‘Thảm đỏ’ chưa thật mở đón nhân tài

Vào rồi thì thất vọng

“Những người thực sự có khát vọng cống hiến, họ dám hi sinh cơ hội công việc ngoài nhà nước. Song, có không ít người “hưởng ưu đãi” để vào nhà nước rồi lại thất vọng” – anh Nguyễn Quang Uy – thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự Hà Nội năm 2004 tâm sự.

Sau khi được vinh danh thủ khoa, anh Quang Uy về làm việc tại trường, học cao học và có 3 năm nghiên cứu sinh tại Ireland. Sau đó, anh trở về tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu tại HV Kỹ thuật Quân sự. 

Là người đam mê khoa học, thích nghiên cứu, nên anh khá hài lòng với cuộc sống hiện tại. Dù theo anh, “làm nghiên cứu trong nước, cơ sở vật chất hạn chế, cộng đồng nghiên cứu không mạnh, người làm nghiên cứu vẫn phải lo cơm áo gạo tiền…” 

“Những người thực sự có khát vọng cống hiến, họ dám hi sinh cơ hội…” – lời Thủ khoa Nguyễn Quang Uy. Trong ảnh, anh Uy hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình. (Ảnh: Quỳnh Anh) 

Từ khát vọng bản thân anh đúc kết “bất cứ người trẻ nào cũng mong muốn được đóng góp năng lực của mình cho xã hội.”

“Mới ra trường, SV nào cũng khao khát được cống hiến, được làm việc nên chính sách trải thảm đỏ của Hà Nội chắc chắn dành được thiện chí của các bạn” – anh Uy khẳng định. Nhưng, vì sao số người từ chối lại nhiều? Theo anh, ngoài lý do mâu thuẫn cung – cầu giữa các ngành thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu một môi trường làm việc phù hợp, mức đãi ngộ lương bổng không tương xứng…”

“Tuy nhiên, từ chối “thảm đỏ” không có nghĩa là các bạn không mong muốn cống hiến” – anh Uy nhìn nhận.

Môi trường làm việc không tương xứng

Học ngành Công nghệ thông tin (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) – Trần Tuấn Anh thủ khoa năm 2010 hoàn toàn không “bị” chính sách sử dụng thủ khoa của Hà Nội cuốn hút. Ngay từ thời sinh viên, Tuấn Anh đã tham gia nhóm nghiên cứu MIMAS (nhóm đoạt giải nhất cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2010 với sản phẩm Hệ thống số hóa tư duy con người).

Thủ khoa Trần Tuấn Anh (thứ 2 từ phải qua) cùng đồng đội trong đêm trao giải Nhân tài Đất Việt (Ảnh: ĐH Bách Khoa HN) 

Với thành tích “khủng” sau khi ra trường, anh được công ty uy tín săn đón, đồng thời được tạo điều kiện làm việc và nghiên cứu rất tốt.

Tuấn Anh chia sẻ: “Sau khi ra trường, tôi vào làm việc luôn ở một công ty Mỹ, chi nhánh tại Việt Nam. Vừa làm, vừa tiếp tục nghiên cứu trong nhóm MIMAS. Cùng thời gian đó, tôi được gặp gỡ các bạn đỗ VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) 2011, được họ truyền lửa. Từ đó, tôi quyết định ứng tuyển VEF để đi du học”

Vừa học, vừa làm, vừa ôn luyện đi vượt qua những kỳ sát hạch khó khăn, Tuấn Anh trúng tuyển và đi du học tại Mỹ. Với anh, cả một chân trời mới đang rộng mở trước mắt.

Từ  kinh nghiệm thực tế Tuấn Anh so sánh, với đặc trưng ngành CNTT, độ hấp dẫn của môi trường nhà nước thua xa các vị trí tuyển dụng của tư nhân, nước ngoài. Hơn nữa, các đãi ngộ trong nước vẫn chưa đạt được kỳ vọng của nhiều thủ khoa như: Môi trường làm việc, điều kiện phát triển tốt; công việc phù hợp và chế độ đãi ngộ thỏa đáng; có cơ hội đóng góp cho xã hội….

“Cho nên, con số 10% các thủ khoa chịu “đầu quân” cho thành phố Hà Nội sau 10 năm phát động chính sách thu hút người tài là bình thường, đúng quy luật” – thủ khoa Trường ĐH Bách khoa năm 2007 Võ Hoàng Biên bộc bạch.

“Cũng như các bạn sinh viên mới ra trường khác, các thủ khoa cũng sẽ có những chọn lựa, so sánh giữa các cơ hội đến với họ” – anh Biên nói.

“Trong nền kinh tế thị trường, cơ hội về nghề nghiệp của các bạn trẻ cũng rộng mở hơn, đây là một điều rất thuận lợi cho họ. Nói nguồn nhân lực chất lượng cao, tôi đánh giá các cơ quan nhà nước cũng giống như các doanh nghiệp, công ty khác. Để thu hút được nhân lực thì họ sẽ phải đưa ra được những ưu điểm hay lợi thế trong điều kiện làm việc, lương bổng, đãi ngộ… Như thế mới thu hút được nguồn lực có chất lượng cao cũng như giữ và sử dụng tốt những tài năng.

Khi mà môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước được nhiều người đánh giá là chưa năng động và chưa tạo điều kiện cho các ý tưởng sáng tạo thì các thủ khoa sẽ chọn những cơ hội khác, phù hợp hơn” – thủ khoa 2007 nêu quy luật.

Theo Vietnamnet


From the same category