Thảm đỏ và thảm chùi chân - Tạp chí Đẹp

Thảm đỏ và thảm chùi chân

Sống
Nếu Tú Xương sống vào thời đương đại và may mắn giành được một cái giải be bé nào đó ở liên hoan phim, tôi tự hỏi không biết chàng Tú có khoác tay Nàng Thơ của mình, người đàn bà “quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng” (quy ra cùng đơn vị là sáu con) sải bước trên thảm đỏ ngày khai mạc, chàng “suit” đỏ và nàng đầm lệch vai (“fake” hay là “authentic” chưa phân định được), hay không?

Tôi lo lắng chẳng biết chân Nàng Thơ của chàng Tú có đủ dài thẳng để mà sải bước không, đôi chân tối ngày dầm bùn lội ruộng nứt nẻ sao tránh khỏi, đi spa mấy năm thì chân mới mướt được như Thanh Hằng. Mà nếu không được đi dự hội cô-Tấm-thời-nay có tung hoa tung hài tung các thứ thì nàng có mặc cảm với chúng bạn, có thấy thua chị kém em mà khóc tu tu mỗi đêm không? Hay là cô gái thôn Tương Bần của Trần Tiến thì dứt khoát cứ phải áo tứ thân gồng gánh chợ phiên đầu tắt mặt tối suốt đời và vẫn phải điềm nhiên coi đấy là hạnh phúc?

Vẫn cứ phải coi đấy là tình yêu?

Tôi tự hỏi không biết giữa một người vợ mấy mươi năm quanh quẩn giặt thảm chùi chân nhà tắm với một nàng hôn thê được chồng cho sải chân/oải chân/trượt chân trên thảm đỏ lễ lạt, ai được yêu hơn? Rồi cái sinh linh được mệnh danh là Nữ thần cảm hứng – tức là Muse hay Nàng Thơ – có nhất thiết phải được chìa ra cho thiên hạ bình phẩm ở tất cả các dịp, hay là vẫn có thể để nàng lầm lũi nhẫn nại trong bầu không khí tranh tối tranh sáng của túp lều tranh mà không đánh mất hai quả tim vàng, không tổn hại đến tình yêu, hạnh phúc?

Người bị giấu có hạnh phúc, người giấu có yêu?

Không hẳn đàn bà xấu là không có quà như câu chuyện Y Ban viết. Vấn đề ta cần bàn ở đây là bản chất của quà, có cùng một thứ quà cho mọi người đàn bà không, rồi thì là thứ mà người tặng nghĩ là quà thì người được tặng có cùng suy nghĩ ấy không nữa…

Nàng bảo tôi (nàng ở đây là nàng của tôi, không phải của Tú Xương hay là nàng Y Ban), em không hợp với đám đông. Chẳng phải nàng là người giao tiếp kém, mà nàng thích ngủ sớm và không ưa ồn ào chúc tụng cụng ly đập chén. Từ khi quen nàng, tôi bớt lui tới những nơi phồn hoa; từ khi yêu nàng, tôi giảm rồi dần dà bỏ hẳn các cuộc hội hè đình đám.

Tôi coi việc không ra ngoài vênh váo trà đình tửu quán, thảm đỏ thảm xanh, cốc tai cốc tiếc, ở nhà với nàng vào các buổi tối, là một món quà tôi tặng riêng cho nàng. Bây giờ thì nàng quý, nàng cảm nhận được, nàng thấu hiểu, nàng hạnh phúc, nhưng biết đâu biết đâu đấy…

Biết đâu ngày này năm sau nàng không quý nữa. Sao anh cứ bắt em ru rú ở nhà; sao chị X em Y được người yêu dẫn đi giới thiệu khắp lượt, mà em thì chẳng ai biết; chắc tại em quê mùa xấu xí nên anh mặc cảm không “show” em ra?

Ai lường trước được chuyện ngày mai!

Không kể kiểu quà hên xui người thích kẻ không như nói ở trên, có những thứ quà tôi đoan chắc mọi người đàn bà đều thích (tôi tránh nhắc đến kim cương). Hoa tươi. Nước hoa.

Nến thơm. Nụ hôn. Tứ thời đều hợp, từ thời Cleopatra đến giờ vẫn hợp, vợ Tú Xương hay là vợ… tôi đều thích, mà lại chẳng phải đợi đến tháng ba ngày tám hay là tháng mười ngày hai mươi.
Đấy là tặng, thế còn nhận?

Đàn ông thích nhận quà gì?

Tôi không thể phát biểu hộ cho toàn thể cánh đàn ông trên mặt đất. Tôi xét trường hợp tôi thôi. Có lần, tâm sự với người bạn thân, tôi đã nói rằng thật là ấm áp, thật là lâng lâng khi mình đang làm việc mà biết được rằng đang có một người nghĩ về mình, hướng đến mình, mong đợi ở mình. Tôi mê cảm giác đó lắm, từa tựa như mùa mưa bão mà được vùi chân vào kotatsu và nhấm nháp sake nóng. Ấm, dịu nhẹ, cứ thế hoài không tan – món quà tôi nhận được từ nàng đó, chẳng gì bằng.

Tôi cũng muốn có thêm một số thứ giản dị khác: một ánh mắt âu yếm, một nụ cười hiền (miễn đừng nhàu nát như nhân vật của Phạm Thị Hoài), một vòng ôm, một tin nhắn, một cuốn sách với lời đề tặng chân thành, một chuyện kể thú vị, một món ăn vừa miệng. Có một số thứ khác không giản dị bằng mà lại còn tế nhị, tôi không tiện kể.

Suy cho cùng, giá trị của quà không phải ở… quà, mà ở sự giao hòa giữa hai cá nhân. Khi hai người cùng một cảm xúc, một ý nghĩ, khi ấy món quà nào cũng đầy giá trị. Lệch pha, thì dẫu kim cương cũng vứt đi (cái này là tôi nói hơi quá một chút). Với lại, đàn ông hay phụ nữ, cũng đều có nhu cầu trao và nhận. Chưa bình đẳng được ở sân bóng thì cũng nên tập bình đẳng ở quà.

Quà không làm nên hạnh phúc, không xây thành tình yêu. Nhưng quà nhất định là biểu trưng của tình yêu và hạnh phúc vậy.

Bài: Quốc Bảo

Thực hiện: depweb

10/01/2011, 16:38