Anh Tùng được ThS.BS Trần Anh Tuấn tái khám sau gần ba năm điều trị.
Bốn tháng, hai lần phẫu thuật
Anh Tùng kể, giữa năm 2009, anh bỗng phát hiện dương vật mình sưng to, ngứa, chảy dịch rất khó chịu. Vì bệnh ở vùng kín nên anh ngại đi khám, chỉ mua thuốc về điều trị, nhưng đỡ ít hôm rồi nặng hơn buộc anh phải đến bệnh viện tỉnh. Bác sĩ kết luận anh bị hẹp bao quy đầu dẫn tới viêm nhiễm, nên phẫu thuật cắt bỏ tổn thương. Nhưng bệnh cũng chẳng hết, tái phát nặng hơn và bốn tháng sau, ngày 30/11/2009, anh phải chuyển ra bệnh viện K Trung ương, Hà Nội để chữa trị.
Khi nghe tin mình bị ung thư, anh Tùng không tránh khỏi bi quan, nhất là khi tuổi đời còn rất trẻ: “Thú thực, khi đó tôi cứ nghĩ chết có khi còn hơn sống. Được sự động viên của gia đình, sự an ủi của vợ, tôi quyết tâm điều trị. Bác sĩ đã cắt bỏ gần hết cậu nhỏ của tôi và vét hạch bẹn hai bên. Vậy là chỉ trong vòng bốn tháng tôi đã phải mổ 2 lần mà không thể biết bệnh mình có khỏi hay phải tiếp tục mổ nữa. Tuy rất buồn và đau khổ nhưng tôi cố gắng nén vào bên trong, thể hiện mọi chuyện như bình thường, mình vẫn lạc quan yêu đời. Trong số các bệnh nhân ung thư điều trị tại phòng, có lẽ tôi là người còn cười đùa được nhiều nhất”.
Lấy công việc làm niềm vui
Nói là vậy nhưng vượt qua được bệnh tật là việc vô cùng khó khăn. Anh thổ lộ: “Khi mới ở viện về nằm nhà, nghĩ mọi chuyện đều thấy chán vô cùng và tôi quyết tâm vượt qua nỗi buồn khổ của mình, bằng cách không cho mình nghĩ ngợi. Đỡ đau là tôi đi chơi hàng xóm, bạn bè, làm việc nhà, chăm sóc cây cối, cho gà, vịt ăn… Khi khoẻ hơn, tôi đi làm trở lại và làm hết sức mình, lấy công việc làm niềm vui, quên đi bệnh tật. Tôi tuân thủ điều trị theo đơn thuốc bác sĩ và sau ba tháng tái khám, hy vọng đã được thắp lên khi bệnh của tôi ổn định. Tôi bắt đầu tin tưởng mình đã khỏi và sống vô tư thoải mái như chưa có bệnh”.
Niềm vui không thể tả xiết khi anh Tùng được tin vợ có thai và kết quả tái khám vào tháng 10 vừa qua, các bác sĩ kết luận sức khoẻ của anh tiến triển tốt, không có biểu hiện bệnh tái phát hay di căn. Anh hồ hởi: “Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình lại có được kết quả như ngày hôm nay. Bệnh khỏi đã là tốt rồi, vậy mà ông trời lại thương, cho vợ chồng tôi thêm một đứa con”.
Cuộc sống đã mỉm cười với anh. Dù phải nói không với rượu bia nhưng thỉnh thoảng anh vẫn nâng ly trong những cuộc gặp gỡ bạn bè thân thiết. “Tôi biết trong cuộc chiến với “ông bạn thần chết”, tôi đã giành thắng lợi với tỷ số 2 – 0. Niềm tin chiến thắng ấy tôi muốn truyền lại cho những bệnh nhân bất hạnh đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo như tôi ba năm trước. Hãy tin tưởng rằng bệnh ung thư hoàn toàn có thể chữa trị nếu được phát hiện sớm, ở giai đoạn đầu. Nghị lực và thái độ lạc quan sẽ tạo ra sức mạnh bội phần để không căn bệnh nào có thể quật ngã”, anh Tùng nhắn nhủ.
Theo Sài Gòn tiếp thị
Quan trọng hơn cả là quyết tâm vượt qua bệnh tật
ThS.BS Trần Anh Tuấn, khoa ngoại C bệnh viện K Trung ương, cho biết: “Bệnh nhân Tùng đến viện trong tình trạng tổn thương lan rộng không còn ở giai đoạn sớm, được chỉ định cắt xa tổn thương mất gần toàn bộ dương vật và vét hạch bẹn hai bên. Sau mổ, kết quả giải phẫu bệnh cho thấy hạch bẹn không có di căn nên bệnh nhân không cần xạ trị, chỉ phải theo dõi sát. Kết quả tái khám nhiều lần vẫn ổn định và sau gần ba năm anh thông báo vợ đã có thai. Kết quả này một phần do nỗ lực điều trị, phần quan trọng hơn cả là do quyết tâm vượt qua bệnh tật của chính bệnh nhân, sự động viên chăm sóc tận tình của gia đình và cộng đồng. Bệnh nhân đã có tâm lý rất tốt, lạc quan, tin tưởng trong và sau quá trình điều trị. Ung thư dương vật là một trong mười loại ung thư thường gặp ở nam giới Việt Nam. Hơn 90% người bệnh có tiền sử hẹp bao quy đầu. Bệnh nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ sống thêm sau năm năm (coi như khỏi bệnh) rất cao, có thể tới trên 90%. Để tránh ung thư dương vật, nên giải quyết sớm tật hẹp bao quy đầu bẩm sinh và thực hiện các biện pháp vệ sinh sinh dục; sống chung thuỷ một vợ một chồng, không hút thuốc lá; đặc biệt khi thấy có sự bất thường ở đầu dương vật cần đi khám và điều trị ngay”. |