Thanh Bạch - cái “mặt nạ” hồn nhiên - Tạp chí Đẹp

Thanh Bạch – cái “mặt nạ” hồn nhiên

Sao

1. Trong những khuôn mặt bước vào khoa đạo diễn những năm cuối 1970 ở trường Nghệ Thuật Sân Khấu II có lẽ Thanh Bạch là người có khuôn mặt trong sáng nhất. Ở Bạch còn có cái chơn chất của một chàng trai đến từ Vĩnh Long chớ không bặm trợn như đám Sài Gòn chúng tôi, nhất là đa số xuất thân từ gia đình có gốc là dân Sài Gòn cũ.

Chúng tôi không ngạc nhiên khi Bạch được đứng đầu trong danh sách nhà trường và Đảng ủy chọn để sang Liên Xô du học. Cô giáo Nguyễn Tường Trân của chúng tôi cho rằng nghề đạo diễn rất cần hai yếu tố có vẻ mâu thuẫn nhau là hồn nhiên và sâu sắc. Ít ra Thanh Bạch cũng hơn hẳn những người bạn cùng lớp về sự trong sáng hồn nhiên.

 Thanh Bạch - cái "mặt nạ" hồn nhiên

2. Sau Bạch là đến Hương. Nghe tin hai bạn đó cùng chuyển sang học đạo diễn tạp kỹ ở Liên Xô, chúng tôi đều háo hức và tò mò chờ ngày về của cả hai vì lúc đó cả nước còn rất hiếm kiểu đạo diễn này. Sau 5 năm, Thanh Bạch trở về vẫn mang dáng vẻ trong vắt y như ngày ra đi.

Vẫn tiếp tục trong sáng hồn nhiên, nhưng bấy giờ cái vốn du học 5 năm khiến Bạch có nét hấp dẫn bên ngoài của một Bạch Mã hoàng tử và sự tỏa sáng bên trong của tri thức mới. Thời gian này Bạch có tham gia diễn và dựng nhưng ai cũng thấy đó chưa phải là thế mạnh của Bạch.

Không chỉ có phụ nữ thích Bạch, khá nhiều các cậu đàn em quấn quýt Bạch có lẽ với hy vọng được truyền đạt một phần nào những cái mới của sân khấu nước ngoài. Và dĩ nhiên, khi hoàng tử chọn Xuân Hương, cô bạn cùng lớp ở Việt Nam lẫn ở Liên Xô làm người phối ngẫu thì không chỉ có nhiều cô buồn mà có cả các anh.

3. Thời gian làm việc chung nhiều nhất của cặp vợ chồng này và chúng tôi là những năm 1980. Đầu tiên cả hai đến gặp tôi đề nghị phụ một tay vào việc soạn những tiểu phẩm cho nghệ thuật tạp kỹ. Duyên số đưa đẩy, tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ bấy giờ là chị Vũ Kim Hạnh đã mạnh dạn đỡ đầu cho nhóm Tạp Kỹ Thể Nghiệm của chúng tôi qua danh xưng Nhóm Tuổi Trẻ Cười Sống.

Đó cũng là giai đoạn mà đôi uyên ương này phát huy tối đa khả năng phối hợp nhịp nhàng “song kiếm hợp bích” của họ. Nếu kỹ thuật của Bạch điêu luyện bao nhiêu thì khả năng châm biếm của Hương sâu cay bấy nhiêu. Ngoài thời gian cùng tập và diễn chung, chúng tôi cũng đã được chứng kiến những giây phút “tự biên tự diễn” của hai vợ chồng ở ngoài đời, hồn nhiên như hai đứa trẻ con mặc dù họ cũng đã có những giây phút gay go đầy phiền toái bởi những “người lớn” khác trong căn hộ ở chung.

Dường như trong người họ lúc nào cũng tràn trề năng lượng để luôn đòi trào thoát ra ngoài. Hai người này sanh ra là để dành cho nhau – Nhìn họ ríu rít bên nhau, nhiều khi tôi đã nghĩ thế.

4. Lúc đầu nhóm có Tất My Loan, Bích Thủy, Minh Phượng, Quang Minh (cao), sau này có thêm Đoàn Khoa, Minh Nhí, Thành Lộc, Phương Linh, Thanh Thủy, Hồng Đào… Toàn bộ cảnh trí, đạo cụ bỏ gọn trong một chiếc rương khá nặng. Chúng tôi thường ưu tiên cho những bạn cần “mài giũa” khuôn mặt của mình không phải rớ vào chuyện khiêng vác, bày cảnh. Dĩ nhiên, trong đó có Tám Cù Móc – Thanh Bạch, người dẫn chương trình xuyên suốt cho cả nhóm.

Sau mấy năm tung hoành, hợp đồng diễn còn nhiều nhưng tôi đành để rã nhóm vì theo không kịp những trò cười (gây) khóc thật ngoài đời. Vào những năm rã tường Berlin, chỉ với hai vợ chồng, Bạch và Hương mang Tuổi Trẻ Cười Sống lưu diễn cả nửa năm ở các nước Đông Âu cho những người đi lao động hợp tác.

5. Theo tinh thần đó, sau này, Bạch, Hương và Khoa làm “Những người thích đùa” và thắng lớn. Vào dịp Tết, các bạn ấy thường có các chương trình “Những Người Thích Đùa” II, III, IV… Thời gian còn lại, Bạch làm MC cho các chương trình ca nhạc tổng hợp, hội chợ, hội nghị khách hàng, game show… và cả đám cưới; có lúc với Phương Thảo, có lúc với vợ và rất nhiều khi chỉ một mình với mức cát sê cao ngất ngưởng.

Nhiều chương trình của tôi được yêu cầu phải có Thanh Bạch nhưng đành phải bó tay vì lịch làm việc của Bạch thường kín hết cả năm. Gọi đến nhà, nếu không đi lưu diễn hay bận việc đâu đó thì thường là “Cậu bé vàng” đang ngủ để phục hồi năng lượng.

6. Nhiều đồng nghiệp và khán giả sau này gặp tôi kêu là Bạch làm mặt đậm quá, có khi như mang cả một cái mặt nạ. Một đôi nét diễn của Bạch cũng khiến chúng tôi liên tưởng đến phim “Mặt nạ”. Chỉ tiếc là khi buông cuốn phim ấy ra, anh chàng diễn viên kia còn được khá nhiều vai diễn thú vị khác ở lại trong tim khán giả toàn cầu với nhiều lứa tuổi. Đằng này Bạch cứ mãi phải đóng vai Thanh Bạch.

Được đóng vai chính mình là một điều thú vị, nhưng cứ đóng mãi vai mình thì nỗi ngao ngán ắt hẳn xảy ra. Có một quy luật ngược trong nghệ thuật diễn lẫn nghệ thuật sống là càng che giấu hay trốn chạy thì sự thật cứ lừng lững hiện ra đóng dấu đâu đó trên mặt mình. Bạch đó, nụ cười lúc nào cũng gắn trên môi như sẽ ở đó đến ngày Cậu Bé Vàng này ngưng thở.

Bạch đó, ngày càng được biết nhiều hơn, và cũng được yêu nhiều hơn bởi các em bé, người già. Nhưng dường như đằng sau chiếc mặt nạ cười tươi sáng được vẽ và trang trí bởi phấn màu, ánh đèn chớp lóe trên kính và phục trang đa sắc, tôi nhìn ra nỗi cô đơn của chàng trai trong vắt ngày nào

Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc
logo

Thực hiện: depweb

03/04/2014, 10:56