Thanh Bùi – Alexander Tú “Mang thế giới đến Việt Nam, rồi mang Việt Nam ra thế giới”

Cũng như Thanh Bùi, sinh ra và lớn lên ở Úc, Alexander Tú là một người Mỹ trước khi thực sự trở thành một người Việt. Buổi phỏng vấn có hiện diện cả hai người, nhưng chỉ một mình Thanh Bùi đại diện trả lời bởi hai anh bây giờ “tuy hai mà một”.

– Là những người đã thi gameshow ở nước ngoài rồi về làm giám khảo của gameshow trong nước. Anh nhận thấy sự khác nhau lớn nhất là gì?

– Ngoài sự khác nhau đương nhiên về chất lượng, tôi thấy khác nhau lớn nhất giữa show của nước ngoài và của ta chính là cốt lõi, lý do làm, trách nhiệm và cả đạo đức.

Show nào cũng là… show, tức là làm ra để kiếm tiền cả. Vậy vấn đề là chúng ta kiếm tiền theo cách nào. Chúng ta xây dựng được gì hay làm hỏng cả những người chơi. Nếu làm hỏng người lớn, không đến nỗi. Còn với trẻ em, tôi nghĩ không nên. Mình nên bảo vệ sự hồn nhiên của chúng, mình nên chỉ cho chúng thấy ý nghĩa của nghệ thuật. Nghệ thuật là văn hóa. Nếu không bảo vệ được nghệ thuật, mình sẽ mất luôn cả văn hóa. Xã hội hôm nay có quá nhiều những sự sai sót, có quá nhiều sự nổi loạn vì mình không định hướng được, ý thức được tầm quan trọng của nghệ thuật.

– Cơ duyên nào đưa Thanh Bùi đến với Alexander Tú để rồi bây giờ, cả hai là những cộng sự rất thân thiết của nhau?

– Sau khi tôi thi và giành giải cao ở Thần tượng âm nhạc Úc – Australian Idol, nhiều người Việt Nam rất tự hào và có lời mời tôi về. Lúc ấy tôi chưa có định hướng về Việt Nam, nhưng cũng gõ Google tìm hiểu thử xem thị trường âm nhạc Việt Nam thế nào. Và tôi tình cờ xem được một MV rất tốt. Tôi ngạc nhiên, hóa ra Việt Nam cũng có thể làm ra những sản phẩm tốt như thế. Thế nên tôi về để tìm kiếm cơ hội cho mình. Thật bất ngờ khi cách đây hai năm, tôi mới biết Alex chính là người biên đạo cho MV ấy (cười to).

– Còn cơ duyên nào đưa Thanh Bùi và Alex từ một nghệ sĩ trình diễn trở thành một người thầy?

– Bốn năm trước, tôi chán nản với sự đố kỵ, ghen ghét của người Việt mình và muốn trở về Úc. Tôi vẫn còn nhớ ngày 1/1/2012, tôi nói với Vân, vợ mình: “Thôi, anh về Úc thôi, anh không sống được ở đây”. Lúc ấy Vân mới nói với tôi: “Anh là người có kiến thức, từng đi học nước ngoài, tiếp cận với những thầy giáo của Michael Jackson, Stevie Wonder… vậy thì anh đã làm được cái gì chưa? Hay chỉ ngồi đó mà nói thôi?”

Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi… cứng lưỡi. Đó là lý do tôi mở Soul. Tôi tin nghệ thuật cần định hướng lại. Và tôi quyết định đi từ cái rẫy, gieo từng hạt giống mới. Có hạt giống sẽ trở thành ca sĩ, có hạt giống sẽ trở thành những vũ công.
Thật sự vũ điệu còn khó hơn hát nữa. Nhưng ở Việt Nam, những vũ công lại không được tôn trọng và tôi rất khó chịu vì điều đó. Và vì không tôn trọng họ, không phát triển họ đúng mức, làm sao chúng ta có những vũ đoàn chuyên nghiệp như thế giới.
Hai năm trước, tôi gặp Alex tại “Duyên dáng Việt Nam”, cảm thấy hứng thú vì bạn ấy có tâm hồn rất trong sáng, lại đầy đam mê. Nhận ra con đường của Alex cũng giống mình, tôi đã mời bạn ấy về để xây dựng mảng biểu diễn cho SOUL Music & Performing Arts Academy .

– Anh không chỉ chuyển hướng, mà còn chuyển đổi không ít người quản lý những năm qua. Phía sau những quyết định thay đổi ấy là gì?

– Sự đố kỵ lẫn nhau quá lớn. Tôi đã quen với việc vỗ tay cho những người giỏi, chúc mừng cho thành tựu của họ. Xã hội mình không được điều đó. Mọi người sính ngoại và sẵn sàng chê bai không tiếc lời người cùng quốc tịch với mình.

Người Việt Nam mình rất giỏi, nhưng không đoàn kết, không tôn trọng nhau. Mà nếu chúng ta chẳng thể tôn trọng nhau, thì làm sao đòi hỏi người ta tôn trọng mình. Tôi đi ra nước ngoài, đau lòng khi nghe người ta hỏi: “Nước mày còn chiến tranh không? Có WIFI, 3G không? Có nước sạch uống không? Sao 90% sừng tê giác săn trộm lại đến Việt Nam?”. Khi Thái tử William chia sẻ thông điệp cứu động vật hoang dã bằng tiếng Việt, là vì ông biết dân đi săn động vật hoang dã đa số là người Việt Nam.
Tôi cảm thấy mệt mỏi vì hàng ngày phải đón nhận những thông tin đó. Tất cả không phải là lỗi của họ, lỗi từ giáo dục, lỗi lớn hơn cơ. Nhưng tôi không thể ngồi tránh móc giáo dục mãi được. Gandhi từng nói: “Be the change you wish to see in the world”. Mình thay đổi chính mình trước đã. Thế nên tôi mở Soul, để tạo ra một cộng đồng mới, một cộng đồng biết chia sẻ, biết cổ vũ, biết nâng đỡ nhau. Và Alex đã cùng tôi tạo nên sự thay đổi ấy.

– Chỉ có sự đố kị thôi ư? Đâu có… ít thế?

– Còn cả sự khiêm tốn nữa. Tôi tiếp xúc với những nhân vật từng đạt giải Grammy, như RedOne chẳng hạn. Họ rất khiêm tốn. Họ khiêm tốn đến mức tôi không dám tin đấy là những nhân vật đứng đầu thế giới trong lãnh vực của mình. Thế nên tôi học hỏi ở họ, rồi dạy lại các học trò của mình: hãy để cho hành động của các con nói chuyện. Đừng nói nhiều, hãy cho thầy thấy.

Thanh Bùi

– Và giáo dục âm nhạc, theo ý anh, không chỉ là dạy một bài hát hay một vũ điệu?

– Đúng là như thế. Vì nghệ thuật rộng hơn là biểu diễn nhiều, nghệ thuật không chỉ có showbiz và sự nổi tiếng như chúng ta thấy. Albert Einstein là thần đồng về violin. Bill Clinton thổi saxophone cực tốt. Khoa học đã chứng minh: một đứa bé học âm nhạc từ nhỏ sẽ tự tin hơn, ý thức cuộc sống tốt hơn.

Người Việt Nam cần rượu bia mới dám chia sẻ với nhau, vì ai cũng sợ đối mặt với sự thật. Ít người tự tin. Sự tự tin không phải thể hiện bản thân, không phải tóc tai bù xù, xăm mình rũ rượi. Tự tin là bên trong, là dám theo đuổi đam mê, dám đi con đường riêng, dám nói lên những điều sai quấy.
Mà đã tự tin được rồi thì không đố kỵ. Anh làm giỏi, tôi xin chúc mừng, nhưng tôi sẽ làm mọi cách để giỏi hơn anh, chứ tôi không tìm cách xấu để chơi anh.

Và vì tôi tự tin, nên tôi không đi theo anh, tôi đi con đường của mình. Tại sao ở Việt Nam, một người làm, ắt sẽ có người làm theo. Vì người ta không biết mình là ai? Người ta không tự tin. Vì sao vậy? Giáo dục. Giáo dục chúng ta không kích thích sự sáng tạo. Người Việt Nam mình rất giỏi tính toán, logic. Nhưng logic chỉ đưa người ta từ A đến B, còn sáng tạo đưa người ta đến Z.

– Các anh đang đi một con đường quá khó, đó là thay đổi văn hóa…

– Khó, nhưng cũng phải làm thôi. Bây giờ, 700 gia đình đã gửi con em đến Soul rồi (cười). Vả lại chúng tôi có chung một hoài bão. Mâu thuẫn trong lúc làm việc tất nhiên là có, nhưng chúng tôi trao đổi thẳng thắn và cùng giải quyết vấn đề. Vấn đề của người Việt là không chịu chia sẻ trực tiếp với nhau, nhưng lại đi… nói sau lưng nhau.

Khi tôi góp ý về vũ đạo với Alex, anh ấy lắng nghe và suy nghĩ, anh ấy hiểu những gì tôi đang làm và cũng không cần phải gồng lên để thể hiện bản thân. Ngược lại cũng thế, tôi không bao giờ bảo “Alex biết gì về nhạc mà dám chỉ bảo tôi”. Không bao giờ có chuyện ấy, cả hai đều cám ơn sự góp ý vì biết người kia đều muốn sản phẩm tốt nhất có thể.

– Vậy hoài bão của các anh trong tương lai, gần và xa là gì?

– Tháng 10 tới đây, nhóm nhảy The LYRICIST của Alex đã vượt qua hàng ngàn thí sinh dự thi từ khắp nơi trên thế giới, để trở thành một trong những đại diện xuất sắc nhất tham dự vào chương trình Dance Prom tại nhà hát uy tín và lâu đời nhất nước Anh – Royal Albert Hall, chương trình được CNN ghi hình. Alex và nhóm The Lyricist sẽ trình diễn bài “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn trên nền nhạc piano được đánh live bởi pianist Tuấn Mạnh. Điểm xuyến trong bài phối sẽ là giai điệu của nhạc cụ dân tộc như  đàn bầu, đàn tranh. Alex và The Lyricist sẽ mặc mặc áo dài và nhảy Hip-hop hiện đại trên nền nhạc “Diễm xưa” đó.

Chúng tôi muốn mang âm nhạc/nghệ thuật Việt Nam ra thế giới và giới thiệu âm nhạc/ nghệ thuật thế giới đến Việt Nam. Chúng tôi muốn xây dựng một thế hệ nghệ sĩ mới. Tôi nhìn thấy một tương lai rất sáng ở thể hệ trẻ của Việt Nam.

Alexander Tú

Alexander Tú:
Nguyên là Giám đốc điều hành nhóm Kaba Modern và KM Legacy, nhóm nhảy top 3 chương trình “Nhóm Nhảy Giỏi Nhất Nước Mỹ – America’s Best Dance Crew” mùa đầu tiên. Anh đạt được bằng Cử nhân Tâm lý từ Đại Học California (Irvine), sau đó là Thạc sỹ/ Bác sỹ ngành Vật lý Trị liệu từ ĐH Loma Linda (California).
Với đam mê dành cho Vũ đạo, Alexander Tú đang hoàn thành luận án Tiến sỹ Vật lý Trị Liệu, với đề tài nghiên cứu “Tác động tích cực của Vũ đạo đến sự phát triển của trẻ em Việt Nam”.
MV “Missing You” phiên bản remix được thực hiện tại Việt Nam. Đây là sản phẩm  đầu tiên có sự kết hợp giữa Alexander Tú và nhiều nghệ sỹ gốc việt thành danh trong nước và quốc tế như Thanh Bùi, biên đạo quốc tế gốc Việt Tony Trần và Charles Nguyễn (thành viên những nhóm nhảy nổi tiếng thế giới như Kinjaz, Jabbawockeez, Poreotic, KM Legacy) và producer Chi Thanh (người Việt Nam đầu tiên được đề cử giải Grammy) . Với mong muốn mang những tài năng âm nhạc/ nghệ thuật Việt Nam ra thế giới và giới thiệu âm nhạc/ nghệ thuật thế giới đến Việt Nam. Trong MV “Missing You” Remix, biên đạo quốc tế Alexander Tú truyền cảm hứng cho giới nghệ thuật bằng những điệu nhảy tinh tế tại những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam như Núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Thánh Địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), nhà cổ hơn 200 tuổi (Hội An), Cung An Định và Đại Nội (Huế)… Alexander Tú còn muốn mang vẻ đẹp của Việt Nam ra thế giới trong MV thực hiện theo chuẩn quốc tế của mình.
Bài: Minh Trần
Ảnh: Tùng Chu


From the same category