Tháng 5 đọc sách gì? - Tạp chí Đẹp

Tháng 5 đọc sách gì?

Review

Chiến tranh giữa các thế giới
Tác giả: H. G. Wells
Dịch giả: Phạm Văn
Nhã Nam & NXB Lao động

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, trong đà tiến mãnh liệt của khoa học và các phát minh mới, xuất hiện nhiều nhà văn khoa học giả tưởng lớn, trong số đó Jules Verne đã trở nên quen thuộc ở Việt Nam, còn H. G. Wells tuy đã có “Người vô hình” hay “Máy thời gian” được dịch ra tiếng Việt cách đây nhiều năm, nhưng chưa thực sự được biết đến nhiều. Trong các tác phẩm của Wells, tiến bộ khoa học dưới dạng các phát minh có thể mang lại những hiểm họa khôn lường, truyện khoa học giả tưởng của ông thường xuyên vẽ ra tương lai u ám chứ không phấn khởi, lạc quan như truyện của Jules Verne. “Chiến tranh giữa các thế giới”, một tác phẩm kinh điển, thuộc về những tiểu thuyết kiểu như thế: trong sách, Wells tưởng tượng rằng trên sao Hỏa có sự sống, sự sống ấy vượt trội Trái đất về nhiều mặt, và điều gì phải đến đã đến, tới một ngày cư dân Hỏa tinh quyết định tấn công Trái đất. Chiếc phi thuyền đầu tiên mà sao Hỏa gửi đến đáp xuống một vùng nông thôn nước Anh, và cuộc hủy diệt bắt đầu một cách tàn độc với các tia nhiệt khủng khiếp.

Thơ cần thiết cho ai
Tác giả: Nguyễn Đức Tùng
Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn

Cuốn sách này thuộc loại rất hiếm gặp tại Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây: ngày nay rất ít người có thể và muốn viết về thơ, nhất lại là thơ nước ngoài. “Thơ cần thiết cho ai” gồm những bài viết về các nhà thơ Mỹ và Canada, phần lớn chưa mấy được biết đến ở Việt Nam, nhưng nhiều người trong số đó là những nhà thơ vô cùng danh tiếng, thậm chí là những nhà thơ kinh điển, như Elizabeth Bishop hay Robert Frost, và một số nhà văn nổi tiếng khác nữa như William Carlos Williams hay Mary Oliver. Cách viết của Nguyễn Đức Tùng là với mỗi nhà thơ (có tổng cộng mười người trong tập sách) chọn lấy và phân tích kỹ một hoặc một vài bài thơ, rồi qua đó làm nổi bật đặc điểm riêng của từng người. Cuốn sách còn có bài nhận định của một số nhà thơ Việt Nam. Trước đây, Nguyễn Đức Tùng từng ghi dấu ấn trong nghiên cứu thơ, nhất là với tập phỏng vấn “Thơ đến từ đâu”.

Dỡ mắm (Di cảo)
Tác giả: Vương Hồng Sển
NXB Trẻ

Thêm một di cảo của Vương Hồng Sển được ấn hành, sau 5 tập khác đã in trong những năm gần đây. Vương Hồng Sển viết tập sách này vào năm 1983, nhan đề “Dỡ mắm” được tác giả giải thích: “Mắm gài từ năm trước, nay lấy ra ăn, gọi là ‘dỡ mắm’. Nhưng khi dỡ nắp mái ra, chỉ thấy những giòi!” Những ghi chép của Vương Hồng Sển hướng về quá khứ, trong đó có thể là “Nhớ Thuần Phong, Đông Hồ”, hai con người của miền Nam xưa kia, hay trường trung học Chasseloup-Laubat danh tiếng của Sài Gòn một thuở, những nhân vật Nam kỳ mà ông từng biết mặt, nhưng cũng có lúc Vương Hồng Sển lùi về xa hơn với cõi Đông Dương, toàn quyền Paul Beau hay toàn quyền Paul Doumer, nhà máy rượu Fontaine (nhà máy rượu Đông Dương)… Giọng văn vẫn giống như Vương Hồng Sển mọi khi, hoài cổ và buồn bã nhưng cũng thường xuyên có những nhận xét là lạ, bất ngờ.

 
Phụ trách: Nhị Linh

logo

Thực hiện: depweb

27/04/2015, 18:06