Collagen là một loại protein (còn gọi là chất đạm) dạng sợi, có ở mô liên kết của các động vật có vú. Riêng ở người, collagen chiếm hơn 25% tổng lượng protein trong cơ thể và có rất nhiều công trạng được ghi trong các sách của ngành y.
Đối với da: Collagen chiếm khoảng 70% cấu trúc da và được phân bổ chủ yếu ở lớp hạ bì. Loại protein này có tác dụng kết nối các tế bào, kích thích quá trình trao đổi chất, tạo độ đàn hồi của da. Sự suy giảm về chất lượng và số lượng collagen sẽ dẫn đến tình trạng lão hóa của cơ thể. Trong đó, sự thay đổi trên làn da, khuôn mặt là dấu hiệu dễ nhận biết nhất.
Đối với vết sẹo: Sẹo được hình thành do liên kết collagen và elastin của da bị gãy và tổn thương. Collagen có tác động tích cực để sản sinh ra các tế bào da mới, giúp làn da hồi sinh nhanh chóng, khiến các vết thâm mờ dần.
Đối với mạch máu: Những người dễ bị chảy máu trong có thể do mạch máu yếu, dễ bị tổn thương. Collagen là hợp chất sản sinh ra mạch máu và giúp đề phòng xơ cứng động mạch, cao huyết áp, rất hữu hiệu với trường hợp bị bệnh xơ cứng động mạch não, nhồi máu cơ tim.
Đối với xương: Bên cạnh canxi, collagen chiếm 80% trong cơ cấu thành phần của xương. Nếu ví cấu tạo xương như một ngôi nhà thì canxi chính là xi-măng, collagen là sắt. Theo tuổi tác tăng dần, collagen cũng bị suy yếu, làm giảm tính đàn hồi, dẻo dai của bộ xương. Vì vậy, bổ sung collagen giúp xương chắc khỏe hơn và phòng chống các bệnh loãng xương, xốp xương.
Đối với sụn: Collagen chiếm 50% trong cơ cấu thành phần sụn. Thiếu collagen sẽ khiến cho sự ma sát giữa các khớp xương lớn hơn, gây ra các biến dạng ở xương và sụn. Việc bổ sung collagen giúp ngăn ngừa và giảm thiểu các bệnh liên quan đến khớp xương. Ngoài ra, collagen còn giúp phòng chống các bệnh đau thắt lưng, thoát vị đĩa đệm và một số bệnh về xương, sụn khác.
Đối với mắt: Collagen hiện diện trong giác mạc và thủy tinh thể của mắt dưới dạng kết tinh. Thiếu collagen làm cho giác mạc hoạt động kém, gây ảnh hưởng đến thị lực và làm cho thủy tinh thể mờ đi do chất amino bị lão hóa – đây là nguyên nhân gây ra bệnh đục thủy tinh thể mắt.
Đối với tế bào ung thư: Nhiều thí nghiệm khoa học cho thấy, sử dụng collagen chiết xuất có tác dụng ngăn ngừa sự biến đổi tế bào gốc phôi thành tế bào ung thư.
Đối với nội tạng: Collagen cũng có mặt trong nội tạng người và giữ cho các bộ phận nội tạng khỏe mạnh. Bổ sung collagen sẽ hạn chế các bệnh về tim mạch, gan, phổi…
Đối với răng: Collagen có nhiều trong lợi và được xem là tố chất đề kháng các bệnh răng miệng như viêm nha chu.
Đối với tóc, móng chân, móng tay: Collagen có trong chất sừng ở tóc, móng chân, móng tay, cung cấp dưỡng chất hỗ trợ hoạt động của chất sừng này. Do đó, bổ sung collagen sẽ giúp cho tóc và móng chân, móng tay bóng mượt, mịn màng, chắc khỏe, hạn chế rụng tóc. Dầu gội đầu chứa collagen có tác dụng giữ ẩm và làm suôn mượt tóc.
Đối với hệ miễn dịch: Collagen tăng cường khả năng hoạt động của vi khuẩn có vai trò quan trọng trong cơ chế miễn dịch. Collagen tạo môi trường thích hợp cho hoạt động của các vi khuẩn có ích này trong cơ thể. Vì thế, collagen có tác dụng cải thiện chứng táo bón hay gặp ở phụ nữ, giữ da đẹp và tăng cường khả năng hoạt động của não.
Đối với việc kiểm soát cân nặng: Protein là dưỡng chất mang đến cảm giác no lớn nhất, lớn hơn cả carbohydrates và chất béo cho cùng một lượng calo tiêu thụ. Bổ sung collagen rất tốt cho việc kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ thừa cân. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng rút ngắn thời gian phục hồi sau những nỗ lực vận động hay tập thể thao quá sức.
Collagen nào cũng giúp đẹp da?
Tả xung hữu đột trong cơ thể với nhiều vai trò, nhiệm vụ quan trọng. Do đó, khi thiếu hụt collagen, cơ thể tỏ rõ sự sa sút ở một số bộ phận, tùy mức độ collagen giảm ít hay nhiều. Rất nhiều người nghĩ rằng, chuyện đơn giản vô cùng là thiếu gì cứ bù nấy – chỉ cần nạp collagen bằng mọi cách, miễn vào được cơ thể là xong. Tuy nhiên, theo các phân tích khoa học, có vài chục loại collagen, tập trung chủ yếu ở các nhóm collagen tuýp I, II, III, IV, V.
Collagen tuýp I: Da gân thành mạch, dây chằng, nội tạng và thành phần chính của xương.
Collagen tuýp II: Thành phần chính của sụn.
Collagen tuýp III: Thành phần chính của các sợi lưới liên kết trên da, dây chằng…
Collagen tuýp IV: Phần màng đáy.
Collagen tuýp V: Thành phần chính của bề mặt tế bào, lông, tóc và nhau thai.
Như vậy, nếu muốn làm đẹp da, bạn cần chọn đúng collagen tuýp I và III. Collagen không phải là giải pháp duy nhất giúp chống lão hóa. Tuy nhiên, vì collagen đạt hiệu quả cao trong quá trình hồi phục, tái tạo da và an toàn, dễ sử dụng nên hầu hết các bác sĩ và chuyên gia thẩm mỹ đều khuyên dùng. Nhưng dùng thế nào cho đúng?
Bao nhiêu phần trăm sự thật trong vạn lời đồn?
Theo dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường, công tác tại Đại học Dược Curtin (Úc): Rất nhiều người nghĩ rằng khi thiếu hụt collagen do tuổi tác, cách tốt nhất là “huy động vốn” collagen từ bên ngoài. Có người chỉ nghĩ đơn giản uống nhiều collagen thì càng giúp cơ thể tạo ra collagen. Điều này chưa chính xác vì cơ thể chúng ta có rất nhiều dạng collagen đảm đương những nhiệm vụ khác nhau. Dù collagen rất quan trọng cho cơ thể nhưng chưa có bằng chứng khoa học xác định rằng dùng thức uống có collagen hoặc ăn những thực phẩm có collagen sẽ giúp bạn trẻ đẹp hơn. Các nhà khoa học cho rằng, collagen chỉ công hiệu khi cơ thể tổng hợp ra chúng một cách tự nhiên. Chúng ta có thể “nâng cấp” collagen trong cơ thể bằng cách dùng những loại thức ăn giúp cơ thể tổng hợp ra collagen. Riêng đồ ăn, thức uống có chứa collagen thì sau khi vào hệ tiêu hóa sẽ được dịch tiêu hóa nhào trộn, phân hủy và biến thành các amino acids. Collagen không còn nguyên như lúc chưa được tiêu hóa và cũng không hòa vào dòng collagen sẵn có của cơ thể. Riêng về mỹ phẩm chứa collagen có thật sự công dụng hay không? Các nhà nghiên cứu cho rằng, cấu trúc phân tử của collagen quá lớn, không dễ dàng ngấm qua da để phát huy tác dụng. Nhiều người quá nôn nóng việc bổ sung collagen nên đã yêu cầu thầy thuốc chích thẳng collagen vào cơ thể. Điều này có thể gây hại vì có thể xảy ra các phản ứng dị ứng như nôn mửa, nóng sốt, ngứa, nổi đỏ, tróc da… hoặc bị đau ở nơi chích.
Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Tp.HCM, cho biết: “Để tiêu hóa thức ăn, dạ dày phải chuyển hóa thức ăn thành những chất cơ thể hấp thu được. Collagen cũng không ngoại lệ. Đây là một loại protein, khi vào dạ dày sẽ bị các dịch tiêu hóa (acid HCl, enzymes) biến đổi, cắt nhỏ để tạo ra dưỡng chất. Người sử dụng thường cho rằng, dùng collagen sẽ làm trẻ hóa da mặt, nhưng khi collagen vào cơ thể thì phải chịu sự phân công của cơ thể, bị đẩy đến vị trí nào đó mà chủ nhân hoàn toàn không mong muốn, ví dụ như… vòng hai. Collagen thực chất do tế bào cơ thể tổng hợp thành. Để cơ thể tạo ra collagen, cần có sự tham gia của nhiều loại vitamin, khoáng chất khác. Nếu chỉ bổ sung collagen mà thiếu các vitamin C, B, kẽm, iốt…, collagen đưa vào cơ thể không được hấp thu, sẽ bài tiết ra ngoài. Riêng đối với các loại sữa, nước uống hoặc bánh kẹo có collagen không ghi rõ thành phần, hàm lượng thì chỉ có tác dụng… quảng cáo chứ hàm lượng collagen trong đó không đáng kể.
Thêm một điều mọi người cần biết là collagen có thẩm thấu qua da hay không? Tiến sĩ – bác sĩ Lê Hành, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ – Bệnh viện Chợ Rẫy, khẳng định: Da là một màng bọc bảo vệ cơ thể rất khó tính, chỉ thẩm thấu rất chọn lọc một số chất liệu “nhỏ” như nước, dầu… Collagen không thể thấm qua da vì có cấu trúc phân tử lớn. Còn collagen khi nằm trên da có công dụng gì, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào công bố. Tuy nhiên, hiện nay một số hãng mỹ phẩm nổi tiếng đã giúp collagen thấm vào da nhờ có chất dẫn. Các sản phẩm này thường có giá rất cao. Hiệu quả thấy được rõ nhất là kích thích tăng sinh lớp collagen dưới da bằng máy. Để tác động mạnh vào lớp mô bên dưới mà không làm hư lớp da bên trên, đòi hỏi máy phải được thiết kế đặc biệt: có hệ thống làm lạnh hiệu quả để bảo vệ tốt lớp da bề mặt. Do đó, chất lượng thiết bị cao cấp, bác sĩ có kinh nghiệm mới đáp ứng được yêu cầu này. Ngoài ra, vì cơ thể tự tăng sinh collagen nên cần phải có thời gian dài (1-3 tháng) mới thấy rõ tác dụng tăng sinh collagen.
Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Hữu Đức, Giảng viên bộ môn Dược, Đại học Y dược Tp.HCM, cũng cho biết thêm: Các chế phẩm dùng nguyên liệu không phải là collagen của người mà lấy từ các động vật khác nên có nguy cơ gây dị ứng khi uống. Đã có trường hợp phải nhập viện để điều trị các nốt sưng đỏ, bọng nước trên da do uống collagen. Đối với các chế phẩm bôi ngoài da, mặc dù đạt tiêu chuẩn chất lượng vẫn có thể gây dị ứng (tất cả các loại mỹ phẩm như sữa rửa mặt, bột, kem dưỡng da… đều chứa hóa chất bảo quản là các chất gây dị ứng rất cao). Đặc biệt, nếu dùng collagen bôi ngoài da không đúng cách, không phù hợp cơ địa, hay dùng chế phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng có thể bị tai biến như nhiễm trùng da hoặc viêm da dị ứng toàn thân. Lời khuyên chung cho việc dùng mỹ phẩm bôi lên da: Nếu bôi chế phẩm collagen, đầu tiên nên bôi trên vùng da nhỏ ở mặt trong cánh tay trong 24 giờ, nếu không bị phản ứng đỏ, ngứa da thì có thể dùng.
Collagen ở ngay bên bạn!
Thay vì tìm đến các chế phẩm từ collagen như một cứu cánh duy nhất trước sự lão hóa da, chúng ta vẫn có thể bổ sung loại protein này bằng cách thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý có đủ các chất. Đó là những thực phẩm giàu vitamin C như dưa hấu, cam, quýt, ớt xanh, dâu tây…; thực phẩm giàu vitamin B3 như cá ngừ, củ dền, hạt hướng dương…; thực phẩm giàu chất đồng như ngũ cốc, nấm; các loại hải sản như ngao, sò, ốc, hến… Đặc biệt, có hai món “quốc hồn quốc túy” vốn có lợi cho sự tổng hợp collagen, đó là cam và khoai lang – đừng nên bỏ lỡ.
Chế độ ngủ đủ, uống nước đủ, chống stress và dùng thực phẩm hợp vệ sinh cũng quan trọng không kém. Bên cạnh đó, cuộc sống năng động, thường xuyên tập luyện thể thao, tinh thần sảng khoái, yêu đời cũng góp phần làm chậm quá trình lão hóa.