Thái Hòa: "Tôi đang đánh bạc với cuộc đời mình" - Tạp chí Đẹp

Thái Hòa: “Tôi đang đánh bạc với cuộc đời mình”

Sao

Nhưng gương mặt hài nổi bật ấy lại chọn cách ít xuất hiện, sống giản dị chứ không theo lối showbiz hào nhoáng. Bề ngoài của anh trong đời thường dễ gần, lại nam tính, khác hẳn với hình ảnh Hội chuyển giới, cứ ngỡ như con người và nhân vật trong phim không ăn nhập gì với nhau. 

– Có vẻ nhưng bên ngoài, anh dễ gần và tạo cho người đối diện cảm giác thoải mái hơn là hình dung về một diễn viên số 1 của phòng vé Việt? 

– Có thể là vì tôi đơn giản, bình thường như bao người, tự lái xe đi làm, không có tài xế riêng. Không có gì là giống người nổi tiếng. Mà đúng, tôi là vậy, ít hợp với cái gì xa hoa, hào nhoáng. Tôi ít khi dự event, hầu như là từ chối hết ngoại trừ những việc không thể né được thì mới đi, chứ đi để lấy tiền thì hạn chế lắm. Tiền thì cũng thích nhưng tôi không khéo giao tiếp, đi các event sang trọng, đông người, mặc đồ vest, cầm ly rượu đi vòng vòng, không hạp. Mình phải hòa vô không khí đó nhưng mình không làm được. Nhưng ai mà biết được, trả 2.000; 3.000USD thì không đi nhưng 4.000; 5.000USD thì cắn răng đi thì sao (haha).
– Bộ phim Việt Nam gần nhất mà anh xem là phim nào? 

– Gần đây nhất đi coi là “Vòng eo 56”. 30 phút đầu phim ok, nhưng câu chuyện đẩy lên hơi quá. Mà một khi ở đoạn đầu đã đẩy lên thì phía sau, đạo diễn phải tìm cách đẩy lên hơn nữa. Có nhiều chi tiết hay mà quá phí, không khai thác được hết. Tôi cảm giác Đãng bấm máy phim này khi kịch bản chưa chín. Nhiều tình tiết hay nhưng cuối cùng không xài được nó.

Chi tiết Ngọc Trinh hay đi chân không, bưng bê, nếu tôi là đạo diễn hoặc là biên kịch sẽ xài chi tiết đó, ví dụ như đến một cuộc thi nhan sắc quan trọng, có thể thay đổi cuộc đời Ngọc Trinh, thì trong chiếc giày của Trinh, có một miếng mảnh chai, gai hay kim của ai đó cố tình chơi xấu, khiến Trinh bị cứa vào chân, chảy máu, nhưng cô vẫn đi tự nhiên vì quá khứ đã gặp như vậy.

Hoặc như hình ảnh Ngọc Trinh hôn con ếch đi, quá đẹp, quá dễ thương, nhưng ngay sau đó chuyển cảnh thì khán giả thấy Ngọc Trinh ngồi nướng ếch và ăn mất. Có thể nó khiến khán giả cười nhưng chẳng được gì cả, làm cho nhân vật phản cảm. Cái ước mơ đẹp đẽ của tuổi thơ giờ bị nhai xồm xoàm, làm nhân vật mất đẹp. Và nếu tôi là biên kịch hoặc đạo diễn thì tôi sẽ cho nhân vật đó hun con ếch ở cuối phim một lần nữa…

Nguyên mảng đầu, thấy gia đình Ngọc Trinh quá khổ sở, Ngọc Trinh quá tội nghiệp, đến mảng sau, khi có đại gia ra giá thì Ngọc Trinh phải dằn vặt với lời đề nghị đó, chứ không phải mở miệng ra “tôi không phải là gái”, như vậy thì không có gì để coi hết, dễ cho cảm giác hơi bị tô vẽ quá… Một khi thấy nhân vật hoàn thiện quá thì khán giả sẽ không thích coi. 

– Còn trong bộ phim “Fan cuồng” do Charlie đạo diễn trong tháng 7 ra mắt thì Thái Hòa có tham gia biên kịch không, có hùn vốn đầu tư sản xuất không?

– Không, tôi ngồi bàn bạc, góp ý cùng thôi. Phim này tôi hùn công, tức là hùn cát sê vô tiền đầu tư, đạo diễn Charlie cũng hùn công giống tôi cùng nhà đầu tư. Làm như vậy để thấy cuộc chơi của mình nó dài hơi, chứ chỉ nhận cát sê thì phim quay xong thì mình xong nhiệm vụ rồi. Như vậy thì mới hồi hộp theo dõi, căng thẳng hơn, vui hơn, mình sẽ sống được với phim mình lâu hơn. Lần này, với “Fan cuồng”, ê kíp lo lắng lắm vì kinh phí đã lên tới 26 tỷ. Doanh thu tầm 52 tỷ thì chúng tôi mới huề vốn. Phim này dự đoán sẽ khó thắng lớn vì thể loại của nó không phải là hài, mà hài thì mới an toàn, phim này thiên về cảm xúc, lãng mạn. Thể loại phim theo Charlie nói là drama comedy, vừa có tình cảm lãng mạn, vừa chút bi, vừa chút hài hước.

– Vì sao không an toàn về doanh thu, mà ê kíp dám đầu tư cao?

– Ở Việt Nam, có những đạo diễn mình đã tin rồi thì mình sẵn sàng sống chết cùng họ. Charlie, Victor, Lưu Huỳnh, Hàm Trần, đó là những người mình biết tài năng, khả năng của họ nên cỡ nào mình cũng chơi. Kịch bản “Fan cuồng”, Charlie là người yêu nó nhất, mọi người lúc đầu đọc kịch bản không được thuyết phục lắm nhưng Charlie đã rung động, cảm xúc với nó thì tôi tin tưởng hoàn toàn. 

Phim ban đầu tính có 16 tỷ thôi, vậy cũng đã quá cao với thể loại này rồi. Nhưng sau đó, để làm liveshow  nhạc rock trong phim thì đoàn đã quyết định đầu tư khủng. Liveshow trong phim nhưng hơn rất nhiều liveshow của ca sĩ thật ngoài đời. Quay 3 ngày, với hơn 4.000 diễn viên quần chúng, các ban nhạc rock đã thực sự chơi hết mình, xõa thật sự. Riêng liveshow này, chúng tôi đã đầu tư 5 tỷ. 
Ngoài ra, ban đầu dự định có 50 show kỹ xảo, giờ tính ra có hơn 160 show kỹ xảo. Tôi sợ 26 tỷ còn không đủ. Charlie là vậy, có thể khán giả thích phim này, không thích phim kia nhưng chưa bao giờ anh ấy không “máu” trong phim của mình. Còn làm việc với ảnh thì chưa bao giờ dễ dàng cả. Đòi hỏi của ảnh càng ngày càng cao. “Fan cuồng” là thể loại lãng mạn, bi hài, nghe thì thấy thể loại này có vẻ nhẹ nhàng mà khi quay xong, tôi xuống 4 kg. Mấy ngày cuối là mặt hốc lại, kéo áo ra lòi xương. Quay nhiều lúc mệt luôn, nhưng mình biết, như vậy nó tốt cho mình. 

Để Hội tính, doanh thu hơn 100 tỷ. Nhiều khán giả, người bình luận nói rằng, đạo diễn Charlie Nguyễn cứ ăn theo những thành công cũ, doanh thu càng lúc càng cao nhưng phim sau thì chất lượng càng kém phim trước. Là một diễn viên chính trong các phim của Charlie, anh nghĩ gì?

– Không thể nào so “Long Ruồi”, “Tèo Em”, “Để Mai tính” với “Dòng máu anh hùng”, nó khập khiễng lắm. Tôi làm việc với Charlie, chưa bao giờ thấy Charlie dễ dãi, chưa bao giờ hết máu lửa. Tôi đánh giá Charlie sẽ còn đi xa nữa vì ở tuổi này mà Charlie còn cập nhật rất nhiều những cái mới lạ của phim ảnh. Còn nói phim hay, phim dở, khó nói lắm. Ví dụ như bom tấn Mỹ gần đây là “Batman Đại chiến Superman”, hai siêu anh hùng đụng nhau. Ở đất nước mà nền điện ảnh cao như Mỹ, hỗ trợ cho đạo diễn không biết bao nhiêu cái đầu siêu, kịch bản sàng lọc qua bao nhiêu người, sử dụng rất nhiều chất xám mà ra một cái phim khán giả còn chê dở.

Khi làm phim, không ai dám nói trước tôi sẽ làm được một phim hay, mặc dù ai cũng nghĩ kịch bản mình hay. Mình làm phim là một chuyện, làm đúng là một chuyện, mình thấy hay là một chuyện, còn khán giả mới là người quyết định. Khó mà đòi hỏi phim nào cũng như ý. Nhưng tôi tin tưởng Charlie vì ảnh luôn tiếp thu. Sau mỗi phim, chúng tôi luôn ngồi lại để coi chưa làm được gì. Phim ảnh không giống như các nghề khác, bạn đã tới “level” này thì sẽ chỉ có đi lên, phim ảnh thì xong một phim thành công, bạn phải bắt đầu lại từ đầu.

Phim này lên đỉnh, phim sau xuống đáy cũng là chuyện bình thường. Với Charlie cũng vậy, có phim tốt, phim không tốt liền kề nhau, cũng là bình thường. Điện ảnh thế giới cũng vậy, có đạo diễn vừa được Oscar rồi sau đó, phim tiếp theo lại nhận giải Mâm Xôi Vàng. Tôi thì thấy, Charlie vẫn đang cố gắng. Charlie không bao giờ buông xuôi, dễ dãi với bản thân. Ngoài ra, để có được bộ phim hay, còn bao nhiêu thứ tác động chứ có phải chỉ phụ thuộc vào duy nhất khả năng của đạo diễn đâu. 

Năm nay có hơn 50 phim ra rạp, có tầm 10 phim làm đàng hoàng còn đống phim còn lại làm để giựt tiền. Tôi dám tự tin khẳng định ê kíp của Charlie không phải là ê kíp làm để giựt tiền khán giả. Nếu làm để nhắm vào doanh thu thì không bao giờ đầu tư cao. Phim càng lúc đầu tư càng cao, “Tèo Em” 12 tỷ, đến Để Hội tính” 16 tỷ, “Fan Cuồng” thì 26 tỷ. Nếu nhắm làm doanh thu, không ai làm vậy.

Nhiều nhà làm phim bây giờ, khi làm phim, điều họ nghĩ trước tiên là kiếm tiền từ phim, do đó, khi bắt đầu, thì tâm thế của họ sẽ tính làm sao giảm giá thành sản xuất xuống, 5, 6, 7 tỷ thôi, xong lên báo nói là mười mấy, hai chục tỷ. Quay máy ít xuống, bối cảnh bớt lại, ngày quay giảm xuống. Còn với hãng Chánh Phương, đương nhiên họ có nghĩ đến doanh thu, nhưng cái được là họ có thể làm mọi thứ tốt nhất có thể, sau đó, doanh thu là chuyện do phim tốt đem lại. Ví như ba phim “Tèo Em”, “Long Ruồi”, “Để Hội tính”, tuy là phim giải trí, nhiều người nghĩ làm vì tiền nhưng quả thực, ê kíp đã đầu tư, dụng công rất nhiều.

Ví dụ như trong “Tèo Em”, bộ phim mà báo chí thì dập tơi tả, khán giả thì bênh, chỉ riêng cảnh quay cá sấu thôi, chúng tôi phải đóng ván hết nguyên lòng sông, mua bộ da cá sấu, cascadeur xuống dưới lòng sông, tập múa may với con cá sấu nhồi 1 tuần, rồi khi ê kíp xuống quay một tuần nữa. Chỉ một cảnh cá sấu vài phút, đoàn đã làm việc cả tháng. Báo chí nói chúng tôi hài nhảm, tôi không nghĩ vậy đâu, hài nhảm chỉ nên dùng cho những bộ phim hài giựt tiền.

Bước vô rạp, coi phim, có thể khán giả thấy không hay, không đã là một chuyện nhưng coi một bộ phim cẩu thả thì nó khó chịu ghê lắm. Với anh em làm phim cũng vậy, tôi vẫn kêu gọi mọi người ủng hộ các bộ phim Việt có thể chưa xuất sắc nhưng họ làm đàng hoàng, tử tế, nỗ lực, còn với các phim giựt tiền, tôi chỉ mong nó chết đi thôi, chết từ trong trứng. Có phim quay vài ngày, làm ẩu tả, làm chỉ để kiếm tiền chia nhau. Có phim, họ lấy 30 tập phim truyền hình, cắt ra, dựng lại, làm thành phim chiếu rạp. 

Khán giả khi coi phim mà không chọn ê kíp làm phim thì dễ dàng ủng hộ cho những kẻ móc túi. Mà một khi đã ghét phim Việt rồi thì họ dễ dàng có tâm lý cạch phim Việt nói chung. Sợ nhất là họ không coi phim Việt nữa. Còn nữa, cũng sợ những người cứ đi so sánh phim Việt Nam với phim Hàn, phim Hollywood. 

– Trong các vai diễn của mình, anh thích nhất vai nào?

– Vai diễn để đời thì chưa. Chưa có vai nào mình hài lòng hoàn toàn. Chưa đạt được cái tầm mà mình mong muốn.
– Với “Fan cuồng” thì sao?

– Ẩn số. Phải ra rạp mới biết. Mà vai diễn để đời của tôi chắc còn ở phía trước. Tôi cũng không muốn nó xuất hiện ở thời điểm này. 

– Vài năm gần đây, có nhiều gương mặt nổi lên như Trấn Thành, Trường Giang, từ sân khấu lấn sân sang phim ảnh, giống như con đường của anh, anh có lo cho vị trí của mình?

– Cái tôi lo là họ có làm việc đàng hoàng không mà thôi. Không có tôi thì có người khác. Đó là quy luật. Ai cũng đi đến cái điểm kết thúc, không ai có thể đứng trên đỉnh hoài. Mà tôi cũng chưa bao giờ muốn lên đỉnh, tôi muốn cái đỉnh của mình còn nằm ở phía trước để mình có cái để phấn đấu hoài. Tôi chỉ sợ các ê kíp làm phim không đàng hoàng, chứ Thành, Giang làm các bộ phim tốt, kéo lại uy tín cho phim Việt thì phải mừng chứ, vì ai làm phim cũng sẽ được hưởng lợi từ các sự thành công của các đoàn làm phim khác. Mặt bằng điện ảnh lên thì mình cũng phát triển theo. 

– Bây giờ, các nghệ sĩ hoạt động khá chuyên nghiệp, họ có các hoạt động “social media”, gần công chúng hơn, kiếm tiền dễ hơn, tham gia nhiều gameshow hài hơn. Anh có thấy khó chịu hay chạnh lòng không khi những người cũng xuất thân là diễn viên hài, đi đóng phim, như Trường Giang chẳng hạn, trở nên hot hơn như vậy không, lại tham gia rất nhiều show?

– Tôi không bao giờ khó chịu các anh chị như Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang… phải làm gameshow hài hước. Cái tôi khó chịu là tư duy của người đạo diễn, họ đã làm hư nhiều chương trình. Nhiều gameshow, họ không đủ trình độ để làm nên cứ phải mời những người quá nổi tiếng để lôi kéo khán giả. Tôi thấy như vậy là sai, đâu phải chương trình nào cũng cần người nổi tiếng.

Cái hấp dẫn của gameshow nên bắt nguồn từ kịch tính trong chương trình, tình huống đưa ra. Cứ kêu tên tuổi nổi tiếng bên hài vô để thu hút nhờ yếu tố người nổi tiếng, trong khi cũng format đó, ở nước ngoài, không cần người nổi tiếng, họ vẫn làm chương trình hấp dẫn, hay. Những góc nhìn độc đáo, các suy nghĩ sâu sẽ là yếu tố làm cho chương trình hay. Tôi cũng làm hai chương trình rồi, ở vị trí giám khảo nhưng vì không hạp nên tôi dừng. 

Sau “Để Hội tính”, tôi nghỉ một năm để đi chơi vì mệt mỏi, áp lực. Phim kêu nhiều nhưng không thấy dự án nào quá đã nên không tham gia. Ngoài chuyện kiếm tiền ra, mình cũng phải để anh em trong nghề tôn trọng. Tôi nghĩ tôi cũng cần sự tôn trọng chứ không sống chỉ vì tiền không. Tiền nhiều quá chưa chắc đã hạnh phúc, nhiều khi còn mệt mỏi với tiền. Còn lại phải tận hưởng cuộc sống nữa chứ.

Tuổi của tôi đến giai đoạn cần chiều sâu, trải qua nhiều cung bậc cuộc sống nên kiếm tiền hoài thì cũng không đủ, nên thôi, tôi bớt lại. Tôi cũng thông cảm cho nhiều bạn trẻ, khi còn nổi, đang hot thì họ phải bào tiền, vì cái nghề này đâu ai sống lâu với nghề được, mỗi người còn có hoàn cảnh riêng. Không dám phán xét ai, vì có thể tuổi thơ họ khó khăn. Tôi thì cần nghỉ ngơi, học hỏi thêm, vì sau này, khi nghề diễn hết, mình còn có thể làm đạo diễn hay biên kịch, sống với nghề.

Tôi đang đánh bạc với cuộc đời mình chứ chưa chắc mình đã đúng, vì ai biết, sau này tôi không còn làm diễn viên nữa mà đạo diễn, biên kịch cũng không xong, rồi quay qua tiếc vì sao mình đã không làm đại, hốt đại phim này mấy tỷ cho khỏe. Ai có thể nói trước được điều gì. Nhưng mà tôi không chỉ cần tiền, tôi còn cần tình cảm của khán giả, tôi sợ khi mình làm việc tiền nhiều quá thì họ sẽ không thương mình nữa, tôi không muốn phụ lòng ba mình dù ba tôi đã mất khi tôi đang quay “Long Ruồi”, tôi muốn hai con mình tự hào, hãnh diện về mình. Có thể mình chọn ít vai lại nhưng thời gian sống trong lòng khán giả nó dài hơn. Tiền ít đi nhưng tinh thần thoải mái hơn. 

– Vợ anh có ủng hộ quan điểm đó không?

– Vợ tôi rất ủng hộ. Vợ là người không tham vọng, từng học đến thạc sĩ nhưng ở nhà chăm gia đình, rồi bán hàng qua mạng. Cũng có lúc vợ tôi hoang mang chứ, có người đề nghị 2, 3 tỷ, mời đóng chỉ quay 6 ngày sao không ham. Nhưng mà sau một hồi suy nghĩ, phân tích với nhau, biết trước ê kíp đó làm phim không chất lượng, tôi sợ mắc cỡ khi xem phim, nên chúng tôi từ chối. Nếu tôi tham tiền thì sau những thành công cao điểm, tôi chịu khó làm kịch bản, đạo diễn tự sản xuất, tự đầu tư thì cũng sẽ hốt bạc nhưng thôi, tôi đã từng gãy đổ một lần rồi, phải sống cho mình và cho gia đình nữa.

Bài: Trâm Anh
Nhiếp ảnh: Rin Trần

Thực hiện: depweb

02/06/2016, 16:52