Thần tượng Việt thiếu văn hóa, lỗi tại… mô hình?

Việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phản ứng lại với lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có lẽ là một điển hình mà theo đánh giá của nhạc sĩ Tuấn Khanh : đó chỉ là giọt nước làm tràn ly của một nền giải trí son phấn. Vụ việc này là cơ hội để nhiều “sao” Việt bộc lộ cách ứng xử khôn khéo hoặc thiếu văn minh, văn hóa; và đây cũng là dịp để một lần nữa nhiều người nhìn nhận và bình luận về văn hóa của các thần tượng ngày nay.   

Chùm bài “Văn hóa của thần tượng” của mục Giải trí, Đẹp Online xin gửi tới độc giả những quan điểm, góc nhìn khác nhau về vấn đề này.  Không chỉ dừng lại ở thực trạng chung của làng giải trí hiện nay, chùm bài rất mong cuộc tranh luận dần được mở rộng về chủ đề đạo đức và văn hóa ứng xử của mỗi người.

Bài liên quan:

Có một thứ văn hóa nghệ sỹ
TS Phan Quốc Việt: “Nhiều người có văn hóa đang rất… vô văn hóa”

Tổ chức: Linh Hanyi

Bên cạnh việc có những phát ngôn “thiếu muối” và có chất “hàng chợ” thì
nhiều ca sĩ Việt, do không đủ tài năng để tỏa sáng hay muốn nổi tiếng
một cách nhanh chóng, đã nghĩ ra nhiều chiêu trò scandal tai tiếng. Thực
ra, lỗi không hề nằm ở họ, mà do sự thiếu chuyên nghiệp của cả một nền
giải trí.

 

Tại sao cùng làm giải trí, cùng “thị trường” thôi, mà làn sóng Hallyu của nước người thì càn quét dữ dội khắp những thị trường lớn nhất, từ Bắc Mĩ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, thậm chí cả các nước Hồi giáo như Malaysia,… còn nước mình thì luẩn quẩn mãi với vài chiêu trò, hết lộ hàng tới phát ngôn gây sốc?

Câu trả lời cho vấn đề này thực ra rất rộng, đến từ nhiều điểm khác nhau giữa hai nền âm nhạc: nguyên nhân từ bản thân người nghệ sĩ, từ hệ thống truyền thông và phân phối, bộ phận người hâm mộ đến cách nhìn nhận và đánh giá của xã hội. Nhưng có lẽ cái khác nhau bản chất nhất tạo nên khoảng cách giữa thị trường âm nhạc giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính là mô hình quản lý nghệ sĩ, hay có thể hiểu đơn giản là sự chuyên nghiệp của các công ty quản lý ca sĩ, người nổi tiếng.

Hưởng ứng chùm bài “Văn hóa của thần tượng” của Đẹp Online, một độc giả đã gửi ý kiến nhằm lý giải nguyên nhân của những phát ngôn, cư xử chưa đẹp của các “sao” Việt hiện nay, đặt trong so sánh với sự phát triển đến choáng ngợp của nền giải trí Hàn Quốc.

Trong showbiz Hàn, sự chuyên nghiệp và tên tuổi của các công ty quản lý đóng vai trò vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của hầu hết các ca sĩ và nhóm nhạc. Những công ty quản lý lớn không những có khả năng cung cấp các cuộc tìm kiếm tài năng nghiêm túc, quá trình đào tạo chuẩn mực, hệ thống phân phối rộng lớn và đội ngũ nhân viên đông đảo, có chất lượng, hỗ trợ cho sự phát triển và đảm bảo sự nổi tiếng của ca sĩ; mà còn có khả năng lũng đoạn và điều khiển những xu hướng phát triển của thị trường âm nhạc. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho những nghệ sĩ dưới quyền so với các đối thủ đến từ các công ty nhỏ khác.

Nổi tiếng nhất ở xứ sở kim chi có thể nói đến ba công ty giải trí hàng đầu đó là: SM Entertainment (viết tắt: Ent), YG Ent và JYP Ent. Đây là những công ty có quá trình phát triển lâu đời, đã thành công với nhiều ngôi sao hàng đầu, nắm giữ lượng fan lớn nhất của showbiz như H.O.T, Shinwa, DBSK, Super Junior, SNSD, ShiNee…(thuộc SM Ent), Wonder girls, 2PM, 2AM…(thuộc JYP Ent), Big Bang, 2NE1…(thuộc YG Ent). Hàng năm, doanh thu từ các hoạt động của các nghệ sĩ mang về cho các công ty này lên đến hàng tỷ USD, hoàn toàn áp đảo các công ty giải trí khác. Ba công ty nói trên, ngoài việc có hệ thống phân phối rộng khắp Hàn Quốc, còn có nhiều đại lý phân phối nằm ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc… nhằm đưa âm nhạc của họ đi khắp thế giới.

Các công ty giải trí thường có các cuộc tuyền chọn tài năng của riêng mình, thông thường 1 năm/lần hoặc vài năm một lần, tùy vào nhu cầu của từng công ty. Những đứa trẻ thường được phát hiện tài năng qua các cuộc thi âm nhạc hay diễn xuất từ khi còn rất nhỏ, trung bình từ 12-15 tuổi. Thông qua các cuộc thi đó, các em sẽ được lựa chọn, phân nhóm và đào tạo cực kì khắt khe từ 2 đến 8 năm để có thể ra mắt như một ca sĩ, diễn viên thuộc công ty. Như JoKwon –  nhóm 2AM, trực thuộc công ty JYP đã từng tâm sự, thời gian thực tập của anh lên tới hơn 7 năm. Hoặc như với Lee Teuk, trưởng nhóm Super Junior trực thuộc công ty SM, thời gian anh làm thực tập sinh cũng lên tới 5 năm.

Thời gian luyện tập mỗi ngày, (ngoài giờ học trên trường) của các thần tượng tương lai là từ 8 đến 12 tiếng liên tục, đôi khi những buổi tập luyện kéo dài đến sáng. Các ứng viên sẽ buộc phải xa cha mẹ và ở trong các khu ký túc xá của công ty cùng các thành viên dự kiến khác. Các thực tập sinh này được dạy về âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất và cả ngoại ngữ. Họ bị quản lý về thời gian tập luyện, chế độ ăn uống, kỹ năng ứng xử và cả các vấn đề tình cảm.

Một đặc điểm nổi bật trong các hợp đồng độc quyền của các thần tượng này là công ty quản lý nắm quyền phát ngôn thay cho ca sĩ của họ. Bất cứ vấn đề nào cần sự lên tiếng của ca sĩ, báo chí, truyền hình đều phải thông qua công ty quản lý chứ không được quyền liên lạc trực tiếp. Số điện thoại các nghệ sĩ luôn được coi là tối mật. Nhiều công ty quản lý thậm chí còn có các qui định cấm các nghệ sĩ mới của mình sở hữu điện thoại di động để kiểm soát tối đa các phát ngôn không chuẩn mực ra bên ngoài.

Các công ty hiện nay ở Hàn đều có một bộ phận truyền thông riêng rất chuyên nghiệp nhằm hỗ trợ nghệ sĩ về mọi phát biểu ra công chúng của họ. Bộ phận này quản lý cả những tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Instagram…của các thành viên. Tất cả những phát ngôn sai với mục đích của công ty, gây bất lợi cho công ty, đều bị yêu cầu gỡ bỏ. Nhiều người hâm mộ tin rằng việc xóa ảnh trên Instagram, sau đó là xóa tài khoản của thành viên Bang Yong Guk trưởng nhóm B.A.P, hay bài viết xin lỗi của cựu thành viên T-ara HwaYong trên Twitter đều do tác động của công ty quản lý.

Sự “triệt để” trong các hợp đồng độc quyền của các công ty giải trí trong showbiz Hàn thể hiện ở điểm:  “Thần tượng cũng chỉ là công cụ”. Đối với người hâm mộ, những thần tượng là những con người thật phi thường và đáng trân trọng, nhưng đối với các công ty, họ chỉ là những khoản đầu tư chờ thu hồi vốn, hay đơn giản hơn, họ là những nhân viên làm công ăn lương, trả dần khoản nợ mà công ty đã cho họ vay qua thời gian thực tập. Do đó, vị thế của công ty và ca sĩ ở Hàn Quốc hiếm khi nào có sự cân bằng. Ca sĩ cũng như nhân viên phải tuân thủ theo những quy định rất khắt khe mà công ty đặt ra với họ nếu không muốn dừng hoạt động vô thời hạn.

Khác với nhiều thị trường khác, khán giả Hàn Quốc có cái nhìn rất khắt khe với người nghệ sĩ. Chuẩn mực đạo đức đối với một người bình thường đã là rất cao, nhưng đối với thần tượng, chuẩn mực ấy còn được đề cao hơn nhiều lần. Khán giả sẽ không bao giờ quan tâm đến lí do vì sao ca sĩ có hành động ấy, miễn là hành động đó không đúng với chuẩn mực thì tức là họ đã sai. Thậm chí nếu người hâm mộ của thần tượng đó làm sai, xã hội Hàn Quốc vẫn sẽ yêu cầu thần tượng đó phải xin lỗi thay cho fan của họ.

Scandal uống rượu, đánh người của Kang In (nhóm Super Junior) chỉ chịu lắng xuống khi anh tuyên bố nhập ngũ. Thái độ không kiềm chế trong buổi phỏng vấn của nhóm Block-B khiến cho trưởng nhóm Zico phải cạo đầu, cả nhóm phải cúi đầu xin lỗi công khai và tạm rút lui 8 tháng khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng. Scandal trốn nghĩa vụ quân sự của ca sĩ hip hop MC Mong khi anh đang trên đỉnh cao sự nghiệp cũng làm cho tất cả các đài truyền hình lớn đưa tên anh vào danh sách đen không bao giờ được lên sóng, sự nghiệp âm nhạc của anh có lẽ cũng khó mà có thể khôi phục lại được.

Nếu như ở showbiz Hàn, người ta có thể dễ dàng chỉ mặt điểm tên những công ty quản lý thì ở showbiz Việt, việc này lại trở nên thừa thãi và ít người quan tâm. Vì đơn giản rằng, tên tuổi của công ty quản lý không có mấy giá trị đảm bảo việc thành công hay thất bại của nghệ sĩ. Các công ty quản lý ở Việt Nam cũng sử dụng mô hình độc quyền để xây dựng một quy trình đào tạo và quản lý khép kín để tạo ra tên tuổi cho một ca sĩ, nhưng cái họ thiếu là tính chuyên nghiệp của các ê kíp làm việc. Không thể nói rằng các công ty quản lý không góp phần tạo nên những thành công của các ca sĩ, nhưng phải thừa nhận một điều rằng sự đóng góp của các công ty vào thành công ấy ít hơn nhiều những gì họ được mong đợi.

Nhiều trường hợp ca sĩ đã thành danh, nhưng khi đầu quân về một công ty quản lý thì lại hoạt động kém hiệu quả hơn rất nhiều. Ca sĩ Trịnh Thăng Bình,  trong suốt 2 năm hợp đồng với Wepro, tên tuổi của anh không những không đi lên mà còn có sự tụt dốc đáng e ngại đến mức anh phải quay trở lại con đường tự thân vận động. Các trường hợp khác như của Đinh Ứng Phi Trường, Phương Vy, Phạm Anh Khoa, Lê Minh… đều là những ví dụ điển hình cho việc thất bại của các công ty quản lý trong việc tạo nên tên tuổi cho các ca sĩ của mình. Gần đây nhất, công ty quản lý của Ngô Thanh Vân phải tổ chức họp báo về việc thành viên nhóm 365 phá vỡ hợp đồng, tách nhóm, tung thông tin bất lợi cho công ty lên mạng xã hội. Tuy vậy, cách tổ chức họp báo và xử lý khủng hoảng của công ty này thực sự rất thiếu chuyên nghiệp, khiến cho Ngô Thanh Vân tự đẩy mình vào tình thế bất lợi.

 

Do không trực thuộc bất cứ công ty nào nên đương nhiên khi cần làm việc với truyền thông hoặc báo chí, các nghệ sĩ đều phải tự mình thực hiện, và như vậy, những phát ngôn vạ miệng của người nổi tiếng sẽ không còn là quá bất ngờ. Việc không chịu sự giới hạn từ bất cứ một phía nào khác khiến các thần tượng “dễ dãi hóa” bản thân mình, họ lên các trang mạng xã hội, lợi dụng báo chí để lời qua tiếng lại, bài xích lẫn nhau.

Một điểm hạn chế khác của showbiz Việt, mà không thuộc về lỗi các công ty giải trí, là sự thiếu vắng hệ thống bảng xếp hạng quy củ và có uy tín, do đó, các công ty quản lý ở Việt Nam thực sự có ít công cụ hơn để có thể đưa nghệ sĩ của mình đến đông đảo khán thính giả so với các nền giải trí khác. Nghệ sĩ Việt muốn nổi danh thực sự chỉ có thể dựa vào chính tài năng của mình để tỏa sáng, và nếu tài năng không đủ, có lẽ họ chỉ còn con đường tạo scandal tai tiếng mà thôi.

Bài: Phạm Thu Hoài

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category