Tháng 11 – Tháng của tình nghĩa và yêu thương

Tháng 11, tháng của yêu thương, tháng của tình người, của nghĩa thầy trò. Tháng của ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam.

Để rồi, mỗi năm, cứ đến ngày 20/11, lòng mỗi người lại thấy xao xuyến nghĩ về những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, về những 20/11 đã chìm trong quá khứ, về bạn bè, trường lớp, về một thời “nhất quỷ nhì ma,” và đặc biệt là về những người thầy.

20/11 trong tôi là những ngày tiết trời hơi se se cái lạnh đầu Đông, cả lớp mỗi đứa góp vài đồng ít ỏi, vào một nhà trồng hoa ven đường, mua bó thược dược đỏ, vàng rực rỡ, thêm quyển sổ và cây bút đỏ. Cả lũ đạp xe rồng rắn trên đường, đến nhà từng thầy cô để chúc mừng Ngày nhà giáo, vừa đi vừa nô đùa chọc nghẹo. Tiếng cười vang không dứt.

Bên cánh cổng đã rộng mở đón lũ học trò, cô giáo cười tươi mủm mỉm. Trong nhà, hoa quả, bánh kẹo đã sẵn sàng. Khi ấy, không còn những lo toan bài vở, không còn ánh mắt cô nghiêm khắc hàng ngày, chỉ có lời chúc, tiếng cười rộn rã. Quà trò tặng cô thì ít, mà cô mua quà tiếp trò thì nhiều. Nhiều khi, hàng chục cái miệng chỉ mong đến nhà cô để được ăn bánh kẹo. Cô ngồi nhìn đám trẻ “nhất quỷ nhì ma” ăn uống, trêu nhau chí chóe, lòng ngập tràn yêu thương và bao dung dịu dàng. Khoảng cách thầy trò như ngắn lại, gần gũi và thân thương như tình yêu mẹ cha-con cái.

(Ảnh: Lê Minh Sơn)

 Những hy sinh lặng thầm

Ngày nay, đâu đó, có những thông tin tiêu cực về người thầy. Đâu đó, ngày 20/11 đã bị thương mại hóa như một dịp lễ lạt lấy lòng thầy cô, phụ huynh phải toan tính phong bì.

Nhưng chỉ là thiểu số, vẫn có rất nhiều, rất nhiều những người thầy đang ngày đêm miệt mài với học trò mà không hề tính toan, vụ lợi.

Đó là hình ảnh của cô giáo Y Thách (người dân tộc Bana, giáo viên trường Mầm non Thủy Tiên, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), mỗi ngày cố gắng dậy thật sớm, lụi cụi mang lúc trái bí, khi quả bầu, củ mì… ra chợ bán, đổi lấy trứng, thịt nấu cho học trò những bữa cơm trưa.

Đó là hình ảnh của thầy Nguyễn Hồng Hiệp (giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) với 15 năm cắm bản ở các điểm trường vùng khó. Học trò hầu hết là người dân tộc thiểu số, thầy phải tự học thêm bốn thứ tiếng là Thanh, Thái, H’mông, Khơ mú mới có thể giao tiếp với các em và vận động phụ huynh cho con đến lớp.

Để đến Trường Tiểu học Tri Lễ, nơi công tác hiện tại, từ nhà ở thị trấn Quế Phong, thầy Hiệp phải vượt qua gần 50km. Trước đây, cung đường này chỉ có thể đi xe máy 30km, còn lại 20km, thầy phải cuốc bộ một ngày đường.

Những ánh mắt học trò miền núi thơ ngây đã là sợi dây níu giữ những người thầy, người cô gắn bó hơn với những điểm trường, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)

“Bây giờ đã có đường do dân tự đào nên đi lại thuận lợi hơn một chút. Ngày nắng, đi xe máy mất hai tiếng. Nhưng ngày mưa đường sình lên đặc quánh bùn đất, mọi người phải hẹn nhau cùng đi để đẩy xe, khó có thể tính được mất bao lâu và ngã là chuyện thường. Nếu mưa nhiều ngày liền thì không có cách nào khác là đi bộ,” thầy Hiệp chia sẻ.

Thầy Hiệp gọi trường mình là trường nhiều không: Không đường ôtô, không nước, không điện, không sóng điện thoại, không internet, không có phòng học kiên cố, không thiết bị phục vụ học tập… Và không có một giáo viên nữ nào vì các cô không đủ sức để vượt qua những cung đường khắc nghiệt ấy.

Thương đám học trò nghèo thiếu từ cái ăn, cái mặc, thầy lại cặm cụi tìm mọi cách kết nối những tấm lòng từ thiện, gom góp từng manh áo mỏng, từng đôi dép nhựa, từng món đồ chơi, và băng rừng mang đến cho các em.

Tôi vẫn ám ảnh mãi trước ánh mắt phấn khích của các em khi nhìn thấy một cái chân thú bông nhú ra ngoài bao tải quà từ thiện mà thầy vừa mang lên trường, chưa kịp mở ra. Thú bông là đồ chơi quá bình thường với học sinh miền xuôi nhưng là thứ rất xa xỉ ở đây nên không thể diễn tả được các em hạnh phúc đến thế nào. Nhìn trò mà ứa nước mắt vì thương cảm, xót xa,” thầy Hiệp xúc động kể.

15 năm gắn bó với những điểm trường heo hút, lại là giáo viên giỏi, chỉ cần viết đơn, thầy Hiệp sẽ được chuyển về nơi công tác thuận lợi hơn, nhưng thầy bảo, đã quen gắn với học sinh nơi đây, nên chuyện về… chưa tính.

Lớp học tạm với nền đất và phên gỗ của thầy và trò mầm non điểm trường Thẩm Xét, huyện Thuận , Châu tỉnh Sơn La. (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)

Cũng hy sinh cả tuổi xuân cho những học sinh nghèo vùng khó, cô Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên trường Tiểu học Lại Sơn (Kiên Giang) đã có 29 năm gắn bó với xã đảo này.

Tốt nghiệp trường sư phạm, cô xung phong ra đảo khi mới 20 tuổi. Cả ngày dạy học sinh trên lớp, buổi tối cô tranh thủ đến nhà các em để kèm cặp thêm và dạy chữ xóa “mù” cho cả phụ huynh. Trên đảo không có điện, chỉ có ánh đèn dầu. Cô cứ đốt đèn hay mượn ánh trăng soi sáng mà đi, vượt qua những cung đường khó khăn, ngoằn nghoèo, đến với từng mái nhà lẩn khuất

Mùa hè, trong khi nhiều giáo viên tranh thủ để về quê với gia đình thì cô tình nguyện ở lại. Trẻ em Lại Sơn đã có những ngày hè hạnh phúc khi ban ngày được cô Thủy kèm cặp những phần kiến thức còn hổng, buổi tối, cô tổ chức các chương trình sinh hoạt hè cho các em vui chơi

Cứ như thế, suốt từ sáng đến đêm, ngày nối ngày, tháng tiếp tháng, năm gối năm, cô giáo trẻ ấy cứ mải mê với hết thế hệ học trò này đến lứa học trò khác trên đảo Lại Sơn mà quên mất tuổi xuân của mình đã qua tự lúc nào. Ra đảo khi 20 tuổi, giữa thì xuân sắc nhất của người con gái, thấm thoắt đến 20 năm sau, 40 tuổi, cô vẫn một mình đi về với đám học trò.

Cũng vì thương những học trò xã đảo, thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết, sinh năm 1990, đã không nhớ đã bao lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Được đào tạo về giáo dục tiểu học, nhưng khi ra đảo Song Tử Tây, cả đảo chỉ có hai thầy giáo nên phải kiêm nhiệm cả bậc mầm non, thầy Quyết không khỏi ngỡ ngàng, lóng ngóng khi lần đầu tiên chăm sóc những em nhỏ 3, 4 tuổi

Ở đảo, cái gì cũng thiếu. Thầy giáo trẻ rưng rưng khi kể về giấc mơ bánh mì của học trò mình: “Em đang mơ sắp được ăn bánh mì thì mẹ bất ngờ gọi dậy.” Chiếc bánh mì rơi ngay trong cả giấc mơ.

(Ảnh: Lê Minh Sơn)

Không chỉ tình nguyện hy sinh vì những học sinh vùng khó, nhiều thầy cô sẵn sàng gắn bó cả cuộc đời mình với những mảnh đời bất hạnh, những học sinh khuyết tật, thiểu năng.

Như cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh, đang là một giáo viên trường điểm, một lần đến thăm người quen dạy học sinh khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật Việt Trì (Phú Thọ), cô đã không thể cầm lòng trước những em nhỏ chịu nhiều thiệt thòi nơi đây.

Trở về nhà, cô đưa ra quyết định khiến tất cả mọi người bàng hoàng: Chuyển về dạy tại Trung tâm bảo trợ.

Đang là giáo viên dạy giỏi của trường điểm lại về dạy học sinh khuyết tật, ai cũng bảo thần kinh tôi chắc… có vấn đề,” cô Nguyễn Thị Kim Thanh nhớ lại.

Nghĩ về những ngày đầu chuyển tới Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật Việt Trì năm 2003, cô Thanh vẫn nhớ cảm giác hụt hẫng và chới với khi mọi thứ quá khó khăn.

Lớp học rất đặc biệt với toàn học sinh khiếm thính. Cô nói, trò nhìn nhau ngơ ngác. Trò nói, cô đứng ngây không hiểu. “Giây phút đó, tôi thực sự cảm thấy mình bất lực, nước mắt cứ thế ứa ra,” cô Thanh xúc động kể.

Để hiểu và dạy được những học trò đặc biệt của mình, cô lại phải tự tìm tòi học chữ nổi, học ngôn ngữ cử chỉ.

Giống như cô Thanh, cô giáo Loan cũng chỉ tình cờ đi qua làng trẻ Hữu Nghị (Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhưng đã quyết định làm tình nguyện viên không lương dạy những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở nơi đây. Với các em, chỉ học ăn, học nói đã là cả một thách thức lớn lao, tính bằng tháng, bằng năm. Những nhọc nhằn của các cô vì thế không thể nào kể hết.

(Ảnh: Lê Minh Sơn)

 “Hạnh phúc dung dị lắm”

Hạnh phúc với các thầy cô chính là sự trưởng thành hơn của mỗi học trò, để thấy những nỗ lực của mình là không uổng phí.

Ở đây, hạnh phúc dung dị lắm, chỉ đơn giản là khi thấy các em nói tròn vành rõ chữ hơn, hay hôm nay đã đọc được một bài thơ, ngày mai vẫn nhớ được đôi chút điều hôm nay cô dạy,” cô Loan chia sẻ.

Còn với cô Bích Thủy, cô vẫn dõi theo từng bước chân học trò ngay cả khi các em đã ra trường. Để rồi, mỗi khi có cánh chim nào đó trở về chính ngôi trường xưa và trở thành đồng nghiệp thì cô lại xúc động đến nghẹn lời.

Và niềm vui ngày 20/11 với các thầy cô là những món quà đơn giản nhưng chan chứa tình cảm của học trò.

Món quà tôi ấn tượng nhất là những bó hoa rừng. Ở đây học sinh rất nghèo, không có tiền, nhưng chỉ một bó hoa rừng bình dị thôi cũng đủ để thầy cô ấm lòng,” cô Thủy xúc động nói.

Còn với thầy Lê Xuân Quyết, niềm vui 20/11 giản dị trong những tấm thiệp tự chế nho nhỏ với những lời chúc ngăn ngắn, nét chữ học trò nghuệch ngoạc: “Em chúc thầy khỏe mạnh để dạy dỗ chúng em” hay “Em chúc thầy luôn vui vẻ”. Chỉ thế thôi mà mỗi lần nhắc đến, ánh mắt thầy lại như thêm lấp lánh.

Món quà của cô Chu Thị Nga, trường Vùng cao Việt Bắc, cũng không kém phần đặc biệt khi có thể chút mật mía được các em giấu trong ngăn bàn cô mà nhiều khi mật chảy ra cô mới biết mình có quà. Cũng có thể là những trái mận chín đỏ mọng đặt trong mũ lưỡi trai còn ướt đẫm mồ hôi vì các em phải cuốc bộ hàng cây số đến trường.

Còn với cô giáo Vàng Thị Ghếnh (giáo viên trường mầm non Mán Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai), thì thậm chí, ngay cả những bông hoa trong ngày này cũng là một điều xa xỉ.

Một số phụ huynh nhớ đến thì mua hoa cho con mang đến tặng, thường chỉ một bông thôi, nhưng cũng đủ để tôi cảm thấy mình hạnh phúc. Nhưng ngay cả khi không có bông hoa nào, chỉ cần các em đi học đều, chỉ cần nhìn vào những ánh mắt thơ ngây ấy cũng đủ để người giáo viên như tôi thấy tự hào trong ngày lễ của ngành mình,” cô Ghếnh bùi ngùi nói.

Có lẽ, chỉ tình yêu thương vô hạn với học trò và lòng say nghề sâu sắc mới có thể giúp những người thầy ấy vượt qua được những khó khăn, thiếu thốn, những thách thức lớn lao không chỉ về vật chất mà cả tinh thần.

Để rồi đến khi về hưu, nhiều người trong số họ vẫn đi dạy, vẫn tới trường vì nhớ nghề, nhớ trò, nhớ cả những trang giáo án.

“Một con đò sang ngang, ôi lòng thầy mênh mang, cho em biết yêu cánh cò trong câu ca dao, và cho em yêu ai hai sương một nắng để làm nên lúa vàng…”

Theo Phạm Mai (VietnamPlus)


From the same category