Thắng hay thua?

Trong những cuộc ly hôn bất thành, do tòa bác đơn ông chồng tệ bạc, bà vợ hả hê vì thắng lợi, nhưng trước đống đổ nát hoang tàn tình cảm vợ chồng, bà cũng không biết phải thu dọn thế nào… 
 
Niềm vui mong manh

Phiên tòa tại quận 5 kết thúc, người vợ vui mừng đón hai đứa con trai đang đợi mẹ ngoài cửa phòng xử. Nhìn nét mặt của mẹ, hai đứa cũng tươi cười. Tòa đã bác đơn ly hôn của ông chồng.

Diễn biến của phiên tòa khá nhanh, bởi mọi tình tiết phức tạp, giằng co đã tốn nhiều bút mực tại các buổi hòa giải. Bà vợ nhất định không đồng ý ly hôn, và bước đầu bà đã “thắng”, nhưng tương lai vẫn mịt mù màu u ám.

Họ lấy nhau đã được 8 năm, cả hai đều xác nhận lấy nhau vì tình yêu và thời gian đầu, họ sống rất hạnh phúc. Anh N.T làm công nhân nhà nước, chị Đ.L ở nhà nội trợ. Hai đứa con trai ngoan, khỏe mạnh, và giống bố như tạc.

Từ năm 2001, chị ĐL nhận thấy đồng lương của chồng mang về nhà không đều đặn, dù chỉ khoảng 1 triệu đồng. Không một chút nghi ngờ, chị chỉ nghĩ công việc của anh đang gặp khó khăn. Để có tiền lo cho con, chị xoay sở, mở hàng buôn bán lặt vặt. Không vốn, chị phải đi vay. Chưa có kinh nghiệm bị thua lỗ chị lại tiếp tục vay mượn. Đó là cái cớ để ông xã chị xin ly hôn.

Trước tòa, ông trình bày: “Cô ta không bàn bạc với tôi, tự ý đi mượn tiền, tôi đã phải cầm chiếc xe máy để trả nợ. Tôi tha thứ một lần, nhưng cô ta lại tái diễn”. Số tiền nợ không nhiều, cả hai lần khoảng 15 triệu, không đến nỗi làm mất tình vợ chồng, làm gia đình ly tán.

Chị nhất định không ly hôn, nhưng cũng quyết liệt làm rõ lý do vì sao ông chồng đòi chia tay. 

Trong luật hôn nhân gia đình không quy định lỗi thuộc về ai. Nhưng trong luật của các bà vợ thì ông chồng luôn có lỗi, nên đôi khi họ quên hoặc không cần phải bày tỏ tình yêu đối với một kẻ đáng bị trừng trị. Và điều đó khiến các ông chồng phạm tội không muốn sống chung với bà vợ… trong sạch

Chị biết ông xã quen với một cô gái trẻ tại một quán nhậu. Một lần tình cờ chị tìm thấy giấy biên nhận ông chồng gởi tiền cho cô ta. Chị nhờ người gọi điện hỏi dò và phát hiện ra ổ nhền nhện mà ông chồng hay lui tới và làm một trận om sòm.

"Quá mù ra mưa”, ông chồng về nhà nằng nặc đòi ly hôn, và nói: “Tôi đã có con với cô ta, cô ấy cũng là vợ nên tôi phải lo”. Ông viết đơn ly hôn, và trong nhữäng lần hòa giải tại tòa, ông chối bay biến chuyện bồ bịch. Theo ông, ông không thể chịu nổi bà vợ nợ nần, lại còn ghen tuông, quậy phá, cô gái trẻ chỉ là người đang làm ăn chung với ông.

Từ đó, ông thường xuyên không ngủ đêm tại nhà. Để ông hết chối, chị viết đơn gởi khắp nơi. Trong hồ sơ gởi toà án có giấy xác nhận của ban điều hành tổ dân phố và chi hội phụ nữ khu phố về việc ông N.T có vợ bé, gia đình bất hòa, có giấy xác nhận của cơ quan ông về việc chị không hề đến cơ quan chồng quậy phá. Chị còn đến tận chỗ ông tạm trú nhờ công an và Hội phụ nữ xác minh quan hệ giữa chồng và cô bồ.

Sự nỗ lực của chị nhằm giữ cho nhà có nóc. Những gia đình ly hôn mà chị biết, con cái đều hư hỏng. Chị còn lo: “Bao nhiêu năm lấy chồng, là bấy nhiêu năm tôi ở nhà chồng làm dâu, tài sản không có gì để chia. Nếu ly hôn, chồng đuổi đi, biết ở đâu, làm gì để nuôi con”.

Thế nhưng, ông chồng vẫn không thay đổi ý định chia tay. Hai đứa con có mặt tại tòa cũng không làm ông động lòng nghĩ lại, dường như những gì ông đã quyết, ông không thể thay đổi. Ông lại có thêm một lý do: “Bả làm om sòm, thưa gởi tùm lum, tôi không thể nào chung sống được nữa”. 

Đề phòng ông chồng kháng cáo, chị gởi tiếp một lá đơn kiện ông xã vi phạm luật hôn nhân gia đình. Mục đích vẫn là không để gia đình tan nát. Chẳng lẽ, đó lại là biện pháp hàn gắn mâu thuẫn, để chị tiếp tục sống với ông chồng không chung thủy?

Chị hy vọng mình sẽ luôn là người thắng trong cuộc chiến với âm mưu bỏ vợ của ông chồng đang “dại gái”. Nhưng trên thực tế, trước mắt chị chỉ giữ được tờ giấy hôn thú, còn chuyện tình cảm vợ chồng như cây đã chết khô, ông chồng vẫn tiếp tục ăn ở với vợ nhỏ, chị ngậm ngùi rồi tự an ủi rằng sự chịu đựng của mình cũng có lợi cho con cái không mang tiếng thiếu cha. 

Một vị thẩm phán trẻ ở tòa Gò Vấp, tham dự khá nhiều vụ xét xử hôn nhân gia đình. Chị kể một kinh nghiệm, khiến chị suy nghĩ mãi. Khi nghe một bà vợ kể lể bao nhiêu tội lỗi của ông chồng, nào là ăn chơi gái, nhậu nhẹt, nào là đánh vợ, mắng con…

Nhận thấy mâu thuẫn gia đình đã đến mức trầm trọng, nên chị có hướng giải quyết cho hai vợ chồng ly hôn. Nào ngờ, bà vợ phản ứng dữ dội, cho rằng thẩm phán có ý bênh vực cho ông chồng, kẻ có lỗi lại còn “được” thanh thản ra đi.

Những cuộc hòa giải thất bại, dẫn đến phiên tòa xét xử. Ông chồng bị bác đơn ly hôn, vẫn tuyên bố sẽ ra đi. Bà vợ cũng tỏ ra bất cần: “Ông đi đâu thì đi, giấy hôn thú tôi giữ đây, coi ông có dám lấy vợ khác không?”. Như vậy cuộc chiến đã kết thúc. Bà khoe với bạn bè, chân lý đã thuộc về bà, ông không thể nào gây bao tội lỗi, làm tổn thương danh dự gia đình, rồi lại có thể ung dung yêu người khác.

Trong hoan hỉ của sự chiến thắng, bà quên mất, bà chỉ giữ được ông xã trên tờ giấy hôn thú, không bị mang tiếng là mất chồng, nhưng hạnh phúc thì vẫn ngoài tầm tay với. Bà vẫn một mình nuôi con, thui thủi trong căn nhà lạnh lẽo, một mình những lúc đau ốm.

Đến trung tâm tư vấn, bà khóc với các chuyên viên: “Không phải ông xã dọa, mà ông ấy đi thật, đi đâu tôi cũng không biết. Cuộc sống của tôi bây giờ còn tệ hơn lúc chưa ra tòa. Trước đây, tôi và ông xã còn nói với nhau, dù là tranh cãi, còn bây giờ, có gặp lại anh ấy, tôi cũng chẳng biết nói gì. Anh ấy thì chắc chắn không muốn gặp lại tôi”.

Luật của trái tim
 
Theo thẩm phán Nguyễn Ngọc Anh, tòa án TP.HCM, nhiều bà vợ trong cuộc chiến bảo vệ hạnh phúc, am hiểu và sử dụng triệt để các điều khoản của luật pháp. Họ dùng luật để ràng buộc ông xã.

Dường như họ rất mù mờ về “miền tình cảm”, không biết luật của trái tim, cũng có một sức mạnh níu kéo ông xã. Khi ra trước tòa, chẳng một bà vợ “bị đơn” nào nhận thấy lỗi của mình, họ chỉ cảm thấy mình bị phản bội, bị bỏ bê, và kẻ nguyên đơn kia mới đáng bị lên án.

Nhưng làm thế nào để có thể chung sống với “kẻ thù” một cách hồn nhiên trở lại, để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, thì họ lại bối rối, gần như là buông xuôi.

Trong những cuộc ly hôn bất thành, do tòa bác đơn ông chồng tệ bạc, bà vợ như một người chiến thắng, nhưng trước đống đổ nát hoang tàn tình cảm vợ chồng, bà cũng không biết thu dọn thế nào. Cuộc hôn nhân bị thương nặng nề, vẫn còn nguyên nỗi đau, theo thời gian càng nhức nhối vì không được chạy chữa.
 
Chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên cho rằng, không phải cứ ông chồng nào có bồ là đã vội vã viết đơn ly hôn. Họ không hồ đồ như thế. Nhưng thường sau một thời gian bị vợ phát hiện, tra hỏi, ghen tuông… họ mới muốn tự do.

Vì sao, các bà vợ không có lỗi lại rơi vào thế bị động. Bởi họ nghĩ rằng kẻ có lỗi đáng bị đối xử như một “bị cáo” trước tòa án lương tâm.

Trong luật xử hôn nhân gia đình, tòa không quy định lỗi thuộc về ai. Nhưng trong luật của các bà vợ thì ông chồng luôn có lỗi, nên đôi khi họ quên hoặc không cần thiết phải bày tỏ tình yêu đối với một kẻ đáng bị trừng trị.

Và điều đó, khiến các ông chồng phạm tội cảm thấy không muốn sống chung với bà vợ… trong sạch nữa./.


From the same category