Thanh âm từ buồng xưng tội

Sự yếu đuối của đàn ông-giống như sự ngây thơ bất ngờ của một con sói, luôn gây kích thích khó tả. Đó là cảm nhận đầu tiên khi nhìn Usher trên bìa album Confessions (2004).


Grammy không hề là một thước đo nghệ sĩ. Mặc dù 8701 (2001) mang lại hai giải Grammy cho Usher với “U remind me” và “U got it bad”- điều đó không làm tôi mảy may quan tâm bằng hình ảnh nửa khuôn mặt hứng luồng sáng mập mờ đằng sau ô cửa buồng xưng tội. Mắt, môi – không cái nào biểu lộ xung động của sự kháng cự. Đó là Usher của Confessions – Sự thú nhận


Thích Confessions dễ hơn là không thích. Ngay từ những giai điệu đầu tiên của đoạn Intro 46 giây, những tiếng thở dài đầy nhiệt phà ra bên tai được tính toán để dẫn dụ người nghe vào một thứ không khí “phòng ngủ” đặc trưng của R&B. Intro trong một album R&B dường như là nguyên tắc. Nó cho người ta nắm bắt được chủ đề chính của câu chuyện mà người nghệ sĩ sắp kể, hoặc vẽ ra chân dung, tính cách của chủ nhân. Đơn giản vì không thể kể chuyện mà không nhập đề. 


Hot nhất trong Confession không phải là “Confession” mà là “Yeah!” –track no.2 có sự góp mặt của rapper Ludacris. “Yeah!” chiếm giữ vị trí số 1 quá lâu trên các bảng xếp hạng tại Mỹ. Sức hút dai dẳng của nó đương nhiên không từ ca từ, không từ ý nghĩa – dân nghiện R&B không lạ gì với thứ âm nhạc có thể tạo ra sức quyến rũ từ một vài nốt nhạc đơn giản làm thành chuỗi lặp, lời ca không có gì, thậm chí vô nghĩa cũng không sao. “Yeah!” là một kiểu như thế. Những tiếng Yeah Yeah biểu hiện khoái cảm chẳng cần nói bằng lời. Một kiệt tác thuần ý nghĩa ăn chơi và mùi “nguyên thủy” khiến người ta không thể… ngồi phỗng ra mà nghe!
 
Gọi chàng trai 26 tuổi này là gì cũng được – ca sĩ diễn viên, nhà sản xuất, hay nhạc sĩ đều đúng. Hầu hết ca khúc trong album được Usher đồng sáng tác. Anh cho nó chút sức sống từ hiện thực, hiện thực đến đâu thì không ai biết. Nhưng ý tưởng Confession – Tự Thú là khôn ngoan. Một dịp “xưng tội” đàng hoàng, trình diễn cá tính độc đáo, và cơ hội kinh doanh nghệ thuật tuyệt vời. Confession interlude 76 giây là sự hòa quyện đầy xúc cảm trong tiếng piano trang trọng, đàn dây lướt êm, vội vã mà vẫn tao nhã, Usher nhận một cú điện thoại khơi màn cho chủ đề “tự thú”. 
 
“Chào em, anh đang ở trong buồng điện thoại,
anh để cái này xuống và sẽ gọi lại cho em ngay…
Nói gì vậy? anh đang ở phòng thu mà,… thôi mà, đừng chơi anh như thế chứ…
Không có thật đâu. Đừng đùa như vậy… em, em nghiêm túc đấy chứ?…
Làm sao em biết?… Anh sẽ gọi lại em sau.”






Từ một ngôi sao nhỏ trưởng thành từ CLB Mickey, lớn lên ở Atlanta, khởi đầu sự nghiệp từ tuổi teen với LaFace, nhảy chung với Micheal Jackson và Janet, hát ở quảng trường Madison ở New York, sân Wembley ở London, Usher đang ở độ chín cả về “thể chất, cảm xúc, tinh thần và âm nhạc. Thị trường dành tình yêu cho tôi, điều đó cho tôi năng lượng.” Không nghi ngờ gì, đây lại là một lời “tự thú”. 
Nhẹ và mượt, những khúc trầm thì thả, những khúc lướt được thì lại dằn,  hơi thở gấp gáp của Usher quấn người nghe như cỏ chân vịt xoắn trong  dòng nước. Bức bối. Buông mà không đành rơi. 
 
“Mỗi lần ở L.A, anh vẫn đi lại với cô bạn gái cũ.
Mỗi khi em gọi, anh đều nói “em yêu, anh đang làm việc”.
Thực ra anh đang ở ngoài và làm chuyện tệ hại.
Anh đã không nghĩ là làm em tổn thương.
Mặc xác kẻ nào nhìn. Anh biết, anh cho qua.
Biết là điều không đúng, anh nghe rồi để đó.
Em là một cô gái tốt. Ngồi ở nhà và nghĩ rằng em có một người đàn ông ngoan chẳng bao giờ có thể làm những điều mà anh sắp kể em đây.
Em hãy thu mình lại. Chuyện chẳng hay ho gì đâu.
Nhưng sẽ càng tệ hơn nữa nếu em nghe những điều này từ người khác.
Anh biết em ghét anh. Anh biết anh làm em đau lòng.
Nhưng mà còn nữa. Em nghe nhé…”
 


Nghe đến đây, nghiêm túc mấy cũng không khỏi bật cười trước vẻ thành thật cuống quít của chàng trai. Confessions mở đường cho Confession Part II như thế đó. 
 
“Anh sắp đưa ra phần hai của lời tự thú đây.
Và nếu nói, anh sẽ nói hết. Anh đã xém khóc vì cú phone đó.
Anh là đồ vứt đi và không biết làm gì khác ngoài việc tự thú tiếp phần hai.
Đây là việc khó khăn nhất anh từng làm.
Cô gái ấy nói rằng cô có mang ba tháng và sẽ giữ cái thai.
Điều đầu tiên anh nghĩ đến là em.
Điều thứ hai, là anh phải làm gì.
Điều thứ ba, anh ước gì mình đừng làm chuyện đó.
Anh chưa sẵn sàng có con và chia tay em”.
 


Những lời tự thú trôi trên nền trống điện tử được lập trình cẩn thận, đong đưa những tiếng vuốt nhẹ của guitar, thỉnh thoảng ném ra một đoạn dương cầm nghiêm nghị làm không khí tự thú có phần hơi giống như thánh lễ.
 
“Đây là điều khó khăn nhất anh từng làm.
Nói với em, người con gái anh yêu.
Rằng anh có con với người đàn bà mà thậm chí anh chẳng hiểu rõ cô ta”.


Thú vị khi nghe Usher là cái thú vị khi nghe một ca sĩ biết chính xác anh ta đang làm gì. Anh chàng này thích trêu người theo cái cách kể cho người ta nghe anh xấu anh tồi đến mức nào rồi thách người ta tin. Những câu chuyện thật thật giả giả. 
 
“That’s What It’s Made For” là cuộc chuyện trò bí ẩn giữa Usher và cô gái. Bạn có thể nghe cả hơi ấm mềm mại của môi, mơn trớn lướt êm của bàn tay trên cơ thể đang phát ra những tia sáng xanh. Một bức tranh rất đẹp. Vấn đề là khi Usher tìm ra được thứ gì đó bằng trí tưởng tượng của mình thì anh ta cũng chẳng biết xoay sở với nó thế nào cả. Sự lúng túng ấy mang lại thành công còn nhiều hơn mong đợi. 
 
Tên tuổi Usher tỏa sáng từ những hit như “You Make Me Wanna”- bắt đầu một chuyện tình lãng mạn bằng vẻ ngông nghênh phóng đãng “Em làm cho anh muốn bỏ cô ấy và bắt đầụ với em”. Thời của album My Way (1997). “U remind me” mang về cho Usher giải Grammy “Giọng ca R&B hay nhất của năm” là một bài phản tình ca. 


“Em làm anh nhớ đến một cô gái anh từng quen.
Anh nhìn thấy cô ta mỗi khi em nhìn anh.
Không thể tin nổi những gì cô ta đã làm với anh.
Cô ấy ngủ với mọi người, trừ anh.
Đó là lý do tại sao anh không thể đi với em.
Anh biết là không công bằng với em khi mà anh liên tưởng sự ngốc nghếch của cô ta đến em.
Ước gì anh có thể tách cả hai ra.
Anh không biết. Chỉ là vì em gợi anh nhớ đến cô ta”
 


Thời của 8701 (2001). Và bây giờ, thời của Confessions (2004). 
 
Từ một ngôi sao nhỏ trưởng thành từ CLB Mickey, lớn lên ở Atlanta, khởi đầu sự nghiệp từ tuổi teen với LaFace, nhảy chung với Micheal Jackson và Janet, hát ở quảng trường Madison ở New York, sân Wembley ở London, Usher đang ở độ chín cả về “thể chất, cảm xúc, tinh thần và âm nhạc. Thị trường dành tình yêu cho tôi, điều đó cho tôi năng lượng.” Không nghi ngờ gì, đây lại là một lời “tự thú”. 


(Quế Anh)


From the same category