Bước ra từ cuộc thi The Voice Kids với một vai trò mới, Thanh Bùi đang sống trong những cung bậc cảm xúc khác nhau, điều mà anh thu lượm được từ cuộc thi dành cho các em nhỏ. Thanh Bùi nói, đó là một quãng thời gian thú vị, cho anh nhiều thứ hơn anh tưởng tượng. Nhưng điều quan trọng nhất, những tháng ngày bên cạnh các em nhỏ đã giúp Thanh Bùi lấy lại năng lượng để tiếp tục vun đắp cho ước mơ lớn của đời mình.
Không có gì bằng hai từ “hy vọng”
– Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện này bằng việc miêu tả một ngày của Thanh Bùi được không, thưa anh?
– À, một ngày của tôi bắt đầu lúc 8h30, đến văn phòng, mở đèn cầy lên và bắt đầu suy nghĩ về những việc cần phải làm và bắt tay và làm thôi (cười). Lịch khá dày và khá mệt nhưng hạnh phúc. Một ngày của tôi là sự quay cuồng từ sáng đến tối, tối đến khuya, 2h – 3h sáng. Nhưng tôi sẽ không bao giờ than vãn về sự mệt mỏi vì đây là sự lựa chọn của mình, nếu thích thì làm tiếp còn không hãy từ bỏ và tôi đã chọn tiếp tục thì sẽ tiếp tục, đó là lựa chọn của tôi mà (cười).
– Lựa chọn đó của anh có giống như lựa chọn thí sinh trong The Voice Kid không? À nhân nói cuộc thi đó vừa kết thúc, điều ở lại với anh là gì?
– Niềm hy vọng, không có gì bằng hai từ hy vọng. Tôi hoạt động trong thị trường âm nhạc Việt Nam hơi lạ một chút, lối sống và những suy nghĩ của mình hơi khác mọi người. Điều tôi thấy rất là hạnh phúc là mình có cơ hội ngồi lại với các bé. Mình thấy được sự tự nhiên, hồn nhiên của các bé và với tôi không cái gì đẹp bằng cái đó. Tôi cũng cảm nhận được điều tương tự từ tất cả những ngôi sao lớn đã có cơ hội làm việc cùng. Họ càng tên tuổi, họ càng hồn nhiên (như con nít vậy). Họ càng nổi tiếng, càng thành công thì càng khiêm tốn. Tôi cảm nhận một tương lai thực sự rất sáng đến từ chính cuộc thi và các buổi trò chuyện cùng các bé.
– Anh có hồn nhiên và mộng mơ quá không vậy?
– Không, tôi thích nghiên cứu và có nhiều suy nghĩ, thích đặt những câu hỏi cho bản thân và bạn bè: Cuộc sống là gì? Tại sao mình sống? Nghe thì có vẻ hơi “ảo ảo” một chút xíu nhưng rất quan trọng cho bản thân mình. Tôi muốn mình tìm được ý nghĩa, lý do của cuộc sống.
– Nghe anh nói có vẻ dễ dàng nhỉ, nhưng thực tế thì ai cũng nghĩ làm việc cùng trẻ nhỏ luôn khó khăn hơn người lớn rất nhiều, điều đó có đúng không thưa anh?
– Có một sự thực mà mọi người ít biết là chuyện dạy con nít là chuyên môn của tôi từ cách đây đã rất nhiều năm (cười lớn). Tôi dạy học, dạy thanh nhạc từ năm 20 tuổi. Còn trước đó, khả năng sư phạm của tôi đến một cách tự nhiên, ví dụ như khi mình học lớp 4, mình dạy cho những em lớp 2, thậm chí, khi mình học lớp 5 dạy luôn những bạn lớp 5. Còn bây giờ, ở ngôi trường Soul Music Academy, tôi đang giảng dạy mấy trăm học trò một ngày.
Muốn người khác chấp nhận mình thì mình phải chấp nhận họ trước!
– Phát hiện tài năng đã khó nhưng nuôi dưỡng tài năng đó còn khó hơn, anh có nghĩ thế không?
– The Voice Kid không phải cuộc thi mà chỉ là cuộc chơi. Nó thay đổi nếu mình muốn nó thay đổi. Cách mình nhận một thông tin, sự việc gì trong đời thì chỉ có 2 cách, tích cực hoặc tiêu cực. Theo tôi thì cuộc chơi này mang đến cơ hội tìm hiểu và định hướng bản thân cho các bé. Một số bé cảm nhận đây là cuộc sống, là ước mơ nhưng sau cuộc thi lại nhận ra đây không phải cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, với các bé, tôi luôn nhấn mạnh không có gì quan trọng hơn chuyện đi học văn hóa. Mừng cho đội của tôi là cha mẹ của các bé trong đội của Thanh Bùi ai cũng muốn con mình phải học giỏi. Bé Đại, bé Duy, Lan Phương đang có khó khăn, mất hơn một tháng, giờ gặp lại thấy tụi nhỏ vất vả mệt vì học đuổi nhưng tôi nghe lại hạnh phúc vì các bé hiểu được tầm quan trọng của văn hóa.
– Tiêu chí của anh khi đào tạo các tài năng nhỏ hình như cũng khác với các huấn luận viên khác, thì phải?
– Trong cuộc thi, tôi chú trọng việc phải động viên ưu điểm và che khuyết điểm của bé. Và đặc biệt sau cuộc thi, tôi để cho các bé một khoảng thời gian để bình tĩnh lại trong cuộc sống, không gọi điện thoại, không gặp nhiều đến khi các bé có cuộc sống bình thường trở lại. Lúc đó, các bé sẽ cảm nhận các bước tiếp theo là một người học trò của âm nhạc, thì tôi sẽ dạy lại cho tất cả các bé những kiến thức cơ bản về âm nhạc, kỹ năng trình diễn, phòng thu, bắt buộc phải chơi được một nhạc cụ và phải biết sáng tác. Tôi muốn các bé có một nền tảng tốt, một viên gạch đầu đời vững chắc nếu muốn tiếp tục trong ngành nghệ thuật để 10 hoặc 20 năm sau vẫn vững vàng. Tôi luôn tâm niệm rằng cái gì càng đầu tư vững chắc thì càng bền lâu. Nếu có những viên gạch vững chắc thì bạn có thể xây cả một tòa tháp trên cái nền móng đó cũng không sao hết (cười).
– Nghe có vẻ như anh đang bù đắp cho một tuổi thơ không được theo đuổi sự nghiệp một cách “vững chắc” của anh thì phải?
– Câu chuyện cũ tôi không muốn kể lại, chỉ muốn nhấn mạnh là mong những người đi trước nếu được hãy gánh giúp những cái nặng nề cho người đi sau. Nhưng nặng nề của mình không bằng của ba mẹ mình cũng như những người cùng thế hệ. Ước mơ lớn nhất của tôi là 20 năm sau tất cả trẻ em ở VN có cơ hội đi học âm nhạc.
Tôi đã thấy cuộc đời mình thay đổi bởi âm nhạc như thế nào thì tôi cũng muốn các em nhỏ có thiên khiếu về âm nhạc được như thế. Bố của bé Hữu Đại đã gọi điện thoại cho tôi và nói bé Đại đã thay đổi rất nhiều, tự tin hơn, hoạt bát hơn ở trường học khiến thầy cô giáo ngạc nhiên. Đó chính là lý do tôi thành lập Soul Music Academy, nhằm tạo ra một sân chơi âm nhạc, là một nơi đào tạo bài bản, với một trình độc quốc tế chứ không phải là cái lò để lăng xê ca sĩ.
– Bây giờ thì anh đã vững vàng tại Việt Nam rồi, nhớ lại những ngày đầu về nước, hình như mọi chuyện cũng đâu có suôn sẻ, đúng không thưa anh?
– Đúng là hơi chậm và vênh ở thời kỳ đầu thật nhưng đó là vì mình chưa hiểu tâm lý của khán giả ở đây. Tôi có tư duy của một người da trắng nhưng nhìn gương thì mình nhận ra mình da vàng, tóc đen. Nó cũng giống như chuyện bạn đến bất cứ một đất nước nào khác cần phải học và học, nói ít và làm nhiều, lặng thầm mà làm (cười). Bạn muốn người khác chấp nhận mình thì phải chấp nhận người khác trước. Mà trước đó, chính bạn cũng phải chấp nhận chính bản thân mình đã. Có những thứ hạnh phúc hoặc không hạnh phúc đã đến với tôi nhưng tôi chưa bao giờ lung lay định hướng của bản thân. Tôi tin vào những gì mình đang làm, tin vào âm nhạc.
Những gì mà tôi đang có bây giờ là sự hạnh phúc. Và hạnh phúc với tôi là niềm tin của tất cả mọi người xung quanh dành cho mình, là sự tin cậy của đồng nghiệp, của khán giả, của đứa bé 3 tuổi, của chú taxi bắt tay mình vì đã cho anh và gia đình những buổi trình diễn tuyệt vời, là nụ cười của một chị thợ làm “nail” ở chợ Bến Thành…
Thực sự, tôi không thay đổi con người so với hồi mới về. Tôi chỉ thay đổi cách truyền tải thông điệp. Người Việt Nam rất tình cảm nhưng cũng rất dễ tự ái vì cái tôi cao quá. Khi mà mọi người hiểu và cảm nhận mình, thì mọi chuyện đến rất tự nhiên. Nhiều thứ xảy ra trong thời gian vừa rồi cho tôi sự vững vàng về tâm lý, tìm được ý nghĩa của cuộc sống nhiều hơn, đủ để thấy những vất vả, cay đắng, bị đâm sau lưng, biến cố mình đã gặp không có “xi nhê” gì nữa. Giờ có quăng bom, lựu đạn lên người mình cũng không sao (cười lớn).
Tiếp tục công việc truyền cảm hứng
– Hình như sau The Voice Kid, anh đang có một loạt dự định âm nhạc mới?
– Trong thời gian sắp tới, sẽ tung ra MV ca khúc “Cứ thế mà đi” – OST của bộ phim “Âm mưu giày gót nhọn” do tôi song ca cùng Thu Minh. Sau đó nữa, giữa tháng 10 là MV ca khúc “Where did we go wrong” cũng là một ca khúc song ca khác của tôi và Thu Minh. Sau đó tập trung công việc của mình đi Los Angeles để thử thách ở thị trường nước ngoài. Tôi sẽ bắt đầu đi hát ở một vài nơi nổi tiếng bên đó.
Thực ra ở thị trường quốc tế tôi cũng đã có những thành công bước đầu. Năm 17 tuổi tôi đã ký một hợp đồng thu âm với Universal, sau đó ký với EMI, đã đứng chung sân khấu với những ngôi sao lớn, cảm giác ngày mai chết cũng không sao. Tôi cũng có tên tuổi nhất định ở Úc, đã có top hit ở Nhật, Âu châu, cũng đã viết nhạc phim cho Hollywood… Ở thời điểm này, tôi cũng không mong làm cho mình nổi tiếng hơn, kiếm nhiều tiền hơn. Tôi chỉ muốn tạo dựng cho các em một niềm tin rằng thầy phải làm được để bọn trẻ noi theo.
Hồi còn trẻ, tôi làm để chứng tỏ với ba mẹ nhưng giờ đây tôi làm để xây dựng ước mơ cho các bé. Tất nhiên tôi vẫn sẽ theo đuổi và xây dựng sự nghiệp ở Việt Nam. Cuộc sống của tôi giờ đây là đi qua đi lại, tiếp tục công việc truyền cảm hứng. Trong tương lai gần, tôi muốn thấy một ca sĩ Việt Nam đứng trên sân khấu nước ngoài, không phải giao lưu văn hóa, cũng không phải chỉ hát cho kiều bào hải ngoại, mà là những giọng ca ở tầm quốc tế và được quốc tế thừa nhận.
Nếu sau này, bé Đại, bé Duy làm được điều đó hẳn nhiên không chỉ mình tôi mà sẽ rất nhiều người tự hào. Và điều đó sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những thế hệ tiếp theo.
– Xin cảm ơn Thanh Bùi!
> Sport: Quần vợt và đá banh. Thần tượng Roger Federer. Với tôi, anh ta đánh tennis như Pablo Picasso vẽ tranh vậy.
> Phong cách thời trang: Nói chung những đồ “cool”, ít người mặc, đơn giản mà không đơn giản.
> Nước hoa: Thích dòng “classic”, đơn giản, manly, ít người dùng, không màu mè, đừng ngọt ngào quá.
> Cuốn sách đã thay đổi cuộc đời: “Brave new world” của Aldous Huxley vì ông đã dự báo trước những thay đổi về xã hội loài người. Con người với con người càng ngày càng sống cho mình
hơn, ích kỷ hơn, xu hướng tình dục cũng khác. Đó cũng là một trong những cuốn sách đã thay đổi lịch sử. Bên cạnh đó là cuốn “1984”của George Orwell – một tác phẩm lớn đầy tính giễu nhại.
> Bộ phim thích nhất: “Võ sĩ giác đấu” (Gladiator) của đạo diễn Ridley Scott.
> Thành phố yêu thích nhất: Berlin, nhưng bên cạnh đó cũng thích các thành phố khác như Boston, New York, London…
Text: Du Mien
Photo: Tuan.Fr
Stylist: Nancy D
Assistant: Ly Binh Son
Make up: Dinh Nhon
Producer: H.Nguyen