ sĩ của Thanh Bùi thì sao? Anh có nghĩ mình đang hy sinh con người nghệ sĩ cho những mục tiêu lớn hơn?
– Tất nhiên tôi vẫn có những dự án cá nhân, cả trong nước và quốc tế. Nhưng năm nay tôi 32 tuổi rồi, chỉ còn 8 năm nữa là coi như… xong phim. Và sau nhiều năm trong nghề, cái tôi mê nhất không phải là trình diễn, cũng không phải là viết nhạc mà là giáo dục. Ước mơ của tôi là đến lúc cuối cùng của cuộc đời, tôi sẽ đào tạo được nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam ra được với thế giới hoặc giúp họ tự tin, có lý tưởng và yêu cuộc sống hơn. Bản thân tôi học nghề thương mại điện tử, nhưng tôi đã thấy mình thay đổi như thế nào nhờ âm nhạc. Mình vui tính, phóng khoáng, yêu đời và nhạy cảm với con người cũng nhờ âm nhạc. Và tôi muốn các em cũng thế. Thế hệ của chúng tôi coi như bị lép vế khi ra nước ngoài nhưng tôi tin thế hệ con em mình sẽ không còn lép vế nữa, cho dù họ sang Anh, Mỹ hay Đức, Úc.
Hiện tại SouL Academy có hơn 600 học viên ở Sài Gòn và trong tương lai gần, tôi tiếp tục mở các trường âm nhạc ở các vùng quê để mang âm nhạc đến cho các em thiệt thòi. Ước mơ chuẩn hóa giáo dục âm nhạc cho các học viên với những chương trình học và bằng cấp quốc tế danh giá nhất thế giới như Trinity Colledge London cho các bộ môn Nhạc, ISTD cho các bộ môn Nhảy Múa và Kindermusik dạy về cảm thụ âm nhạc cho trẻ em từ 6 tháng đến 6 tuổi. Mong muốn của tôi là sẽ ngày càng dạy được nhiều hơn những em thiếu nhi – thế hệ tương lai của Việt Nam – không chỉ giỏi về âm nhạc mà còn về tư duy sáng tạo, tự tin, giao tiếp tốt và phát triển toàn diện trong mọi lĩnh vực. Riêng đối với những học viên tại SouL có đam mê theo đuổi ngành âm nhạc, các em sẽ được theo học một chương trình riêng về đào tạo nghệ sĩ – nơi các em sẽ được học về hát, trình diễn nghệ thuật, chơi nhạc cụ, sáng tác và quan trọng nhất là khả năng làm việc nhóm. Tôi cũng may mắn có một nhóm bạn là những nhạc sĩ và nhà sản xuất quốc tế đã từng đạt rất nhiều giải thưởng như Grammy – họ vẫn thường xuyên cộng tác với tôi trong tất cả các dự án âm nhạc.
– Nhưng anh có nghĩ điều đó sẽ sản sinh ra một thế hệ nghệ sĩ Việt lai căng?
– Với tôi, nghệ thuật là văn hóa, bán rẻ văn hóa thì không còn gì nữa. Cách tôi làm là muốn những nghệ sĩ trẻ Việt Nam hòa nhập được với thế giới nhưng vẫn giữ được tâm hồn Việt Nam. Đây là cách mà thị trường âm nhạc Hàn Quốc đang đi. 90% bài hát ở Hàn Quốc là do người nước ngoài viết, và tôi cũng từng viết nhiều bài “hit” cho các ban nhạc lớn tại đây. Nhưng rất thông minh và tinh tế ở chỗ, họ nhờ người nước ngoài viết hòa âm nhưng lại hát bằng tiếng Hàn, bằng bản sắc riêng của họ.
Với SouL Academy, tôi tin vài năm nữa sẽ có sự khác biệt, sẽ có một thế hệ nghệ sĩ trẻ vừa biết sáng tác, vừa biết chơi piano, guitar. Họ cũng không cần chơi chiêu để nổi tiếng. Tôi tin, với âm nhạc, những gì chân thành nhất và thật nhất sẽ thành công nhất. Làm người chân thành trong âm nhạc có khó không? Khó, rất khó!
Bởi để chân thành, anh phải hát bằng con người nghệ sĩ của mình, anh phải truyền cảm hứng của mình đến người nghe. Ví dụ, 2 bạn ca sĩ đang học ở SouL Academy có tố chất nghệ sĩ rất rõ là Vũ Cát Tường và Tiên Tiên. Hay dù có nhiều ca sĩ cover lại “Lặng thầm một tình yêu”,“My Kool Việt Nam”, “Gương thần gương thần”… nhưng không ai bắt chước được cách hát của tôi cả. Bởi đơn giản là nó đến từ bên trong con người tôi, trong cảm xúc và cảm hứng của riêng tôi. Và để làm được điều đó, tôi cũng phải đi tìm rất lâu.
Từ khi 9, 10 tuổi lần đầu tiên nghe Michael Jackson trình diễn trong một lễ trao giải Grammy, tôi mơ ước được đứng trên sân khấu âm nhạc và bắt tay theo đuổi giấc mơ này. Trước và sau khi thi Australia Idol, tôi đã từng ký hợp đồng với Universal Music với nhóm nhạc North và gặt hái khá nhiều thành công ở thị trường châu Á, tôi cũng được mời trình diễn với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và làm việc với những tài năng hàng đầu thế giới. Nhưng cũng có lúc tôi thấy bế tắc vì tôi mới chỉ làm cho cá nhân tôi, chứ không cho tôi năng lượng để cống hiến. Chuyến trở về Việt Nam, tôi về quê ngoại ở Biên Hòa, tôi về quê nội ở Cam Ranh và cảm nhận dòng máu quê hương chảy trong huyết quản mình. Đó là lúc tôi cảm nhận rõ nhất con người và cảm hứng nghệ sĩ của mình. Và đó cũng là lúc tôi nghĩ đến chuyện cống hiến.
Tôi là người đàn ông may mắn nhất thế giới
– Sự nghiệp thăng hoa và cuộc hôn nhân với một cô gái xinh đẹp con của một gia tộc giàu nhất Việt Nam, người ta nói anh là người đàn ông may mắn nhất của showbiz Việt đấy?
– May mắn nhất showbiz Việt ư? Không, phải nói là tôi là người đàn ông may mắn nhất thế giới (cười lớn).
Ba mẹ tôi đã kết hôn được hơn 40 năm và họ vẫn sống hạnh phúc cùng nhau từng ngày, dù phải trải qua bao nhiêu khó khăn khắc nghiệt của cuộc sống, vẫn chưa bao giờ buông tay nhau, nên với tôi, người vợ rất quan trọng. Tôi mơ ước một cuộc hôn nhân mà đến một ngày nào đó, tôi sẽ rất già, bụng rất bự và không làm được gì hết nhưng vẫn được sống hạnh phúc bên người vợ của mình.
Trước đây tôi cũng có những cuộc tình, nhưng họ không cho tôi bay. Tôi là người khó tính trong công việc nhưng lại rất phóng khoáng trong cuộc sống. Tôi không chịu được cảm giác bị nhốt trong một khuôn khổ nào đó. Và các cô bạn gái trước đây luôn sợ tôi bay đi quá xa. Vợ của tôi lại khác, cô ấy nói, anh cứ bay đi, muốn về lúc nào thì về. Không những thế, cô ấy còn chuẩn bị cho tôi một đôi cánh rất lớn để mình bay xa nhất có thể.
Khi một người đàn ông có một niềm tin với người phụ nữ như vậy, thì còn biết nói gì? Tôi không thể so sánh với vợ. Tôi xấu hơn nhiều về mặt hình thức, và không có gì bằng vợ hết! Nhưng cái chúng tôi đem đến cho nhau là sự bình yên khi nghĩ về nhau. Gia đình là nền tảng, khi nền tảng mà vững thì xây tòa nhà như Bitexco với tôi cũng trở nên đơn giản (cười).
– Nhưng trước một gia thế “giàu khủng khiếp” bên nhà vợ, có lúc nào anh cảm thấy bị áp lực?
– Không, cuộc hôn nhân này chỉ mang đến cho tôi hạnh phúc và cảm hứng. Bởi tôi tin cái gì đúng thì nó sẽ luôn đúng. Vợ chồng tôi đều phát triển sự nghiệp độc lập nhưng luôn quan tâm đến nhau, như chuỗi ADN, hai con đường độc lập nhưng cuộn xoắn vào nhau. Tôi mở Học viện SouL Academy với 600 học viên mà đôi lúc đã muốn điên. Những lúc nhìn Vân làm việc, tôi cảm giác vừa tự hào vừa sung sướng. Vợ chồng thương yêu nhau là đương nhiên, tôn trọng nhau là cần thiết, nhưng khi có chút thần tượng nhau thì mang đến cho nhau rất nhiều lửa. Chúng tôi có rất ít thời gian dành cho nhau, nhưng luôn trân trọng từng phút một, nên khi ở bên nhau luôn thấy rất dài và rất đủ.
– Nghệ sĩ đôi khi họ cần một chút sóng gió, một chút thách thức để mang lại cảm hứng trong sáng tạo. Mọi thứ với anh có vẻ rất hoàn hảo, có lúc nào anh thấy… cụt hứng không?
– Công việc của tôi quá nhiều sóng gió rồi, quá đủ rồi. Tôi không cần đi về nhà trên chiếc thuyền chòng chành nữa. Mỗi ngày tôi thức dậy, tôi luôn chuẩn bị cho tôi như một người lính ra trận, một warrior (chiến binh) đúng nghĩa. Một ngày trong công việc mà không có vấn đề thì với tôi là một ngày thiên đường. Nhưng tôi vẫn giữ tâm thế của một chiến binh trong công việc để xây dựng một nền móng vững chắc. Tôi không bao giờ hạ tiêu chuẩn xuống. Trong 3 năm qua, tôi già đi rất nhanh, tóc bạc quá trời, nhưng tôi lại thấy mình mạnh mẽ và ngày càng cảm hứng hơn, tìm được nhiều tiếng nói đồng cảm hơn.
– Với một người đàn ông, anh đánh giá cao phẩm chất nào nhất ở họ?
Rộng rãi và dũng cảm. Điều tôi sợ nhất ở người đàn ông là không có chính kiến. Họ rất nguy hiểm vì luôn chạy theo đám đông. Đàn ông không cần phải quá giàu, không cần phải phô trương cái tôi hay cho thấy sức mạnh của mình, cũng đừng nói nhiều mà hãy làm và chứng minh qua hành động và đứng vững bằng chính kiến của mình. Một điều nữa tôi đánh giá cao ở đàn ông: phải dám xin lỗi và dám nhận mình sai.
Text: Bao Khanh
Photo: Thien Minh (T-STUDIO)
Producer: Dinh Nguyen
Photo Director: Hellos
Make up: Dinh Nhon