Thân nhẹ nhàng như mây - Tạp chí Đẹp

Thân nhẹ nhàng như mây

Sống

Từng là hoa khôi trường đại học sư phạm những năm sau giải phóng, cô sinh viên Xuân Hương với quyết tâm vượt qua cái nghèo đã bươn chải, đã thành công, có sự nghiệp khá bề thế. Nhưng chắc chắn không ai biết, ở tuổi 50, cô vẫn chưa từng một lần hò hẹn yêu đương, vẫn là cô công chúa trong gia đình bố mẹ…

Bất cứ ai chuyện trò cùng Xuân Hương đều dễ nhận thấy, ngoài công việc, rõ ràng chị vẫn là một thiếu nữ chưa trưởng thành, nếu không nhìn vào tuổi tác. Cách đi đứng, vẻ hồn nhiên khi nói chuyện, trạng thái ngượng ngập mỗi khi nhắc đến chuyện yêu đương… Không ai hiểu nổi tại sao một người phụ nữ tuổi 50 lại có thể ngây thơ đến thế. Nhưng trong kinh doanh chị tuyệt nhiên không phải là người dễ bị bắt nạt.

Con đường không phải ai cũng chọn

Chị tự biết, cách sống chăm cho nhà cửa, ngoan ngoãn theo lời bố mẹ, cắm đầu cắm cổ làm lụng, về nhà vui với bố mẹ, với đàn em… không phải là con đường mà tất cả các cô gái khác chọn, trừ chị.

Là chị cả trong một gia đình có 6 người em, khoảng cách tuổi tác chênh lệch lớn đến mức Xuân Hương phải gần như cáng đáng tất cả mọi việc sau người mẹ. Cuộc sống buộc chị chọn sự cô đơn trong tình yêu làm bạn đồng hành bởi với chị, gia đình, bố mẹ và những người em là niềm vui duy nhất.

Chị theo ngành sư phạm vì yêu tiếng cười trẻ thơ. Thế nhưng tình yêu và sự đam mê chưa đủ với một gia đình gồng gánh như vậy. Đôi vai thon thả của cô gái đầy sức sống không thể cùng cha, một nhân viên ngành y, cáng đáng nổi một gia đình lớn.

Vậy là cô giáo bắt đầu xoay trở bằng nhiều công việc khác bên cạnh những giờ đến giảng đường, bắt đầu bằng những chuyến đi buôn nho nhỏ, Sài Gòn – Long Hải, buôn một thứ không liên quan chút nào đến những năm tháng học tập: buôn mực.

Là người thừa sức lực và bản lĩnh nhưng thiếu kinh nghiệm, chị buôn được vài chuyến thì cụt vốn vì trời nắng, vì mực teo lại. Không nản chí, Hương quay sang lĩnh vực khác, “chua” hơn nhiều: làm điện.

“Tôi bị bệnh sĩ”

Vì sĩ diện với các em, với bạn bè với cả cha mẹ mà chị bỏ qua rất nhiều cơ hội cho riêng mình. Cái nghèo bủa vây thời con gái làm chị không thể nghĩ được điều gì khác ngoài cách thoát khỏi nó.

Trong tình yêu cũng vậy, yêu người ta, biết người ta cũng để ý mình những thấy mình cũng nghèo, người ta cũng nghèo thì gặp nhau biết lấy gì mà sống. Sĩ diện khiến chị luôn tự nhủ, khi nào no đủ rồi hãy tính.

Thời thiếu nữ, chị nào biết được đâu là ranh giới của sự thiếu, đủ, chỉ biết lao theo những đồng tiền vô tri, thứ mà chị nghĩ sẽ chi phối tất cả cuộc sống của con người.

Nhiều đêm, nằm thao thức bên cạnh đàn em, mắt trân trân nhìn lên trâçn nhà lỗ chỗ rụng tơi tả, chị cũng thèm một bờ vai vững chải để trút những nỗi muộn phiền rất đàn bà, nhưng nghị lực của người chị cả luôn buộc chị phải cứng rắn, phải gồng mình lên.

45 tuổi, độ tuổi mà tất cả những phụ nữ khác đều đã yên bề gia thất, thậm chí còn phải lo chuyện hôn nhân cho các con, chị vẫn vò võ một mình. Làm lụng tối tăm mặt mũi, quần quật với những cái bóng đèn, cái tên Xuân Hương được nhiều người nể vì không phải vì chị là một trong số những người hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, lao theo ngành điện mà không có hậu thuẫn là anh đàn ông nào.

Mà rõ ràng là chị đã thành công, tạo được tên tuổi cho mình. 6 người em giờ đây đều đã ổn định với mái ấm riêng. Bước sang tuổi 45, chị mới giật mình thấy choáng váng: đã qua rồi tuổi thanh xuân!

“Những chuyến đi làm tôi choáng ngợp”

45 tuổi, gây dựng một sự nghiệp kha khá song chị chưa từng có chuyến đi chơi nào gọi là du lịch.

45 tuổi, thân nhẹ như mây, chị quyết định đi châu Âu một chuyến vì sau khi tính toán của nả để lại cho các cháu, chị thấy mình lẩn thẩn quá, chắc gì chúng nó đã cần tiền của chị.

45 tuổi, chị nghĩ đến cái chết và thấy rằng, hùng hục làm việc kiếm tiền, có cuộc sống sung túc, cô đơn rồi có ôm tiền được xuống tuyền đài đâu. Vậy là chị gạt mọi việc sang một bên, bắt đầu chuyến hành trình một mình sang châu Âu.

“Không thể tưởng tượng được”, đó là năm từ mà chị luôn dùng khi kể về cuộc sống ở nước ngoài, ở phương Tây. Lần đầu tiên chị được biết phụ nữ sinh ra để làm gì, vì sao người ta chỉ làm lụng có 9 tháng trong một năm và dành hẳn 3 tháng để du lịch, nghỉ ngơi, vì sao cuộc sống ở đó luôn hướng đến sự tận hưởng, làm đẹp…

Phụ nữ phương Tây lúc nào cũng chăm sóc cho nhan sắc, cho vẻ ngoài của họ, phấn son, nước hoa, dưỡng da, làm đẹp là hành trang luôn đồng hành cùng họ. Ngày cuối tuần nhất định phải nghỉ ngơi, phải đi picnic. Cuối tháng phải có những bữa họp mặt gia đình, những bữa tiệc nướng ngoài trời…

Choáng ngợp trước một cuộc sống hoàn toàn khác biệt, chị như người mộng du. Sau khi trở lại Việt Nam, chị tự trách tại sao mãi đến năm 45 tuổi mới chứng kiến cuộc sống khác biệt như vậy. Và cô gái chưa trưởng thành trong chị lại giục giã: chẳng có gì là muộn cả.

Ước mơ thay đổi quan niệm về phong cách làm đẹp, dẫu có muộn màng, dấy lên trong chị. Vậy là từ một “đại gia” chuyên ngành điện, chị tấn công sang một lãnh vực trái ngược hẳn: kinh doanh mỹ phẩm.

 Sau chuyến đi đầu tiên, chị “ghiền” cuộc sống thiên về hưởng thụ sau nhiều tháng ngày lao động vất vả, ghiền những buổi picnic thư giãn bên bạn bè, ghiền cả việc chăm chút cho vẻ ngoài, điều mà 45 năm trước chưa bao giờ chị nghĩ đến.

Thay vào những chiếc quần jeans, áo thun lam lũ, chị đã biết khoác vào chiếc váy điệu đàng, mặc quần short mát mẻ.

 Trong vòng 5 năm chị đi bù cho những tháng ngày trước. Sẵn sàng bỏ hết việc làm ăn sang một bên, chị tung tăng bên trời Tây, hạnh phúc với những người bạn mới.

Những chuyến đi luôn mang lại cho chị những suy nghĩ mới lạ và chị luôn biết cách áp dụng hữu hiệu vào công việc. Vẫn duy trì cơ sở cung cấp thiết bị điện (khách hàng bây giờ của chị chỉ là những công ty, không bán lẻ); chị có thêm trong tay đến 2 nhãn hiệu mỹ phẩm danh tiếng, một của Pháp, một của Nhật.

Thế nhưng những chuyến đi dài không ảnh hưởng đến công việc, bởi quản lý từ xa thậm chí còn hiệu quả hơn vì chị luôn cập nhật được những cái mới, những phương pháp mới từ đất nước bạn.

Cứ thế, chị đi từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý, Bỉ…, mỗi nơi chị học được một kiểu làm việc, một cách sống mới. Nhưng điều chắc chắn mà chị biết là, dù ở nơi nào, thì phụ nữ luôn phải được sống cho chính họ, được trân trọng, được làm đẹp cho chính họ và cho những người xung quanh.

Dù ở tuổi nào, thì cũng không bao giờ là muộn. Chị luôn nhủ thế, khi cuộc chuyện trò này kết thúc, chị cũng sắp hoàn tất thủ tục visa sang châu Âu lần nữa. “Lần thứ 1 năm 2007”, chị bảo thế.

Chị còn bảo, giờ đây cuộc sống với chị nhẹ nhàng lắm. Bởi chị vừa cầm trong tay chiếc thẻ hiến xác của Bộ Y tế, trong đó là những điều khoản chị chấp nhận hiến xác và tất cả các bộ phận cơ thể của mình khi mình về với tro bụi.

Chị cũng không cần ai lo hậu sự vì sau khi giúp cho bệnh viện, cho cuộc đời xong, chị cũng sẽ có một chỗ yên vị, một góc nhỏ khiêm tốn mà không phải phiền đến ai nhỏ nước mắt khóc than cho mình…

 

Thực hiện: depweb

11/05/2007, 17:03